Năm 1942, tại tư thất của ông Võ Văn Giỏi ở Bạc Liêu. Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo có viết :
“Trí và Tâm, người học đạo cần tìm cách làm cho nó được phát triển cả hai, để lấy Tâm làm chủ mọi việc, lấy Trí mà phán xét mọi việc trước khi ta sắp đưa cho Tâm chủ trì”.
Rồi năm 1945, tại Sài Gòn, Ngài lại gọi ông Lê Bá Thế, bấy giờ là tín đồ theo bên Ngài, quê ở Phong Thạnh Thượng; mà dạy rằng :
“Ông hãy nói lại cho bổn đạo của Thầy biết: đừng một ai lo lắng gì cho Thầy mà hãy tự lo cho chính mình. Phải lo tu Tâm luyện Trí và cần xem quyển Khuyến Thiện của Thầy để thực hành. Những người tu hành chơn chánh đúng theo lời dạy của Thầy, về sau sẽ được Thầy tìm đến, chớ bây giờ thì đừng ai nên đến để tìm Thầy”.
Những lời dạy dỗ dặn dò của Đức Giáo Chủ kể trên, đã biểu lộ một nỗi lo âu sâu xa cho tương lai tín chúng. Ngài e ngại sự lạc lối của một số người chỉ có Tâm nhưng thiếu Trí và một số người khác chỉ có Trí mà vô Tâm. Sự thiếu sót quan trọng nầy sẽ đưa tới chỗ hoang mang lung lạc và sa ngã càn dở tai hại vô cùng.
Hoang mang vì chỉ có Tâm mà không tập suy gẫm cho mở Trí, thì ai nói gì cũng tin, ai bày gì cũng theo, niềm tin chánh đáng buổi ban đầu lần hồi băng hoại; còn sa ngã vì chỉ có Trí mà vô Tâm, thì thiếu yếu tố kềm chế, không có gì chỉ nam, nên đâm ra gian hùng xảo trá, đạo hạnh đổ nát.
Cả hai đều đi xa con đường Trung Đạo của Phật và cả hai đều không theo sát những lời Khuyến Thiện của Thầy. Trung Đạo là “diệt điều mê đắm trong Tâm”, “cố làm hiển khai Trí não”. Trung Đạo là “không trưởng dưỡng xác thịt”, mà cũng “không hành hạ sắc thân”. Còn con đường Khuyến Thiện là phải học theo gương Phật, tìm hiều bát khổ, diệt trừ ngũ trược, xua đuổi thập ác để rồi tu theo thập thiện và trì hành pháp môn niệm Phật. Con đường Khuyến Thiện đó cũng dạy ta cố gắng làm cho Tâm Trí mở mang:
Ráng tu cho qủi khiếp thần khâm
Được Tâm phát bồ đề vững chắc
Giữ đừng cho ma vương dẫn dắt
Thường nhớ câu đại lực đại hùng
Thắng thất tình giữ vẹn đạo trung
Trừ lục dục chớ cho ô nhiễm
Thập tam ma diệt bằng Trí Kiếm
Rứt xong rồi vô sự thảnh thơi.
Những lời giảng về Tâm Trí của Đức Thầy là ánh huệ quang soi đường giữa đêm dày tăm tối. Những điều ấy cần được quán nghiệm cho tinh và tu tập cho vững để mới có thể tùy duyên và tùy cảnh mà ứng phó trước cõi đời vạn nẻo, đầy dẫy những tham lam, thù hận, lận lường…
Và … có biết được những cái cần Biết, làm được những việc cần Làm như lời Phật, như lời Thầy, thì người tu mới bảo toàn trong sạch được thân phận vô thường để lần dò từng bước một mà bước đến con đường Tâm Trí dung thông.
Quyển sách nhỏ nhoi và khiêm nhường nầy được đưa ra, là xuất phát từ tấm lòng chân thành qua thiển nghĩ vừa được nêu ra trên đó.
Bồ Đề Trang, Mạnh Đông, Kỷ Dậu.
NGUYỄN VĂN HẦU.
Gửi ý kiến của bạn