Từ khi mở mắt chào đời đến nay, ta đã nhiều lần rơi nước mắt. Ta khóc vì sự đau đớn của thể xác hay vì sự sầu não tự tâm hồn.
Con người sinh ra để làm gì? Có nhiều câu trả lời, nhưng có lẻ câu trả lời mang ý nghĩa thực tế nhất và cũng phủ phàng nhất là: con người sinh ra để dần đến cái chết, lê bước trên quãng đường trập trừng đau khổ.
Khổ đau đâu chỉ có trong bệnh viện, trong nghĩa trang, trong tù ngục, mà bóng ma đau khổ thấp thoáng ẩn hiện ở khắp mọi nơi, từ phía sau ánh đèn màu dạ vũ huyền hoặc đến thực chất những cuộc đời được gọi là cao sang quyền quí nhất.
Đáng thương cho chúng ta biết bao người suốt đời è lưng ra gánh mang vô vàn thống khổ, họ đã rên xiết, đã oán than, nhưng rồi như làn gió thoảng qua, tất cả cái giá đắt mà họ trả ấy không giúp họ mua được bài học nào, thậm chí một suy nghĩ nào.
Bao thể xác quằn quại, bao mảnh hồn tưởng như tan tác trong hố thẳm đau thương, không còn phương cách nào tự cứu, người ta đã cố dựng lên những ảo ảnh hạnh phúc để thét lên thành tiếng cười khô khan điên dại. Người ta có biết chăng khổ đau là một luật đã, đang và sẽ nhấn chìm đời người một cách khốc hại?
Cách đây 26 thế kỷ, vị hoàng tử của một vương quốc xứ Trung Ấn, vừa bảy tuổi đầu đã chân thành rơi lệ trước cảnh tượng sanh linh tàn hại ăn nuốt lẫn nhau. Đến tuổi trưởng thành, tuổi của hoa của mộng, giữa làn ngựa xe náo nhiệt, vị hoàng tử ấy đã thấy được, và hơn thế nửa, cảm thông được trước những cảnh già, bệnh, chết của con người. Có phải chăng sự nhận ra khổ đau là bước ngoặc đầu tiên sự nghiệp đưa phẩm vị loài người lên đến đỉnh cao tuyệt đối?
“Đức Thích Ca xưa ở lâu đài
Nghiệm tứ khổ nên Ngài tầm Đạo”
Thực vậy, ở đời người ta không phải cứng rắn, lớn mạnh trong hoan lạc, mà trái lại, người ta dễ dàng trưởng thành trong đau khổ. Nhận thức đúng đắn về sự khổ là cách rèn luyện cho mình về nghị lực, ý chí, bồi bổ thêm kinh nghiệm sống. Nó giúp cho ta có được phong độ điềm tỉnh trước những biến cố của đời và không quá khủng khiếp kinh hoàng khi khổ đau đem đến cho mình hay cho người thân mình.
Đối với bậc vĩ nhân, tinh thần biết khổ còn là động lực thúc đẩy họ thực hiện sứ mạng cứu thế. Nhìn cảnh “Bể trần sóng cuộn lao xao” Đức Huỳnh Giáo Chủ đã từng “Xông thuyền bát nhã lướt vào một phen”
Nếu khổ đau là mảnh đất tốt để gieo hạt giống tình thương thì người yêu đời càng phải nên biết hết thực trạng khổ đau của đời. Biết khổ đau, thường trú với khổ đau và biến cõi khổ đau thành thế giới an lạc chính là nhân địa tu hành của chư Bồ Tát, giúp các Ngài trang nghiêm Phật quả.
Kinh Tịnh Danh nơi Phẩm Bồ Tát Đạo, ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ngài Duy Ma Cật, Bồ Tát ngụ ở đâu? Ngài Duy Ma Cật trả lời: trong địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Nên ta hiểu được con đường hành đạo là con đường đối mặt với khổ đau, nơi ấy là hiện thân của từ bi và cứu độ, có được như thế thì đạo quả mới tròn đầy, cái khổ là phương tiện để ta tiến tu.