25. Tìm hiểu Ý nghĩa chữ QUANG MINH

08 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 43155)
25. Tìm hiểu Ý nghĩa chữ QUANG MINH

dai_le_khai_dao_phat_giao_hoa_hao_1-content



Từ ngày biết đọc SẤM THI của Đức Thầy có nhiều đoạn nói về hai chữ Quang Minh, nhưng đọc để mà đọc chớ chưa hiểu rõ nghĩa, vì vậy mà cứ mãi rán tìm. Khổng Tử nói: “Học mà không suy nghĩ thì mờ tối (Không hiểu được gì vì quá tin sách), suy nghĩ mà không học thì nghi hoặc, không biết thế nào là phải trái”.

Sau đây, xin cùng chia sẻ với các bạn về hai chữ QUANG MINH. Bởi, người đi băng rừng, lội núi mà không có Bản đồ thì sẽ dễ bị lầm đường lạc lối…

Trước hết, Đức Thầy đã có nhắc nhở đến chữ nầy trong các quyển Sấm Giảng và Thi Văn Giáo Lý của Ngài:

Thờ Phật Đạo tỉnh cơn ác mộng,
Thoát mê đồ thường phóng QUANG MINH.
(Khuyến Thiện, Quyển 5)

Hoặc:

Tu rèn tâm trí cho MINH,
Tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau.
(Sám Giảng, Quyển 3)

Hay là:

Lời văn thô ý kiến chẳng cao,
Nội QUANG cảnh tâm vô kỳ vật.
Đường Đạo đức bước đi từ nấc,
Ngoại quan hình bất chấp kỳ hình.
(Diệu Pháp Quang Minh)
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Chúng sanh còn đợi còn chờ chuyện chi.
Trên Trời xuất hiên Tử Vi,
QUANG MINH sáng suốt vậy thì dân ôi !.
(Sấm Giảng, Quyển 3)

Trong các quyển “Phật học Từ Điển”, chữ QUANG MINH được giải thích như sau:

QUANG: 1.- là Sự sáng.

Như: Thủy quang là ánh sáng của nước; Đăng quang là ánh sáng của đèn, Như: Quang tuyến, Hào quang…

2.- là Vinh diệu, Rạng rỡ. Như: Quang vinh, Quang đãng...
3.- là trơn bóng, sáng láng. Như: Quang hoạt, Quang trạch.
3.- là To lớn, rộng rãi. Như: Quang đại.
Trong quyển “Quán Di Lặc Thượng Sanh Đâu Suất Thiên Kinh” có câu: “Nhĩ thì, Thế Tôn ư sơ dạ phận, cử thân phóng quang.” (Lúc ấy, vào đầu hôm, Đức Thế Tôn cất mình phóng ra Hào quang).

Điều nầy, Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng có đề cập:

Hào quang chư Phật rọi mười phương,
Đạo pháp xem qua chớ gọi thường.
Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu,
Cố công gìn giữ tánh thuần lương.
(Khuyến Thiện, Quyển 5)

MINH: là Sự sáng Giác ngộ. Trái với U Ám, Vô minh.

Minh tức là trí huệ , Vô lậu huệ (Huệ của bậc dứt mê lầm).

Trong “Đại Thừa Nghĩa Chương” có chép: “Biết các Pháp một cách rõ rệt, thông suốt; ấy là Minh.

Trong “Đại nhựt Kinh Sớ” có giải: “Phá trừ các ám tối của tất cả những phiền não vô minh; ấy là Minh.

Theo “Đại Tỳ Bà Sa Luận”: Minh tức là thông đạt, giải rõ và hiểu làu Tứ Diệu Đế; thông đạt, giải rõ và hiểu làu một cách chân thật, rốt ráo; quyết định của nhà tu hành giải thoát; chứng đắc cái trí huệ vô lậu.

Minh tức là thấy rồi, biết rồi, quán tưởng rõ rồi; những cái pháp nào cần đoạn diệt thì đã đoạn diệt rồi; những cảnh có những sự Sanh, Lão, Bệnh, Tử, khổ não đều bị diệt sạch; không còn những ý kiến chấp mình chấp người, những tư tưởng điên đảo, những mối Tham, Sân, Si, Mạn, Cấu, Uế, Trược; không còn thấy kẻ oán thù, người thân thích; tâm trí bình đẳng; thanh tịnh.

Cái Minh của hàng vô lậu Huệ; đối với Tứ Diệu Đế, chiếu liễu, minh tịnh cũng như con mắt lúc ban ngày trông ra thấy tỏ rõ vạn vật. Còn cái thông đạt của hàng hữu lậu huệ, đối với Tư Diệu Đế, thấy chẳng được minh tịnh, cũng như con mắt lúc ban đêm trông ra thấy vạn vật một cách lờ mờ.

Minh lại là tiếng dịch nghiã của chữ Phệ Đà (Védas). Như bốn thứ Kinh Phệ Đà của Đạo Bà La Môn, gọi chung là Minh.

Minh lại có nghĩa: Chú, tức là Thần chú, Đà la ni.

MINH CHÂU: Hột bửu châu chiếu ánh sáng. Cũng gọi theo tiếng Phạn: Ma Ni Châu. Như Bồ Tát Địa Tạng tay cầm Tích trượng, tay cầm Minh châu, là hai bửu bối công đức vô giá. Hột Minh châu của Ngài vốn là ngọc Như ý, ánh sáng chiếu khắp cả Tam Thiên, Đại Thiên Thế Giới nầy.

Trong NIẾT BÀN KINH có nói: Tỷ như hột Minh châu, đem nó mà bỏ vào nước đục. Nhờ oai đức của hột châu, nước liền trở nên trong.

Chữ MINH còn tìm thấy trong Điều răn cấm thứ Bảy của tín đồ PGHH: “Đứng trước mọi việc chi về sự đời hay Đạo đức, ta phải suy xét cho MINH lý rồi sẽ phán đoán việc ấy”.

QUANG MINH: Ánh sáng, chất sáng, nghĩa là cái thể sáng soi tỏ, (tiếng Pháp: Lumière). Hào quang, lằn ánh sáng, những tia từ nơi một thể sáng xẹt ra, tự nó soi tỏ vật khác, gọi là minh.

Có hai thứ QUANG MINH:

1)- Trí Quang Minh hay Trí Quang: ánh sáng của Trí huệ;

2)- Thân Quang Minh hay Thân Quang: ánh sáng của thân thể.

Quang Minh có hai công dụng:

1)- Soi chỗ tối;

 2)- Hiện ra Pháp.

Ánh sáng từ nơi giữa trán tủa ra của chư Phật, Bồ Tát trong cơn nhập định, ấy là Trí Quang Minh.

Ánh sáng của Thánh chúng (Phật, Bồ tát, Duyên giác, La hán) từ trong thân xuất hiện, lúc nào cũng có do sáu căn trong sạch mà chiếu ra, ấy là Thân Quang Minh.

Trí Quang Minh cũng gọi là phóng Quang.

Ánh Quang Minh nầy chiếu Vô lượng, Vô biên các Thế giới mười phương, chiếu suốt ngang các chất: Đất, Nước, Lửa, Gió, chiếu ngang các chốn hắc ám mịt mù như núi Thiết vi. Ánh Quang minh nầy độ tất cả muôn loài.

Thân Quang Minh cũng gọi là Thường Quang. Dầu đi, đứng, nằm, ngồi, xuất định, nhập định, lúc nào ánh Quang Minh nầy cũng bao bọc chung quanh nhà tu đắc Đạo. Ai lại gần nhà thành Đạo, nhờ trong sạch, nhờ ánh Quang Minh ấy mà lấy làm khoan khoái, nhẹ nhàng, hoan lạc.
Lại có ba thứ Quang Minh:

1/. Ngoại Quang Minh, 2/. Pháp Quang Minh, 3/. Thân Quang Minh.

1./ Ngoại Quang Minh là ánh sáng ở ngoài, tức là áng sáng của: Mặt trời, mặt trăng, các thứ hỏa, các thứ châu, có thể trừ sự tối.

2./ Pháp Quang Minh là ánh sáng của Đạo lý, của diệu pháp, trừ được ngu si, mờ ám, nghi hoặc.

3./ Thân Quang Minh là ánh sáng trong mình của Phật, Bồ tát, chư Thánh, chư Thiên chiếu ra, trừ sự tối, chứng tỏ trí huệ, phước đức và thanh tịnh./.

Nam mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 11755)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 17278)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 25697)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25717)
100,000