8- Tứ Cú Kệ

22 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 18319)
8- Tứ Cú Kệ

Thông thường có Kinh thì có Kệ, và Kệ phần nhiều là Tứ cú. Lý nghiã của những câu Kệ rất sâu mầu thâm diệu, mà người đọc có thể nghiệm xét ý của Tổ Thầy ẩn tàng trong đó.

Vậy chúng ta tìm hiểu ý nghiã của Tứ Cú Kệ qua Phật Học Từ Điển để thấy diệu năng căn bản của Kệ, mà nương theo sự chỉ giáo của quí Ngài, hầu tìm ra chân lý giải thoát.

TỨ CÚ nghĩa là bốn câu: 1)- Hữu (có). 2)- Vô (không). 3)- Diệc hữu diệc vô (cũng có cũng không). 4)- Phi hữu phi vô (chẳng phải có chẳng phải không).

Cũng viết là: 1)- Hữu nhi bất không.

2)- Không nhi bất hữu.

3)- Diệc hữu diệc không.

4)- Phi hữu phi không.

Đó là bốn pháp môn, bốn trình độ tu học. Đến khi thành Đạo, thì lìa khỏi bốn câu ấy.

TỨ CÚ KỆ. Âm theo Phạn: Kệ, Kệ đà Già đà, dịch nghiã Tứ cú Kệ.

Cũng còn gọi là: Nhứt Tứ cú Kệ. Ấy là một bài văn thi về Đạo lý, tóm lược trong bốn hàng (bốn câu) mà chứa đủ hết ý nghĩa.

Chư Phật, Chư Tổ thường dùng Tứ Cú Kệ truyền cho đệ tử, hoặc để khai ngộ, hoặc để phó chúc, hoặc để truyền Sấm. Người hữu duyên nghe một Tứ Cú Kệ, có thể giác ngộ mà tu cho tới thành Đạo.

TÂM ĐỊA QUÁN KINH có câu “Dĩ chơn thật Pháp nhứt Tứ Cú Kệ thí chúng sanh.” ( Đem một bài Kệ bốn câu về pháp chơn thật thí cho chúng sanh.)

KIM CANG KINH cũng có dạy: Như có ai dùng các món thất bảo trong cõi Tam thiên đại thiên thế giái mà bố thí, thì phước đức rất lớn. Nhưng lại như có ai đối với Kinh Kim Cang nầy mà thọ trì cho đến đắc Tứ Cú Kệ và thuyết pháp ra cho kẻ khác nghe, thì phước lại lớn hơn.

Vài thí dụ về Tứ Cú Kệ:

Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành,

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.

(Đừng tạo ra việc dữ,

Hãy làm hết điều lành,

Tâm ý giữ cho sạch,

Đó là giáo lý của Phật.)

Bốn câu Kệ ấy, tóm lược hết giáo lý của Phật, do Đức Phật Thích Ca ban truyền.

Chư pháp nhơn duyên sanh,

Diệc tùng nhơn duyên diệt,

Ngã Phật Đại Sa môn,

Thường tác như thị thuyết.

(Các pháp do nhơn duyên mà sanh ra,

Cũng tùng theo nhơn duyên mà tiêu diệt,

Đức Phật của ta ngài Đại Sa môn,

Thuờng hay chỉ dạy lý thuyết như vậy.)

Đó là Tứ Cú Kệ của Ngài Xá Lỵ Phất (Sariputra) thọ lãnh ở Ngài Ác Bệ (Asvajit); liền khi ấy, Ngài bỏ Ngoại mà vào Phật pháp.

Vô thượng thậm thâm di diệu pháp,

Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ;

Ngã kim kiến, văn, đắc thọ trì,

Nguyện giải Như lai chơn thiệt nghiã.

(Pháp vô thượng rất sâu, mầu nhiệm,

Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được;

Tôi nay nghe, thấy, được thọ trì,

Nguyện hiểu nghĩa chơn thiệt Như lai.)

Đó là Tứ Cú Kệ mà mỗi nhà tu cần trì tụng trước khi đọc Kinh.

Trong “Thiền uyển tập anh ngữ lục” ghi chép nhiều câu chuyện về các nhà sư có thói quen trả lời câu hỏi chất vấn của người học Đạo hoặc dặn dò các đệ tử trước khi qua đời bằng một bài thơ ngắn gọn, thường là bốn câu. Trong những bài thơ được gọi chung là “Tứ cú kệ” đó, các tác giả thường gởi gắm một nhận xét triết lý về bản chất cuộc sống, về lẽ Thiền, thông qua các hình ảnh thiên nhiên cụ thể, sinh động.

Chẳng hạn như những hình ảnh trong bài thơ tương truyền là do nhà sư Vạn Hạnh làm ra để “tạo dư luận cho Lý Công Uẩn làm vua” sau đây:

“Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hoà đao mộc lạc
Thập bát tử thành”.

(Gốc cây thăm thẳm - Ngọn cây xanh xanh - Cây hòa đao rụng - Mười tám hạt thành).

Hay bài thơ của Quốc sư Pháp Thuận trả lời vua Lê Đại Hành khi được hỏi về vận nước:

“Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh”.

(Ngôi nước như mây cuốn - Trời Nam mở thái bình - Vô vi trên điện gác - Chốn chốn tắt đao binh).

*

* *

Tiếp theo là hai bài Kệ nổi tiếng của Đại Sư Thần Tú và của Đức Lục Tổ Huệ Năng. Đức Lục Tổ mặc dầu không biết chữ, nhưng đã đạt được lý nghiã sâu mầu của Phật Pháp.

Thần Tú:

Thân là cội Bồ đề,

Tâm như đài gương sáng.

Luôn luôn phải lau chùi,

Chớ để dính bụi bặm.

Lục Tổ:

Bồ đề vốn không cây,

Gương sáng cũng chẳng đài,

Xưa nay không một vật,

Chổ nào dính bụi bặm ?

Được biết, Lục Tổ Huệ Năng sanh ra ngày 8 tháng 2 năm Mậu Tuất đời Đường vua Thái tông (Tây lịch 638). Đến năm 24 tuổi, nghe Kinh ngộ Đạo và được Ngũ Tổ truyền Y Bát (năm 661). Mười sáu năm sau (năm 676), Sư hội kiến với Ấn Tông Pháp sư và được truyền Giới Cụ túc. Qua năm sau, Đại sư đến trụ trì tại chùa Bảo lâm, có hàng tứ chúng hộ vệ. Ở ngôi chùa ấy, tuyên dương Phật Giáo. Ngài tịch năm 713.

Sau đây là câu chuyện giữa Đức Lục Tổ và Sư Chí Thành:

Tổ hỏi:“Thầy dùng cái gì chỉ dạy chúng ?”.

Chí Thành thưa:“Thường dạy chúng trụ tâm quán tịnh, thường ngồi chẳng nằm”. Trụ tâm quán tịnh là trụ tâm lại và nhìn thấy chỗ lặng lẽ đó và thuờng ngồi thiền chớ không nằm.

Tổ bảo:“Trụ tâm quán tịnh là bịnh chớ không phại thiền, thường ngồi là câu chấp nơi thân, đối với lý có lợi ích gì”. Hãy lắng nghe bài Kệ của tôi:

“Sanh lai tọa bất ngọa,

Tử khứ ngọa bất tọa,

Nguyên thị xú cốt đầu

Hà vi lập công khóa.”

Khi sống ngồi thiền mãi không nằm, khi chết nằm luôn không ngồi, có ai chết rồi mà ngồi dậy không? Như vậy, vốn là cái đầu xương thúi, thì vì sao mà lập công khóa? Nằm và ngồi chẳng qua là sương sống dựng đứng lên hay nằm ngã xuống, dựng lên gọi là ngồi, ngã xuống gọi là nằm, như vậy nằm ngồi vốn là khúc xương thúi, là cái hình thức, đâu có gì quan trọng mà lấy đó làm công phu tu hành. (Trích trong PHÁP BẢO ĐÀN, HT.Thích Thanh Từ)

*

* *

Thiền sư Đạo Hạnh (mất năm 1112) thuộc thế hệ thứ 12 của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng có một bài Kệ rất sâu sắc về vấn đề siêu việt không hữu:

Tác hữu trần an hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu không như thuỷ nguyệt,

Vật trước hữu không không.

(Có thì có tự mảy may,

Không thì cả vũ trụ nầy cũng không.

Có, không: Bóng nguyệt lòng sông,

Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào.)

Hai câu đầu “nói thì từ hạt bụi hạt cát đều có, nói không thì cả vũ trụ đều không”. Phản chiếu trung thực tư tưởng Hoa Nghiêm. Câu thứ ba “không đối nhau và nương nhau cũng như bóng nguyêt và dòng sông”. Câu thứ tư nhắm đến sự ngăn ngừa không để người ta mắc vướng vào sự chấp không:“Đừng bị mắc kẹt vào cái không, của có và không.”(Vật trước hữu không không). (Trích trong Phật Giáo Sử Luận)

*

* *

Người học Đạo khi nào tâm sạch được vọng tưởng điên đảo, lúc đó Đạo hiện tiền không phải đi kiếm ở đâu, ở nơi nào.

Sanh tùng hà xứ lai ?

Tử tùng hà xứ khứ ?

Tri đắc lai khứ xứ,

Phương danh học Đạo nhân.

Dịch:

Sanh từ chỗ nào đến?

Chết sẽ đi về đâu ?

Biết được chỗ đi đến,

Mới gọi người học Đạo.

Chúng ta tu bao nhiêu năm rồi có biết mình sanh từ đâu đến chưa ? Có biết chắc khi chết mình đi về đâu chưa ? Mù mù mịt mịt. Ở đây nói người học Đạo thì phải biết từ đâu đến, chết đi về đâu. Biết được hai cái nầy thì trong tâm mình ít nhất cũng chứng được Túc mạng minh. (Trích trong Hương Hải Thiền Sư Ngữ lục).

*

* *

Người viết tìm hiểu được một vài bài Tứ Cú Kệ, đã kể ra đây cho quý thiện hữu trí thức và đồng đạo PGHH cùng những ai muốn nghiên cứu về Phật học tường lãm. Tuy nhiên, quý vị cũng nên suy nghiệm thêm về những bài Sấm Thi của Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, đặc biệt là những bài thơ khoán thủ với bốn chữ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG và những bài TỨ CÚ KỆ mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã trước tác mà chúng ta có thể tìm thấy trong những tác phẩm của Ngài. Người viết xin được kính cẩn giới thiệu một vài bài tiêu biểu sau đây:

BỬU châu công luyện chốn non thần,

SƠN thuỷ môn giang bảo giác dân.

KỲ quái chờ nơi Thiên nhứt định,

HƯƠNG nồng dành thưởng kẻ tròn ân.

BỬU ngọc vãng lai rõ Đạo mầu,

SƠN tầm hạnh Thích nẻo cao sâu.

KỲ giả thức tâm tìm Đạo lý,

HƯƠNG tuyệt đăng lui bãi phục cầu.

*

* *

Hào quang chư Phật rọi mười phương,

Đạo Pháp xem qua chớ gọi thường.

Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu,

Cố công gìn giữ tánh thuần lương.

VÔ thượng thậm thâm dĩ ý truyền,

DANH ngôn chép để rạch đàn Tiên.

CƯ gia Tịnh Độ tâm viên mãn,

SĨ xuất văn từ dốc dạy khuyên.

*

* *

Đạo pháp thường hay dung với hòa,

Xét người cho tột xét thân ta.

Nếu người rõ phận vui lòng thứ,

Ta thứ được người, người thứ ta.

*

* *

 Mắt nhìn trần đỏ niệm Di Đà,

 Nguyện vái thân nầy khỏi đọa sa.

Muôn đạo hồng quang oai Đức Phật,

Soi đường minh thiện đến Long Hoa.

Rõ ràng, Đức Thầy là vị hoạt Phật lâm phàm độ thế nên đã viết ra Sấm Giảng để truyền bá giáo lý siêu mầu của Phật giáo. Mặc dầu Giáo lý của PGHH dưới hình thức Sấm Giảng hay Thi Văn nhưng thật ra, đó cũng chính là những quyển Kinh bài Kệ nhưng vì tùy theo phong hóa nước nhà và nhân sanh phù hợp lúc bấy giờ (ngày 18/5 năm Kỷ Mão, 1939) nên gọi là Sấm Thi cho dễ ngâm, dễ đọc, dễ truyền tụng và nhất là dễ hiểu, dễ hành.

Do đó, khi đọc qua Sấm Thi của Đức Thầy, nếu những ai không có tâm Đạo hoặc chưa biết gì về giáo lý nhà Phật thì rất dễ ngộ nhận cho rằng những bài Sấm Thi nầy quá tầm thường, không có gì để học hỏi. Tuy nhiên, nếu đã là người hiểu biết Đạo lý thì chắc chắn sẽ nhận ra đây là một Giáo lý siêu mầu, đúng với chánh pháp Vô vi của Đức Thích Ca từ phụ và nhất là phù hợp với mọi căn cơ của chúng sanh trong thời Hạ nguơn mạt pháp này, nương theo đó mà tu hành sẽ đắc thành quả vị.

Đặc biệt, Đức Huỳnh Giáo Chủ không những mở Đạo cứu Đời trong vùng châu thổ sông Cửu Long nhỏ bé nầy mà Ngài còn có sứ mạng do Phật Trời giao phó là cứu vớt quần sanh khắp cả Ta bà thế giới. Xin đọc lại bài thơ Tình Yêu nhân loại sau đây, sẽ thấy được tâm ý mà Đức Thầy muốn thố lộ điều nầy:

TÌNH YÊU

Ta có tình yêu rất đượm nồng,

Yêu đời yêu lẫn cả non sông.

Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,

Không thể yêu riêng khách má hồng.

*

* *

Nếu khách má hồng muốn yêu,

Thì trong tâm chí hãy xoay chiều.

Hướng về phụng sự cho nhơn loại,

Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.

*

* *

Ta đã đa mang một khối tình,

Dường như thệ hải với sơn minh.

Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,

Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.

Miền Đông, năm 1946

Ngoài ra, còn có rất nhiều câu Sấm Thi khác, cho ta biết rõ sứ mạng thiêng liêng của Ngài:

Ta thừa vưng Sắc lịnh Thế Tôn,

Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp.

Hay:

Điên tu cầu Quân thánh rải ân,

Cho bốn biển dân lành được hưởng.

(Diệu Pháp Quang Minh)

hoặc là:

Để cho Thầy đi dạo Ta bà,

Đặng dạy kẻ đàng xa chưa rõ.

Tóm lại, TỨ CÚ KỆ theo Phật học Tự điển của Đoàn Trung Còn, là “một bài kệ tóm lược trong bốn câu chứa đựng hết ý nghĩa đạo lý”. Chư Phật chư Tổ thường dùng Tứ Cú Kệ truyền cho đệ tử hoặc để khai ngộ hay để phó chúc. Người hữu duyên nghe một Tứ cú kệ, có thể giác ngộ mà tu cho tới thành Đạo.

"Tứ cú kệ" hoàn toàn khác với "Tứ cú" hay "Tứ cú pháp", bởi nó chỉ các thi kệ Phật giáo hình thành bằng bốn câu Kệ tụng do sách Phật ghi chép phần nhiều gồm bốn câu, nhưng số chữ mỗi câu thì không nhất định. Tứ cú kệ thường hàm chứa yếu nghĩa kinh luận Phật giáo, cho nên trong Kinh thường nói dùng Tứ cú kệ dạy người hoặc trì thọ tứ cú kệ, đều được công đức rất lớn, như ở quyển Hai kinh Đại Thừa Bổn Sanh Tâm địa quán viết: “Khuyên chư chúng sinh, cùng phát tâm này, lấy chân thật pháp ở Tứ cú kệ, pháp thí cho người khiến họ hướng về Vô thượng chính đẳng Bồ đề, nên gọi là Chân thật Ba la mật đa". Như vậy, Tứ cú kệ không chỉ nhất thiết một bài kệ nào mà chỉ chung kinh điển nào Phật giáo cũng được, hay sâu hơn là hàm ý chỉ yếu lý Phật pháp.

Do đó, có thể nói trong các quyển Sấm Giảng và hàng trăm bài Thi Văn Giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ chứa đựng rất nhiều Tứ cú kệ mà vì chưa chịu nghiên cứu và tìm hiểu cặn kẽ nên chúng ta có viên ngọc quý đang nằm trong túi áo mà cứ cất công tìm kiếm nơi nầy nơi nọ và nhứt là cứ mang thành kiến “Phật trong nhà không linh hơn Phật ngoài đường” thì thật là đáng tiếc !!!

Nam mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 11755)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 17279)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 25698)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25717)
100,000