Lễ Tạ Ơn và Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

04 Tháng Mười Hai 201811:43 CH(Xem: 12790)
Lễ Tạ Ơn và Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Le Ta On
Lê Yến Dung

Lễ Tạ Ơn! tức Thanksgiving day, là lễ hằng năm được tổ chức tại Hoa Kỳ vào ngày thứ 5 của tuần lễ cuối trong tháng 11. Có ý nghĩa tạ ơn cho nhau, tạ ơn Phật Trời đã cho mưa thuận gió hòa, dân chúng sống trong an lành hạnh phúc và cũng là ngày nghỉ Lễ chính thức cho tất cả nhân dân theo luật định tại Hoa Kỳ.

Lễ Tạ ơn đầu tiên theo truyền thống đã được diễn ra tại khu vực của “Thuộc địa Plymouth”, khoảng thế kỷ 16, 17 của một tộc người Pilgrim thuộc Anh Quốc.
Những người Pilgrims rời Anh Quốc đến Netherlands (Hà Lan) sinh sống. Nhưng họ sớm nhận ra mình không thể hòa nhập ở nơi này và lo sợ sau nầy họ sẽ bị mất gốc, nên một số trong nhóm người nầy, họ rời khỏi Netherlands (Hà Lan) trên một con thuyền tên là Mayflower để đến Châu Mỹ.
Ngày đầu tiên họ đặt chân đến tiểu bang Massachusetts đang trong mùa đông rất là lạnh và đói, nên một số của họ đã bị chết đi 46 người, trong số 102 người vì không qua nổi mùa đông khắc nghiệt.
Những người thổ dân ở đây, họ đã hoan hỉ mang gà tây và trái bí đỏ thết đãi nhóm người mới đến nầy. Nhóm dân Da Đỏ cũng dạy họ cách sinh tồn, cách trồng trọt, săn bắt thú rừng, cách ứng phó với thiên nhiên v.v…
Trải qua một thời gian ngắn, nhóm người Pilgrims, họ đã quen dần phong thổ ở đây và đã tự lo cho bản thân của mình, họ cũng nghĩ: “Đây là vùng đất tốt nhất để hòa nhập, để chọn sinh sống và định cư luôn.”
Đã yên ổn, họ nghĩ ngay đến việc phải tạ ơn, họ đã cùng nhau tổ chức một buổi tiệc: “Trước để tạ ơn Đất Trời vì đã cho họ cuộc sống bình an, tạ ơn thổ dân Da Đỏ đã tận tình giúp họ trong những ngày đầu chơ vơ đói lạnh trên vùng đất mới nầy.”
Từ đó về sau, hàng năm theo tục lệ ông bà, con cháu của người Pilgrims luôn tổ chức lễ tạ ơn. Lễ Tạ ơn cũng đã được thực hiện chủ yếu bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo tại New England cho đến năm 1682.
Sau cách mạng Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ George Washington đã công bố Lễ tạ ơn toàn quốc đầu tiên ở Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 11 năm 1789, là ngày tạ ơn chung và cầu nguyện chung với lòng biết ơn sự gia ân của Trời Phật. Và cũng để tạo một biểu hiện sự đoàn kết quốc gia sau nội chiến Hoa Kỳ, cũng như để đồng hóa hết các dân tộc khác đã nhập cư vào Châu Mỹ năm 1890 và đầu thế kỷ 20.
Tiệc Lễ Tạ ơn thường được tổ chức vào buổi chiều tối cùng với gia đình, bạn bè với món chánh là thịt gà tây…Nó là ngày quan trọng để gia đình sum họp với nhau, người ta thường về với gia đình từ thứ Năm cho đến hết ngày Chủ nhật. Đó là một vài chi tiết ngắn về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ “Tạ Ơn” tức “Thanksgiving day” của đất nước Hoa Kỳ.

Thuyền nhân vượt biễn năm 1975 (Nguồn Internet).

Riêng đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đồng bào Miền Nam Việt Nam nói chung và nhất là khối Tín Đồ Phật Giáo Hòa Hảo nói riêng, chúng ta là những kẻ bức tử phải ly hương, nên hằng trăm ngàn người phải vượt biển ra đi bằng những con thuyền rất là nhỏ bé so với thuyền Mayflower của tộc người Pilgrims trước kia, vì thế một nửa hằng trăm ngàn đồng bào của chúng ta đã phải vùi thân dưới lòng biển cả, không được may mắn đến bờ tự do như những người Pilgrim cách nay vài ba trăm năm. Vì chính trị, vì sự cai trị hà khắc bởi chánh quyền mới, nên dân tộc ta phải trôi nổi và lưu lạc khắp nơi trên thế giới.
Với bước đầu bỡ ngỡ, hai bàn tay trắng cùng mang theo nỗi buồn mất quê hương, mất cả lẽ sống và niềm tin Tôn Giáo. Bên bờ vực sâu tận cùng của vô vọng đó, chúng ta đã được cứu vớt bởi các dân tộc trên thế giới bên ngoài, chúng ta gọi là nhân loại…Mà theo giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, đã chủ trương và rèn luyện cho tín đồ của Ngài trong điều ân thứ Tư, đó là ân “Đồng Bào và Nhân Loại.” Chúng ta, không một ai có thể sống một mình, chúng ta cần phải sống và trải nghiệm với muôn vàn các mối liên hệ nhau để tồn tại và phát triển để cùng với nhau hướng tâm tu học và cũng luôn nằm lòng những lời giáo huấn của Đức Tôn sư yêu kính:
“Con người vừa mở mắt chào đời đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp-đỡ của những kẻ xung-quanh và cái niên-kỷ càng lớn thêm bao nhiêu, sự nhờ-nhõi càng tuần-tự thêm nhiều chừng nấy.
Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong-vũ. Vui-sướng, ta đồng hưởng với họ. Hoạn-nạn, họ cùng chịu với ta.
Họ và ta cũng một màu da, cũng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một: ấy Quốc-gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng-bào vậy.
Đồng-bào ta và ta có một liên-quan mật-thiết không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng-bào, hay có đồng-bào mà không có ta. Thế nên ta phải rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.
Chẳng những thế thôi, ngoài-đồng bào ta còn có thế-giới người đang cặm cụi cần-lao cung cấp những điều nhu-cầu cần-thiết.
Họ là nhân-loại, là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa-cầu. Nếu không có nhân-loại, thử hỏi dân-tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chăng? Ta có thể tự-túc một cách đầy đủ chăng? Nói tóm lại, ta có thể lẻ-loi đương đầu với những khi phong-vũ nhiệt hàn với những lúc ốm đau, nguy biến, giữ vững cuộc sống còn này chăng? Hẳn không vậy. Thế nên dân-tộc ta phải nhờ đến Nhân-loại, nghĩa là nhờ đến dân-tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình và đồng-chủng mình.”
Là những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, chúng tôi luôn vâng lời vàng ngọc của Đấng Tôn Sư để luôn luôn làm theo hạnh nguyện của Ngài và cũng cũng luôn nhớ khi xưa, Ngài cũng đã đi Khuyến nông khắp nơi dãi dầu nắng mưa xuôi ngược đó đây để kêu gọi mọi người, phải rán lo cày cấy, giúp đỡ đồng bào ruột thịt miền Bắc, Trung đang đói khổ vì chiến tranh và cũng bởi lẽ: “Ngay từ những ngày đầu qui y theo tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo, chúng tôi phải tự rèn luyện và luôn ghi nhớ để thực thi Tứ Đại Trọng Ân mà chúng ta đã trót thọ mang từ khi vừa mở mắt chào đời.”


Đức Giáo Chủ đi khuyến nông để giúp đồng bào Miền Bắc, Trung vào năm 1945.

Nên hằng năm, cũng theo truyền thống Lễ Tạ ơn của đất nước Hoa Kỳ, ngoài buổi tiệc sum họp gia đình, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo luôn đến Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo để Cầu nguyện và cũng để cảm tạ, tri ân đất nước Hoa Kỳ nói riêng và toàn thể các dân tộc trên thế giới nói chung, đã cưu mang dân tộc Việt Nam, để tất cả các tôn giáo, trong đó tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo đã được tự do phát triển, tự do hành đạo.
Phải chăng đất nước Hoa Kỳ đã cho dân tộc ta rất nhiều và hiện tại với 43 năm đi qua, trải dài theo năm tháng, con cháu của chúng ta cũng đã trưởng thành với những con người cầu tiến và hữu dụng nhất. Họ là những nhân tài, là những người thành công lớn và có mặt hầu hết trên mọi lãnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, bởi sự cố gắng miệt mài, nhẫn nại của một dân tộc sẵn có một chiều dài lịch sử với bốn ngàn năm văn hiến. Họ đang làm việc và đã góp một bàn tay để xây dựng cho đất nước Hoa Kỳ.
Dòng chảy đang xuôi về một dòng, về suối nguồn của tình yêu bao la đại đồng của đấng Tôn Sư đã ban rải cho nhân loại, biết yêu thương, biết thọ ơn và biết cho đi, đó là một tình yêu to lớn, là một yêu thương hòa ái thiết tha mà Tôn Sư cũng thường nhắc nhở:
Ta có tình yêu rất đượm nồng,
Yêu đời yêu lẫn cả non sông.
Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.
(Tình Yêu)
Cho nên vào những ngày giờ Lễ Tạ ơn nầy, đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo luôn trưng bày những hoa quả lên bàn thờ để cầu nguyện đến Phật Trời, đến Đức Tôn Sư đang phương trời xa vắng…Nguyện cho tất cả nhân loại trên thế giới, nhất là đồng bào ruột thịt của mình tại quê nhà, được bình an, sớm thoát khỏi cảnh kềm kẹp của chế độ “Cộng sản trị” hiện tại, để dân chúng được sống bình an, được tự do, bình đẳng như mọi dân tộc may mắn ở các quốc gia khác.
Chính vì thể theo lời giáo huấn và hạnh nguyện của Ngài, chúng tôi dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, một quốc gia nào mà có tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang sinh sống, chúng tôi luôn luôn tổ chức những sinh hoạt Từ thiện trong tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” để tri ân và để nhớ lại hình ảnh đẹp nhất của “Đồng Bào Nhân Loại” đã cưu mang ta trong suốt những năm tháng đầu tiên, đói rách, trên khắp địa cầu mà chúng ta đã phải bức tử, rời xa đất nước Việt Nam yêu dấu của mình, rời xa suối Pháp ngọt ngào của Đấng Tôn Sư đã ban rải cho nhân loại chúng sanh.
Hôm nay, ngày Chủ nhật của tuần lễ Thanksgiving: Từ sáng sớm, sau khi chúng tôi đảnh lễ, công phu tịnh tâm theo nghi thức của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, chúng tôi lại quây quần chuẩn bị gói quà cho kịp lúc mang ra giúp những Homeless đang đói lạnh vì họ vẫn đợi chờ từ những tấm lòng từ bi, cứu khổ, cứu nạn.
Đến đây: “Civic Center là một trụ sở Government của City of Santa Ana” là nơi mà những người vô gia cư đang trú mưa, trốn lạnh dưới những tòa nhà cao ngất cũng như dưới các gầm cầu dọc theo thành phố hướng ra freeway…
Họ đang sống ở đây rất nhiều, đa số là những đàn ông đàn bà, tuổi đã về chiều, rất là yếu ớt, đậm nét nắng sương khắc khổ.
Trời hôm nay rất ấm áp dù đang trong mùa đông lạnh giá…nắng cũng bắt đầu lên cao, những tia nắng nhẹ đang nhảy múa để đón chào những tấm lòng nhân ái, từ thiện của nhóm trẻ “Thanh niên đoàn PGHH.” Họ là những người rất trẻ, là những tín đồ ngoan đạo của Phật Giáo Hòa Hảo ở vào độ tuổi đôi mươi, sẵn có lòng nhân, nên các em luôn tiên phong sốt sắng để sẵn sàng làm bất cứ việc gì để giúp đỡ người, những ai cần giúp…
Trong phần quà hôm nay, các em đã chuẩn bị 200 phần gồm có: Áo lạnh, mền, một phong bì tiền. Thực phẩm gồm: Cơm chiên, Mì xào, Chả giò, Patécheau, Chips, Cookies, Táo, Chuối và Chai nước lọc.
Mấy chốc, tất cả chúng tôi và các em đã chuẩn bị xong và giờ đây chúng tôi đã sẵn sàng đợi các người vô gia cư đang xếp hàng, họ đang đợi đến lượt của mình.


PGHH Miền Nam Cali phát quà cho Homeless (ngày 25/11/18).

Trong nét mặt u buồn của họ, tôi vẫn tìm được ánh mắt rạng ngời một niềm vui, họ đang hướng về chúng tôi như để cảm tạ, để tri ân những người trẻ có lòng…
Tôi tiếp tục rảo bước chung quanh nơi họ nghỉ ngủ...
Họ sinh sống trong những chiếc lều bằng vải cao su, chỉ vừa đủ chỗ nằm, với một chiếc mền nhỏ cũ rách.
Tôi sờ vào cái lều của họ, cảm nhận được sự yếu ớt, mỏng manh của chiếc lều. Trời ơi! chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng có thể làm tung cái lều tạm bợ nầy. Rồi làm sao họ có thể lây lất qua những đêm mưa gió bão bùng, những đêm đông vô tận ở phía trước?
Tôi cúi mặt mà nghe buốt cả lòng, trước mắt tôi, hình như mây đang vần vũ một màu đen, dù ánh bình minh đang chói lọi vươn cao, tôi thầm nghĩ: “Ở một xã hội văn minh, giàu có nhất thế giới mà đến hôm nay vẫn còn có những người đói rách.”? Âu cũng là nghiệp của chúng sanh!
Giơ tay lên, tôi lau vội những giọt ướt đang chảy dài trên má, tôi đã vô cùng xúc cảm và thấp thoáng đâu đây, văng vẳng bên tai, lời vàng ngọc của Thầy tôi:
“Của dư cho mượn mới là,
Hảo tâm bố thí ngọc tòa được lên.”

Lê Yến Dung
(Kỷ niệm mùa Lễ Tạ Ơn 2018).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 20241:27 CH(Xem: 538)
Đức Thầy đã dạy: Chúc mừng năm mới, mới buổi qua, Bỏ bớt dị đoan chẳng cúng gà. Tre nêu phơ phất không còn thấy, Ra mắt tiêu mòn buổi thứ ba.
13 Tháng Bảy 20235:40 CH(Xem: 2002)
Ngày 18 tháng 5 âm lịch năm 1939, cách đây đúng 84 năm, tại một ngôi làng nhỏ bé tại miền Tây Nam nước Việt, làng Hòa Hảo, một vị Bồ Tát, một thanh niên vừa tròn 20 tuổi đã khai sáng nên một tôn giáo dân tộc, tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo.
04 Tháng Tư 202311:11 SA(Xem: 2515)
Đồng đạo có điều chi thắc mắc, hay có ý kiến gì để sinh hoạt trong tôn giáo mình được tốt đẹp và hoàn thiện hơn thì nên mạnh dạn lên diễn đàn bày tỏ ý kiến và kính mong quý trị sự viên cũng nên lắng nghe .
23 Tháng Ba 202310:08 CH(Xem: 2372)
Muốn tiếp tục tu tập, cải sửa để hành đạo, ta cần phát triển lòng từ bi, nhưng quan trọng nhất phải có định và huệ.
14 Tháng Mười 202012:11 SA(Xem: 12964)
Do mối liên hệ với Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Nguyễn Trung Trực được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tôn vinh là Thượng Đẳng Đại Thần, trong nghi lễ thờ phượng các bậc anh hùng liệt sĩ của đất nước và mỗi khi cúng lạy đều cầu nguyện oai linh của Ông trong bài nguyện Qui y
05 Tháng Chín 20208:09 CH(Xem: 4710)
Lễ Vu-Lan còn gọi là Vu-Lan bồn, là một lễ lớn của Phật-Giáo. Phật-Giáo Hòa-Hảo của chúng ta cũng phát-xuất từ Đạo Phật , thế nên hằng năm chúng ta cũng tổ-chức ngày lễ nầy.
29 Tháng Ba 20201:12 CH(Xem: 11859)
Phật Giáo Hòa Hảo là một vết dầu loang âm thầm bằng sức mạnh của tình thương và lòng từ thiện. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã thực thi những gì mà Đức Tôn Sư của mình răn dạy. Một miền Tây trù phú, một khối lượng dân tộc đầy nội lực, một sức mạnh âm ỉ ngấm ngầm càng ngày càng được hun đúc trong lòng dân tộc.
25 Tháng Hai 202010:43 SA(Xem: 10456)
Người muốn tu, sửa thật sự, muốn bước vào con đường giác ngộ trong đời sống cần tự phân biệt lúc nào mình tu tập cải sửa và lúc nào mình hành sử sinh hoạt tôn giáo.
26 Tháng Năm 20197:39 SA(Xem: 17031)
Đức bà Lê Thị Nhậm là thân mẫu phần xác thịt của Đức Huỳnh Giáo Chủ và cũng là người đã dầy công nuôi dưỡng phần xác thịt của Ngài từ lúc bé thơ cho đến lúc lập Đạo cứu đời vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939 tại Thánh Địa Hòa Hảo.
26 Tháng Ba 20195:19 SA(Xem: 17362)
Vì non sông đạo pháp đã anh dũng hy sinh nơi chiến khu oanh liệt, trong công cuộc đánh đuổi xâm lăng giữ an bờ cõi, dưới ngọn cờ trung nghĩa của vị anh hùng dân tộc đức độ tài ba. Ngài được tôn xưng là Đức Cố Quản, một đại đồ đệ thứ nhứt, trong thập nhị hiền thủ của Đức Phật Thầy Tây An.
100,000