Huỳnh Hoài
“Tử vì nước còn ghi linh miếu,
Thác vì đời thanh sử danh bia.”
(Đức Huỳnh Giáo chủ)
Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) là một trong vài tôn giáo nội sinh tại Việt Nam, nên tư tưởng cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam trước đó, xa và khá rõ nét là về tinh thần nhập thế của Phật giáo Lý Trần; gần thì chịu ảnh hưởng tư tưởng của hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH). Người sáng lập là ông Huỳnh Phú Sổ (Đức Huỳnh) (1920-1947) đã khéo kết hợp những tinh hoa của Phật giáo dân tộc để xây dựng nên hệ thống tư tưởng PGHH phù hợp với thời đại và cho dễ thích nghi với trình độ văn hóa của quảng đại quần chúng, đặc biệt đối với đồng bào ở miền Tây Nam Bộ mà đa số là thành phần nông dân ít học trong thời Pháp thuộc.
Tuy nhiên, đặc điểm phương thức truyền dạy giáo lý của Đức Huỳnh có phần khác với các vị tổ đi trước trong hệ phái BSKH, cụ thể: không truyền dạy phép thuật mà đi sâu vào phổ thông giáo lý Phật đà. Trong vòng gần 8 năm giáo hóa, người sáng lập PGHH đã thu nhận được hơn 1 triệu tín đồ. Ai có để tâm tìm hiểu về PGHH, đều công nhận ông đã đặc biệt thành công trong việc loại bỏ thói mê tín dị đoan, dưới các hình thức phổ biến trong dân, như đồng cốt, bói toán, tục đốt giấy vàng mã…. Một điều quan trọng khác mà cho đến nay vẫn ít được người ta nhắc đến, đó là sự thành công của vị Giáo chủ trong việc tôn thờ hình tượng Nguyễn Trung Trực (gốc Việt) để thay cho hình tượng Quan Thánh Đế Quân (gốc Tàu) trong tâm thức người Việt. Song song theo đó là chủ trương loại bỏ hoàn toàn các vị gia thần mà bao đời dân Việt tin theo, vốn chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc: ông Táo, ông Địa, bà Cố Hỷ, ông Độ Mạng …
***
Như chúng ta đều biết, Nguyễn Trung Trực là một vị anh hùng dân tộc đã hi sinh anh dũng cho nghĩa cả cứu nước, cứu dân. Tên thật là Nguyễn Văn Lịch, thường gọi Chơn, sinh năm 1837 (Đinh Dậu), người làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), mấy đời sinh sống bằng nghề chài lưới. Ông Nguyễn hi sinh ngày 27 tháng 10 năm 1868 (12.9 Mậu Thìn (*)) tại Rạch Giá.
Tháng 2 năm 1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Ứng theo lời kêu gọi của các vua cuối triều Nguyễn, ông đã chiêu mộ quân lính tham gia gìn giữ Đại đồn Chí Hòa, dưới quyền của Trương Công Định. Nhờ lập được nhiều chiến công khắp chiến trường Gia Định, Biên Hòa, … nên được triều đình nhà Nguyễn phong chức Quản cơ, Lãnh binh, rồi Hà Tiên thành Thủ úy. Ông Nguyễn kéo quân về Hòn Chông lập căn cứ quyết chống Pháp đến cùng, cho đến lúc rơi vào tay giặc và phải thọ hình ngày 27.10.1868 tại chợ Rạch Giá, lúc mới 31 tuổi. Nguyễn Trung Trực đã để lại một câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.
Hình ông Nguyễn Trung Trực Tại Hội Quán PGHH
Để tỏ lòng tôn kính, dân chúng gọi Nguyễn Trung Trực là “Ông Nguyễn” và đã lập đền thờ cúng ông khắp nhiều nơi ở Tây Nam Bộ: Long An, An Giang, Rạch Giá, Phú Quốc, … nhang khói không ngừng. Ngay cả thời Pháp thuộc việc thờ cúng này đã có. Hằng năm, trong lễ kỷ niệm ngày Ông Nguyễn hi sinh, tại Rạch Giá luôn có rất đông quần chúng tự động về tham dự, là một trong những lễ hội lớn nhất miền Nam ngày nay.
Danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt đương thời bấy giờ có điếu Ông Nguyễn một bài thơ, trong có hai câu rất xuất sắc, để nhắc đến hai chiến công vẻ vang của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
(Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần)
Sau khi ông qua đời, triều đình nhà Nguyễn đã phong thần cho Nguyễn Trung Trực là Thượng Đẳng Linh Thần.
***
Để làm sáng tỏ sự thay thế hình tượng Quan Thánh Đế Quân bằng hình tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong PGHH, thiết nghĩ, cũng nên tìm hiểu sơ qua sự tín ngưỡng Quan Thánh Đế Quân của người Việt.
Đại khái, Việt Nam do ảnh hưởng văn hóa Tàu, nên dân gian từ xưa và khắp nơi đã có tục thờ Quan Thánh Đế Quân, quen gọi Quan Công, tức một danh tướng Trung Quốc tên thật Quan Vũ (160-219), tự Vân Trường: “Ở nội thành Hà Nội có ít nhất 4 làng từng lập Quan Công làm Thành Hoàng. Quan Công còn là một trong nhưng người được thờ chính ở đền Ngọc Sơn ngay trung tâm Hà Nội với tên Quan Thánh Đế Quân.” ([1])
Ngoài những nơi thờ riêng Quan Thánh Đế Quân gọi là chùa Ông, hay thờ tại tư gia làm thần hộ mệnh cho nam giới, Quan Thánh Đế Quân cũng còn được thờ kèm thêm trong nhiều chùa Phật. Theo nhận xét của nhà văn Sơn Nam liên quan tín ngưỡng của người dân đồng bằng sông Cửu Long:“Quan Vân Trường (Quan Công) hiện thân của “trung cang nghĩa khí”, “trung nghĩa thiên thu” đã ăn sâu vào tâm lý mọi người, (…) Trong hội kín, tinh thần của Quan Công là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá cách đối xử giữa các anh em kết nghĩa. Từ trước nhiều gia đình đã thờ Quan Công, nhưng giai đoạn này [Pháp thuộc], Quan Công được nhắc nhở nhiều hơn, trang thờ đặt trên cao, uy nghiêm, huyền bí hơn bàn thờ tổ tiên và thờ Phật. Trong chùa Phật, Quan công là ông Già lam, sắc mặt bớt đỏ, râu cắt ngắn (...); khách thập phương có thể vào chùa, xin xăm với ông Già lam này. Nhiều đình, chùa, miễu ở Sài Gòn, Chợ Lớn và rải rác chợ quận, chợ làng, khi xem lại thì lúc ban đầu nhằm thờ Quan Công, về sau thêm chi tiết, không ai thắc mắc cho lắm.”([2]) Trong đạo Cao Đài, “Đức Quan đế thánh quân là Tam-Trấn Oai Nghiêm”([3]) được thờ vào ngôi thờ Tam giáo và Ngũ chi. Đối với đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Quan Đế Thánh Quân cũng được thờ hết mực kính trọng, “Giữa nhà có bàn nhị đẳng (mặt bàn có hai từng). Trên hết thờ Quan Thánh Đế Quân, từng kế thờ Hội Đồng Thượng Phật. Dưới chót có một bàn kinh (rời) ngoài lư hương ra, hai bên có chuông mõ, chính giữ một bộ kinh cúng dường 13 quyển.”([4])
Trong dân gian, nhiều thầy pháp lên đồng ngày xưa cũng hay tự xưng mình là xác của Quan Thánh Đế Quân.
Trái lại, ở PGHH, hình tượng của Quan Thánh Đế Quân rất mờ nhạt, nên trong Sấm giảng thi văn của Đức Huỳnh Giáo chủ, Quan Thánh Đế Quân chỉ đôi khi được dùng như điển tích văn học, nhằm nêu lên khí tiết trung nghĩa mà thôi. Đại khái như:
“…Quan Công Hầu gìn chặt nghĩa ân,
Vượt năm ải về thăm huynh trưởng.
Kẻ nghĩa khí thiên kim vạn lượng,
Lũ nịnh thần sách sử nào khen.”([5])
Bởi Quan Thánh Đế Quân xét trên phương diện con người cho dù là bậc nghĩa khí đáng tôn thờ, mà tín đồ PGHH cũng kính trọng, nhưng trước sau vẫn là nhân vật xa lạ đâu đâu tận bên Tàu, không đủ tiêu chuẩn “anh hùng của đất nước”; đối với dân Việt, nước Việt càng không có công trạng gì cả. Đây có lẽ là một trong những lý do chính yếu giải thích tại sao ở những cơ sở thờ tự của PGHH, cũng như tại tư gia tín đồ PGHH đều không thờ vị thần tiêu biểu cho đức trung liệt này. Trong trường hợp người tín đồ mới quy y theo PGHH, nếu trước đó đã có thờ Quan Thánh Đế Quân làm thần hộ mạng, hay thờ các gia thần khác, thì người có uy tín trong đạo sẽ đảm trách phần giải thích với gia chủ, tháo gỡ các trang thờ này rồi thượng ba ngôi thờ cúng (sẽ nói sau) theo tôn chỉ của PGHH.
***
Ông Nguyễn Trung Trực và Đức Cố Quản Trần Văn Thành (thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương, tiền thân của PGHH) có mối quan hệ thâm tình. Theo lời kể của ông Cả Mười (con ông Lâm Quang Ky) gánh họ Lâm ở làng Mỹ Hội Đông, Chợ Mới, Long Xuyên, thì Ông Nguyễn có lúc tá túc tại nhà họ. Ông Nguyễn có ngồi thuyền lên cù lao nhỏ Bình Thạnh Đông thăm Cố Quản Trần Văn Thành. Khi hay tin ông Nguyễn bị Pháp hành hình ở Rạch Giá, Đức Cố Quản đang dấy binh chống Pháp tại Bảy Thưa, Châu Đốc "Cố bùi ngùi vô hạn. Cố truyền cho binh sĩ phải lặng lẽ ba ngày để tưởng niệm vị anh hùng vừa quá cố, lại sai người làm riêng một linh vị, khắc tên họ cụ Nguyễn, để lên thờ trên án tướng sĩ trận vong mà Cố đã cho đặt ra ở một bên quân doanh." ([6])
Trong Thi văn của Đức Huỳnh Giáo chủ cũng có bài thơ khoán thủ nói về ông Nguyễn Trung Trực, xin trích dưới đây:
“ THƯỢNG thẩm Đạo mầu nẻo cao sâu,
ĐẲNG đẳng hãy làm chớ để lâu.
ĐẠI pháp vô-vi là chơn-lý,
THẦN làm trọn vẹn khỏi lo âu.
***
Huỳnh long tự thế gần sanh-chúng,
Bổn tánh Hòa thôn Hảo dĩ đầu.
....” ([7])
Tín chúng PGHH cảm nhận: Có tinh thần, khí tiết Ông Nguyễn “hiện diện” rõ trong đức Giáo chủ của mình.
Triều đình phong thần cho Nguyễn Trung Trực là Thượng Đẳng Linh Thần. Trong PGHH, theo lời kể của ông Huỳnh Hữu Phỉ, Đức Thầy chỉ dạy ông Phỉ “còn thiên đình thì phong cho Ngài làm Quan Thượng đẳng đại thần”([8]) và “Những trường hợp nguy nan hay hoạn nạn nên niệm danh hiệu của Ngài thì chắc chắn được Ngài bảo hộ.” ([9]) Toàn thể tín đồ PGHH luôn tin tưởng thời nầy là thời của quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực, nên khi gặp khó khăn luôn cầu xin sự gia hộ của Ngài.
Dượng Út tôi cũng là một tín đồ PGHH thuần thành, người mà tôi gần gũi nhất bên họ ngoại, nên biết rõ dượng rất tin tưởng vào Ông Nguyễn, gặp chuyện gì khó khăn, dượng Út tôi cũng cầu xin sự gia hộ của Ông Nguyễn. Sau nầy, em trai họ tôi, con của dượng, là một cầu thủ khá nổi tiếng, trước khi vào mỗi trận đá cũng cầu xin Ông Nguyễn gia hộ cho trận đấu tốt đẹp, như lời dượng dặn. Tôi còn nhớ lời dượng giải thích, cho Ông Nguyễn là người có đầy đủ khí tiết nhân nghĩa trung hiếu, là người có ơn với đất nước, Ông Nguyễn sẽ gia hộ cho người có lời xin chánh đáng.
Ngoài việc treo hình tưởng nhớ Ông Nguyễn tại tư gia, trong hai thời cúng lạy sáng, chiều của người tín đồ PGHH hằng ngày, đều có đọc bài Quy y trước ngôi Tam bảo, nhắc đến Ông Nguyễn với danh xưng “Quan Thượng Đẳng Đại Thần”, nội dung như sau: “Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (tam niệm). Nam Mô Thập Phương Phật. Nam Mô Thập Phương Pháp. Nam Mô Thập Phương Tăng. Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại thần, chư quan cựu thần, chư vị sơn thần, chư vị Năm Non Bảy Núi, cảm ứng chứng minh, nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo.” ([10])
Vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ trước, sau khi trùng tu xong ngôi chùa Tây An Cổ Tự tại Long Kiến, Chợ Mới thì tín đồ PGHH cũng xây ngôi đình thần thờ Nguyễn Trung Trực tại đây, và họ đã tổ chức phái đoàn đi rước sắc thần Ông Nguyễn ở Rạch Giá về thờ.
Hằng năm, đến ngày kỷ niệm Ông Nguyễn hi sinh vì nước, ban trị sự các cấp trong PGHH đều tổ chức lễ để tưởng nhớ (trong nước trước 1975, lễ giỗ Ông Nguyễn là một trong những lễ lớn của Đạo PGHH). Ngoài việc tổ chức tại địa phương nơi các đình có thờ Nguyễn Trung Trực, tín đồ PGHH còn nườm nượp tề tựu về Rạch Giá để tham dự ngày kỷ niệm này, chiếm đến khoảng 80% lượng khách hành hương tham dự lễ hội. Họ đi từng đoàn, mang theo gạo, tương, bầu, bí, rau … nông sản do họ sản xuất để tổ chức các trại cơm, trại võng, trại nước … hoàn toàn miễn phí, cung cấp cho khách đi lễ hội.
Còn việc tín ngưỡng dân gian ở miền Tây Nam Bộ ngày xưa, các địa phương thường xây miễu thờ bà Cố Hỷ, năm Ông, Hà Bá, Ông Tà… Tư gia thì thờ cúng Thần Tài, Ông Địa, Ông Táo, và vị thần độ mạng Quan Thánh Đế Quân, Cậu Tài Cậu Quý, Ngũ Công Vương Phật, Quan Bình Thái Tử, Tử Vi Đại Đế, Cửu Thiên Huyền Nữ Nương Nương, Chúa Ngọc Nương Nương, Phật Bà Quan Âm, Chúa Tiên Nương Nương… Khi ốm đau thì tìm đến thầy pháp, bà đồng để cúng kiếng, mà ít khi đi tìm thầy thuốc. Ai có đọc qua tác phẩm Đồng quê của nhà văn Phi Vân sẽ thấy được tệ nạn mê tín của người mình ở thế kỷ trước. Rồi nạn cúng sao giải hạn, hằng tháng phải vào chùa, hay đến những nơi đồng cốt, hoặc ở nhà tự cúng sao giải hạn nếu gặp hạn La Hầu, Kế Đô…..
Do thấy được tính nguy hại của các loại tệ đoan nêu trên, nên Đức Huỳnh Giáo chủ rất quan tâm đến việc bài trừ mê tín:
“…Bớt giết vật đặng mà cúng tế,
Gẫm Thánh Thần đâu có tư riêng.
Rủi ốm đau bởi tại căn tiền,
Hoặc hiện kiếp làm điều bạo ác.
…
Đấng Thần Minh công bình trực dạ,
Đâu ăn lo đổi họa làm may.”([11])
Và trong “Tôn chỉ hành đạo”, ông còn ân cần nêu rõ hơn: “Điều thứ năm: Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò và không nên sát sanh hại vật mà cúng Thần Thánh nào, vì Thần Thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ hưởng tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà làm hết bịnh là Tà Thần; nếu ta cúng kiếng mãi thì chúng ăn quen sẽ nhiễu hại ta.”([12])
Nhờ thấm nhuần lời dạy của Giáo chủ, tập quán mê tín đã được dẹp bỏ trong vùng có đông tín đồ PGHH, do đó các gia thần theo chân Tàu vào đất Việt cũng không còn được thờ cúng tại các tư gia. Trái lại, nghe theo lời vị Giáo chủ, họ tin vào luật nhân quả của nhà Phật, theo nghĩa ốm đau cũng có nhân duyên của nó, và họ xoay ra chỉ cầu xin sự gia hộ của Ông Nguyễn, của Trời, của Phật…, của những đấng họ thờ cúng hằng ngày để mong cho gặp được thuốc hay. Đồng thời, họ còn tổ chức các nhà thuốc nam miễn phí, giúp chữa trị cho mọi đồng bào nghèo (không phân biệt tôn giáo), gọi là “làm phước”.
Trong chiều hướng/ chủ trương thờ anh hùng dân tộc và bài trừ mê tín dị đoan như trên, tư gia của người tín đồ PGHH chỉ đơn giản gồm có 3 ngôi thờ cúng: Bàn thờ Ông Bà, Bàn thờ Phật (Tam bảo) và Bàn Thông Thiên. Trên phương diện hình thức thờ phượng, Đức Huỳnh đã từng dạy rất rõ, và đây cũng có thể coi là một trong những điểm đặc sắc nổi bật nhất của tôn giáo địa phương này:
“…Nhưng riêng về cư sĩ ở nhà không nên tạo thêm nữa; nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nháng bề ngoài. …. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng màu dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy, chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật…. Về cách cúng Phật, chỉ nên cúng nước lạnh, bông hoa và nhang thôi. Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang, dùng đặng bán mùi uế trược. Ngoài ra, chẳng nên cúng một món gì khác cả. Bàn thờ ông bà cúng món chi cũng đặng…. Ngoài sự thờ Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những vị anh hùng của đất nước, không nên thờ vị tà thần nào khác mà mình không rõ căn tích.”([13])
Cho ta thấy, cốt lõi trong sự thờ phượng của PGHH chủ yếu là lòng thành tín chân thật chứ không hình thức rườm rà bề ngoài, để quay về chánh đạo vô vi của nhà Phật.
“Phật chẳng qua dụng chữ tín thành,
Chớ nào dụng Hương, Đăng, Trà, Quả.”([14])
Ở miền Tây ngày nay, có 2 lễ hội dân gian quy tụ rất đông người tham dự, đó lễ giỗ Ông Nguyễn (Trung Trực) ở Rạch Giá và lễ kỳ yên của bà Chúa Xứ núi Sam. Chúng ta thấy rõ, khách đến Rạch Giá từ các nơi xa xôi để dự lễ Ông Nguyễn chiếm tới 80% là tín đồ PGHH. Trong khi lễ bà Chúa Xứ diễn ra ngay trong tỉnh nhà/ quê hương của Đức Huỳnh (Hòa Hảo, An Giang) thì tín đồ PGHH lại đi dự không tới 1%, có lẽ vì họ không biết rõ căn tích bà Chúa Xứ và bà Chúa Xứ cũng không phải anh hùng dân tộc?
Không riêng lễ giỗ Nguyễn Trung Trực, mà trong lễ giỗ các vị anh hùng dân tộc khác, đa số tín đồ PGHH cũng tham dự, dù ở xa xôi, như có thể kể: lễ giỗ Quản Cơ Trần Văn Thành (Láng Linh); lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương (Tháp Mười). Trong những dịp nầy, tín đồ PGHH chiếm đến trên dưới 90% lượng người tham dự. Họ vừa lễ bái, vừa tổ chức trại cơm, trại nước, trại võng, … phục vụ miễn phí cho người đi dự lễ hội.
Đến đây chúng ta có thể kết luận: Đức Huỳnh Giáo chủ đã thành công trong việc thay hình tượng Quan Thánh Đế Quân và các gia thần độ mạng trong lòng người Việt miền Tây bằng hình tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, và đã giúp giảm thiểu ở mức đáng kể tập quán thờ cúng các vị thần ngoại lai không công trạng gì với lịch sử đất Việt. Đức Huỳnh Giáo chủ khẳng định: "Chỉ thờ lạy Đức Phật, tổ-tiên, ông bà, cha mẹ lúc còn sống và các vị anh-hùng cứu-quốc..." ([15]) .
Một cách khách quan, cho dù đứng trên quan điểm của người theo tôn giáo nào cũng vậy, chúng ta ngày nay cũng phải thừa nhận tính thích nghi dân tộc của PGHH thể hiện rõ nét qua cách thức thờ phượng đơn giản mà thực tế, lấy sự thành tín “học Phật tu nhân” làm cốt, nhờ đó loại trừ được những hình tướng phức tạp thường rất dễ bị lạm dụng. Ông đã lấy tinh hoa của dân tộc để xây dựng nên một nền tôn giáo mới có tính dân tộc phù hợp với tâm tính, trình độ văn hóa của dân Việt miền Nam, góp phần phát triển theo hướng tốt cho nếp sống văn hóa đạo đức chung của cả dân tộc Việt.
8.2016
* Căn cứ quyển 200 năm Dương lịch và Âm lịch đối chiểu của Nguyễn Như Lân, tra ngày hi sinh 27.10.1868 dương lịch ra âm lịch là nhằm ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn. Nhưng, lễ giỗ hằng năm của Nguyễn Trung Trực ở đình Rạch Giá lại tổ chức từ ngày 27 đến 29 tháng 8 âm lịch?
[1] Quan Thánh đế quân là ai?, http://asakicorp.com/bachviet18/
[2] Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa và văn minh Miệt Vườn, NXB Trẻ, 2015, tr.89-90
[3] Trương Văn Tràng, Giáo lý Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ, 1970, tr.34
[4] Hà Tân Dân, Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, 1971, tr. 24-25
[5] Sấm giảng thi văn, ấn bản năm 1965, tr. 293
[6] Đức Cố Quản hay là cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, sđd., tr. 72
[7] Sấm giảng thi văn, sđd., tr. 279
[8] Vương Kim, Tu hiền, NXB Long Hoa, 1972, tr. 49
[9] Vương Kim, sđd., tr. 50
[10] Sấm giảng thi văn, sđd., tr. 174-175
[11] Sấm giảng thi văn, sđd., tr. 133
[12] Sấm giảng thi văn, sđd., tr. 178
[13] Sấm giảng thi văn, sđd., tr. 165-166
[14] Sấm giảng thi văn, sđd., tr. 100
[15] Sấm giảng thi văn, sđd., tr. 166
Nếu lời nào chưa phù hợp xin Mọi người Đại Hoan Hỷ lượng thứ cho. Xin thành kính tác bạch.