Phương pháp niệm Phật rất là thù thắng. Nhiều người cho rằng Phương pháp này, dễ tu dễ đắc, ai cũng làm được, dù thượng trí đến hạ căn, từ người già đến em nhỏ, … Nhưng người người đều niệm Phật, nhà nhà niệm Phật, nhưng kết quả thì mỗi người mỗi nhà có khác. Vì sao? Tuy gọi “niệm Phật” tưởng là giống nhau, nhưng mỗi người, mỗi nhà có phương pháp hành khác nhau, nên có kết quả cũng khác nhau. Như, trong một Phật Giáo Hòa Hỏa, Đức Thầy cùng dạy phương pháp Niệm Phật, nhưng do căn cơ mà mỗi người xác định cho mình một phương pháp hành.
Cũng vậy, cá nhân tôi cũng có vạch cho mình một con đường để thực hành theo Phương pháp niệm Phật mà Đức Thầy đã dạy. Xin trình bày dưới đây để xin chú bác anh chị em chỉ dạy thêm và chia sẽ cùng các bạn đồng đạo trẻ.
Trước tiên, Tôi xin trình bày Phương pháp niệm Phật Đức Thầy đã dạy mà tôi hiểu.
Cách niệm Phật, Đức Thầy dạy:
“ NIỆM PHẬT
Cúng xong muốn niệm Phật cũng được. Ngồi bán già thẳng lưng niệm: Nam-Mô A-Di-Đà Phật.
Hay niệm: Nam-Mô Tây-Phương Cực-lạc thế-giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại-từ đại-bi phổ-độ chúng-sanh A-Di-Đà Phật.
(Niệm Phật nhiều ít tùy theo sức mình, lúc cầu-nguyện và niệm Phật chỉ niệm trong tâm).
Nam-Mô A-Di-Đà Phật, sáu chữ đi, đứng, nằm, ngồi, rán niệm chớ quên, không đợi gì thời-khắc. ”
(Q6.3.Cúng.NiệmPhậtt-X1)
Để thấy rõ lợi ít ngồi niệm Phật, xin trích một đoạn trong “Luân về niệm Phật – Khóa Hư Lục” của Đức Đệ Nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử dạy, mà Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch:
“Nay học giả muốn khởi chánh niệm để dứt ba nghiệp, cũng nhờ công niệm
Phật. Thế nào là niệm Phật được dứt ba nghiệp? Vì khi niệm Phật thân ngồi ngay thẳng, không làm hạnh tà là dứt thân nghiệp. Miệng tụng chân ngôn, chẳng nói lời tà là dứt khẩu nghiệp. Ý gắng tinh tấn, chẳng khởi niệm tà là dứt ý nghiệp.”
Đức Thầy dạy Niệm Phật, mà dạy còn phải biết bốn đại đức: Từ, Bi, Hỉ, Xả của Phật “Vậy ta niệm Phật, phải biết đại-đức của chư Phật và làm sao cho ta có thể đắc được bốn đức ấy.”. Vậy là cho chúng ta hình dung được Phật là như thế nào? Muốn gần Phật, chúng ta cố gắng phát huy bốn đặc tính trong cuộc sống hằng ngày. Không biết điều này có thể gọi là dạy chúng ta quán “Tứ vô lượng tâm không”? Vì không có tu quán, xin bậc thiện trí thức hay cô chú bác anh chị em chỉ dạy thêm.
Đức Thầy dạy công dụng của phương pháp niệm Phật:
“ Còn phương-pháp niệm Phật là để trừ cái vọng-niệm của chúng-sanh, vì trong tâm của chúng-sanh niệm niệm mê-lầm chẳng dứt; vì cái vọng-niệm về việc thế-trần ấy mà không cho cõi lòng an-lạc, phiền-não ngăn che, chơn tâm mờ-ám. Nên nay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng-sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng-sanh. Cho đến khi nhứt tâm bất loạn, chừng ấy vọng-niệm chúng-sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình-dục còn đâu mà nảy sanh ra được ?
Nên niệm Phật là niệm cái bản-lai thanh-tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh-tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần-ai. ”
Tương tự như trên, Đức Đệ Nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử dạy trong “Luân về niệm Phật – Khóa Hư Lục” Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch:
“Phàm niệm Phật là do tâm khởi. Tâm khởi thiện thì niệm thiện, khởi niệm
thiện thì nghiệp báo thiện. Tâm khởi ác là niệm ác, sanh nghiệp ác thì ứng nghiệp ác. Như gương hiện ảnh, tợ bóng theo hình.”
Bên này dùng “niệm Phật” thì bên kia dùng “niệm thiện”, bên này “niệm chúng-sanh” bên kia “niệm ác”. Do trình độ, căn cơ chúng sanh có khác nhau, mà các Ngài dạy có khác nhau, nhưng chân lý vẫn đồng.
Do trình độ, căn cơ chúng sanh thời mạt Pháp mà Đức Thầy còn nhắc nhở thêm “Cần tu thập-thiện thì sự niệm mới có hiệu quả. Tu thập-thiện, dứt được thập ác (cũng gọi là tịnh tam nghiệp).”. Còn Đức Đệ Nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử dạy có khác như đoạn trích lợi ích ngồi niệm phân trên.
Ngoài lời dạy trên, Đức Thầy cũng dạy lý niệm Phật nhiều chỗ khác, ví như:
“ Nam-mô, mô Phật từ-bi,
Miệng thì niệm Phật lòng thì tà-gian. ”
(Q1.SGkhuyênNĐtuniệm-V1: 029-030)
“Chừng đau niệm Phật lăng-xăng,
Phật đâu chứng kịp lòng người ác-gian. ”
(Q1.SGkhuyênNĐtuniệm-V1: 201-202)
“ Đến chừng có ốm có đau,
Vang mồm niệm Phật, Phật nào chứng cho. ”
(Q1.SGkhuyênNĐtuniệm-V1: 341-342)
“ Niệm Phật nào đợi mùi hương,
Miễn tâm thành-kính tòa-chương cũng gần. ”
(Q3.SámGiảng-V1: 045-046)
“ Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối,
Ghi vào lòng sáu chữ Di-Đà. “
(Q4.Giác-mêtâmkệ-V1: 427-428)
….
Còn nhiều chỗ khác nữa.
Trên đây, Trình bày sự hiểu về Phương pháp niệm Phật của Đức Thầy. Nếu có gì sai sót xin quý chú bác phủ đính dùm.
Từ sự hiểu biết về phương pháp niệm Phật như trên, Tôi xác lập một con đường cho riêng mình, xin trình bày ra đây.
Niệm Phật để độ thân:
Như chúng ta biết, xác thân này do bốn đại đất nước gió lửa duyên hợp mà thành. Nếu hết duyên thì bốn đại trở về với bốn đại, bốn đại rục rịch nhau thì xác thân cũng rục rịch theo, tạm gọi là bịnh.
Còn theo đông y thì, thân này hợp thành từ năm chất kim, mộc, thủy, hoả, thổ, năm chất đều hòa thì thân khỏe mạnh, mất quân bình thì sanh bịnh. Nên đông y trị bịnh theo nguyên tắc là làm cho năm chất quân bình.
Còn tây y, cho con người hình hành từ hàng chịu tế bào, trong đó có tế bào oan gia trái chủ cũng có (tế bào ác tính, nhưng không phải sanh bịnh liền, năm đó chờ đủ duyên mới hình thành ung thư hay bệnh nan y). Rồi quá trình lớn lên, cũng có các anh bạn bên ngoài xâm nhập vào bên trong (gọi ký sinh trùng, vi trùng). Mà các anh này hiền hòa thì cơ thể khỏe mạnh, nếu có một anh có ý ác muốn hủy hoại, mà đủ duyên thì xác thân cũng ra ma.
Nên niệm Phật thành lòng, sẽ huân tập những anh bạn hình thành nên xác thân này an lạc, đều hòa, các ảnh không còn ác niệm nữa thì thân ta vô bịnh. Nhưng khuyên các anh này đâu có dễ, ta phải khiên trì lập đi, lập lại, từ ngày này qua ngày khác, với một lòng chân thành, bốn đại đức càng ngày lớn mạnh mới cảm hóa họa mai cảm hóa các ảnh.
Cho nên Đức Thầy có dạy:
“Đã chánh Đạo thêm còn sức-khỏe,
Đặng nuôi cha dưỡng mẹ cho tròn.”
(Q2.KệdânngườiKhùng-V1: 349)
Phương pháp niệm Phật sẽ giúp thân thể khỏe mạnh.
Còn về độ tâm
Khi Chúng ta lặng tâm nhìn vào lòng mình sẽ thấy, chúng sanh lục đạo trong ba cõi có trong chúng ta và sanh diệt, diệt sanh liên tục không bao giờ dứt. Có khi ta đau khổ vô cùng (địa ngục), có khi ta muốn mà không thỏa được (ngạ quỷ), có khi ta vui vẻ sung sướng (Tiên), … cứ khởi lên rồi diệt. Nên Đức Thầy có dạy:
“ Địa-ngục cũng tại Tâm làm quấy,
Về thiên-đàng Tâm ấy tạo ra.
Cái chữ Tâm mà Quỉ hay Ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó. ”
(Q4.Giác-mê tâmkệ -V1: 287-290)
Để độ cho những chúng sanh này, bước đầu, Ngồi niệm Phật, bốn anh này sanh ra thì niệm một niệm Phật nhờ oai lực bốn đức lớn để đưa các ảnh vào an dưỡng quốc. Vì các ảnh luôn sanh ra nên luôn niệm Phật để đưa các ảnh an dưỡng quốc. Rồi từ áp dụng vào đi, đứng, nằm, ngồi.
Đức Thầy dạy:
“ Cả vũ-trụ khắp cùng vạn-vật,
Dầu Tiên, Phàm, Ma, Quỉ, Súc-sanh.
Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng-hành,
Được cứu-cánh về nơi an-dưỡng. ”
(Q5.Khuyến-Thiện-V1: 259-262)
Cứ như vậy, Tôi đưa các anh bạn chúng sanh trong tôi vào an dưỡng quốc.
Những điều trên, tôi đang áp dụng vào cuộc sống của mình, đã giúp cho tôi có kết quả an lạc ít nhiều. Niệm Phật như trên, mình có nên hồi hướng công đức cho chúng sanh ba cõi không?
Tôi nghĩ, nếu tôi đưa hết các anh bạn tôi vãn sanh, thì lúc ấy:
“Nếu ai mà biết chữ tu-trì,
Tâm bình-tịnh được thì phát huệ.”
(Q4.Giác-mêtâmkệ-V1: 362)
Niệm Phật không đợi chết mới có kết quả, mà kết quả đem lại trong cuộc sống hiện tại. Điều này, Đức Đệ Nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử dạy trong “Cư Trần lạc Đạo” theo quyển Phật Giáo Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục:
“Tĩnh thổ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương.
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc. ”
(Cư Trần Lạc Đạo: 021-022)
Trên đây, Trình bày sự hiểu biết của cá nhân tôi, vậy thành khẩn xin sự chỉ dạy thêm (dầu thuận hay nghịch ý) của các thiện trí thức, các chú bác và anh em đồng đạo.
Phù Vân (Việt Nam)