2. Gắng công luyện Trí.

24 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 8097)
2. Gắng công luyện Trí.

Nếu trí tuệ là ánh sáng dùng soi xét đúng đắn các sự vật, thì vô minh là bức màn đen tối ngăn che các đường nẻo thẳng ngay. Muốn xé rẽ đám mây vô minh, không cách gì hơn phải khổ công luyện trí. Trí theo nghĩa nhà Phật là trí tuệ vô lậu, không như trí thức thế nhân. Chỉ có trí tuệ và trí tuệ vô lậu mới là khí giới duy nhất để làm tan sự đen tối mê lầm kia.

Đức Huỳnh Giáo chủ đã xem trí tuệ như là một lưỡi gươm. Tuy rất lành, nhưng cũng rất tinh nhuệ.

Gươm trí huệ từ bi chớp nhoáng
(Diệu Pháp Quang Minh)

Nhưng phải trau dồi trí tuệ bằng cách nào ?

Theo tinh thần bình đẳng trong học thuyết Phật Giáo thì mỗi người đều có sẵn hạt giống trí tuệ. Sở dĩ trí tuệ không được phát khai rực rỡ là vì con người thiếu hun đúc tôi luyện. Ví dụ như người làm rẫy có giống tốt, nhưng không chịu vun tưới, khiến hạt giống khó nẩy mầm.

Căn cứ vào kinh luận, chúng ta thấy muốn trau dồi trí tuệ, trước nhất phải tu tập Giới, Định, Huệ cũng gọi là ba phép vô lậu

Sách Đốn ngộ nhập đạo yếu môn luận viết :

“Trong sạch không ô nhiễm, ấy là Giới. Biết tâm không động, đối cảnh vẫn yên lặng, ấy là Định. Khi biết tâm không động mà không sanh ý tưởng chấp mình đang trong sạch, khi biết tâm thanh tịnh mà không sanh ý tưởng chấp mình đang lặng lẽ, cho đến việc thiện ác tuy phân biệt tỏ tường, vẫn không để cho điều thiện ác ô nhiễm lòng mình, luôn luôn tự tại, ấy gọi là Huệ (thanh tịnh vô nhiểm, thị Giới. Tri tâm bất động đối cảnh tịch nhiên, thị Định, Tri tâm bất động thời,bất sanh động tưởng, tri tâm thanh tịnh thời, bất sanh thanh tịnh tưởng, nãi chi thiện ác giai năng phân biệt, ư trung vô nhiễm đắc, tự tại giả, thị danh vi Huệ).”

Giới được tức răn chừa, đón ngăn được các tà tâm vọng niệm, các căn bản phiền não. Mọi quái ác ở cõi lòng, mọi xuẩn động ở sắc thân, sẽ nhờ Giới mà không sanh được. Định được tức là hàng phục được các ma quân, khiến tâm tư chuyên nhất, không thoáng hiện tây tà. Định biểu hiện như một tấm gương trong, có tác dụng phản chiếu rõ ràng tất cả những gì mà ta soi rọi. Còn Huệ là ánh sáng mầu nhiệm của thực tướng. Người tu hành nhờ tích cực chuyện trì Giới, Định và tập trung nhân thần, nhân điện sẽ có được Huệ. Huệ sẽ giúp ta nhận chân được nguồn gốc của khổ đau, thực tướng của nhân sinh và vũ trụ.

Nhưng đồng thời với việc tu tập Giới, Định, Huệ , chúng ta cũng cần phải luyện óc sáng suốt để quan sát sự vật và suy tư sự vật

Trí linh mẫn nhìn xem các chuyện
Phải đừng cho lầm lạc nẻo tà
(Giác Mê Tâm Kệ)

Quan sát sự vật là sau khi tiếp nhận vào não óc những nghe thấy chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng để hoặc chấp nhận, hoặc bài trừ. Chúng ta chấp nhận những cái hay, cái phải để thực hành những lợi lạc chung, vừa cho sinh loại mà cũng vừa cho mình. Phải khách quan, đừng chiều theo thị dục và bản ngã thấp kém mà cũng đừng sợ sự thật, những kẻ có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy, có tâm mà khôngbiết nhận định, là vì họ không cố gắng quan sát nổi sự vật khiến danh, lợi, tình xây lên thành kiến, không phá trừ được.

Nhưng quan sát còn được bổ tức bằng suy tư, thì hành giả mới rõ thêm sự thật.

Định tâm như mặt nước hồ
Suy với nghĩ nghĩ suy đường lối
(Giác Mê Tâm Kệ)

Đó là cái trí nghiệm nghĩ chín chắn. Chúng ta luôn luôn cần lật ngược vấn đề. Ta hỏi : Tại sao ? Vì sao ? Lý do nào ? Chuyện gì xảy ra đều cũng có nguồn gốc của nó, và rồi nó phải đi đến kết quả sau cùng. Ta hãy suy tư đến uyên nguyên và cứu cánh. Đừng nên thỏa mãn những giải đáp mập mờ, lưng chừng. Đừng bao giờ tự dối ta. Hãy nhớ kỹ rằng ta suy tư vì sự thật, không phải suy tư để thỏa mãn một thị hiếu. Phật từng rằng :

“Hãy nắm chặt ngọn đèn sự thật. Hãy nương cậy chắc vào một sự thật, đừng nương cậy điều gì ngoài sự thật”.

Biết chắc được sự thật thì mới hết nghi nan và nhờ đó tin tưởng vào con đường chánh mà mình đã tìm ra, nên mới có quyết tâm tu thân hành thiện.

Chim tìm cây mới gọi chim khôn
Người hiền đức mới rằng người trí
(Kệ Dân)

Đức Giáo Chủ P.G.H.H , đã khuyên bảo mọi người đừng nên say mê chen lấn lợi danh, đừng nên gây gổ, mà chỉ làm điều trung thực để rồi rèn trí lập thân. Ta hãy nghe lời Ngài :

Bây giờ bạc lộn với chì
Nữa sau lọc lại vít tì cũng chê
Bớ dân chớ có say mê
Trung lương chánh trực dựa kề đài mây
Mảng lo gây gổ tối ngày
Chẳng lo rèn đúc trí tài hiền lương
(Sán Giảng quyển III)

Từ cái trí bắt nguồn trong từ ái, mới đưa đến cái trí diệu thâm của Phật. Cái trí khôn ngoan trong câu truyện “Trí khôn để ở nhà” của anh nông dân đấu trí với cọp dữ không phải là không có ích cho cuộc sống nhân loại, nhưng đó chỉ là một trí xảo, chỉ làm con người thêm lăn lộn vào sáu nẻo luân hồi chứ không ích gì cho người tu.

Truyện cổ trong ảnh hưởng Đạo Phật có nhắc tới một thầy tu tu lâu, định ngày về Tây phương. Nhưng một anh hàng thịt nghe biết, cứ nằng nặc xin theo. Thầy tu sợ người sát sanh tùy tùng thì nghiệp dữ sẽ liên lụy đến đạo hạnh của ông, nên ông nghĩ mưu đánh lừa anh hàng thịt rồi một mình lên đường.

Anh hàng thịt không nghèo lòng chí thành, tức tốc đuổi theo khi được tin tu sĩ đã đi Tây phương. Tu sĩ lấy làm buồn bực khi trông thấy gã hàng thịt đuổi kịp mình. Ông liền nghĩ mưu khác, đem lời ngọt ngào khuyên anh hàng thịt nên tu tắt, cứ trèo lên cây cao, niệm Phật rồi buông tay. Làm như vậy ông hi vọng được rảnh nợ để một mình đi cho yên, còn vấn đề sanh tử của gã hàng thịt thì trối kệ.

Cái mưu mẹo kia từ trí khôn ngoan ích kỷ mà ra, tuy đã giúp ông thầy tu nọ đạt được ý nguyện nhất thời nhưng nó sẽ tạo nghiệp triền miên. Nhất định nó không phải là cái trí tuệ xuất hiện từ cửa Phật. Người tu muốn luyện trí, chỉ trau dồi theo cái lòng trí lành chứ không bao giờ chấp nhận những trí xảo có tính cách tạo nghiệp ấy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
100,000