- LỜI MỞ ĐẦU
- ĐỀ TÀI NHỮNG BÀI VIẾT
- I. CĂN NGUYÊN NHỮNG SỰ KHỔ TRONG ĐỜI
- II. 8 ĐIỀU KHỔ Ở CÕI TA BÀ & 8 ĐIỀU VUI Ở CÕI CỰC LẠC
- III. KHUYẾN TU & GIÁ TRỊ CỦA SỰ TU TẬP
- IV. NHỮNG PHƯƠNG THỨC TU TẬP
- V. GIÁ TRỊ CỦA VIỆC CÚNG LẠY, BỐ THÍ TỪ THIỆN
- @ Bài Cầu Nguyện - Trước Bàn Thờ Ông Bà
- @ Bài Phát Nguyện – Sám Hối - Hồi Hướng
- VI. PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ & GIÁ TRỊ CỦA SỰ NIỆM PHẬT
- VII. NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ CHƯ PHẬT
- VIII. TRONG VIỆC TU THÂN XỬ KỶ
- IX. NHỮNG ĐIỀU NÊN SỬA ĐỔI, TRÁNH HẲN & NÊN LÀM KHI TU TẬP
- @ NHỮNG VIỆC NÊN LÀM KHI TU TẬP
- X. ĐỀN ĐÁP - TỨ ĐẠI TRỌNG ÂN
- XI. TRÁNH TAM NGHIỆP - THẬP ÁC
- XII. HÀNH - BÁT CHÁNH ĐẠO
"Trần gian say đắm theo màu sắc,
Tịnh độ giác thuyền trị dục tâm."
Với những bài viết trong quyển sách này, nhằm giới thiệu đến chúng ta về Giáo Lý Học Phật - Tu Nhân, tu tại gia, được những vị chuyển hóa độ đời cứu giúp nhân sanh quày đầu hướng thiện trong những thập niên 1800 – 1900 như: Đức Phật Thầy Tây An (1849 – 1856), Đức Phật Trùm (1868 - 1875), Đức Bổn Sư (1878 - 1890), Đức Sư Vãi Bán Khoai (xuất hiện vào khoảng năm Tân Sửu,1901 và năm Nhâm Dần, 1902), và Đức Huỳnh Giáo Chủ, Huỳnh Phú Sổ (1939 – 1947), là người khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Những giáo lý được các Ngài giáo hóa là những trọng yếu rút từ những Kinh Luật Phật Pháp, là những phương thức tu học giúp chúng ta làm tròn nhân đạo, học theo những gì Phật dạy, và là những phương thức dễ học dễ hành, đi từ thấp lên cao cho đến khi đạt được sự giải thoát. Mỗi câu mỗi ý trong giáo lý của các Ngài là mỗi phương thức tu học, cho nên chúng ta hãy đọc và nghiệm kĩ từng điều để nhận rõ được giá trị thiết thực của từng câu từng ý, như Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết:
Khai rừng kinh kệ câu huyền-bí,
Để cứu nhơn-sanh khỏi thảm-sầu.
Huyền-bí nhiều lời chỉ thiệt xa,
Bổn-đạo rán tìm cho cặn-kẽ.
Ít câu mà
ý nhiệm sâu,
Nghĩ suy cho cạn mới hầu khôn-ngoan.
Với những gì trong những bài viết mong mang đến một bản đồ tổng quát về Phật Pháp, để chúng ta có cách nhìn khái quát về những phương thức tu học. Và những bài viết hầu giúp hiểu rõ hơn những điều căn bản trong Phật Pháp, để mỗi chúng ta tự chọn cho mình những phương thức tu học phù hợp với bản thân, hầu có được sự an nhàn ở cuộc sống hiện tại, giúp bồi bổ cho phần tâm linh về sau và giúp tránh được những sự mê lầm trên con đường tu học.
Mục đích những bài viết mong mang đến, những vị chưa gặp Đạo, những điều về tội phước, về luân hồi quả báo, về lợi ích của sự tu học…, để chúng ta hiểu rõ những điều ấy, cùng giá trị của Phật Pháp, để sớm phát tâm tu học, tìm về với tự tánh và thay đổi nhân sinh quan trong cuộc sống hiện tại.
Mục đích những bài viết cũng mong mang đến, những vị vừa gặp Đạo, những phương thức tu học (những phương tiện), để nhìn thấy rõ hơn mục đích chúng ta đã chọn và có thêm niềm tin trên con đường tu học. Những phương thức tu học ví như những vật liệu để tạo nên một chiếc bè, một chiếc thuyền hay một chiếc xe hoàn hảo (thân chúng ta), để giúp tìm về bản thể (tâm chúng ta) và đưa chúng ta xa dần bờ mê sang bến giác. Và tâm là điều chính yếu để đưa chúng ta theo phương hướng chọn lựa, mục đích đến, tốc độ nhanh chậm, đoạn đường dài ngắn… là do tâm làm chủ.
Và mục đích những bài viết hầu làm những nhiên liệu giúp trợ lực những vị đã gặp Đạo trên con đường hành Đạo. Mong tạo nên những phương tiện để giúp đỡ những thế hệ em cháu, cùng những người thân người quen, thấy được giá trị của Phật Pháp, giá trị nền Đạo của ông bà, của dân tộc… Và là những phương tiện giúp có thêm niền tin, tinh tấn hơn trên con đường tu học, và có thêm sự tự tin để trao đổi, hướng dẫn người khác, cùng sự tiếp tay vào việc phụng sự Đạo Pháp, làm tròn bổn phận của người tín đồ và giúp thuận tiện trong việc bố thí Pháp.
Tất cả mọi điều trong những bài viết là những điều góp nhặt được từ những đồng đạo, những đạo hữu, những thiện trí thức, những vị tăng sư…, và đa phần được trích nguyên văn từ quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý PGHH. Để có được sự rõ ràng ở mỗi phương thức tu học, chúng ta nên tìm hiểu thêm qua những Kinh sách hay trao đổi cùng: những vị Tăng Sư, những Thiện Trí Thức, những vị nghiên cứu Phật Học…
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chịu Trách Nhiệm Những Bài Viết
Nguyễn Hoàng Vũ