Tìm hiểu về bài thơ Bát Nhẫn

10 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 46126)
Tìm hiểu về bài thơ Bát Nhẫn

bat_nhan-1-content
















Hình do Danny ở Melbourne, Úc châu thực hiện 1-2012

 

Tìm hiểu về bài thơ Bát Nhẫn

Bài: Trượng Văn Thạo 

Theo Hán tự, BÁT NHẪN (八忍) nghĩa là Tám điều nhẫn nhịn, gồm có: Nhẫn năng xử thế, Nhẫn Giái, Nhẫn Hương lân, Nhẫn Phụ mẫu, Nhẫn tâm, Nhẫn tánh, Nhẫn đức, Nhẫn thành.

 Tám điều nhẫn nầy, khởi nguyên từ Đức Phật Thầy Tây An (1807-1856), Ngài viết ra trong một bài thi Thất ngôn Bát cú (Đường luật) bằng Hán văn để cho ông Đạo Thắng một đệ tử của Ngài gìn giữ và truyền lại cho con cháu. Đồng thời Đức Phật Thầy cũng mật ký thêm cho ông Đạo Thắng một bài thi khoán thủ bát cú, trong đó có tám chữ “Đạt Đạo, Ngao Du, Châu Di, Viễn Cận” (達 道 遠 近) đều thuộc về bộ Xước (). Ngài còn dặn rằng: nếu sau nầy có ai viết được bài thi đúng y văn tự như vầy, đó là Ngài chuyển kiếp trở lại. Ông Đạo Thắng giữ kín bài thi ấy mãi, đến khi sắp từ trần mới truyền lại cho con ông, rồi con ông truyền lại cho cháu nội là ông Nguyễn Phước Còn ở xã Long Kiến, Chợ Mới (An Giang). Bài thi ấy coi như là vật gia bảo, ngoài ba người ấy, không hề có một ai được biết tới.

 Đến năm 1939, khi Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Đạo PGHH tại làng Hòa Hảo, quận Tân châu (Châu Đốc), thì ông Còn được chư Thần kêu cho biết: “Đức Phật Thầy đã tái sanh tại làng Hòa Hảo con của ông Cả Bộ rồi!”. Kêu hai lần như vậy, ông Bảy Còn cũng chưa tin, đến lần thứ ba ông mới chịu ra đi.

 Đến nơi, vừa giáp mặt với Đức Thầy, Ngài liền ngó ngay ông Bảy Còn, nói:

 -Dữ hôn ! Đợi chư Thần đòi ba lần ông mới chịu đi à ? Thôi, mời ông vào nhà !

 Nghe thế, ông Còn rất kinh ngạc nhưng cũng chưa tin thật. Đức Thầy liền bước lại bàn, viết hai bài thi bằng Hán văn nói trên đưa ra, ông Bảy Còn mới chịu nhìn nhận và qui phục. (Xem thêm quyển “Đức Huỳnh Giáo Chủ” của Vương Kim có kể rõ câu chuyện và hai bài thi cả văn Hán và Việt)

 Dưới đây là y văn bài thi Bát Nhẫn (八忍) của Đức Thầy viết ra (dịch lại chữ Việt):

 “Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền,

 忍 能 處 世 是 人 賢

 Nhẫn giái kỳ tâm thận thủ tiên.

 忍 戒 其 心 慎 守 先

 Nhẫn giả hương lân hòa ý hỉ,

 忍 也 鄉 鄰 和 意 喜

 Nhẫn hòa phu phụ thuận tình duyên.

 忍 和 夫 婦 順 情 緣

 Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc,

 忍 心 日 日 常 安 樂

 Nhẫn tánh niên niên đắc bảo truyền (tuyền).

 忍 性 年 年 得 保 傳 (全)

 Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự,

  忍 德 平 安 消 萬 事

 Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên”.

 忍 成 富 貴 永 綿 綿

Đại ý của bài Hán thi nầy là khuyên người tu hành phải phát huy khả năng chịu đựng, giữ gìn những điều răn cấm. Sống hài hòa với những người lân cận, chồng vợ hòa thuận thủy chung. Ngày ngày an lạc thân tâm, năm năm hạnh nết thuần khiết. Có được như thế thì mọi việc sẽ thành đạt, sống trong cảnh giàu sang hạnh phúc.

Dựa vào nội dung bài Bát Nhẫn trên, ông Nguyễn văn Chơn đã lược dịch thành bài thơ chữ Việt như sau:

  “Đem hết khả năng để đối nhân,

 Giới răn trước hết giữ gìn thân.

 Xóm chòm hòa thuận cùng trên dưới,

 Chồng vợ thủy chung chẳng rẽ phân.

 Tâm giữ ngày ngày an lạc Đạo,

 Tánh luôn năm lẫn phúc chuyên cần.

 Đức lành vạn sự đều an ổn,

 Thành đạt giàu sang hưởng trọn phần.”

 (Trích từ quyển Từ Điển Đặc Dụng, Quyển Trung, phần II của Nguyễn văn Chơn biên soạn).

Sau đây, là lời chú giải của Ông Thiện Tâm về ý nghĩa Tám điều Nhẫn nầy (trong quyển Chú giải Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ, quyển Thượng, Tập 3):

1.- NHẪN NĂNG XỬ THẾ: Đức nhẫn thường hay nhịn nhục, hầu đối xử với đời và nhẫn đợi thời cơ để làm nên danh phận của bực hiền nhơn.

2.- NHẪN GIÁI: Đức kiên nhẫn mọi sự khó khăn để giữ tròn giới luật.

3.- NHẪN HƯƠNG LÂN: Nhẫn nhịn đối với mọi người chung quanh để giữ được sự hòa khí trong thôn xóm.

4.- NHẪN PHỤ MẪU: Đức nhẫn để trọn lòng hiếu kính đối với cha mẹ. (Chú thích: Nguyên tác là “Nhẫn phu phụ” tức chỉ sự liên hệ đến tình nghĩa vợ chồng, tuy nhiên, trong Sấm giảng quyển Tư, Đức Thầy cũng có câu Nhẫn phụ mẫu gọi trang hiền sĩ”? Nghi vấn nầy xin nhờ các bậc cao minh chỉ giáo. Xin đa tạ).

5.- NHẪN TÂM: Đức nhẫn để diệt hết lòng dục vọng tham lam, để tâm được thanh tịnh an vui.

6.- NHẪN TÁNH: Đức nhẫn nhịn để thay đổi tánh ý sân si, hung ác của chúng sanh, hầu được trở lại tánh hiền lành giác ngộ của Phật Thánh.

7.- NHẪN ĐỨC: Đức nhẫn rèn luyện cho mình có những đức độ: hiền hòa, từ bi cao cả và khi có được các hạnh đức đức ấy, lòng chẳng hề tự mãn hoặc khoe khoang đắc ý.

8.- NHẪN THÀNH: Đức nhẫn do sự thật tâm thành ý để viên mãn pháp Bát nhẫn mà tâm không còn thấy có chỗ được để tiến thẳng đến mức giải thoát, cứu cánh.

 Đặc biệt, trong quyển Giác Mê Tâm Kệ (từ câu 711 đến câu 734), Đức Huỳnh Giáo Chủ đã căn cứ vào bài Hán thi nầy chuyển dịch ra Việt văn và giải thích một cách khúc chiết, rõ ràng tám điều Nhẫn theo lối vận văn như sau:

Rồi hành luôn Bát-Nhẫn mới là,

Thì muôn việc đều an bá tuế. 

Chữ thứ nhứt Nhẫn-Năng-Xử-Thế,

Là người hiền khó kiếm trong đời.

Lập thân danh tuần trải nơi nơi,

Chờ thời-đại mới là khôn khéo.

Chữ Nhẫn-Giái trì tâm trong trẻo,

Khuyên dương-trần giữ phận làm đầu.

Nhẫn-Hương-Lân cùng khắp đâu đâu,

Trên cùng dưới đều hòa ý hỉ.

Nhẫn-Phụ-Mẫu gọi trang hiền sĩ,

Phận xướng-tùy chồng vợ nhịn nhau.

Nhịn xóm-chòm cô bác mới cao,

Nhẫn-Tâm nọ ngày ngày an-lạc.

Nhịn tất cả những người tuổi tác,

Nhẫn-Tánh lành yên-tịnh dài lâu.

Giữ một lòng hiền-hậu mới mầu,

Quanh năm cũng bảo toàn thân-thể.

Chữ Nhẫn-Đức kể ra luôn thể,

Thì trong đời vạn sự bình an.

Chữ Nhẫn-Thành báu-quí hiển-vang,

Khắp bá-tánh được câu hòa-nhã. 

 Đoạn giảng trên, ý Đức Thầy kêu gọi chúng ta hãy rán tìm cho ra lý thâm huyền trong Đạo pháp hầu sớm lo tu sửa, đặc biệt là cần phải hành thêm tám điều nhẫn nhịn (Bát nhẫn), thì trên đường tu tiến sẽ được vững bền đến khi thành đạt mục đích.

 -Trước nhất, là mặt xử thế tiếp vật, Đức Thầy khuyên chúng ta phải biết nhẫn nhịn để đem lại sự hòa khí cùng mọi người, mọi giới trong xã hội. Cũng như bước lập thân hành Đạo ta cần phải biết tùy thời thích trung mà xử sự:

Đấng nam nhi ẩn nhẫn tùy thời,

Vậy mới gọi khôn ngoan hữu chí”.

Hay là: 

“Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,

 

 Đợi cho người hết giận ta khuyên.

 Chữ Nhẫn hòa ta để đầu tiên,

 Thì đâu có mang câu thù oán.”

 (Giác Mê TK, Q.4)

-Còn sự nghiêm trì giới luật, dĩ nhiên là phải gặp nhiều khó khăn, nhưng lòng nhẫn nại sẽ giúp chúng ta gìn giữ thân tâm sớm được trọn lành trọn sáng. Đó cũng chính là bổn phận trước hết của người tu hành:

 “Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp,

 Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.”

 (Giác Mê TK, Q.4)

Hoặc là:

 “Chi cho bằng ta sớm lo toan,

 Gìn giới luật nghe Kinh trọng Phật.

 (Khuyến thiện, Q.5)

Ngoài ra, còn việc giao tiếp với thôn xóm, chúng ta phải dùng sự dung hòa đối xử với mọi người, khiến ai nấy đều được an vui, chẳng còn muốn gây thù kết oán với nhau nữa:

“Xóm diềng phải ở thật thà,

Dầu không quen biết cũng là như quen.

Ở cho cha mẹ ngợi khen,

Gặp người lâm nạn đua chen giúp dùm.”

(Sấm Giảng, Q.3)

 -Phần trong gia đình đối với cha mẹ, phận làm con phải hết lòng tôn kính bảo dưỡng, đôi khi có bị rầy la xử ép cũng phải nhịn chịu để cha mẹ được vui lòng. Giữa cô bác, anh em, chồng vợ cần nhường nhịn lẫn nhau, hầu đem lại sự hòa vui hạnh phúc và luôn biết kính nhường, lễ độ đối với các bậc cao niên kỷ trưởng:

“Đạo cha con chặt chẽ chữ miên trường,

Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác.

Biết lễ nghĩa kính yêu cùng cô bác,

Nội tông cùng ngoại tổ với cậu dì.

Thêm kính nhường anh chị kẻ cố tri,…”

(Không buồn ngủ)

 -Về việc trau tâm sửa tánh muốn được an toàn vĩnh cửu, Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy người tu hành cần có kiên trì trong công cuộc tẩy trừ vọng tâm phiền não. Từ lâu những sự nóng giận tham lam, gây thù kết oán đều phát xuất từ nơi đó và kết thành thói quen lâu đời. Nay muốn gội rửa tâm tánh cho được trong sạch, thì đức tánh kiên trì, nhẫn nại là một trong các phương tiện chính yếu sẽ giúp chúng ta được an thân và thành công viên mãn:

“Rán nhẫn trăm phần dầu khó nhẫn,

Dạ thưa quan chức phận làm dân.”

hoặc:

“Làm dân bá nhẫn thị lương hiền,

Chữ nhẫn lời truyền Phật, Thánh, Tiên.

Gương trước Hớn, Tần, Hàn Tín nhẫn,

Đã không khổ nhục khỏi ưu phiền”.

(Nhẫn đợi thời cơ)

 -Đến phần thứ bảy, Đức Thầy dạy nhà tu nên kiên nhẫn để rèn luyện các đức độ:“Từ bi, bác ái, dĩ đức háo sanh, khoan hồng đại độ” để đối với quần sanh và vạn loại. Dầu đặng vậy, nhưng lòng chẳng hề có ý nghĩ vui mừng, tự đắc…cón đức nhẫn thứ tám là khuyên người tu hành phải nhịn chịu mọi sự khó khăn để hoàn thành tám điều nhẫn nhịn vừa kể trên, nhưng lòng không còn thấy có tu, có chứng. Nhờ đó, chúng ta thể hiện được tình hòa hảo với mọi người chung quanh hầu cảm hóa họ hướng về nẻo Đạo và sớm đạt đến giác hạnh viên mãn.

 Ông Nguyễn văn Phẩm người ở quận Cao Lãnh, thuộc tỉnh lỵ Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) sớm biết đời là biển khổ, vạn vật vô thường nên rời gia đình tìm đến Thiên Cẩm Sơn lo bề tu hành giải thoát. Một hôm, có lẽ nhờ duyên tao ngộ, ông Phẩm diện kiến được Đức Thầy trong dịp Ngài hướng dẫn năm người tín đồ đăng sơn và cùng nghe được thời Pháp trong đêm hôm ấy. Đức Thầy nói rất nhiều, nhưng ông Phẩm chỉ còn nhớ được một câu của Ngài khuyên:“Các ông tu hành nên trừ được tánh nóng giận mới mong kết quả.” Đoạn rồi Ngài đặt câu hỏi:

 - Nếu ai đem đến cho mình một món quà mà mình một mực khước từ thì họ phải làm sao?

 Ai nấy không hiểu ý như thế nào, nên đều im lặng. Ngài bèn nói tiếp:

 - Mình không nhận lãnh thì họ phải đem về. Cũng như thế đó, nếu có người dùng lời bất nhã, hoặc nặng nhẹ đối với mình mà mình nhịn được, lòng không chút sân hận, tức bao nhiêu nghiệp quả đó người dùng lời nặng nhẹ kia phải mang.” (theo quyển Chuyện Bên Thầy, trang 105)

 Nhận xét: Hơn 2.500 năm trước đây, Đức Phật Thích Ca trong 49 năm trụ thế hoằng Pháp độ sinh, Ngài thường đem Pháp Nhẫn mà dạy đời, vì đó là một trong sáu chiếc đò Lục Độ, là cái đại chu thoàn để đưa chúng sanh về bên kia bến Giác. (Lục Độ gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ). Ngài còn cho biết tánh Sân hận là một tai hại rất lớn, vì cơn giận sẽ làm cho con người cuồng trí, mất sự tự chủ, trở nên dữ dằn, bạo tợn và ngọn lửa Sân có thể đốt cháy cả rừng công đức. (Nhứt tin chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn).

 Ngoài ra, người tu hành dù nhiều năm khổ hạnh, nhưng nếu không trừ được tánh nóng giận của mình thì đường tu khó mong đạt thành sở nguyện. (Nhẫn nhục đệ nhứt đạo, tiên tu trừ ngã nhân, thị lại vô sở thọ tức chơn Bồ đề tâm). Như ông Cốt Đầu Lâm Thất đã dày công tu tập chứng đến Ngũ Thông nhưng không diệt được tánh Sân nên phải đầu thai sanh vào đường Ác đạo.

 Vì vậy, là tín đồ PGHH chúng ta phải luôn luôn nghe theo lời phán dạy về sự Nhẫn nhục của Đức Thầy, nếu chúng ta cố gắng vâng theo lời dạy nầy thì lo chi không hưởng đời chơn Hạnh phúc:

 “Chữ Nhẫn hoà ta để đầu tiên,

 Thì đâu có mang câu thù oán.

 Việc hung ác hễ vừa thấp thoáng,

 Chữ Từ bi ta dẹp nó liền.

 Sự oán thù đáp lại chữ hiền,

 Thì thù oán tiêu tan mất hết.”

 (Q.4, Giác Mê Tâm Kệ)

 

Nam Mô A Di Đà Phật !

Trương văn Thạo

(04/02/2010)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Chín 202411:21 SA(Xem: 1204)
Nguyên Giác Phan Tấn Hải: Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
28 Tháng Hai 202311:11 SA(Xem: 5780)
Trong bài thuyết-pháp “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” của Đức Huỳnh Giáo-Chủ, chúng ta thấy rõ rằng: Nếu chỉ nặng về Trí thì trở nên xảo-trá ác-độc, mà cố thiên về Tâm thì thành ra si-mê tăm-tối.
12 Tháng Sáu 202211:22 CH(Xem: 6012)
Phật Giáo Hòa Hảo, một nền Đạo dân tộc qui nguyên Phật pháp, không chuộng hình tướng, cốt yếu hướng về tâm, chủ trương nhập thế tích cực phù hợp với phong hóa nhân sinh do Đức Huỳnh Giáo Chủ, một vị Bồ Tát hóa thân truyền dạy từ năm 1939 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, miền Tây Nam nước Việt.
12 Tháng Tư 201910:37 SA(Xem: 16388)
Đức Thầy cho biết trong thời gian Ngài vắng mặt, tín đồ phải chịu nhiều gian lao thử thách cam go, cũng là lúc lọc lừa coi "Ai thiệt tánh ai người giả đạo", "Ai thảo hiền ai lỗi đạo nhà".
28 Tháng Ba 201912:51 SA(Xem: 8797)
Mai Thanh Tuấn: Đi vào đường hướng tu tập và giáo lý nội tại Tôn giáo, Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ trương cho người tín đồ tu học tại gia, vừa tự lực cánh sinh tạo ra cơ sở vật chất vừa quyết chí hành thiện để trau luyện tinh thần.
25 Tháng Mười Hai 201810:23 CH(Xem: 18035)
Châu Lang: Gần một thế kỷ trôi qua, theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi độ Đông tàn tiết trời trở nên se lạnh, hầu hết tín đồ gần xa khắp mọi miền đất nước và đồng đạo hải ngoại đó đây rất hân hoan náo nức,như có sức vô hình thôi thúc tâm hồn ngưỡng vọng dâng cao, hướng về vùng Thánh Địa linh thiêng, hưởng ứng Đại Lễ Kính Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ.
24 Tháng Tám 20182:07 SA(Xem: 15776)
Hằng năm cứ mỗi độ thu về, mọi người đều háo hức đón chào ngày lễ “Vu Lan Bồn”, noi theo sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ.
23 Tháng Sáu 20185:36 SA(Xem: 16557)
Ngày 18 tháng 5 âl là ngày tràn ngập niềm vui, là ngày hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cùng hòa nhịp con tim, hàng hàng lớp lớp lũ lượt về Thành Đô Đạo Đức. Đó là Thánh Địa Hòa Hảo (sảnh đường Kim Sơn Phật),
30 Tháng Giêng 201810:21 SA(Xem: 18984)
Nguyễn Văn Lía: Xưa Đức Phật từng bảo : “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”. Nghĩa là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Hiểu như thế nên có người hỏi: Như vậy tại sao chúng sanh chẳng thành Phật ?
15 Tháng Tám 20179:48 CH(Xem: 23471)
Hằng năm cứ đến ngày trăng tròn tháng 7 âm lịch thì người Phật tử khắp nơi lại hân hoan tổ chức đại lễ Vu Lan, hay còn gọi là mùa “Báo ơn Cha Mẹ”.
100,000