Ý NGHĨA NGÀY TẾT VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA THƠ VĂN SẤM GIẢNG ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ

09 Tháng Hai 20241:27 CH(Xem: 1093)
Ý NGHĨA NGÀY TẾT VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA THƠ VĂN SẤM GIẢNG ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ


1

Trang Văn Mến

Kính thưa quý vị niên trưởng cùng quý vị đồng đạo,

Kính thưa chư liệt vị , hôm nay nhân dịp đầu năm đón Tết, chúng tôi xin mạn phép quý vị bàn về ý nghĩa của ngày Tết và ảnh hưởng của thi văn sấm giảng ra sao?


Cứ mỗi độ Xuân về, trăm hoa đua nở, cảnh vật khoe màu thì hầu hết người Á đông của các nước chịu ảnh hưởng của nền luân lý đạo nho của đức Khổng Phu Tử đều đón Tết. Được biết lúc ở nhà thương Chợ Quán, vào ngày tết năm Tân Tỵ  (1941) ĐT tức cảnh sanh tình Ngài đã viết :” ...

Kiểng vật khoe màu đua sắc tươi,
Cành hoa hé nở tưạ như cười.

Xuân về cảnh đẹp càng thêm vẻ,
Dám hỏi Đông Hoàng tuổi mấy mươi?


Với bổn nguyện độ đời , ĐHGC dù đã gặp bao khó khổ truân chuyên trong giai đoạn bị người Pháp kiềm hãm bước chân, không cho Ngài được tự do giáo hoá nhân sinh , thế mà ĐT vẫn giử vững chí nguyện độ đời :

Xuân sang ảm đạm ánh dương mờ,
Thệ quyết một lòng chẵng bỏ ngơ
Có sông có núi cùng cây cỏ,
Độ tận chúng sanh khỏi dại khờ.


Kính thưa chư liệt vị, được biết Xuân hay Tết có ba ý nghĩa chính sau đây :


1/- Xuân có ý là nói về tuổi tác như trong bài “Lấy chồng chệt “

ĐT đã viết:

Cô tủi thân cô lại bất bình,
Nhưng muộn quá tuổi Xuân không trở lại.


Cũng như trong bài họa cổ thi “Hằng Nga”,  ĐTđã tự thể hiện nhân cách :

Dầu cho thân mỗ thanh xuân tuổi,
Thức giấc đời mê phải được hay.


2/- Xuân cũng có nghĩa là năm , cứ theo một chu kỳ 12 tháng có 4 mùa cứ hết Xuân Hạ đến Thu Đông , như ĐT đã dạy:

Mịt mịt, mờ mờ mưa gió đạn
Phong trần đày đọa mấy mươi Xuân.

Hay:
Mấy mươi Xuân vắng chúa trông hoài,
Thân gởi nơi người nợ chẵng vay.

Nên mấy mươi Xuân ở đây cũng có nghĩa là mấy mươi năm vậy.


3/-Xuân cũng có nghĩa là mùa vụ như trong ca dao thường bảo:

“ Một năm có bốn mùa : Xuân, Hạ, Thu, Đông,
Mỗi mùa có ba tháng .
Mùa Xuân ấm áp khỏe người,
Mùa Hè nóng nực lửa trời náo nung.
Mùa Thu gió mát trăng trong,
Mùa Đông rét mướt gợi lòng xót xa ...
Kẻ giàu mớ bảy mớ ba,
Người nghèo biết lấy chi mà che thân ....”


Thế nên, Xuân hay nói một cách đầy đủ là mùa Xuân là một mùa đứng đầu trong một năm và được bắt đầu từ tháng giêng và kéo dài cho đến hết tháng ba . Trong những tháng này, thời tiết rất là ấm áp dễ chịu , gió mát nhè nhẹ thổi , nước biết lặng lờ trôi , như ĐT đã so sánh :

 Tâm sáng suốt như đài nguyệt kiếng,
 Tánh trong như nước biếc mùa Xuân.

Theo văn hoá Việt thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước, chịu ảnh hưởng của văn hóa Tàu , do nhu cầu canh tác nông nghiệp mà vua Thần Nông Viêm Đế ,vào năm 3189 trước kỷ nguyên  Thiên Chúa . Theo sách sử lưu truyền là “ xuân tự Thần Nông chi chế tác” nghĩa là chữ Xuân là do vua Thần nông đã chế tác ra , ông đã phân chia thời gian một năm có 8 tiết là Lập Xuân , Xuân Phân , Lập Hạ , Hạ chí , Lập Thu , Thu Phân , Lập Đông , Đông Chí . Và ngày bắt đầu của mùa Xuân là Tết Nguyên Đán do đọc trại ra của chữ Tiết nguyên Đán có nghĩa là ngày đầu năm. Để khỏi lầm lẫn với Tết dương lịch thì Tết Nguyên Đán còn được gọi là Tết âm lịch,Tết ta, Tết cổ truyền .

Ngày nay trên thế giới , có gần 200 quốc gia lớn nhỏ thì việc đón mừng Tết Nguyên Đán chỉ có các nước ở phía Đông Á Châu còn gìn giữ như Trung Quốc  , Triều Tiên , Mông Cổ, Tây Tạng , Nepal, Bhrutan, H’ mong, Việt Nam. Hay nói một cách khác cho vui, dễ hiểu hơn là nước nào mủi tẹt, da vàng, ăn cơm bằng đủa là đều ăn mừng Tết Nguyên Đán, ngoại trừ nước Nhựt , vì trước đây họ cũng đã từng ăn Tết âm lịch  nhưng từ năm Minh Trị thứ 6  (1873) thì họ đã chuyển sang dùng dương lịch cho các ngày lể trọng tương ứng bên âm lịch theo chính sách canh tân .

2


Như vậy tục lệ này đã tồn tại trên 5,200 năm như ĐT chúng ta có đề cập:

 Ngày Tết đến rồi các bạn ơi,
Tổ tiên truyền lại mấy ngàn đời.

Vì trong một năm lo bận rộn sanh kế , chạy theo cái ăn cái mặc nên trong mùa Xuân , khí trời mát mẻ , ôn hoà , không nóng nực như mùa hè , không lạnh lẻo như mùa đông và rảnh rỗi ,không bận rộn cho mùa vụ , dân chúng nghỉ ngơi , an dưởng tinh thần , lo bề đạo Đức, trao dồi thân tâm nên tổ chức tận hưởng cái Tết thật vui .
Nhưng theo thời gian, tục lệ đón Xuân không còn được như trước nữa mà thay vào đó là cảnh rượu trà , cờ bạc , chạy theo nhiều tệ nạn ,làm khổ bản thân , gia đình  và xã hội . Nên trong bài “ Cám cảnh dân nghèo”  ĐT nhắn nhủ mọi người:

Nhắn nhủ khắp nơi hỏi một bài,
Ba ngày xuân nhựt bởi nơi ai?
Rượu trà cờ bạc, ôi phụng phí,
Chẳng biết lệ xưa của ai bày?


Giờ đây , chúng ta tìm hiểu thêm cãm niệm đón Xuân của mọi người trong xã hội như thế nào:


1/- Đối với những người dư giã thì mỗi khi Tết đến trẻ hay già đều nô nức đón Xuân sang , như ĐT đã xác nhận:

Tháng hạn ngày qua năm đã tàn,
Trẻ già nô nức đón Xuân sang.
Chờ coi năm mới hên hay chẵng?
Chóng đạt công danh kẻo muộn màng.

Và :
Rước Xuân năm mới tiếng đì đùng,
Cờ phất trẻ mừng chúc cội thung.
Áo quần loè lẹt đi cùng xóm,
Bánh trái dẫy đầy nỗi cúc cung.

Hay là:
Lủ trẻ cười reo pha tiếng pháo,
Cụ già đùa chuyện lẫn năm châu.

Còn ngược lại trong những gia đình nghèo khó thì khi nghe nói đến Tết là rầu lo đủ chuyện, như ĐT đã đề cập:

Năm nay ăn Tết thật là nghèo,
Sanh chúng u buồn nổi nạn eo.
Đồng khô lúa ngập coi xơ xác
Cảnh đói buông lung nỗi giạt bèo
.

 Hay là:

Tết đến cùng năm tháng hết mà,
Thằng bần cõng nợ chạy bôn ba.

Hẹn mai hẹn mốt chờ khai hạ,
Con đòi áo Tết rối chàng ta.


Nhưng mặc dù sống trong cảnh túng thiếu, ĐT cũng khuyến khích chúng ta bền chí , giử vững lập trường để lo tu hành tinh tấn vì đời thượng cổ cũng gần kề:

Năm tàn tháng cuối cảnh buồn teo,
Đón rước bạn Xuân lể quá nghèo.
Thượng cổ gần hồi nên sửa lối,
Theo nhà Phật giáo phải như keo.


Nên đối với người tu hành, khi đã ý thức giác ngộ, mỗi lần Xuân đến là mỗi lần chúng ta nhận thêm một tuổi đời và tăng thêm một tuổi đạo.Tâm trạng vẫn bình thường, nhân diện con người có sự thay đổi. Như thiền sư Mãn giác đời nhà Lý cãm niệm rẳng:


Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục mãn tiễn quá,
Lão đầu tùng thượng lai.
Mạc vị xuân tàn, hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


Được dịch là:


Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Hôm qua sân trước một cành mai.

Và cố tu sĩ Lê Minh Châu cũng cãm nhận 5 lần Xuân trong cuộc đời:

Vui biết bao khi Xuân vừa 20 tuổi,
Tuổi 20 là tuổi của niềm vui.
Biết thời gian đi mãi chẳng hề lui,
Biết Xuân đến Xuân đi là hạnh phúc.
Ba mươi Xuân tuổi đời hai thứ tóc,
Tuổi 30 là tuổi của niềm đau.
Biết thời gian làm tóc sẽ phai màu,
Biết Xuân đến sẽ là Xuân nhan sắc.
Bốn mươi Xuân tuổi đời đà bám chặt,
Lo Xuân về lo hết cả thời gian.
Nhưng nào kia Xuân nọ đã quen đàng,
Dầu ưa ghét không mời Xuân vẫn đến.
Năm mươi Xuân đặt mình trong vằn vặt,
Da tóc mồi răng rụng gối tay rung.
Kiếp phù sinh hình như hé môi cười,
Hoa đàm tiếu khoe Xuân rồi vụt tắt.
Sáu mươi Xuân mở đường cho lão bịnh,
Ôn quảng đường vỏn vẹn mấy mươi Xuân.
Xuân còn không khi cơn bịnh kéo hơi nồng,
Xuân là kẻ cướp lần đi sự sống.


Hay là:


Lại Xuân nữa thêm tuổi đời chồng chất,
Rồi tiển Xuân mòn mất chút dung nhan.
Thắm phù dung sớm nở lại chiều tàn.
Thân tứ đại rã tan đâu mấy chốc,
Mới mặt thẳng răng ngà thân giá ngọc.
Kế da nhăn tủi nhục kiếp Xuân tàn,
Đạp mê đổ cõi tịnh độ mau sang,
Kẻo hoặc lậu nghiền tan thân thêm nữa nữa.

3


Hơn thế nữa, tâm trạng đón mừng Xuân đối với bậc liễu đạo như ĐT Ngài đã nhận rõ, đón Xuân trong buổi hạ Ngươn chỉ là Xuân tàn Xuân gượng mà thôi:

Thiên hạ đua nhau rằng mới mới,
Lòng ta nào thấy mới chi đâu.

Hay là :
Lòng ta cảm thấy nỗi u buồn,
Suy xét việc đời lụy muốn tuôn.
Chào Xuân chẳng thấy Xuân mừng mới,
Mê mệt tâm cang trí bắt cuồng.

 
Hoặc là:
Nào dè Xuân ấy là Xuân gượng.
Của buổi loạn ly gợi thảm sầu.


ĐT đã nhắc nhở dặn dò chúng ta:

Hằng năm đến 3 ngày xuân nhựt thì ngày 29 , 30 và mồng một phải ăn chay, trong mấy ngày ăn chay phải cúng chay, qua đến ngày mồng 2 có chi cúng nấy cũng được , đến ngày mồng 3 ra mắt không nên sát sanh loài vật mà cúng tế trời đất , chỉ dùng bông hoa mà thôi. Như ĐT đã dạy:

Chúc mừng năm mới, mới buổi qua,
Bỏ bớt dị đoan chẳng cúng gà.
Tre nêu phơ phất không còn thấy,
Ra mắt tiêu mòn buổi thứ ba.

Hoặc giả:
Bước qua năm mới, mới mừng à,
Khuyến khích dân tầm đạo Thích Ca .
Tự giác, giác tha ta phải nói,
Hỡi người dương thế bớt xa hoa .

Sau đây là những lời chúc Tết của ĐT.

1/- Đối với thân tộc , vào năm Canh Thìn (1940) ở nhà thương Chợ Quán ĐT có gởi cho ông Mười ( tức ông Huỳnh văn Đống, chú ruột Đức ông).

Xuân đến chúc mừng tuổi Thúc Ông,
Đàng xa không thể viếng môn tông.
Câu thơ cao hứng thay bầu rượu,
Bài phú vui mừng thế chậu bông.
Đạo Đức gắng công nên cách mặt,
Văn chương rèn chí chẳng phai lòng.
Ơn nhà tạm gác sau này trả,
Xin bớt đau lòng, bớt ngóng trông.

2/- Đối với tín đồ, thì ĐT đã chúc Tết rất nhiều người như bác sĩ Trần văn Tâm:

Tràng pháo vang vầy đến rước Xuân,
Chúc ông năm mới chữ vui mừng .
Trăm điều phúc lộc vừa đem lại,
Muôn chuyện nhàn cư đến chẳng ngưng.
Tộc họ cùng chung gìn nghiệp cũ,
Thanh liêm một mực tròn nhơn cách.
Rạng vẻ non sông tiếng lẫy lừng.


Hay là cho ông thầy đội Giàu:

Chúc thầy trong năm mới,
Đạo tâm càng phấn khởi.
Mở rộng cửa từ bi,
Giúp người đang mong đợi.
Mong đợi được tu hành,
Thầy nên giảng việc lành.
Cho người mê giác ngộ,
Là phổ tế chúng sanh.
Chúng sanh đang thảm đạm,
Bởi tội ác gây ra.
Bần tăng thường khấn nguyện,
Mong trăm họ thái hoà.

Nói tóm lại, trong dịp Tết đến, các nước mừng Xuân âm lịch thì mọi người đều mong cho ông bà cha mẹ , anh em bầu bạn được vui vầy sum hợp bên nhau trong những ngày đầu năm. Nhưng đến hạ nêu, mọi người trở lại cuộc sống bình thường như ĐT đã dạy:

Ba bửa cờ trương còn hớn hở,
Bảy ngày nêu hạ hết lo nôn.

Thì ra năm mới như năm cũ,
Cảnh khó dân đen vẫn tự tồn.

Và có một việc quan trọng ĐT luôn nhắc nhở:

Xa hoa năm mới, mới khổ à,
Dân chớ chần chờ chớ bỏ qua.
Đạo lý xem tường Âu mới hãn,
Rán tìm cặn kẻ nổi ma ha.

Kính thưa quý vị,

Trước khi dứt lời, chúng tôi xin kính chúc toàn thể nhân loại sớm qua được bịnh dịch này và mong tất cả mọi người được hưởng một mùa Xuân an lạc, bền bỉ tiến tu cho đến ngày lập hội long hoa như ĐT ao ước:

Ước mong Xuân mới bằng Xuân cũ,
Thanh bạch tâm hồn cuộc thảnh thơi.

Với mong ước rằng :

Thời giờ kinh hãi sẽ đi qua,
Thế giới trì xong cuộc thái hoà.
Chừng ấy chúa Xuân thêm tráng lệ,
Huy hoàng tục cổ của ông cha.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca mâu ni Phật
Nam mô A Đi Đà Phật .

45

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Bảy 20235:40 CH(Xem: 2281)
Ngày 18 tháng 5 âm lịch năm 1939, cách đây đúng 84 năm, tại một ngôi làng nhỏ bé tại miền Tây Nam nước Việt, làng Hòa Hảo, một vị Bồ Tát, một thanh niên vừa tròn 20 tuổi đã khai sáng nên một tôn giáo dân tộc, tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo.
04 Tháng Tư 202311:11 SA(Xem: 2851)
Đồng đạo có điều chi thắc mắc, hay có ý kiến gì để sinh hoạt trong tôn giáo mình được tốt đẹp và hoàn thiện hơn thì nên mạnh dạn lên diễn đàn bày tỏ ý kiến và kính mong quý trị sự viên cũng nên lắng nghe .
23 Tháng Ba 202310:08 CH(Xem: 2704)
Muốn tiếp tục tu tập, cải sửa để hành đạo, ta cần phát triển lòng từ bi, nhưng quan trọng nhất phải có định và huệ.
14 Tháng Mười 202012:11 SA(Xem: 13500)
Do mối liên hệ với Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Nguyễn Trung Trực được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tôn vinh là Thượng Đẳng Đại Thần, trong nghi lễ thờ phượng các bậc anh hùng liệt sĩ của đất nước và mỗi khi cúng lạy đều cầu nguyện oai linh của Ông trong bài nguyện Qui y
05 Tháng Chín 20208:09 CH(Xem: 4870)
Lễ Vu-Lan còn gọi là Vu-Lan bồn, là một lễ lớn của Phật-Giáo. Phật-Giáo Hòa-Hảo của chúng ta cũng phát-xuất từ Đạo Phật , thế nên hằng năm chúng ta cũng tổ-chức ngày lễ nầy.
29 Tháng Ba 20201:12 CH(Xem: 12222)
Phật Giáo Hòa Hảo là một vết dầu loang âm thầm bằng sức mạnh của tình thương và lòng từ thiện. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã thực thi những gì mà Đức Tôn Sư của mình răn dạy. Một miền Tây trù phú, một khối lượng dân tộc đầy nội lực, một sức mạnh âm ỉ ngấm ngầm càng ngày càng được hun đúc trong lòng dân tộc.
25 Tháng Hai 202010:43 SA(Xem: 10816)
Người muốn tu, sửa thật sự, muốn bước vào con đường giác ngộ trong đời sống cần tự phân biệt lúc nào mình tu tập cải sửa và lúc nào mình hành sử sinh hoạt tôn giáo.
26 Tháng Năm 20197:39 SA(Xem: 17486)
Đức bà Lê Thị Nhậm là thân mẫu phần xác thịt của Đức Huỳnh Giáo Chủ và cũng là người đã dầy công nuôi dưỡng phần xác thịt của Ngài từ lúc bé thơ cho đến lúc lập Đạo cứu đời vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939 tại Thánh Địa Hòa Hảo.
26 Tháng Ba 20195:19 SA(Xem: 18098)
Vì non sông đạo pháp đã anh dũng hy sinh nơi chiến khu oanh liệt, trong công cuộc đánh đuổi xâm lăng giữ an bờ cõi, dưới ngọn cờ trung nghĩa của vị anh hùng dân tộc đức độ tài ba. Ngài được tôn xưng là Đức Cố Quản, một đại đồ đệ thứ nhứt, trong thập nhị hiền thủ của Đức Phật Thầy Tây An.
04 Tháng Mười Hai 201811:43 CH(Xem: 13170)
Lễ Tạ ơn đầu tiên theo truyền thống đã được diễn ra tại khu vực của “Thuộc địa Plymouth”, khoảng thế kỷ 16, 17 của một tộc người Pilgrim thuộc Anh Quốc.
100,000