Trưa ngày chủ nhật 11 tháng 01 năm 2015, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Victoria đã long trọng tổ chức ngày Lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ lần thứ 96. Phật tử PGHH và đại diện các đoàn thể trong cộng đồng đã tề tựu thật đông đủ tại Hội Quán Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo – Victoria, 91 Knight Ave, Sunshine North.
Được sự chấp thuận của Ban Trị Sự và Ban Tổ Chức Đại Lễ , ông Nguyễn Thế Phong đã bày tỏ suy nghĩ của mình nhân ngày Lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ – như sau:
Trước hết, tôi xin được bày tỏ lòng cám ơn cách đặc biệt của tôi đến với Ban Trị Sự và Ban Tổ Chức ngày Đại Lễ hôm nay vì mặc dù tôi chỉ là Thư Ký trong Cộng Đồng và không còn giữ một chức vụ gì trong Đền Thờ Quốc Tổ, nhưng quý vị vẫn ưu ái mời và cho phép tôi được bày tỏ đôi lời cảm tưởng của cá nhân tôi về ngày đại lễ Đức Thầy Đản Sanh hôm nay. Tôi vô cùng cảm kích trước tấm thịnh tình đặc biệt mà BanTrị Sự và Ban Tổ Chức đã dành cho tôi.
Kính thưa ông Nguyễn Văn Bon – Chủ tịch Cộng Đồng, Ban Trị Sự, quý quan khách, quý tín hữu PGHH cùng toàn thể quý vị,
Kể từ ngày tha hương, cũng như toàn thể quý vị, cá nhân tôi đã có những người bạn Úc hỏi nhiều câu hỏi về phong tục, tập quán VN mà lúc còn ở VN tôi không bao giờ thắc mắc hay nghĩ đến. Một trong những câu hỏi ấy là: “Tại sao người Việt, theo truyền thống, không có mừng sinh nhật (birthday)?”
Kính thưa quý vị, câu hỏi này đã khiến cho tôi suy nghĩ, tìm hiểu và nghiên cứu nhiều hơn hầu trả lời một cách xác đáng, không chỉ cho người bạn Úc này của tôi, mà cho chính bản thân tôi nữa. Thật vậy, người Việt Nam của chúng ta không có tục lệ mừng ngày sanh, ngoại trừ các ngày đản sanh của các giáo chủ của tôn giáo như: lễ Giáng Sinh của chúa Giêsu, Lễ Phật Đản của Đức Phật Thích Ca và Lễ Đản Sanh của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ v.v…. còn lại thì tuyệt đại đa số người dân Việt, tự vua cho đến dân, cho đến các anh hùng-liệt nữ, tự ngàn đời chỉ có ăn mừng một ngày mà thôi đó là ngày lễ giổ tức là ngày chết, ngày qua đời của các vị anh hùng, liệt nữ, của ông bà, cha mẹ, thân nhân! Tại sao vậy?
Theo thiển ý của tôi vì ông bà chúng ta quan niệm rằng, ơn cha mẹ sanh thành, chúng ta luôn luôn tạc dạ, biết ơn, nhưng chỉ có cuộc đời của mỗi người, những gì chúng ta đã làm, đã sống, đã đóng góp cho đời, cho tha nhân và cho xã hội mới thật sự khiến cho việc sanh ra và hiện hữu đó có giá trị, có ý nghĩa, đáng nhớ, đáng noi theo hay tôn kính không mà thôi. Do đó chỉ khi người đó qua đời thì công trạng, đóng góp của người ấy mới được kết sổ, tưởng nhớ qua ngày lễ giổ. Nói một cách khác, người Việt chúng ta “sống cho ngày chết” chứ không phải “chết cho ngày sống”. Mục đích sống và giá trị của cuộc sống của người Việt vì thế cũng là để chuẩn bị cho ngày ra đi. “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Trong tinh thần đó, tôi xin được chia sẻ những ý nghĩ của cá nhân tôi về ý nghĩa của ngày đại lễ Đản Sanh của Đức Thầy hôm nay.
Hôm nay được coi là ngày đại lễ, không phải là vì một em bé tên là Huỳnh Phú Sổ đã sanh ra đời, nhưng là vì những gì con người Huỳnh Phú Sổ ấy đã đóng góp cho Đạo Pháp, Đồng Bào, Tổ Quốc và Nhơn Loại. Chúng ta mừng ngày Birthday của Đức Thầy trong tinh thần và hiểu biết của người VN: Đó là cuộc sống và cuộc đời của Đức Thầy đã khiến cho ngày đản sanh của ngài đáng nhớ và đáng mừng kính.
Nói tóm lại là ai trong chúng ta cũng được sanh ra, nhưng quan trọng hơn hết là: sanh ra để làm gì và sống ra sao?
Câu nói của cụ Nguyễn Công Trứ “Đã mang tiếng đứng trong trời đất, phải có công gì với núi sông” và những lời nhắn gởi của cụ Phan Bội Châu đến với những thanh thiếu niên đã sanh ra trong cảnh nước mất, nhà tan trong thời của cụ về ý nghĩa của sự Sống như sau:
“Sống tủi làm chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh, không tưởng nước
Sống lo phú quý, chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời”
Lý tưởng này cũng đã được đức Thầy nhấn mạnh và nêu cao trong tất cả những lời giảng dạy và qua chính cuộc đời hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, vì đồng bào và vì đạo pháp của Ngài. Thật vậy, không như chúng ta là những kẻ không có quyền chọn lựa là mình sẽ sinh ra ở đâu, thuộc chủng tộc nào hay cha mẹ là ai, Đức Huỳnh Phú Sổ là một vị Bồ Tát tái phàm, ngài có quyền tái sanh vào bất cứ nơi nào ngài muốn, nhưng ngài đã quyết chọn tái sanh làm con dân đất Việt mà thôi qua nhiều tiền kiếp như ngài đã nói trong bài Sứ Mạng của mình:
“Sinh trong vòng đất VN nầy, trải qua bao kiếp trong địa cầu lăn lộn mấy phen…mà kể lại nguồn gốc phát sinh, trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh cư nơi đất Việt. Những tiền kiếp dầu sống cũng là dân quan đất Việt, dầu thác, cũng là quỷ thần đất Việt chớ bao lià”
Câu nói “dầu thác, cũng là quỷ thần đất Việt chớ bao lià” của Đức Thầy làm tôi liên tưởng đến câu nói bất hủ: “Thà làm quỷ nước Nam hơn là làm vương đất Bắc” của danh tướng Trần Bình Trọng! Điều này đã xác quyết cho chúng ta thấy rằng việc ngài sanh ra làm con dân nước Việt, khai đạo trên đất Việt, giúp nước vua dân Việt và dẩu chết cũng chết cho nước Việt là một chọn lựa tự nguyện của ngài với tư cách là một vị Bồ Tát đã đắc đạo. Lòng yêu nước thương đồng bào VN của ngài vì thế không phải là một việc ngẫu nhiên mà là một chọn lựa và quyết định.
Nói tóm lại, khác với những vị giáo chủ sáng lập của các đạo giáo khác, ngay từ lúc khởi sự hành đạo và khai đạo, đức Huỳnh Phú Sổ đã bày tỏ lòng yêu nước, thương dân, thương đồng bào của ngài một cách vô cùng công khai và rõ nét qua việc Ngài xác định tiền thân và nguồn gốc Việt của mình một cách thật rõ ràng minh bạch. Ngài cho biết ngài là một vị Bồ Tát VN tái thế để cứu đồng bào và dân tộc của ngài vào thời điểm “trăm họ vướng cảnh đồ lao, chi xiết thương chúng sanh vạn khổ” và vì ngài đã chứng kiến cảnh “quốc phá gia vong” của đồng bào mình. Sứ mạng của ngài vì thế có một mục đích rỏ ràng, đó là “cứu nước, cứu dân tộc VN” song song với sứ mạng cứu đời qua Phật pháp của ngài.
Kính thưa quý vị,
96 năm đã trôi qua kể từ ngày Đức Thầy đản sanh và 66 năm đã trôi qua kể từ ngày đức Thầy Huỳnh Phú Sổ bị Việt Minh sát hại. Tín đồ và giáo hội PGHH tại quê nhà đã và đang cùng với vận nước và đồng bào trãi qua một thời kỳ đen tối nhất của Pháp nạn và Quốc nạn, với vận mệnh của Đất Nước và Tổ Quốc đang lơ lững trên bờ diệt vong bởi Hán hoá và xâm lăng của kẻ tử thù phương Bắc do nội thù phản quốc CSVN gây ra. Chúng ta và đặc biệt là người tín đồ PGHH phản hiểu như thế nào về vai trò và bổn phận của mình?
Kính thưa quý vị,
Là tín đồ PGHH, không có một kim chỉ nam nào hoặc một cẩm nang nào hay hơn hoặc chính xác hơn về vai trò của một phật tử PGHH đối với Đạo Pháp và Dân Tộc hơn là chính những lời Đức Thầy đã nói và đã dạy: Trả lời phỏng vấn của báo Quần Chúng ngày 14-11-1946, Đức Thầy tuyên bố: “Tôi, một đệ tử trung thành của đạo Phật, một chiến sĩ trì chí của phong trào giải phóng dân tộc Việt-Nam sẳn sàng cùng đoàn thể của mình cương quyết đứng dậy đáp lại tiếng gọi của non sông, cuơng quyết tranh đấu để bảo vệ quyền lợi chung của nòi giống”.
“Đối với toàn thể tín đồ Phật Giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca, tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở Thiền Lâm mà còn phải thực hiện trên trường chánh trị”.
Qua những câu trả lời này, Đức Thầy, một lần nữa, đã xác định cho mọi người nói chung và cho các tín đồ PGHH nói riêng tính cách bất khả phân ly của bổn phận và vai trò giữa Đạo và Đời, giữa sự sinh tồn của Đạo Pháp, Tổ Quốc và Dân Tộc của người tín đồ PGHH trong giáo lý của Ngài.“Tu đền nợ thế cho rồi, thì sau mới được đứng ngồi toà sen”
Đức Thầy không chỉ nói mà dùng chính cuộc đời và thậm chí cả tính mạng của mình để làm gương cho các tín đồ và đồng bào của mình. Ngài đã gánh chịu không biết bao nhiêu là gian truân, tù đày, thị phi và hiểm nguy vì Đất Nước và Dân Tộc chỉ vì ngài đã không chịu “an thân” làm một vị Giáo Chủ giống như các tôn giáo khác theo khuôn khổ “bình thường” và “thuần tuý” mà Thực Dân Pháp mong muốn. Đức Thầy đã xã thân, bôn ba lặn lội và dốc lòng cứu nước cho đến giờ phút cuối cùng. Vì đối với ngài, sứ mệnh của ngài và những tín đồ PGHH của ngài không chỉ để giúp cho bá tánh “thoát cảnh mê đồ” mà còn thoát khỏi vòng nô lệ và áp bức. Đối với ngài, bổn phận và việc từ thiện lớn nhất và quan trọng, thiêng liêng nhất của một tín đồ PGHH và con dân VN là CỨU CẢ MỘT DÂN TỘC vì nếu không NƯỚC MẤT thì ĐẠO cũng TIÊU TAN! Điều này cũng đã được anh Việt Khang bày tỏ trong bản nhạc “Việt Nam Tôi Đâu?” của mình.
Những bài viết của Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thể hiện được tinh thần sôi sục của cảnh dầu sôi lửa bỏng của những thanh niên thiếu nữ VN đương thời nóng lòng muốn cứu nước nhà ra khỏi vòng cương tỏa của Pháp và Nhật. Vô số như bài thơ của Đức Thầy như bài “Yêu Nước”, bài “Quyết Rứt Cà Sa”, “Riêng Tôi”, Tiếng Súng Bên Lầu”, “Lo Nước”, “Nợ Nước”, Gọi Đoàn Tráng Sĩ” v.v… và những lời Hiệu triệu, Huấn Lịnh cho bổn đạo của Ngài đã thôi thúc hàng vạn thanh niên, thiếu nữ PGHH tham gia vào công cuộc kháng chiến dành độc lập cho nước nhà.
Đức Huỳnh Phú Sổ đã dùng chính cuộc đời và gương hy sinh của ngài để dạy cho các tín đồ và người dân Việt Nam thế nào là sống trọn vẹn tứ ân, thế nào là sống đạo và đời và thế nào là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Việt-Nam trong đó người tín đồ phải làm tròn 2 vai trò: người Phật Tử – Hòa Hảo (sống đạo theo lời Thầy dạy) và người Việt Nam với tư cách bổn phận con dân nước Việt phải trả ân đất nước và đồng bào. Phải nói rằng ngài là vị giáo chủ đầu tiên trên thế giới giải tỏa được cho tín đồ bổn phận và vai trò của họ đối với quốc gia và dân tộc một cách tốt đẹp, tự nhiên và hoàn thiện không vướng mắc.
Như đức Thầy đã trả lời với báo chí, ngài tham chính hầu cứu nước nhà trong lúc lao linh, như là một bổn phận của người con dân đất Việt. Nhưng một khi nước nhà yên vui, ngài sẽ dứt bỏ nó để trở về lo việc đạo. Đối với đức Thầy hai thái độ “dứt áo cà sa khoác chiến bào” và “trở gót Phật đà nam mô” đều phải được làm một các tự nhiên không nhùng nhằng do dự hay thắc mắc.
Đối với những ai và những thế lực nào không muốn Đức Thầy và các tín đồ PGHH thi hành trọn vẹn và đúng nghĩa Ân Đất Nước mà đức thầy đã vạch ra thì họ dùng chiêu bài: “việc chính của người PGHH đi đạo là để được giải thoát, là để tu thành Phật và vì thế không nên can dự vào chánh trị, chỉ lo tu hiền đi là đủ rồi, việc chánh trị để cho nhà Nước lo” Thủ đoạn và chiêu bài này đã và đang được đảng CSVN áp dụng triệt để tại VN hiện nay để ru ngủ và làm cho các tín đồ PGHH thuần tuý bi lung lạc không còn định hướng và trở nên thụ động trước những nghịch cảnh và đại họa của đất nước do chính CSVN gây ra.
Đức Huỳnh Giáo Chủ đã trải qua một cuộc đời như chúng ta. Cũng bệnh tật, yếu đuối về thể xác, cũng chịu cảnh lầm than, nước mất nhà tan như chúng ta, nhưng ngài đã “không đành trơ mắt ngó” nhưng dũng cảm hy sinh xông vào đời, chống ngoại xâm, cứu đất nước. Ngài đã thực hiện giáo lý Tứ Ân một cách trọn vẹn, giúp mọi ngưòi biết sống thế nào là trọn vẹn Đạo và Đời “Đời không Đạo đời vô liêm sĩ, Đạo không Đời đạo biết dạy ai?” Những câu thơ bất hủ của ngài chúng ta còn nhớ:
“Tăng sĩ quyết chùa am bế cữa
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha
Đền xong nợ nước thù nhà
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô”
Là người PGHH tu thân là để tề gia, góp phần mình cho Đất Nước và mang thái bình lại cho toàn thiên hạ hầu đền đáp Tứ Ân. Làm trọn Tứ Ân, trong đó có Ân Đồng Bào và Đất Nước, chính là làm tròn Nhơn Đạo và làm tròn bổn phận của một con người trên dương thế này vậy.
Hôm nay đây, nhân ngày kỷ niệm Đức Thầy Đản Sanh, đứng trước cảnh “quốc phá, gia vong” đang xãy ra cho đạo pháp và quê hương lãnh thổ, lãnh hải VN, bài Sứ Mạng, gương sống hành đạo và sự ra đi của Đức Thầy đòi hỏi, thôi thúc mỗi một người trong chúng ta – không phân biệt tôn giáo – xét lại và tự vấn xem chúng ta đã, hiện đang và sẽ trả nợ Tứ Ân, đặc biệt là Ân Đất Nước và Đồng Bào, ra sao để sự hiện hữu, sanh ra của mỗi người chúng ta cũng sẽ được phần nào giống như của Đức Thầy, của cán chiến sĩ PGHH và đồng đạo đã Vị Quốc, Vong Thân, Chết vì Đạo Pháp và sự Tồn Vong, Tự Do và Nhơn Quyền của Đồng Bào và Dân Tộc, hoặc đã và đang anh dũng chiến đấu cho Đạo Pháp và Tự Do trong các nhà tù CSVN hiện nay.
Và đặc biệt là không để cho sự hiện hữu và cuộc sống của mỗi người trong chúng ta phải khiến cho các bậc Tiền Nhân, trong đó có Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, phải thốt lên như cụ Phan Bội Châu cách đây hơn 75 năm:
“Sống tủi làm chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh, không tưởng nước
Sống lo phú quý, chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời”
Kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc và đầy quyết tâm sống trọn vẹn trả nợ Tứ Ân như Đức Thầy đã dạy, đã sống, đã làm và đã sanh ra.