Tìm hiểu về chữ "Tâm"

11 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 17584)
Tìm hiểu về chữ "Tâm"

bong_hoa_002

Trong việc tu học, với biết bao kinh sách, nghiên cứu, sưu tập… cùng muôn vạn pháp mà chư Phật đã giáo hóa, nhằm giúp tìm về với Tâm, là bản thể thanh tịnh và là sự giải thoát. Nếu nhận rõ vạn pháp chỉ là những phương tiện để đưa hành giả tìm về với Chơn tánh, Giác tánh, Bồ đề tánh, Phật tánh, Bản lai diện mục, Bản lai thanh tịnh, Chủ nhơn ông…, tất cả chỉ là chữ Tâm. Và chữ Tâm, như Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết, là Quỉ hay Ma, Tiên hay Phật, Thiên Đàng hay Địa Ngục đều tại chữ Tâm:

Địa-ngục cũng tại tâm làm quấy,
Về thiện-đàng tâm ấy tạo ra.
Cái chữ tâm là Quỉ hay Ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó.

 Chữ tâm được chia ra dưới những dạng như: tà tâm, mê tâm, tâm ô-tạp, tâm trần-tục…, là những điều mà chúng ta ít nhiều đã mắc phải trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong khi tu tập, là những điều mà chúng ta nên sửa đổi, dứt bỏ để tránh điều hờn ghét, điều nhơn ngã và để lập chí hiền nhơn, tìm chữ sắc không, huờn lai bổn-tánh, được Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy như sau:

Dứt mê tâm dứt điều hờn ghét,
Rán cần chuyên niệm Phật làm lành.

Gìn giới cấm sửa tâm ô-tạp,
Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.

Xả thân tìm kiếm ma-ha,
Chẳng nài viễn-vọng dẹp tà nơi tâm.

Định thần dẹp hết tà tâm,
Huờn lai bổn-tánh Thần khâm quỉ nhường.

Rán tỉnh tâm dẹp được lòng tà,
Thì được thấy Phật, Tiên, Thần, Thánh.

Mài gươm trí cho tinh cho khiết,
Dứt tâm trần kiếm chữ sắc không.

Trước đài sen bát ngát hương đăng,
Tâm-trần rửa sạch mới siêu-thăng.

Tâm trần-tục còn phân nhơn ngã,
Thì làm sao thoát khỏi luân-hồi.

Ta cho đó ít câu hữu lý,
Diệt tâm trần lập chí hiền-nhơn.

Khi hiểu rõ về tà tâm, mê tâm, tâm ô-tạp, tâm trần-tục… là những điều chúng ta nên dứt bỏ và cố gắng tu tập để chuyển đổi những tâm ấy trở nên tâm hiền-đức, tâm ngay thẳng, tâm sáng suốt, tâm từ-bi, tâm lành, tâm hảo…, đó là những căn bản trên bước đường tu học. Những đức tánh ấy sẽ giúp chúng ta có được sự sáng suốt, nhận rõ đúng sai, tránh những thiển kiến, tà kiến, tránh nơi tà quỉ và được gần cõi tiên, như Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết:


Rèn tâm cho được thẳng ngay,
Khỏi nơi tà quỉ một mai thấy đời.

Trí hiền tâm đức chùi lau,
Ra công lọc kỹ thì thau ra vàng.

Mê với tỉnh nhận ra là lý,
Lấy tâm-thần làm chủ mới mầu.

Tu rèn tâm trí cho minh,
Tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau.

Tâm sáng suốt như đài nguyệt-kiến,
Tánh trong như nước bích mùa xuân.

Tâm từ-bi sánh thể ngọc-ngà,
Trong các báu khó bì tánh Thiện.

Tu hành tâm trí rán trì,
Sau nầy sẽ thấy việc gì trên mây

Hữu phần thì cũng hữu duyên,
Sửa tâm hiền-đức cõi Tiên cũng gần.

Đó là những kết quả chúng ta có thể đạt được ở bước khởi đầu của việc tu tập. Nếu đi xa hơn thì việc nhận rõ được Chủ Nhơn Ông hay tâm của chính mình và huân tập sao cho tâm luôn được yên tịnh, lắng động, thanh tịnh là mục đích kế tiếp. Khi ấy chúng ta sẽ được tỏ-ngộ, phát huệ, hiểu rõ chơn-lý, nhận rõ Phật tánh và hiểu được Phật chính là tâm của chúng ta, như Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy:

Định tâm-thần như mặt nước hồ,
Suy với nghĩ, nghĩ suy đường lối.

Nếu ai mà biết chữ tu trì,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
Nếu lặng Tâm tỏ-ngộ Đạo mầu.

Lúc nầy thế-giới bi-ai,
Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm.

Phật tại tâm chớ có đâu xa,
Mà tìm kiếm ở trên Non-Núi.

Đường đạo-lý chớ nên chán-nản,
Hãy bền lòng tầm Phật trong tâm.
Phật Tây-Phương thiệt quá xa-xăm,
Phải tìm kiếm ở trong não trí.

Với thời gian một đời người, có lẽ chúng ta không thể hiểu hết hay hành theo tất cả các Pháp trong Kinh Luật. Và do nhân duyên với Phật pháp có khác nên mỗi cá nhân có thể hành những phương thức khác nhau để tìm về chơn tánh của chính mình. Tuy nhiên, có một phương tiện chung, được đa số tin là phương pháp giản dị, dễ hành và mau đi đến kết quả, đó là sự niệm Phật. Điều nầy đã được Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy rõ: “Lục tự trì tâm là phương-phép”, là phương tiện mà các giới trong sáu nẻo luân hồi đều có thể áp dụng, là cứu-cánh giúp chúng ta chóng sửa đổi thân tâm để được gần tòa-chương và được có mặt ở hội Long-Hoa.

Trau tâm luyện tánh cho minh,
Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn.

Trì tâm thì quá ít-oi,
Bây giờ dùng thử mà coi lẽ nào.

Mong cầu gặp Phật hội Long-Hoa,
Con rán trì tâm niệm Phật-Đà.

Ở đâu cũng Phật cũng Trời,
Tâm thành chí nguyện xem đời khó chi.

Tây-Phương tuy ở cõi xa,
Thành tâm thì có Phật mà đáo lai.

Cả vũ-trụ khắp cùng vạn-vật,
Dầu Tiên, Phàm, Ma, Quỉ, Súc-sanh.
Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng-hành,
Được cứu-cánh về nơi an-dưỡng.

 Khi đã tỉnh ngộ, tìm được chơn tánh, nhận rõ được thể tánh, nhận rõ Phật Trời và biết rõ kết quả sẽ đạt được, như Đức Huỳnh Giáo Chủ cho biết, khi ấy chúng ta tìm được sự giải thoát cho bản thân. Nếu cố gắng tu hành đắc đạo thì chúng ta có thể cứu vớt cha mẹ cùng chúng sanh nhân loại, đó là những điều mà tất cả hành giả mong đạt được trong việc tu tập.

Để tâm yên-lặng như tờ,
Nghĩ suy lời lẽ tỏ mờ thể nao.

Rày tỉnh ngộ ái hà quyết dứt,
Đèn đạo tâm sáng rực soi đường.

Mục-Liên cứu mẹ bằng nay,
Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ-bi.
Để tâm yên tĩnh tầm chơn-lý,
Phổ cứu nhơn-sanh khắp đại-đồng.
 Tóm lại: “Phật môn vạn pháp không ngoài cái Tâm.”, như Đức Phật Trùm (1868 - 1875) chỉ dạy. Nếu dứt bỏ những tà tâm, mê tâm, tâm ô-tạp, tâm trần-tục, và cố gắng hành trì tu tập để đạt được tâm hiền-đức, tâm ngay thẳng, tâm sáng suốt, tâm từ-bi, tâm lành, tâm hảo để nhận rõ chơn lý, nhận rõ Phật Trời và tìm về bản thể thanh tịnh, đó là sự giải thoát. Mong rằng chúng ta hãy cố gắng hành trì để giải thoát bản thân, cứu vớt cha mẹ, tổ tông và cứu vớt chúng sanh nhân loại.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.

Nguyễn Hoàng Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 18557)
Tam Bành không thực tướng và cả Lục Tặc cũng không chuẩn xác và chúng đã thúc dục nhau khiến chúng sanh tạo nên vọng nghiệp để phải lặn ngụp mãi trong luân hồi lục đạo. Nhưng may mắn thay, cách đây 2621 năm Đức Phật đã ra đời và mang giáo lý vô thượng để chửa trị Tam Bành và Lục Tặc của chúng sanh
06 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 15491)
Trong một Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Thầy cùng dạy phương pháp Niệm Phật, nhưng do căn cơ mà mỗi người xác định cho mình một phương pháp hành.
18 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 23174)
Nhẫn nghĩa là gì? Nhẫn là nhường, nhịn, dằn lòng xuống (nhẫn nhịn), cố-gắng chịu đựng (nhẫn-nại), bền chí, không nóng-nảy, nãn lòng (kiên-nhẫn), cam chịu nhục để đạt mục-đích nào đó (nhẫn-nhục),...
11 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 15560)
Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ dạy:“…Các người nên hiểu biết phận-sự con người phải làm gì trong kiếp sống và tìm kiếm chân tánh của mình
18 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 35384)
Hầu hết chúng sanh đều có căn lành tánh thiện. Nhưng do vô minh huân tập che khuất tự tánh lành, lại theo tà vọng lôi cuốn, hiệp với Ác Nghiệp: Tham lam, Sân nộ, Mê si mà che khuất đi Bổn Lai Diện Mục của mình.
10 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 15444)
Trương Văn Thạo- Phần đông, chúng ta nhờ học hỏi mà hiểu biết ít nhiều về Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ ý nghiã của chữ Pháp thân và Pháp thí, đặc biệt là của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
10 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 45934)
Hình Danny, Melbourne, Úc Châu; bài Truong Văn Thạo, Texas, Hoa Kỳ. Theo Hán tự, BÁT NHẪN (八忍) nghĩa là Tám điều nhẫn nhịn, gồm có: Nhẫn năng xử thế, Nhẫn Giái, Nhẫn Hương lân, Nhẫn Phụ mẫu, Nhẫn tâm, Nhẫn tánh, Nhẫn đức, Nhẫn thành.
100,000