TÁNH HAM MUỐN

30 Tháng Tư 201711:47 SA(Xem: 16018)
TÁNH HAM MUỐN

hoa dep 2015 _28JPG


Bùi Minh Luân

(Thanh Niên PGHH)

          Khi còn nằm trong bụng mẹ, cái ham muốn lớn nhứt của hài nhi là mong sớm đến ngày được mở mắt chào đời. Ham muốn của một em bé tuổi lên 5 lên 7 thì ước sao có thật nhiều đồ chơi đẹp, nhiều quần áo mới, được ba mẹ cưng chiều v.v… Ham muốn của lứa tuổi đôi mươi lại càng cháy bỏng: nào là công danh sự nghiệp, vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng…Và sự ham muốn ở những người cao tuổi là có được sức khỏe từng ngày, từng giờ để an hưởng tuổi già, được sống lâu với gia đình con cháu. Tất cả những sự ham muốn ấy nếu được đáp ứng thì còn hạnh phúc nào hơn!!!

          Những ham muốn ở trên nó phù hợp theo bản năng, nhu cầu của mỗi con người. Bên cạnh đó, cũng từ “lòng ham muốn” nó còn nảy sinh ra biết bao nhiêu điều nữa và tai hại mà nó mang lại cũng thật là ghê gớm nếu như con người không biết chế ngự kiệp thời, không biết dừng đúng lúc. Chính vì vậy mà Đức Thầy đã khẳng định trong bài: LUẬN VỀ TAM NGHIỆP, ở mục “Tham Lam”, Ngài bảo: “…Ngày giờ nào loài người diệt được tánh ham muốn của mình, ngày giờ ấy bớt đi một phần lớn của sự khổ….”

          Vậy, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm lời dạy của Ngài, và cùng nhau tìm hiểu về “tánh ham muốn” là như thế nào? Qua đó rút ra bài học cho bản thân và cũng lấy đó làm căn bản cho nền tảng đạo đức trên bước đường học Phật.

          Tánh ham muốn: Tánh: có nghĩa là tánh riêng của mỗi người hay còn gọi là bản tánh. Ví dụ như: tánh hung dữ, tánh hiền lành, tánh khôn dại v.v…Ham muốn: là sự mong cầu, mong muốn để đạt mục đích đặt ra, như: công danh  sự nghiệp, tình ái tiền tài v.v…kể cả mọi nhu cầu sinh hoạt hằng ngày trong gia đình, từ việc nhỏ đến việc lớn. Tánh ham muốn: là lòng ham muốn quá độ, nó thường gây ra những cuộc xô xát, chém giết lẫn nhau hoặc thẩm chí là chiến tranh. Đức Thầy cho biết:

“Biết sao đầy được túi tham,

Không ngăn không đáy càng làm không kiêng.” (TGLNN)

Ngài còn rạch ròi khuyên dạy chúng ta, qua cái nhìn của bậc giác ngộ:

“Ác thứ tám là lòng tham hiểm,

Muốn bao gồm của thế một mình.

Tham nhà cao, cửa rộng, thân vinh,

Tham vườn ruộng cò bay thẳng kiếng.

Thấy của người thèm khô nước miếng,

Tính làm sao lường gạt lấy đi.

Sẵn túi tham bất cứ chuyện gì,

Dầu xấu tốt cũng là dồn chứa.” (SGQ5)

          Một khi tánh ham muốn ở mức đỉnh điểm, nó khiến cho người ta dùng mọi thủ đoạn đối với nhau, miễn phần lợi thuộc về mình. Tại triều nội, không thiếu chi cảnh tôi chúa giết nhau, đệ huynh xâu xé để tranh quyền đoạt vị. Vào đời nhà Lê, Lê Long Đỉnh đã không chút do dự khi giết chết anh mình là Lê Trung tông để chiếm đoạt ngôi vua.

          Giữa đời thường. Khi xưa, Bàn Công Cư sĩ là một người chuyên bố thí giúp đời. Hễ có ai đến xin ông liền sai hai người ở vào mở tủ lấy tiền bạc ra cho. Mỗi lần hai người lấy tiền ra cho đều cất dấu lại một ít, lâu ngày rồi thành nhiều, và đến khi quá nhiều hai người xin thôi việc. Ông Bàn Công đồng ý và có cho thêm một số vàng bạc nữa để về quê.

          Trên đường về nhà, hai người bàn với nhau làm buổi tiệc nhỏ để chia tay, nên phân công: một người xuống chợ mua đồ ăn, một người ở lại trông coi tiền bạc. Lúc nầy lòng tham nổi lên, người đi mua thức ăn thì bỏ độc vào thức ăn nhầm hại người bạn kia chết đi rồi sẽ hưởng số vàng bạc ấy một mình. Người ở lại trông đồ lòng tham cũng không kém, nên đứng núp vào bụi rậm bên đường chờ người kia về tới, bất ngờ bạn chết cũng với ý định lấy số của cải đó một mình. Kết cuộc, người đi mua thức ăn bị đánh chết tươi, thấy trong tay người chết còn cầm đồ ăn, nếu bỏ thì uổng, nên lấy ăn cuối cùng cũng chết; thức ăn còn dư ra ngoài các loài chim bay trên không đáp xuống ăn cũng đồng ngã lăn ra chết. Thật đúng với câu:

“Nhơn tham tài tắc tử,

Điểu tham thực tắc vong.”

          Đồng quan điểm, cũng cho cái tham muốn là sự khổ, ông Thanh Sĩ có nói:

“Tham là vốn căn nguyên sự khổ,

Tham là mồ vô số sanh linh.

Tham danh tham lợi tham tình,

Càng tham càng thấy lòng mình không an.”

Và Đức Thầy cũng khuyến cáo:

“Tham chi của tạm giả tiền,

Như chim vào lưới xích xiềng trói thân.” (HC)

         Thật vậy, từ cổ chí kim, từ vua quan cho đến thứ dân, chỉ vì không ngăn chừa được tánh tham nên đã gây ra biết bao nhiêu cuộc chém giết lẫn nhau, gây nên những cái chết thương tâm cho nhân loại. Tất cả chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ cho thấu đáo, nhìn nhận cho tường tận mọi việc để rồi nhận biết được kiếp sống của con người nó tồn tại được bao lâu trong cõi thế gian? Thân người sống được mấy mươi để tận hưởng vinh hoa phú quý ? Và tiền bạc nó có thể mua được sinh mạng của ta sống còn mãi hay chăng?

          Và hôm nay, Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH với sứ mạng cứu đời, đưa chúng sanh về nơi tịnh lạc, bỏ đi những ham muốn tiểu ti nhỏ hẹp nơi cõi thế gian, để rồi sang bên kia Lạc Quốc hưởng ngọc ngà châu báu muôn điều hạnh phúc:

         “Cảnh Tây Thiên báu ngọc đầy lầu,

          Rán tu tỉnh tìm nơi an dưỡng.” (SGQII)

          Một khi đã diệt trừ được tánh tham nơi lòng, lúc ấy ta sẽ thấy cái tình thương giữa người với người nó không còn khoảng cách bởi ranh giới giữa giàu nghèo. Ai rồi cũng phải chết! tiền tài danh lợi chỉ là thứ nhất thời, chỉ có tình nghĩa, lòng chân thật mới là trường tồn và luôn tồn tại với thời gian.

          Tóm lại; qua lời thánh huấn của Đức Thầy: “… Ngày giờ nào loài người diệt được tánh ham muốn của mình, ngày giờ ấy bớt đi một phần lớn của sự khổ..”, giúp cho chúng ta biết và hiểu được giá trị thực của con người. Chúng ta càng mong tưởng thì nó càng siết chặt làm cho tâm trí ta ngày một cùng quẩn trong u mê tâm tối. Ham muốn về tiền tài danh vọng phải sống cuộc sống bất an, nó cũng không làm cho ta cao sang hơn trong cái nhìn của mọi người. Mà ta hãy “tập ở ăn theo nết Thánh hiền”, lấy khuôn phép đạo đức làm giàu cho lòng nhân của ta ngày một hoàn thiện; lấy cái ham muốn nhất thời chan hòa cùng với tất cả mọi người. Âu đó cũng là niềm vui cho nhân loại vậy!

 
hoa dep 2015 _25JPG

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Hai 202311:11 SA(Xem: 3382)
Trong bài thuyết-pháp “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” của Đức Huỳnh Giáo-Chủ, chúng ta thấy rõ rằng: Nếu chỉ nặng về Trí thì trở nên xảo-trá ác-độc, mà cố thiên về Tâm thì thành ra si-mê tăm-tối.
12 Tháng Sáu 202211:22 CH(Xem: 4388)
Phật Giáo Hòa Hảo, một nền Đạo dân tộc qui nguyên Phật pháp, không chuộng hình tướng, cốt yếu hướng về tâm, chủ trương nhập thế tích cực phù hợp với phong hóa nhân sinh do Đức Huỳnh Giáo Chủ, một vị Bồ Tát hóa thân truyền dạy từ năm 1939 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, miền Tây Nam nước Việt.
12 Tháng Tư 201910:37 SA(Xem: 13895)
Đức Thầy cho biết trong thời gian Ngài vắng mặt, tín đồ phải chịu nhiều gian lao thử thách cam go, cũng là lúc lọc lừa coi "Ai thiệt tánh ai người giả đạo", "Ai thảo hiền ai lỗi đạo nhà".
28 Tháng Ba 201912:51 SA(Xem: 7704)
Mai Thanh Tuấn: Đi vào đường hướng tu tập và giáo lý nội tại Tôn giáo, Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ trương cho người tín đồ tu học tại gia, vừa tự lực cánh sinh tạo ra cơ sở vật chất vừa quyết chí hành thiện để trau luyện tinh thần.
25 Tháng Mười Hai 201810:23 CH(Xem: 15649)
Châu Lang: Gần một thế kỷ trôi qua, theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi độ Đông tàn tiết trời trở nên se lạnh, hầu hết tín đồ gần xa khắp mọi miền đất nước và đồng đạo hải ngoại đó đây rất hân hoan náo nức,như có sức vô hình thôi thúc tâm hồn ngưỡng vọng dâng cao, hướng về vùng Thánh Địa linh thiêng, hưởng ứng Đại Lễ Kính Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ.
24 Tháng Tám 20182:07 SA(Xem: 13566)
Hằng năm cứ mỗi độ thu về, mọi người đều háo hức đón chào ngày lễ “Vu Lan Bồn”, noi theo sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ.
23 Tháng Sáu 20185:36 SA(Xem: 14177)
Ngày 18 tháng 5 âl là ngày tràn ngập niềm vui, là ngày hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cùng hòa nhịp con tim, hàng hàng lớp lớp lũ lượt về Thành Đô Đạo Đức. Đó là Thánh Địa Hòa Hảo (sảnh đường Kim Sơn Phật),
30 Tháng Giêng 201810:21 SA(Xem: 16606)
Nguyễn Văn Lía: Xưa Đức Phật từng bảo : “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”. Nghĩa là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Hiểu như thế nên có người hỏi: Như vậy tại sao chúng sanh chẳng thành Phật ?
15 Tháng Tám 20179:48 CH(Xem: 20673)
Hằng năm cứ đến ngày trăng tròn tháng 7 âm lịch thì người Phật tử khắp nơi lại hân hoan tổ chức đại lễ Vu Lan, hay còn gọi là mùa “Báo ơn Cha Mẹ”.
27 Tháng Sáu 20179:49 CH(Xem: 20094)
Nguyễn Văn Lía: Nói đến nhân quả, người tín đồ đạo Phật hiểu ngay đến luật trả vay, vay trả của thế trần. Vì vậy những ngôn ngữ được bàn bạc qua tâm tư trí não của họ, như: “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”, “ghét cái nào trời trao cái nấy”
100,000