Đức Huỳnh Giáo Chủ
Nhơn duyên thứ nhứt phát khời từ màn vô-minh mà che lấp bản ngã (linh-hồn) nên làm cho người phải tăm tối mê say, gây tạo ác nghiệp, chịu nẻo luân hồi thống khổ. Đây là 12 duyên sanh: Vô-minh sanh hành, hành sanh thức, thức sanh danh-sắc, danh-sắc sanh lục-nhập, lục-nhập sanh xúc-động, xúc-động sanh thọ-cảm, thọ-cảm sanh ái, ái sanh bảo-thủ, bảo-thủ sanh hữu, hữu sanh sanh, sanh sanh lão-tử.
Đó là 12 duyên-sanh, nó dắt đi từ kiếp nầy đến kiếp kia không có dứt; cái vô-minh nghĩa là tối tăm mê dốt, từ hồi vô-thỉ. Có mê dốt ta mới hành-động rồi hành-động ấy sanh ra muôn pháp, nên mới có cái thức (biết), ví như loài cây cỏ, sắt đá (vô tình) không biết chi cả, đâu có danh-sắc, còn ta là loài hữu-tình cái biết ấy nên có xác-thịt và linh-hồn, danh-sắc. Xác thịt và linh-hồn có thì phải có 6 căn: nhản, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhiễm với 6 trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nên gọi là lục-nhập. Có lục-nhập mới có tiếp-xúc với mọi người và vạn vật, nên gọi là xúc-động, rồi từ chỗ tiếp-xúc mới thọ hưởng của tiền-trần nên gọi là thọ-cảm. Có thọ-cảm, thọ hưởng của tiền-trần rồi mới có cái ưa thích, quyến luyến, thâm tình nên gọi là ái.
Muôn việc chi ở đời, nếu ta yêu thích cái điều đó, thì ta phải gắng công giữ-gìn chặt-chịa nên gọi la bảo-thủ; mà gìn-giữ chặt chịa thì mới có sống, nếu không, làm sao mà ta sống, nên gọi là hữu. Rồi cái sống ấy, mến tiếc ấy mới đầu thai trở lại cõi trần đặng hưởng dụng nên gọi là sanh. Muôn loài vạn vật hễ sanh ra thì lớn, hễ lớn thì sẽ già bị trong tứ đại (đất, nước, gió, lửa) làm nên nào là tứ thời, cảm-mạo bất hòa, hễ già thì yếu đau, nếu đau tất là phải chết nên gọi là lão, tử. Ấy vậy cái nghiệp-nhơn của già, chết, ấy là tại cái vô-minh mà ra tất cả.
MÔN HOÀN DIỆT
Nếu ta tìm con đường bát chánh đạo của Phật mà đi, giữ tâm thanh tịnh, làm việc nhơn từ, không lòng hờn-giận, chẳng dạ ghét-ganh, chuyên tâm niệm Phật, giúp thế độ đời, đừng chứa điều phiền-não và để bụng tham-lam ích-kỷ, gây mối thiện-duyên, lần lần trí-huệ mở-mang, cõi lòng sáng-suốt, thì màn vô-minh sẽ bị diệt mất.
Vô-minh bị diệt thì hành diệt; hành bị diệt thì thức diệt; thức bị diệt thì danh-sắc diệt; danh-sắc diệt thì lục-nhập diệt; lục nhập diệt thì xúc-động diệt; xúc-động diệt thì thọ cảm diệt; thọ cảm bị diệt thì ái diệt; ái bị diệt thì bảo-thủ diệt; bảo-thủ bị diệt thì hữu diệt; hữu bị diệt thì sanh diệt; sanh bị diệt thì lão, tử diệt. Ấy là giải-thoát vậy.