(Bài nói chuyện của ông Trần Văn Tài, Hội Trưởng Ban Trị Sự PGHH/Miền Nam California vào ngày Đại Lễ tại Hội quán PGHH ngày 9-7-2023)
Ngày 18 tháng 5 âm lịch năm 1939, cách đây đúng 84 năm, tại một ngôi làng nhỏ bé tại miền Tây Nam nước Việt, làng Hòa Hảo, một vị Bồ Tát, một thanh niên vừa tròn 20 tuổi đã khai sáng nên một tôn giáo dân tộc, tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo. Ngài đã tiết lộ Sứ mạng của Ngài trong bài “Diệu pháp quang minh” viết tại Hòa Hảo vào ngày 10 tháng 4 năm Canh Thìn 1940 (câu 3-4):
“Ta thừa vưng sắc lệnh Thế Tôn.
Khắp hạ giái truyền khai đạo pháp”
Và Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng đã khẳng định trong bài Sứ Mạng do chính tay Ngài viết ngày 18 tháng 5 năm Nhâm ngũ 1942 tại Bạc Liêu rằng: “Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh”.
Ngài xiển dương pháp môn Học Phật Tu Nhân, noi theo giáo lý chơn truyền của Đức Phật nhằm tu sửa con người. Pháp môn trên được triển khai với giáo lý Tứ Ân, Tứ Ân là bốn điều Ân lớn: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo và Ân Đồng Bào Nhân Loại.
Nhân dịp này chúng tôi xin phép được nhắc lại về danh xưng của bốn chữ Phật Giáo Hòa Hảo.
Khi nghiên cứu nội dung giáo lý PGHH, tìm hiểu sứ mạng và chủ trương của Đức Huỳnh Giáo Chủ, chúng tôi nhận thấy Ngài là một vị Phật hóa hiện xuống thế gian, truyền bá đạo Phật để chúng sanh nương theo con đường Hòa Hảo mà tiến lên thế giới Đại đồng. Như thế, không thể chỉ giải thích ý nghĩa danh xưng Phật Giáo Hòa Hảo trong giới hạn địa danh, mà phải quan niệm hai chữ Hòa Hảo như một lý tưởng, một chủ thuyết.
Hiện nay nhơn loại đang sống trong thời kỳ mà không khí bất hòa lan tràn trầm trọng, giữa người với người, giữa các dân tộc, giữa các chủ thuyết, đối nghịch nhau, xung đột nhau, cơ hồ đưa nhơn loại đến tiêu diệt. Đó là dấu hiệu của thời kỳ Hạ Nguơn Mạt Kiếp. Và đó cũng là lý do xuất hiện của các đấng Cứu thế mà Đức Huỳnh Giáo Chủ là một trong những vị cứu đời đó, để: “gây cuộc hòa bình cho vạn quốc chư bang”.
Đức Huỳnh Giáo chủ cũng đã bày tỏ thêm trong bài Sứ Mạng do chính tay Ngài viết năm Kỷ Mão tại làng Hòa Hảo nơi Ngài đản sinh:
“Ta là một trong các vị cứu đời ấy. Ai liễu Đạo nơi quốc-độ nào thì cũng phải trở về quốc-độ ấy mà trợ tế nhân dân; vì thể lòng từ-bi bác-ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp giúp Ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh.”
Về sự nghiệp đối với đạo pháp và đất nước. Vào thời kỳ Pháp thuộc, khuynh hướng Thần tú phát triển làm chánh pháp suy vi. Do đó đạo Phật đượm màu mê tín dị đoan làm cho tinh hoa cao khiết của Phật đạo bị lu mờ dần đi.
Đức Huỳnh giáo chủ quyết tâm dìu dắt quần chúng ra khỏi con đường mê lạc đó, bằng cách đưa đạo Phật nhập thế gian, tới tận các gia đình cư sĩ tại gia, xiển dương chánh pháp vô vi, canh tân phương pháp tu hành, loại bỏ mê tín dị đoan, âm thinh sắc tướng.
Pháp môn Học Phật Tu Nhân của Ngài truyền bá rất dễ hiểu, lại thích hợp, vì có thể tu tại gia, nên đạo Phật đã được phát triển sâu rộng và mau chóng theo chánh pháp chơn truyền.
Ngoài việc chấn hưng Phật pháp, Đức Huỳnh Giáo Chủ, đã hết lòng chấn chỉnh phong hóa nước nhà khi văn minh Tây phương du nhập khoa học kỹ thuật vào Việt Nam, đồng thời cũng đem theo khuynh hướng tôn thờ vật chất vào xã hội nước ta, mà ảnh hưởng tai hại là phong hóa bị suy đồi.
Đức Huỳnh Giáo Chủ rất tích cực trong cuộc chấn chỉnh phong hóa, kêu gọi mọi người trở về nếp sống thuần lương đạo đức. Ngài chủ trương đào tạo con người có lòng yêu thương đồng loại của Phật giáo, có nếp sống mẫu mực của Nho giáo, và tư tưởng bất vụ lợi của Lão giáo.
Về sự nghiệp cứu nước, Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ trương “Giải thoát chúng sanh hậu tiến đang bị áp bức bởi chúng sanh tiền tiến”. Ngài đã tích cực tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập cho xứ sở. Ngài đã huy động khối quần chúng tín đồ vĩ đại vào đấu tranh, với một ý thức minh bạch về lý tưởng quốc gia, một chủ trương tiến bộ về cải tạo xã hội theo lý tưởng dân chủ xã hội.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ, với lòng yêu nước tha thiết và cao thượng, với gương hy sinh chiến đấu, với giáo lý Tứ Ân, thật đã đóng góp lớn lao vào công cuộc tranh đấu chung của dân tộc.
Nói chung, sự cống hiến của Đức Huỳnh Giáo Chủ và Phật Giáo Hòa Hảo vô cùng phong phú, đa diện và bền vững.
Về mặt văn hóa, Giáo lý PGHH thể hiện sự hòa hợp hoàn hảo của tam giáo Đông phương: Phật-Khổng-Lão, có khả năng phối hợp ba mẫu người Trượng phu của Phật giáo, Quân tử của Nho giáo và Bất vụ lợi của Lão giáo. Sự tổng hợp tinh hoa Tam giáo trong giáo lý PGHH sẽ bền bỉ, trường tồn, vì đã thoát ra từ dân tộc, hòa hợp trong dân tộc, và sẽ vĩnh cửu với dân tộc.
Ngoài chủ trương canh tân phương pháp hành đạo để chấn hưng Phật giáo, Đức Huỳnh Giáo Chủ còn là người đề xướng chủ nghĩa Dân Chủ Xã Hội, để kiến tạo một xã hội công bình và nhân đạo, tự do bằng cách hòa đồng tinh thần đại đồng và từ bi của nhà Phật, với kỹ thuật tân tiến của văn minh khoa học, để tổ chức và phát triển xã hội cho kịp với các nước tân tiến, đồng thời vẫn bảo tồn được nền tảng dân tộc và văn hóa Việt Nam.
Sau năm 1975, đồng đạo chúng ta cũng như hàng trăm ngàn người Việt đã được định cư tại hải ngoại. Năm 1980, cố cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam đã nhanh chóng thành lập Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại Miền Nam California,và là tụ điểm đầu tiên để kết hợp và phát triên tôn giáo PGHH tại Hải ngoại. Cố cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam đã cùng quý niên trưởng cũng như thanh Niên Đoàn PGHH tạo mãi ngôi Hội Quán PGHH tại thành phố Santa Ana này, cũng là Hội Quán PGHH đầu tiên tại hải ngoại để làm nơi quy tụ và sinh hoạt phổ truyền giáo lý, để cùng nhắc nhở lời dạy của Đấng Tôn Sư kính yêu. Trong Sấm Giảng quyển 5 Khuyến Thiện, Ngài đã dặn dò chúng ta như sau:
“Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên,
Phận môn đệ hãy lo vun quén.” (câu 83-84)
Và
Nên cố gắng trau thân gìn đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành.
Làm cho đời hiểu rõ thinh danh,
Công Đức Phât từ bi vô lượng. (câu 89-92)
Qua 48 năm sống xa quê hương, rất nhiều vị niên lão đáng kính, các đồng đạo Thanh Niên Đoàn đã đóng góp tích cực cho đoàn thể PGHH, không tư lợi, và cho đến hôm nay, những Thanh Niên Đoàn PGHH ngày nào nay đã trở thành những niên lão, vẫn một lòng duy trì, củng cố và phát triển sinh hoạt của Giáo hội PGHH một cách hăng say và đều đặn.
Ban Trị Sự PGHH Miền Nam California xin tán dương công đức của quý đồng đạo đã kiên trì phục vụ đạo pháp và dân tộc tại hải ngoại, và chúng tôi tâm nguyện noi gương các bậc tiền nhân PGHH tiếp tục con đường hoằng hóa giáo lý Tứ Ân Phật Giáo Hòa Hảo theo đúng lời Đức Huỳnh Giáo Chủ:
“Biết làm sao gieo đạo khắp Đại Đồng,
Đưa nhân loại đi vào vòng hạnh phúc”
Hay
“Ước mơ thế giới lân hòa hảo,
Nhà Phật con tiên hé miệng cười.”
Nhân dịp này, chúng tôi xin phép kêu gọi đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo luôn vững vàng sáng suốt trước những sự chống phá, chụp mũ gây chia rẽ, và các hiện tượng gần đây trên các phương tiện truyền thông, một số người đã dùng Sấm Giảng Thi Văn của Đức Thầy để bàn thiên cơ hay tạo sự mê tín dị đoan để lợi dụng với mục đích riêng tư, nhằm lôi kéo tín đồ làm tổn thương uy tín của Phật Giáo Hòa Hảo.
Một lần nữa chúng tôi khẳng định Tôn Chỉ của Giáo Hội PGHH/Miền Nam California là phụng sự đạo pháp và dân tộc, với lập trường Quốc Gia Dân Tộc, với chủ trương phổ truyền giáo lý PGHH, phát huy chánh pháp và bảo vệ uy danh của đoàn thể.
Trong niềm tin đó, Chúng tôi trân trọng kính chúc quý quan khách cùng đồng đạo một mùa Đại Lễ Khai Đạo PGHH được nhiều hồng ân Tam Bảo và xin kính chúc quý vị cùng gia đình được dồi dào sức khỏe thân tâm an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật