Bàn về bốn bài thơ Xuân năm Kỷ Mão của Đức Huỳnh Giáo-Chủ

23 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 17189)
Bàn về bốn bài thơ Xuân năm Kỷ Mão của Đức Huỳnh Giáo-Chủ

mong_mot_tet_hoi_quan_pghh_nam_california_2014_03-large-content



VĨNH LIÊM

 Cuối năm Kỷ Mão (1939), chỉ trong vỏng vòng ba ngày, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã làm 4 bài thơ vịnh cảnh như sau: Thi Xuân (28 tháng Chạp), Cám Cảnh Dân Nghèo (28 tháng Chạp), Hai mươi Chín Tháng Chạp (29 tháng Chạp), và Đêm Ba Mươi (30 tháng Chạp). Qua bốn bài thơ nầy, tác giả nhận thấy Đức Huỳnh Giáo-Chủ có bốn con người khác nhau: nhà cách mạng tôn giáo, nhà cách mạng xã hội, nhà tư tưởng đạo đức, và nhà ái quốc cách mạng. Chúng ta thử phân tích xem tại sao Đức Huỳnh Giáo-Chủ lại có tới bốn con người khác nhau như thế?


1. Nhà cách mạng tôn giáo

 Ngay sau khi khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã xác định trong bài “Sứ- mạng cuả Của Đức Thầy” do chính tay Ngài viết như sau:

 “Vì lòng từ-ái chứa-chan, thương bách-tính tới hồi tai-họa. Phật-Vương đà chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập hội Long-hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện-căn để giáo truyền Đại-Đạo, định ngôi phân thứ gây cuộc Hòa-Bình cho vạn quốc chư bang.” (Sứ-mạng của Đức Thầy, Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, VP/PGHH/HN 1984, tr.19).

 Để rõ hơn, Ngài lại xác định một lần nữa về “tư thế” của Ngài trong bài thơ “Hai Mươi Chín Tháng Chạp”:

Hòa thôn Hảo cảnh xứ chi ta,

Tạm dắt nhơn sanh khỏi ái hà.

Tạo xác Huỳnh danh thanh sắc trẻ,

Chờ thời Thiên định thiết hùng ca.

(Hai Mươi Chín Tháng Chạp, Sđd, tr. 224)

 Xin độc giả lưu ý các chữ Hòa, Hảo, Tạm, c, Huỳnh danh, thanh sắc trẻ. Ngài (chư Phật) nhập thế tại làng Hòa Hảo, mượn xác của thanh niên Huỳnh Phú Sổ để mà tạm thời dìu dắt chúng sanh qua khỏi bể khổ bến mê.

 Cuộc cách mạng tôn giáo của Ngài qua bốn bài thơ nêu trên gồm bốn điểm chánh sau đây:

 a) Khuyên dân bớt xa hoa: Trong lúc xã hội loạn lạc, dân chúng đói khổ… thế mà những ai có tiền thì vẫn cứ ăn xài xa hoa, không biết lo tiết kiệm để phòng thân! Trước cảnh ấy, Ngài khuyên nhủ:

Bước qua năm mới, mới mừng à,

Khuyến-khích dân tầm đạo Thích-Ca.

Tự giác, giác tha ta phải nói,

Hỡi người dương-thế bớt xa-hoa.

(Thi Xuân, Sđd, tr. 221)

 b) Khuyên dân gìn lòng hiếu hạnh: Hiếu hạnh là giềng mối căn bản của con người. Ai giữ được đức hiếu hạnh mới là người hiền đức, sau này sẽ được về với Tiên-cảnh:

Ghi biên những kẻ quá lương hiền,

Một mực trung thành với Phật-Tiên.

Cố tưởng ước-mơ về Tiên cảnh,

Hiếu hạnh gìn lòng chí ư thiên.

(Hai Mươi Chín Tháng Chạp, Sđd, tr. 223)

 c) Khuyên dân lo tu tỉnh: Chiến tranh Pháp-Việt vẫn còn kéo dài gây nên cảnh đau thương tang tóc. Ấy thế mà người dân chẳng lo tu tâm dưỡng tánh, đến khi bị tai họa mới kêu cứu Phật Trời thì đã quá trễ!

Máu đào khắp nước khổ vô cùng,

Nam-Việt dân tình mãi thung-dung.

Chẳng lo tu tỉnh cầu Phật-Thánh,

Để nước đến chơn mới nhảy đùng.

(Hai Mươi Chín Tháng Chạp, Sđd, tr. 224)

 d) Trời Phật chẳng dùng tiền nên đừng có phí phạm: Phật tử lúc bấy giờ bị ảnh hưởng của phái Thần Tú bên Tàu nên xử dụng vàng mã rất ư là nhiều, chỉ tổ làm giàu cho Ba Tàu chớ có Trời Phật nào đòi hỏi đâu!

Ư thiên Trời Phật chẳng dụng tiền,

Tìm kiếm con lành giải nghiệp-duyên.

Mê-muội ác-hung về địa-ngục,

Hiền lành nhắm mắt thấy non Tiên.

…………………………………..

Vàng bạc bởi tay khách trú làm,

Phật, Thần, Tiên, Thánh chẳng dùng ham.

Giấy quần giấy áo không nên đốt,

Nghĩa chuyện dối ma chẳng đáng làm.

(Hai Mươi Chín Tháng Chạp, Sđd, tr. 223 & 225)


2. Nhà cách mạng xã hội

 Kinh tế, Xã hội, Chính trị của Việt Nam lúc bấy giờ là những trọng điểm làm cho Đức Huỳnh Giáo-Chủ quan tâm nhứt. Trong toàn bộ thi văn và sấm giảng của Ngài, vấn đề xã hội và tôn giáo luôn luôn đi kèm với nhau. Xã hội là nguyên do chính đưa tới suy vi đạo pháp, vì thế không thể tách rời Xã hội ra khỏi Tôn giáo, và ngược lại. Qua bốn bài thơ xuân, cuộc cách mạng xã hội của Đức Huỳnh Giáo-Chủ gồm bốn trọng điểm sau đây:

 a) Khuyên dân bớt dị đoan: Không rõ tục cúng gà và trồng cây nêu trước sân nhà đã có từ thời nào. Riêng về tục trồng cây nêu, theo tục truyền đêm ba mươi trời tối đen nên ma qủi hay lén vào nhà để tranh thức ăn mà người ta đang cúng ông bà, tổ tiên. Thấy ma qủi lộng hành nên Ngọc Hoàng Thượng Đế mới sai chư thần xuống bắt chúng về về trị tội và cấm không cho chúng vào nhà nào có trồng cây nêu. Đã là tục truyền thì không bao giờ thật cả, mà nó xuất phát từ mê tín dị đoan. Chính vì vậy, Đức Huỳnh Giáo Chủ mới khuyên dân bỏ bớt dị đoan.

Chúc mừng năm mới, mới buổi qua,

Bỏ bớt dị-đoan chẳng cúng gà.

Tre nêu phơ-phất không còn thấy,

Ra mắt tiêu mòn bữa thứ ba.

(Thi Xuân, Sđd, tr. 220)

 b) Cám cảnh nghèo khổ của dân quê: Người dân thôn quê Việt Nam, nói chung, và Miền Nam, nói riêng, dù nghèo xơ xác nhưng cứ đến Tết là cũng phải đi vay nợ để mua sắm cho ba ngày Tết. Trước tình cảnh đó, Đức Huỳnh Giáo-Chủ không sao ngăn được lòng xúc cảm:

Tết tết cùng năm tháng hết mà,

Thằng bần công nợ chạy bôn-ba.

Hẹn mai hẹn mốt chờ khai hạ,

Con đòi áo tốt rối chàng ta.

 

Năm nay ăn tết thật là nghèo,

Sanh-chúng u-buồn nỗi nạn eo.

Đồng khô lúa ngập coi xơ-xác,

Cảnh đói buông lung nỗi giạt bèo.

(Cám Cảnh Dân Nghèo, Sđd, tr. 222)


Diệu-vợi xa-xăm nỗi khổ hoài,

Cuộc đời lao-khổ thấy chiều mai.

Chợt ngó xuân sang xuân biết khóc,

…………………………………..

Năm tàn tháng cuối cảnh buồn teo.

Đón rước bạn xuân lễ quá nghèo.

(Hai Mươi Chín Tháng Chạp, Sđd, tr. 223 & 225)

 c) Khuyên bớt phung phí, xa hoa: Dù người giàu có đi nữa mà cứ xa hoa, phung phí, cờ bạc, rượu trà… thì tài sản cũng phải vơi dần, để rồi rước lấy cảnh khổ vào thân.

Nhắn-nhủ khắp nơi hỏi một bài,

Ba ngày xuân nhựt bởi nơi ai?

Rượu-trà, cờ-bạc, ôi phung-phí,

Chẳng biết lệ xưa của ai bày?

(Cám Cảnh Dân Nghèo, Sđd, tr. 222)

 Rồi Đức Huỳnh Giáo-Chủ buộc miệng than:

Xa hoa năm mới, mới khổ à,

(Thi Xuân, Sđd, tr. 221)

d) Danh lợi chỉ là miếng mồi câu: Danh lợi và vinh hoa phú qúi như áng mây, trông đẹp đẽ

thật nhưng rồi cũng chóng tàn sau đó:

Trẻ nhỏ rã-rời xa bố mẹ,

Sao còn tranh-đoạt mảng mồi câu.

 

Mồi câu danh-lợi chúng dân rầu,

Kim chỉ phải gìn chuyện cạn sâu.

Vinh-hoa phú-qúi chòm mây bạc,

(Hai Mươi Chín Tháng Chạp, Sđd, tr. 224)


3. Nhà tư tưởng đạo đức

 Khi xã hội băng rã thì đạo đức cũng suy vi. Thấy thế, Đức Huỳnh Giáo-Chủ kêu gọi mọi người hãy tìm đến đạo đức để mà hàn gắn vết thương xã hội. Rải rác trong ba bài thơ xuân, Đức Huỳnh Giáo-Chủ luôn luôn nhắc tới đạo đức như là một điều khẩn thiết.

 Tình nghĩa đạo lý giữa cha con mà còn phai nhạt thì huống chi những vấn đề khác. Theo Ngài, chỉ có đạo giáo mới dẫn dắt con người trở về với đạo lý.

Chạnh cám cha còn con chẳng biết,

Phải nhờ đạo-đức mới tường thông.

(Thi Xuân, Sđd, tr. 221)

 Nhưng đạo đức là lẽ nhiệm mầu, không phải ai cũng hiểu được! Vì thế, Đức Huỳnh Giáo-Chủ không quản ngại gian khổ đi rao truyền cho con dân sớm giác ngộ.

Đạo-đức nhiệm mầu chẳng có chơi.

Lê-la chậm bước đàng bụi gió,

Phải sớm lánh xa khỏi cuộc đời.

 Hoặc: 

Đạo-lý xem tường âu mới hãn,

(Thi Xuân, Sđd, tr. 221)

 Mặc người đời chê bai phỉ báng, Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng dốc lòng đi tới để rao giảng đạo đức cho mọi người.

Bước tới hùng ca bước tới hoài,

Đạo đời hủy báng mặc tình ai.

(Hai Mươi Chín Tháng Chạp, Sđd, tr. 223)

 Phải chăng cuộc đời là bể khổ? Nào ai để ý tới! Vì đạo lý quá cao siêu nên chẳng ai lưu tâm làm gì!

Sự sống người đời, ôi! thấy khổ,

Miệt-mài Đạo-đức vẻ huyền sâu.

(Hai Mươi Chín Tháng Chạp, Sđd, tr. 223)

 Vì dân trí còn thấp kém nên con người không được dạy dỗ về đạo đức, họ cứ mãi vui chơi với cuộc sống buông thả của xã hội.

Dân ta nghèo túng về Đạo-đức,

Chơi giỡn đua-bơi mãi tối ngày

(Đêm Ba Mươi, Sđd, tr. 226)


4. Nhà cách mạng ái quốc

 Phải là nhà ái quốc mới hiểu được cảnh quốc phá gia vong, cảnh chiến tranh thảm khốc và thân phận nhục nhã của người dân dưới ách nô lệ ngoại bang. Chỉ trong khuôn khổ bốn bài thơ xuân mà tác giả đã đọc được tư tưởng cách mạng ái quốc của Đức Huỳnh Giáo-Chủ.

 Năm 1939 là năm bắt đầu cuộc Thế Chiến thứ II, chưa ai biết được cuộc đại chiến sẽ ra sao, ấy thế mà Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã tiên tri đúng phóc 100%!

Năm Thìn bước tới thiệt là rồng,

Nanh gút vẫy-vùng nỗi long-đong.

Chiến-tranh thảm-khốc toàn lê-thứ,

Lo nỗi đói đau giống Lạc-Hồng.

 

Canh-Thìn bước tới hỡi dân ơi!

Thế-giới đao binh ruột rã-rời.

Khốn nguy đa sự chào xuân mới,

Dân-chúng hoàn cầu khó thảnh thơi.

………………………………….

Mãnh hổ đâu đua chí tang-bồng,

Rạng mày nở mặt với non sông.

Quân-tử thánh-nhơn ghi Nhược-Thủy,

Cơn buồn chấp bút chuyển huyền thông.

(Thi Xuân, Sđd, tr. 221-222)

 Đang lúc thế chiến xảy ra, dân tình đói khổ càng làm cho lòng ái quốc của Ngài sôi sục:

Lòng ta cảm thấy nỗi u-buồn,

Suy xét việc đời lụy muốn tuôn.

Chào xuân chẳng thấy xuân mừng nói,

Mê-mệt tâm cang trí bắt cuồng.

(Cám Cảnh Dân Nghèo, Sđd, tr. 222)

 Trong cảnh đô hộ nhục nhã như vậy, thế mà một bọn người tham danh lợi cam tâm phản quốc, tiếp tay cho giặc khiến lòng Ngài xót xa:

Gian nịnh phản thần, ôi! nhơ-nhuốc,

Gìn lòng trung hiếu sách ghi biên.

(Hai Mươi Chín Tháng Chạp, Sđd, tr. 223)

 Đọạn đầu bài thơ “Đêm Ba Mươi” là một ẩn dụ tuyệt vời:

Đêm nay mới cũ hiệp hai đàng,

Xuân nhựt lễ nầy tại thế-gian.

Mèo rồng cao thấp chơi cùng giỡn,

Đông hạ xuân sang khắp địa hoàng.

(Đêm Ba Mươi, Sđd, tr. 225)

 Đêm ba mươi là đêm tối trời, đêm đen. Đức Huỳnh Giáo-Chủ ám chỉ thế giới vì chiến tranh (Thế Chiến II) mà đen tối như đêm ba mươi. “Mèo rồng cao thấp” là ý nói hai khối Trục và Đồng Minh đang đấu trí với nhau. Chiến tranh chỉ là trò đùa (“chơi cùng giỡn”) của các đại cường, nhưng nó làm cho nhân loại bị tai họa thảm khốc!


***

 Bàn về thơ Xuân của Đức Huỳnh Giáo-Chủ quả là còn nhiều tiết mục cần bàn, không sao hết ý. Để chấm dứt bài nầy, xin ghi lại nỗi lòng thương xót chúng sinh của Đức Huỳnh Giáo-Chủ qua tám câu thơ sau đây:

Kỷ-mão năm nay đã hết rồi,

Tâm thần hoài tưởng chuyện xa-xôi.

Đạo mầu Nam địa càng thâm-diệu,

Dẫn dắt nhơn-sanh cũng chữa rồi.

………………………………….

Phần ta thương chúng luống âu sầu,

Dân sự nào tường nẻo cao sâu.

Bôn Bắc tẩu Nam cam khổ rối,

Nhưng vì bổn-phận phải toan âu.

(Thi Xuân, Sđd, tr. 220-221)


VĨNH LIÊM

(Trích trong “Nếp Sống Hòa Hảo” của Vĩnh Liêm, Lulu 2011, tr. 47-53)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 21858)
Nhẫn nghĩa là gì? Nhẫn là nhường, nhịn, dằn lòng xuống (nhẫn nhịn), cố-gắng chịu đựng (nhẫn-nại), bền chí, không nóng-nảy, nãn lòng (kiên-nhẫn), cam chịu nhục để đạt mục-đích nào đó (nhẫn-nhục),...
11 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 14669)
Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy:“…Các người nên hiểu biết phận-sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình
11 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 16610)
Trong việc tu học, với biết bao kinh sách, nghiên cứu, sưu tập… cùng muôn vạn pháp mà chư Phật đã giáo hóa, nhằm giúp tìm về với Tâm, là bản thể thanh tịnh và là sự giải thoát.
18 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 33379)
Hầu hết chúng sanh đều có căn lành tánh thiện. Nhưng do vô minh huân tập che khuất tự tánh lành, lại theo tà vọng lôi cuốn, hiệp với Ác Nghiệp: Tham lam, Sân nộ, Mê si mà che khuất đi Bổn Lai Diện Mục của mình.
10 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 14689)
Trương Văn Thạo- Phần đông, chúng ta nhờ học hỏi mà hiểu biết ít nhiều về Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ ý nghiã của chữ Pháp thân và Pháp thí, đặc biệt là của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
10 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 43754)
Hình Danny, Melbourne, Úc Châu; bài Truong Văn Thạo, Texas, Hoa Kỳ. Theo Hán tự, BÁT NHẪN (八忍) nghĩa là Tám điều nhẫn nhịn, gồm có: Nhẫn năng xử thế, Nhẫn Giái, Nhẫn Hương lân, Nhẫn Phụ mẫu, Nhẫn tâm, Nhẫn tánh, Nhẫn đức, Nhẫn thành.
100,000