19- Chớ lìa NHÂN NGÃ, SẮC KHÔNG

18 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 21132)
19- Chớ lìa NHÂN NGÃ, SẮC KHÔNG

lang_mu_vinh_chau_11-content

Làng mù ở Vỉnh Châu


Tìm hiểu 4 chữ NHÂN, NGÃ, SẮC, KHÔNG trong đạo Phật, người học Đạo ai ai cũng hiểu biết. Nhưng nói về diệu lý của nó thì thật là không đơn giản.

Bởi góc nhìn của Đấng giác ngộ, đạt huệ có khác hơn sự nhìn của kẻ phàm phu. Vì phàm phu coi mọi tướng mọi việc đều có, nên bỏ mất những gì có của mình, đều hối hận luyến tiếc không quên.

Ngược lại, Đấng giác ngộ giải thoát thì cho rằng đời là cõi tạm có có không không, nên không giữ gìn luyến tiếc (có thì xài, mất thì thôi).

Tuy nhiên, Đức Thầy khuyên người học Đạo nên quán xét cho rõ điều nầy:

“Nhân Ngã, Ngã Nhân đừng cách biệt,
Sắc Không, Không Sắc chớ lìa xa”.

Sau đây chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa bốn chữ nầy chỉ dù một cách tương đối, để mong sao sẽ thấu đáo được lời dạy của Đức Phật và Đức Thầy.

NHÂN (hay NHƠN): Người, người ta, loài người, kẻ. Đọc theo Phạn ngữ: Ma-nao xá, Mạt-nô sa.

Người là một hạng trong mười hạng chúng sanh : 1. Phật, 2 . Bồ tát, 3. Duyên giác, 4. Thinh văn (La hán), 5. Thiên (Tiên), 6. A tu la (Thần), 7. Nhơn (người), 8. Ngạ quỉ, 9. Địa ngục, 10. Súc sanh.
Theo Kinh chữ Phạn, con người hiệp lại bởi bảy chất là: 1. Thể xác, 2. Cái mạng, 3. Thể phách, 4. Cái hồn thấp, 5. Cái hồn người, 6. Cái hồn linh, 7. Cái hồn Thánh.

Mỗi khi Đức Phật đi xứ nầy xứ kia thuyết Kinh, thường có 1.250 đệ tử La Hán theo hầu theo nghe và ủng hộ (Thiên nhị bá ngũ thập nhơn cu…)
Người ta có kẻ nghèo, người giàu, kẻ sang, người hèn, kẻ mạnh khoẻ, người bệnh tật, kẻ sống lâu, ngưới chết yểu, kẻ muốn chi đặng nấy, người thiếu thốn trăm bề. Ấy vì Nghiệp duyên từ trước vậy.

Trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh có câu: Cho một trăm kẻ ác ăn, chẳng bằng cho một người thiện ăn.

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh cũng có câu: Người mê tức là chúng sanh, người ngộ tức là Phật.

NGÃ: Ta, tôi, mình, lấy thân mình mà nói. Thí dụ: Như thị ngã văn (Tôi nghe như vầy…) Ấy là lời tự thuật của Bồ tát A-Nan mỗi khi khai Kinh. Cái ta, cái tôi vốn chẳng thật, song vì phương tiện mà dùng vậy thôi.
Người chưa hiểu lý Đạo nhận rằng: Ngã là chủ của cái thân, nó là thường trụ chẳng hoại, (chữ Phạn là Atman). Trái lại, Đạo Phật thì chẳng nhận thức như vậy.

Người phàm phu thường nhận rằng: Ngã hiệp bởi Ngũ Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức). Nương ý họ, Phật có giải rằng: Tỷ như hai bàn tay vỗ với nhau, liền sanh ra tiếng.

Cũng như thế, ba món hiệp lại thì sanh ra Ngã. Ba món ấy là: 1) Chúng sanh (Ngũ Uẩn), 2) Nghiệp (Nhơn duyên và quả báo), 3) Ái (Lòng tríu mến). Cho nên lấy riêng ra từng món, từ cái Sắc cho tới cái Thức, tức là Ngũ Uẩn, cũng chẳng phải là Ngã.

Chính cái Ngã đó là cái Bổn Ngã, Giả Ngã, Vọng Ngã. Nhưng người phàm phu thường mê chấp, cố chấp cho nên yêu mến thân mình, binh vực ý tưởng của mình, bảo tồn những sở hữu của mình, như nhà cửa, tiền bạc, vợ con. Vì cái Ngã chấp, Ngã kiến đó, họ vướng các mối phiền luỵ, khổ não, đọa lạc luân hồi.

Nhà học Phật chơn chánh phải thoát ra cái sở chấp về Ngã, coi cái Ngã là giả dối, là tạm hiệp, là không: Mình cũng không, các sở hữu của mình đều là không; cho đến mọi chúng sanh và mọi vật mọi cảnh cũng đều không. Nhận thức như vậy thì dứt các mối tríu mến, tranh đua, khổ não. Tất nhiên thoát khỏi hai mối chấp: Ngã chấp, Pháp chấp. Nhận thức và giác ngộ như vậy một cách rốt ráo thì đắc Đạo, thành La hán.

Cho nên Phật dạy rằng: Vô Ngã, Vô Ngã sở. Phải diệt cái Ngã, phải tu Vô Ngã tưởng.

Khi thấy hàng Thinh Văn đã đắc lý Vô Ngã, đã diệt cái Bổn Ngã, Giả Ngã, Vọng Ngã, Phật bèn đưa họ lên Đại thừa, dạy họ tu tập cái Ngã của Phật, Bồ Tát. Ấy là các Đại Ngã, Thật Ngã, Chơn Ngã. Chính cái Ngã nầy là: Phật, Như lai, Phật tánh, Như lai tạng. Nó có đủ bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Còn cái Ngã chật hẹp, giả dối và riêng biệt của phàm phu thì có đủ bốn tánh xấu: Vô thường, Vô lạc (khổ), Vô Ngã, Bất tịnh.

Cái Ngã to lớn, thành thật, chơn chất vẫn ở nơi chúng sanh. Nhưng từ xưa tới nay, chúng sanh bị vô minh phiền não che bít, cho nên chẳng thấy được nó.

Vậy nên Phật có dạy rằng: Muốn thành Phật, phải tu Ngã tưởng, Hữu Ngã tưởng.

Trong Niết Bàn Kinh, quyển 34, Phật có phán: Ngã tức là xưa nay không có, có lại thành không. Khi sanh ra thì chẳng từ đâu mà đến; khi dứt mất chẳng có đi đâu. Tuy có Nghiêp quả, nhưng chẳng phải tự mình gây ra. Chẳng có bỏ đi Ngũ ấm, cũng chẳng nhận lấy Ngũ Ấm.

(NGŨ ẤM: Năm thứ Ấm. Phạn: Skanda; nghiã là tích tập, nhiều sự vật dồn dập, kết hợp nhau lại. Ngũ Ấm (cũng viết Ngũ Uẩn) là năm món tích tập lại, hiệp thành người, thành chúng sanh).
Tiếp theo là ý nghiã của Sắc, Không, (rút trong “Phật Học Từ Điển”):

SẮC: Màu sắc, hình sắc, sắc tướng, thể chất. Sắc có hai thứ:

1.- Hiển sắc: Như những màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen tùy theo vật mà hiển hiện ra cho ta thấy.

2.- Đối sắc: là những chất hoặc cứng, hoặc mềm, hoặc khô, hoặc ướt.

Đối sắc lại phân ra hai thứ: a)- Nội sắc là căn trong thân ta. b)- Ngoại sắc là những vật có hình chất từ nhỏ chí lớn trong thế gian.

Sắc là một trần trong Lục trần, một Uẩn trong Ngũ Uẩn. Đứng về địa vị đối đích, ta thấy cái Sắc đối với cái Không, trái nghịch với cái không. Nhưng đứng về địa vị tuyệt đích, xét theo lý Trung Đạo, cái Sắc tức là cái Không vậy.
Như trong Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh có nói: Cái Sắc có khác gì cái Không, và cái Không có khác gì cái Sắc đâu. Sắc tức là Không và Không tức là Sắc vậy. Cho đến bốn Uẩn kia: Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như vậy. Vì các Pháp đều không Tướng: Chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng dơ, chẳng sạch, chẳng thêm, chẳng bớt.

Vậy thì trong cảnh chơn không đâu có Sắc, đâu có những cái Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Đối với bực tâm thức giác ngộ, thì Sắc tức là Không vậy.

Trong thi phẩm “Hương Sơn Hành Trình” Chu Mạnh Trinh có viết:

“Sắc, Không ngồi nghĩ cho hay,
Từ bi cũng tấm lòng nầy mà ra”.

Sắc cũng đối với tâm (Phi sắc). Như trong Ngũ Uẩn, những vật nơi thân từ trong cho đến ngoài thuộc về Sắc; còn những món Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều thuộc về Tâm. Lại như bốn chất Tứ đại: Đất, Nước, Lửa, Gió đều thuộc về Sắc, tức là Sắc Pháp; còn thuộc về Phi Sắc, tức Phi sắc pháp là Tâm, bao nhiêu những pháp của Tâm (Tâm số pháp)

Dầu là những pháp thuộc về Tâm (Phi sắc), thảy đều là Vô thường biến đổi không thật.

KHÔNG: Trống không, không có thật, không có cảnh, không có thể. Đối với các chúng sanh, đối với các pháp, tức đối với các sự vật trong Tam Giới, mình nhận là chẳng phải thật, như vậy tức là Không. Đồng nghĩa: Vô. Đối nghĩa: Hữu (có). KHÔNG cũng có nghĩa: Hư không, chốn không gian vô tận.

Trong Đại Trí Độ Luận, phần thứ Năm có chép: Có người nói rằng: nếu nhìn xét ra, thấy rằng trong Ngũ Ấm (Ngũ Uẩn) không có ta, không phải của ta, như vậy gọi là Không.

Cũng trong Đại Trí Độ Luận, phần thứ 20: Tất cả các pháp đều do Nhân duyên mà sanh ra, tức là không có tự tánh. Đã không có tự tánh, tức là Không. Hễ mình nhận ra không, thì các sở kiến đều tiêu diệt.

Còn trong Đại Trí Độ Luận, phần thứ 46: Nầy Tu Bồ Đề ! Bồ Tát Ma Ha Tát, ấy là: 1. Nội không (Trong không), 2. Ngoại không (Ngoài không), 3. Nội ngoại không (Trong và Ngoài đều không), 4. Không không, 5. Đại không, 6. Đệ nhứt nghĩa không, 7. Hữu vi không, 8. Vô vi không, 9. Tất cảnh không, (Rốt ráo không) 10. Vô thỉ không, 11. Tán không (tan rã là không), 12. Tánh không, 13. Tự tướng không, 14. Chư pháp không, 15. Bất khả đắc không, 16. Vô pháp không, 17. Hữu pháp không, 18. Vô pháp hữu pháp không (Vô pháp mà có pháp đều không).

Học qua bốn chữ Nhân, Ngã, Sắc, Không mà Đức Thầy cho rằng “chớ lìa xa”. Bởi vì có người có ta cùng chung sống hằng ngày, mà xa lìa sao được ! Thí dụ: Gia đình dòng họ của chúng ta, chúng ta có bỏ lìa được không ? Cũng như ta cần hột cơm miếng vải, thuốc uống và đồ xài của nhơn loại. Vậy ta bỏ họ được không ? Hẳn là không vậy.

Đức Lục Tổ nói “Ngoài thân không có Phật”

Còn Đức Thầy xác nhận :

“Phật tại tâm chớ có đâu xa,
Mà tìm kiếm ở trên non núi”.

Bởi lìa Tướng mà tìm không, thì không đâu có ! Còn lìa thân, thì thân đâu mà tu học và Giác ngộ đặng độ chúng sanh !.
Do nơi cái nhìn thông suốt của Đức Thầy, nên Ngài cho rằng:

“Đời Đạo liên quan rạng chói ngời,
Trần hoàn biển khổ thẳm vơi vơi.
Thanh minh Đạo đức câu huyền bí,
Mượn lấy bút nghiên tỏ ít lời”.
(Tỏ Câu Huyền Bí)

Bởi Đạo Phật là Đạo nhập thế. Vì Đức Phật sau khi đã đạt ngộ giải thoát, Ngài vẫn ở lại 49 năm truyền dạy Giáo Lý để cứu độ chúng sanh.

“Cả hồng trần đau thương thống thiết,
Nhờ Ngài mà diệt nẻo luân hồi”.
(Khuyến Thiện, Quyển 5)

Bởi còn phân biệt NHÂN, NGÃ, SẮC, KHÔNG, thì chưa thông hiểu Giáo thuyết Bình Đẳng của nhà Phật:

“Không có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn, trong giọt máu cùng đỏ”.

Tuy vậy cũng có nhiều người, nhiều Tôn Giáo, chỉ coi trọng cá nhân và Tôn giáo của mình, nên chưa chịu hòa đồng với Nhân Loại Chúng Sanh.

Cho nên, Đức Thầy khuyên bảo:
“Chữ Nhân Ngã cũng là quá gắt,
Ta chớ nên phân biệt với người”.
(Giác Mê Tâm Kệ, Q.4)

Sau đây, nhằm làm sáng tỏ lời chỉ dạy của Đức Thầy:

“Nhân ngã, ngã nhân đừng cách biệt,
Sắc không, không sắc chớ lìa xa.”

Cố đồng đạo Lê văn Phú tự Tho, nguyên Trưởng ban Phổ thông Giáo lý Ban Trị sự PGHH tỉnh Châu Đốc kiêm Cố vấn Hội Đồng Trị sự Trung Ương GH.PGHH, trong một lần đi thuyết giảng tại Quận Chợ Mới, tỉnh An Giang trước năm 1975, có giải thích như sau:
“Nhân ngã, ngã nhân” là hai trong bốn tướng của kinh Kim Cang. (Phật Tổ có 12 bộ kinh quan trọng nhưng kinh Kim Cang là cốt tủy của 12 bộ kinh nầy). Bốn tướng trong kinh Kim Cang gồm: Nhân tướng, Ngã tướng, Chúng sanh tướng và Thọ giả tướng. Trong một bài Kệ của Phật Tổ có đoạn như vầy:“Nầy Tu Bồ-Đề ! Duyên cớ sao Bồ Tát tu mà còn nói tướng ta, tướng người, chúng sanh tướng, thọ giả tướng là không phải Bồ Tát.” Cho nên ở đây, Đức Thầy rút gọn lại là: “Nhân ngã, ngã nhân đừng cách biệt”, ý khuyên chúng ta đừng có cách biệt nhân ngã với nhau.

Vậy xin trở lại xem Nhân Ngã là gì? Ngã là ta, Nhân là người. Bây giờ chúng ta tu mà còn nói người, nói ta thì chẳng có giải thoát được, như lời Thầy cho biết:

“Tâm trần tục còn phân nhân ngã,
Thì làm sao thoát khỏi luân hồi,”

Thường thường chúng ta không tu hay hoặc giả có tu rồi mà chưa thấu triệt, thì thường hay “chấp cái ta” lắm. Xưa kia, Phật Đà trụ thế gần 50 năm, nói đến 84 ngàn pháp mà nếu ai hỏi Ngài có nói gì không thì Ngài trả lời: Ta không có nói pháp nào hết. Như vậy Phật có nói dối không ? Không đâu, Phật chỉ đối trị cái tâm bịnh cống cao ngã mạn của chúng sanh mà thôi.

Đức Thầy là vị hoạt Phật mà còn phải khiêm tốn “Ta cũng chẳng hoàn toàn thông thạo” vậy thì mình là cái gì mà xưng nầy xưng nọ, tức là đừng có “chấp cái ta”. Đức Thầy cho biết rất rõ ràng là phải tìm hiểu cái lý Vô ngã của nhà Phật, phải rán “kiến tri hành” thì sẽ có Thầy ủng hộ.

Lần khác, Phật Tổ lại hỏi ông Tu Bồ-Đề: “Nầy Tu Bồ-Đề ! Bồ Tát có trang nghiêm Phật độ hay không ?” Lúc đó ông Tu Bồ-Đề quỳ xuống:“Bạch Thế Tôn ! Bồ Tát có trang nghiêm Phật độ mà không trang nghiêm Phật độ, ấy mới thật là trang nghiêm Phật độ.”

Trang nghiêm Phật độ là vì Bồ Tát lập quốc độ rất nhiều, rước các vong nhân tu hạnh Bồ Tát về để mà tu quả vị Chánh giác nhưng mà Bồ Tát không khi nào nhớ rằng mình có lập quốc độ, nên không bao giờ trở lại kể ơn với chúng sanh bao giờ. Vậy chúng ta đừng bao giờ kể có Ngã (tức là có cái ta).

Còn “Nhân” là gì ? Nhân là người, Ngã là ta. Vậy thì đừng nói kẻ quen, người lạ; đừng phân biệt bà con, thân tộc…cũng như đừng phân biệt ta là Việt Nam còn người kia là Nhựt, Tàu, Tây… vì Đức Phật cũng như Đức Thầy cho biết rất rõ:“Gia đình, nhà cửa của nhà Sư là cả thế gian, thân quyến của nhà Sư là khắp cả nhân loại đại đồng.” Vậy thì chúng ta đừng có phân nhân ngã, đừng nói ta, đừng nói người mà tất cả đều như Đức Thích Ca nói: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, có nghiã là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật hết chớ không riêng gì loài người, nên Đức Thầy dạy chúng ta “Nhân ngã, ngã nhân đừng cách biệt” là đừng có cách biệt nhau, mà hãy liên đới với nhau, bởi vì “Đời đạo liên quan rạng chói ngời”. Chúng ta phải đi kiếm Đạo ở trong đời chớ đời mà đi kiếm Đạo thì đời đời chẳng khác nào leo lên cây mà bắt cá, hay là đi kiếm sừng thỏ, lông rùa vậy. Chúng ta phải ở trong đời tức là phải có Nhân (có người), có chúng sanh, chúng ta mới tìm cái Đạo trong đó mới được.

Đến câu “Sắc không, không sắc chớ lìa xa”. Phật Tổ nói Kinh Bát Nhã ròng rã 22 năm, trong đó có câu thế nầy:“Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức dị không, không tức dị sắc.” Vậy thì Phật tổ cho biết rằng Cái sắc nó là cái không mà cái không nó là cái sắc. Tại sao vậy ? Chúng ta thấy có cái bàn, cái chợ ở nơi đây nhưng mà biết đâu sau nầy bị trận chiến, tai nạn xảy ra sẽ bị tiêu hủy hết. Bởi vì Đức Thầy cho biết “Trên dương thế hữu hình tắc hoại” cái gì có hình tướng là cái đó bị hoại diệt, cho nên cái sắc mà nó không. Cũng như mình thấy mình có đây nhưng mà ngày kia khi mình tắt thở rồi thì còn gì là mình nữa ! Tức là cái có mà không đó (sắc tức thị không).

“Sắc không, không sắc chớ lìa xa”, Sắc là cái xác thể nầy, Không là cái tâm của chúng ta. Cái tâm, chúng ta không rờ nó được, không biết nó ở đâu nhưng không có cái tâm là chúng ta không sống được. Tâm là hồn, mà cái xác nầy không hồn là cái xác chết, đâu có hoạt động gì được; mà hồn không có xác thì hồn bơ vơ giữa hư không cũng không làm gì được cả.

Vậy thì hồn và xác phải liên đới với nhau, cho nên “sắc tức thị không, không tức thị sắc” và ”Sắc không, không sắc chớ lìa xa”, chính vì không lìa với nhau trên dương thế để mà lập công, bồi đức. Đừng có nói cái xác nầy giả, nhưng không cần nó là không được; nó giống như là chiếc ghe đi qua biển, không có không được, nó chính là phương tiện để chúng ta từ bến Mê qua bên kia bờ Giác vậy.

Tóm lại, xác mà không hồn là cái xác chết, còn hồn mà không có xác là hồn bơ vơ cho nên xác và hồn không thể lìa xa được. Chúng ta mượn cái xác nầy và hướng về Giáo lý của Tổ Thầy để mà tìm ra chân lý hầu sửa trau thân tâm của mình, lập công, bồi đức cho đời chớ đừng có chê cái xác nầy giả tạm chẳng làm được tích sự gì là không đúng. Cho nên Thầy có dặn “Sắc không, không sắc chớ lìa xa” là vì vậy./.

Nam Mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 11755)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 17279)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 25698)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25717)
100,000