1 Đức Ông Huynh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm
THÂN THẾ VÀ CÔNG ĐỨC CỦA ĐỨC ÔNG HUỲNH CÔNG BỘ, PHỤ THÂN CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
NGUYỄN HUỲNH MAI
(Bài nói chuyện của Bà Nguyễn Huỳnh Mai trong buổi lễ Giỗ Đức Ông Huỳnh Công Bộ, thân phụ của Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, ngày 4-3-2022 tại Hội Quán PGHH/Nam California, Hoa Kỳ)
THÂN THẾ CỦA ĐỨC ÔNG HUỲNH CÔNG BỘ
Đức Ông Huỳnh Công Bộ là phụ thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ, người khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo năm 1939 tại làng Hòa Hảo, nay là huyện Phú Tân tỉnh An Giang. Đức Ông là Hương Cả tại làng Hòa Hảo, gia đình trung lưu, phúc hậu, có vai trò quan trọng và uy tín với nhân dân địa phương. Ông sơ và ông cố của Đức Ông đều là công thần hy sinh vì tổ quốc, được vua ban chiếu khen thưởng.
Được biết năm 1791 ông Sơ của Đức Ông là ông Huỳnh Công Trí làm chức Đại Đô Đốc Thời Tây Sơn, trấn giữ thành Diên Khánh, Phú Yên. Hiện thành lũy quân sự duy nhất của Triều Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn ở Miền Trung. Đến Thờ Huỳnh Công Trí có một bản lớn trước cửa có ghi Tiền Hiền Huỳnh Phủ, và cổng vào Lăng có ghi: Lăng Ông Tổng Trấn Bích Tuần Thành, Lịch Cả Huỳnh Công Trí. Tiền Hiền, Mỹ Hội Đông.
Ông Cố của Đức Ông là ông Huỳnh Văn Truyền, giữ chức Cai Biện An Giang. Ông có công đánh giặc và đã tử vì nước tại Cao Miên.
Trên vách miếu ông Huỳnh văn Truyền có treo bản ghi: “ Miếu Đức Tằng Cố Tổ, An Giang tỉnh. Cai Biện Huỳnh Phủ Truyền, Trung Quân Ái Quốc Chi Thần. Hy sinh trận giặc Trấn Tây Thành vào chiều ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch tại Vàm Trung, tỉnh Cần Ché Karatié-Kampuchia, đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị (1840-1846). Hiện ngôi mộ của ông Huỳnh Phủ Truyền tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Còn ngôi miếu thờ ông thì ở xã Tân Trung, huyện Phú Tân tỉnh An Giang.
Ông Nội của Đức Ông là Huỳnh Văn Lộc và bà Bùi Thị Hòa, cư ngụ tại thôn Lỹ Lương, huyện Long Xuyên. Hiện mộ của ông bà nội Đức Ông tại xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nằm giữa ruộng, cách nhau khoảng 100 mét, được xây lại năm 1960.
Thân phụ mẫu của Đức Ông là Huỳnh Văn Tạ và bà Lê Thị Hữu, cư ngụ tại thôn Mỹ Lương, huyện Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ông bà có 8 người con. Đức ông là người con Út. Hiện mộ phần của thân phụ mẫu Đức Ông nằm phía sau Tổ Đình gần khu mộ của Đức Ông Đức Bà và bà Huỳnh Thị Kim Biên, em Đức Thầy.
Đức Ông Huỳnh Công Bộ sanh năm mậu Tý 1888, và mãn phần ngày 6 tháng 3 âm lịch năm Tân Sửu 1961, hưởng thợ 73 tuổi. Ông có 2 người con với bà vợ cả Võ Thị Tôn. Sau khi bà mãn phần Đức Ông tái giá với bà Lê Thị Nhậm và có 3 người con là Đức Huỳnh Giáo Chủ, bà Huỳnh Thị Kim Biên và ông Huỳnh Thạnh Mậu. Mộ phần Đức Ông và Đức Bà được xây rất đẹp và trang trọng phía sau Tổ Đình gần hồ sen.
Mỗi năm vào các ngày giỗ của Đức Ông các thân nhân họ Huỳnh ở Kiến An đến đều Tổ Đình tham dự.
CÔNG ĐỨC CỦA ĐỨC ÔNG ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO HÒA HẢO
Theo cố niên trưởng Nguyễn Minh Thiện, người đã từng được diện kiến Đức Thầy và là thành viên của Ban Trị Sự PGHH Trung Ương tại Thánh Địa Hòa Hảo trước 1975. Sau khi Đức Thầy vắng mặt, Đức Ông đã lãnh đạo đoàn thể với nhiệm vụ cố vấn tối cao PGHH. Chính trong vai trò quan trọng này Đức Ông đã trải qua nhiều gian khổ và nguy hiểm sau khi Đức Thầy vắng mặt.
Trong khoảng thời gian này hàng triệu tín đồ sống trong các vùng mất an ninh đã dùng thuyền bè di cư quy tụ về làng Hòa Hảo để lánh nạn và phần lớn đã định cư tại đây, nên nơi này được tín đồ gọi là Thánh Địa Hòa Hảo.
Năm 1949, quân Pháp đã đóng đồn tại chợ đường Tắc ở làng Hòa Hảo cách Tổ Đình khoảng 500 thước, vì vậy Đức Ông đã phải rời Tổ Đình sống lưu động với một toán phòng vệ. Khi thì Đức Ông ở làng Hưng Nhơn, lúc ở làng Hiệp Xương, cũng có lúc phải dời qua làng Phú An ẩn náu, luôn luôn di chuyễn ban đêm để tránh sự tập kích của lính Pháp.
Về mặt nội bộ đoàn thể, để tạo sự đoàn kết và duy trì sự đoàn kết, Đức Ông chẳng quản ngại tuổi già sức yếu đã phải chủ trì ngày đêm nhiều buổi đại hội với các tướng lãnh PGHH như các ông Trần Văn Soái, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên và Lê Quang Vinh.
Vào những năm đầu thập niên 1950, Đức Ông cùng các Ban Trị Sự PGHH địa phương đã phải đảm đương trật tự an ninh, kiến thiết xã hội cho làng Hòa Hảo, và các vùng lân cận. Đức Ông đã chủ trì mở các trường học để nâng cao dân trí, lập thêm các trạm cứu tế, các nhà bảo sanh, sửa cầu đắp lộ, tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng.
Điều mà Đức Ông đặc biệt quan tâm là củng cố nếp sống tu hiền đạo đức cho dân chúng. Đức Ông cho in ấn và phổ biến rộng rãi kinh giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Đức Ông luôn nhắc nhỡ mọi người sáng chiều cúng lạy, mỗi tháng phải chay lạt 4 ngày, và trong những ngày này, chợ búa không được bán thức ăn mặn. Những sòng bạc, đàn điếm, trộm cắp, dị đoan mê tín đều bị nghiêm cấm và phạt rất nặng. Như thế một xã hội hiền hòa, lương thiện ấm no và thanh bình đã được hình thành và đã kéo dài trong nhiều năm.
Đức Ông đã thay Đức Thầy bảo bọc che chở cho tín đồ và hướng dẫn họ cả về mặt xã hội, kinh tế, văn hóa giáo dục và tín ngưỡng lẫn phát triển tôn giáo. Đức Ông rất nghiêm khắc, công bình và ban kỷ luật nghiêm minh nhờ đó mà vùng Thánh Địa Hòa Hảo rất bình yên trật tự, ban đêm nhà không đóng cửa mà không hề có trộm cướp vì mọi người được học giáo lý đức dục từ tiểu học đến trung học.
MỘT VÀI KỶ NIỆM TẠI TỔ ĐÌNH PHẬT GIÁO HÒA HẢO
Chúng tôi may mắn lúc còn nhỏ sống gần Tổ Đình và được diện kiến Đức Ông và Đức Bà. Gia đình chúng tôi ở cạnh nhà bà Sáu Nhạn, bên bờ sông Tiền thuộc song Cửu Long gần Tổ Đình. Bà Sáu Nhạn là em ruột của Bà Năm Cò, một đại đệ tử của Đức Thầy và là người lo về tài chánh hổ trợ các hoạt động của PGHH.
Bà Năm Cò tên Nguyễn Thị Anh, có chồng là ông Cò người Pháp. Bà thường dắt các cháu nội là anh Raymond và chị Annie về làng. Chúng tôi và anh Huỳnh Công Khanh, con cô Năm Biên và hai anh chị này thường rũ nhau chạy qua Tổ Đình để vui chơi. Chúng tôi thường khoanh tay cuối đầu thưa Đức Ông và Đức Bà khi ông bà ngồi trên bộ ván gõ.
Đưc Ông người cao lớn, quắc thước, còn Đức Bà người nhỏ nhắn hiền lành, hay ngồi ăn trầu cạnh ông. Trái với sự nghiêm nghị khi gặp tín đồ người lớn, ông hiền lành hay cười vui và giơ tay ngoắc chúng tôi lại để cho bánh kẹo. Tất cả chúng tôi đếu rụt rè e ngại, trừ anh Raymond hay đến gần Đức Ông trò chuyện.
Từ khi lớn lên và rời làng Hòa Hảo, chúng tôi luôn tưởng nhớ đến thời kỳ ấu thơ sống tại nơi này. Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm vẫn sống mãi trong lòng tôi, nhất là những ngày lễ đạo, người người từ các nơi đổ về Thánh Địa. Trên đất liền thì hoa đăng xa nối đuôi nhau và dưới sông thì tràn ngập hoa đăng thoàn, các vòi nước trên thuyền rồng phung lên, đèn thắp sáng rực một góc trời. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng pháo nỗ vang tai. Một cảnh tượng thật sống động, tràn ngập hạnh phúc và hòa bình an lạc. Từ các loa phóng thanh, các độc giảng viên với giọng ngâm giảng truyền cảm, ngân lên những lời khuyên dạy lo tu hiền, làm lành lánh dữ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, người đã có công đem ánh sáng từ bị chân lý nhiệm mầu đên cho người dân thuộc Miền Tây Nam Bộ./.
1 Đức Ông Huynh Công Bộ
2 Đức Ông Huynh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm
4 Bà Huỳnh Thị Kim Biên, em ruột Đức Thầy
5 Ông Huỳnh Thạnh Mậu, em Út của Đức Thầy
ĐỀN THỜ HỌ HUỲNH
Ông Sơ của Đức Ông là ông Huỳnh Công Trí
Đến Thờ Huỳnh Công Trí có một bản lớn ghi Tiền Hiền Huỳnh Phủ
Cổng vào Lăng có ghi: Lăng Ông Tổng Trấn Bích Tuần Thành, Lịch Cả Huỳnh Công Trí. Tiền Hiền Mỹ Hội Đông.
Ông Cố của Đức Ông là ông Huỳnh Văn Truyền
Miếu Thờ Huỳnh Phủ Truyền tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Trên vách miếu có treo bảng ghi:
“ Miếu Đức Tằng Cố Tổ, An Giang tỉnh. Cai Biện Huỳnh Phủ Truyền, Trung Quân Ái Quốc Chi Thần. Hy sinh trận giặc Trấn Tây Thành vào chiều ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch tại Vàm Trung, tỉnh Cần Ché Karatié-Kampuchia, đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị (1840-1846) Hiện ngôi Miếu của ông Huỳnh Phủ Truyền tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.