18- Thuyết Pháp

18 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 13112)
18- Thuyết Pháp

vulan2009_048-large-content



Trong bài “Diệu Pháp Quang Minh” mà Đức Thầy viết ngày 10/4 năm Canh Thìn tại Hòa Hảo, có câu :

Chúng sanh mê nên đem Pháp thuyết,
Giải thoát rồi Pháp bất khả dùng.

Đại ý hai câu nầy cho chúng ta biết vì chúng sanh ngụp lặn trong sông mê bể khổ, nên Đức Thầy quá thương xót phàm trần phải tạm dùng Giáo pháp giác tỉnh quần sanh. Giáo pháp ấy ví như chiếc bè, hay đèn đuốc, thuốc hay để đưa người từ bờ mê sang bến giác, giúp cho người bịnh được lành, kẻ mê si sanh trí huệ.

Tuy nhiên, Ngài chỉ áp dụng Giáo lý ấy trong thời gian giáo huấn và hành trì xong rồi cũng buông xả chớ không bám víu vào một phương tiện nào, kể cả Thầy trò đều được an vui giải thoát. Đức Thầy còn dạy :

Phải rõ nghiệp duyên trần cấu tạo,
Nghe rành Chánh Pháp thoát tà dâm. (Q.5)

Theo truyện ký Phật giáo cho biết, đức Phật hầu như phải thường xuyên thuyết pháp vào mỗi buổi chiều vì hai hàng cư sĩ rất khát khao học hỏi. Kết quả thật đáng ngạc nhiên là rất nhiều nam cư sĩ, nữ cư sĩ đắc quả Nhập Lưu. Đặc biệt có một trưởng giả tên là Visākha đắc quả Bất Lai! Cuối buổi giảng, đức Phật nói với đại chúng:

- Hôm nay Như Lai rất vui mừng vì khá nhiều người đã bước vào dòng bất tử; lại còn có người đạt được quả vị bất thối... Từ đây, lộ trình của họ là lộ trình của an lạc và hạnh phúc, không bao giờ còn rơi đọa vào bốn con đường đau khổ nữa!

Có Kinh sách thì nói rằng: với những câu hỏi phức tạp, mắc mỏ và thâm sâu của vị Thánh đệ tử Visākha đã được tỳ-khưu-ni Dhammadinnā trả lời “một cách dễ dàng như một người cầm dao cắt một đóa hoa sen”. Câu hỏi và câu trả lời được đề cập trong kinh Cūlavedalla.

Vậy là qua cổ sử truyện, chúng ta lại có thêm một vị Tỳ-khưu-ni A-la-hán đắc tuệ phân tích và có cả khả năng xuất chúng về giảng nói, được đức Phật vinh hạnh tuyên dương là “đệ nhất về thuyết pháp” trong hàng Ni giới.

Tuy nhiên, chúng ta thường nghe THUYẾT PHÁP (tức Pháp thuyết), nhưng đôi khi chưa thấu hiểu được ý nghĩa sâu mầu của chữ Thuyết Pháp. Vì vậy, chúng ta cũng nên tìm hiểu và học hỏi cho biết, biết để thương cho công trình thuyết Pháp của Đức Thầy trên bước đường truyền Đạo:

Quản chi nắng Sở mưa Tần,
Chèo xuôi chèo ngược mấy lần không thôi.
(Sấm Giảng, quyển Nhứt)

Trước hết, THUYẾT PHÁP là giảng giải nghĩa lý, đạo đức. Cuộc diễn giảng về Đạo lý giữa công chúng và tứ chúng. Hoặc giải bày Giới luật, hoặc diễn giảng Kinh điển, hay tuyên thuyết các bài Luận cao siêu. Dầu biện minh Đạo lý, giải bài Chánh Pháp với một vài người, hay tuyên bố Pháp lý giữa một Pháp Hội, cũng đều gọi là THUYẾT PHÁP.

THUYẾT PHÁP đối với Văn Pháp (nghe pháp). Đức Phật Tổ là cả một đời Thuyết pháp, Ngài chỉ nói ra mà giáo độ cho người ta, chớ chẳng viết Kinh, soạn sách. Cuộc Thuyết Pháp lần đầu, gọi là “Chuyển Pháp Luân”, khởi xướng gần thành Ba La Nại, Phật độ cho năm vị Chơn như đắc Đạo. Và cuộc Thuyết Pháp lần cuối cùng, trước giờ nhập Niết Bàn, Ngài độ cho ông lão sư Tu Bạt Đa La đắc Đạo.

Ngài tùy theo căn tánh của chúng sanh mà Thuyết Pháp:

- Đối với hạng độn căn, căn tánh chậm lụt, Ngài thuyết cho cái Tiểu Pháp.
- Đối với hạng Trung căn, căn tánh vừa vừa, Ngài thuyết cho cái Trung pháp.
- Đối với hạng lợi căn, căn tánh lanh lợi, sáng suốt, Ngài thuyết cho Đại Pháp.

Tuy vậy, đứng về mức Trung Đạo, Phật phán rằng: Ngài không có thuyết Pháp, cũng không có độ chúng sanh. Vì xét theo lý chơn không, thì đâu có Pháp mà THUYẾT, đâu có chúng sanh mà ĐỘ ! Chỉ tạm gọi là Thuyết Pháp, tạm gọi là độ chúng sanh mà thôi.
Trong mỗi ngôi Tịnh xá, mỗi ngôi Chùa lớn, đều có phòng Thuyết Pháp, gọi là Giảng đường. Mỗi khi thuyết Pháp, vị Pháp sư ngồi trên tòa cao hơn hết, còn các người dự thính thì ngồi phía dưới mà nghe.

Trong Cụ túc Giới, Luật nhà sư, về khoản 90 Giới linh tinh (Ba dật đề), có đoạn thứ 22 Thuyết Pháp chỉ một Giới; theo Giới nầy, mỗi khi có cuộc Thuyết Pháp cho các hàng Nam, Nữ dự nghe, thì không nên thuyết pháp đến chiều tối, vì chẳng tiện cho hàng phụ nữ, phải để họ ra về.

Trong Kinh Phạm Võng, phẩm Bồ Tát Giới Kinh, ở điều Khinh giới 46, có dạy phép Thuyết Pháp như vầy: Như Phật tử thường nên giáo hóa, khởi lòng Đại bi. Nếu vào nhà người đàn việt sang cả, thì hết thảy trong Chúng tăng chẳng ai được đứng mà Thuyết pháp cho người thế tục nghe. Phải lên ngồi chỗ cao, trước các người thế tục. Pháp sư Tỳ kheo chẳng đặng ngồi dưới đất mà Thuyết pháp với Tứ chúng. Như lúc Thuyết pháp, Pháp sư phải ngồi chỗ cao, hương hoa cúng dường. Kẻ nghe trong Tứ chúng ngồi chỗ thấp, dường như hiếu thuận Cha Mẹ, kính thuận Sư giáo, như người đạo Bà la môn thờ Thần lửa.

Thuyết Pháp có hai Nhơn duyên, hai cớ:

1/- Vì lợi dưỡng Thuyết pháp: Vì sự lợi dưỡng cho mình, vì danh tiếng và lợi lộc mà thuyết pháp. Đó chẳng phải là hạnh Thuyết pháp của Phật.
2/- Vì chúng sanh Thuyết pháp: Vì cần giáo hoá chúng sanh nên mới Thuyết pháp. Đó là sự thuyết pháp trong sạch, chơn chánh theo Phật.

Phật có lòng thương xót các chúng sanh, và Ngài biết rõ căn lực của họ, cho nên đối với năm hạng chúng sanh, Ngài chẳng Thuyết pháp năm việc :

1) Đối với hạng bất tín, Ngài chẳng khen sự Chánh tín.
2) Đối với hạng phá giới, Ngài chẳng khen sự Trì giới.
3) Đối với hạng tham lam, Ngài chẳng khen sự Bố thí.
4) Đối với hạng biếng nhác, Ngài chẳng khen sự Đa văn.
5) Đối với hạng ngu si, Ngài chẳng khen sự Trí huệ.

Tức là Phật thuyết pháp với ai, chẳng đánh đổ ngay chỗ dở của họ, e rằng họ đem lòng chẳng tin, lòng dữ, lòng giận đối với Phật mà bị đọa.

Trong Niết Bàn Kinh quyển 33 có chép lời Phật phán với Xá Lỵ Phất rằng: “Trong khi Thuyết pháp, đối với người lợi căn chớ có nói rộng dài; đối với kẻ độn căn, chớ có nói sơ lược”.
Tức là đối với người khôn, mình chẳng cần nói nhiều; đối với kẻ dại, mình cần phải giảng giải một cách rành mạch.

Đức Phật Thuyết pháp là vì chúng sanh, Ngài có bảy cách nói: 1) Nhơn ngữ, 2) Quả ngữ , 3 )Nhơn quả ngữ, 4) Dụ ngữ, 5) Bất ứng Thuyết ngữ, 6) Thế lưu bố ngữ, 7) Như ý ngữ.
Tiếp theo, chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm về:

BẤT TỊNH THUYẾT PHÁP : Thuyết pháp chẳng trong sạch, trong ý chẳng trong sạch, Thuyết pháp sái với Chơn lý, nói ra lời bợ đỡ kẻ quyền thế, nhà giàu có, tưng bốc mình lên, thuận theo tánh mê hoặc của người nghe; như vậy đặng cho họ cung cấp đồ vật tiền của cho mình thật nhiều, đó là Bất Tịnh Thuyết Pháp. Cho nên cũng gọi là Tà Mạng Thuyết Pháp.

Trong “Phật Tạng Kinh”: Bất Tịnh Thuyết Pháp, thì phạm năm điều lỗi:

1- Tự xưng mình biết hết Pháp PHẬT.
2- Trong khi thuyết Kinh Phật, lại nói ra những đíều lầm lỗi trái nghịch với Kinh
3- Đối với các Pháp của Phật tâm nghi chẳng tin.
4- Những điều mình đã biết thì chẳng phù hợp với các Kinh Pháp.
5- Vì ham tiền bạc, cầu cho người ta cúng dường cho nhiều nên mới thuyết pháp cho người ta nghe.

Theo “Thuyết Pháp Minh Nhãn Luận”, Bất tịnh Thuyết Pháp có 5 khoa:

1- Đem chỗ đắc tâm của mình mà nói ra những điều hư vọng, khiến người ta nghe theo, vậy phải đọa ác đạo.
2- Chẳng nói về Phật Pháp, chỉ nói về thế sự.
3- Uống rượu, ăn thịt với 5 món cay, phạm tà dâm và chánh dâm, tức mặc áo Pháp vào Chùa, làm dơ Tam Bảo.
4- Người có đức thì mình lại chê bai; còn tự mình không đức, mình lại khen tặng lấy mình.
5- Chẳng chứng ngộ Chơn lý Nhứt thừa, Chơn lý giải thóat cao viễn, mà ham theo kẻ quyền thế, mắc vào các giáo Pháp có Tướng.

Bàn về việc Thuyết Pháp, trong kinh Phật còn chỉ cho chúng ta biết ở cõi Tây phương Cực lạc các loài chim cũng có thể thuyết Pháp cho người tu nghe mà tu học.

Sở dĩ gọi đó là cõi Cực Lạc là tại vì dân chúng ở đó có sự thực tập Chánh niệm và vẫn thường được nghe Pháp thoại. Nếu có sự chú tâm thì khi những con chim hót lên, chúng ta cũng nghe được Pháp thoại và Pháp thoại này có đủ ba mươi bảy phẩm trợ đạo, là Tứ niệm xứ, Tứ như Ý túc, Tứ Chánh cần, v.v.. Sang bên đó chúng ta vẫn còn nghe pháp thoại như ở đây và cũng sẽ học những điều y hệt như ta đang được học trên cõi Ta Bà này, nghĩa là Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Chúng ta biết rằng đức Phật A Di Đà là một vị thầy, ngay trong giây phút này Ngài đang thuyết pháp.

Đức Phật Thích Ca dạy rằng: “Từ đây đi qua phương Tây, cách khoảng mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là Cực Lạc, trong cõi ấy có một vị Phật tên là A Di Đà, hiện đang thuyết pháp.” Thật vậy, Phật A Di Đà đang thuyết pháp và những con chim bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, và cọng mạng... cũng đang thuyết pháp và giọng hót của những con chim đó rất hòa nhã. Những con chim đó thay phiên nhau hót, một ngày sáu lần (trú dạ lục thời). Đó là công phu sáu thời. Ngày xưa, trong sự tu tập người ta chia một ngày làm sáu phần gọi “Trú dạ lục thời”. (Trú là ban ngày, dạ là ban đêm).

Khi hành trì phép Sám hối của vua Trần Thái Tông thì chúng ta cũng sám hối sáu lần một ngày. Vua Trần Thái Tông sáng tác ra nghi thức sám hối này để tự hành trì, gọi là Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, tức là khoa nghi để sám hối sáu lần trong một ngày. Chia sáu thời trong một ngày đó là sự thực tập trong truyền thống. Những con chim này biết rằng dân chúng mỗi ngày đều thực tập sáu thời cho nên bắt đầu mỗi thời là hót lên, và trong khi chim hót lên thì ta nghe được tiếng pháp trong đó. Có thể khi chim hót thì đức A Di Đà ngừng thuyết pháp và khi đức A Di Đà thuyết pháp thì chim ngừng hót. Cũng có nghĩa là Phật A Di Đà và cả các loài chim, cây và gió khi phát ra âm thanh thì đó là những lời thuyết pháp.

Tóm lại như mọi người đều biết, Pháp là một trong ba ngôi quý báu (tức là Tam Bảo) gồn có: Phật, Pháp, Tăng. Ngày xưa, sau kia đắc đạo, Đức Phật đã thuyết ra vô số lời lẽ (tức Thuyết Pháp) để giáo hóa chúng sanh. Đó gọi là Giáo Pháp hay Kinh kệ. Sau đó, các đại đệ tử của Ngài kết tập lại thành ba tạng là Kinh, Luật, Luận để tiếp tục truyền bá khắp chúng sanh. Nhưng Giáo pháp chỉ là phương tiện, ví như thuyển bè, đèn đuốc hay thuốc hay.

Thuyển bè để đưa mình qua sông. Thuốc để trị hết bịnh và đèn đuốc giúp cho ta biết lối mà đi. Nhưng khi mọi việc hoàn thành thì khỏi cần dùng nữa. Pháp ví như thuyền bè nên đến bến thì không cần dùng nữa. Vì thế, Đức Thầy chỉ dạy “Giải thoát rồi pháp bất khả dùng” là vì vậy. Có nghĩa là khi người tu muốn vượt từ bờ Mê sang bến Giác phải dùng Giáo pháp làm phương tiện để đi; tuy nhiên, đến khi Đạo quả viên thành thì nên buông xả không cần chấp mắc hay bám víu làm gì nữa./.

Nam mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 11820)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 17338)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 25753)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25769)
100,000