Ý Nghĩa Cư Sĩ Canh Điền

28 Tháng Ba 201912:51 SA(Xem: 8566)
Ý Nghĩa Cư Sĩ Canh Điền

Mai Thanh Tuấn Gió đồng cắm hoa

Mai Thanh Tuấn đang cắm hoa cho lễ đạo Phật Giáo Hòa Hảo

 

Đi vào đường hướng tu tập và giáo lý nội tại Tôn giáo, Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ trương cho người tín đồ tu học tại gia, vừa tự lực cánh sinh tạo ra cơ sở vật chất vừa quyết chí hành thiện để trau luyện tinh thần. Một hình ảnh khá quen thuộc đã được Ngài xây dựng cho người tín đồ “Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành”, nó phảng phất đâu đây bóng dáng nguồn cội của người Việt Nam từ hàng chục nghìn năm của nền văn minh lúa nước. Ở đây chúng ta không phải muốn triển khai nền kinh tế học, vấn đề đặt ra là để phô diễn cho một tinh thần tôn giáo đã được khơi nguồn từ ý thức hệ dân tộc, ngoài việc đạo pháp mang đậm dân tộc tính, nó còn đủ chở cả dân tộc tinh thần, đó là sự cần cù, nhẫn nại chịu thương chịu khó của người nông dân Việt. Chính tinh thần đó đã kết tụ nên ý chí quật cường, bất khuất bao đời của những anh hùng võ trang. Dầu có trải qua bao biến cố thăng trầm, bao dấu tang thương lịch sử, thì hình ảnh những anh hùng áo vải, hình ảnh những người nông dân trong những cuộc kháng chiến quên mình... mãi mãi vẫn sáng ngời trong lòng dân tộc, trong những trang sử kiêu hùng của người Việt Nam. Có thể nói khi chủ trương cho người tín đồ: “Ta là cư sĩ canh điền, lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành" là Ngài đã đạt nhân tâm đến mức độ tận thiện, sự bất khả phân ly giữa đời và đạo, giữa đạo pháp và dân tộc là một bài pháp đầy ý nghĩa cho trang sử đạo nhà.

Về mặt ý nghĩa, thì Canh Điền là cày ruộng, còn Cư Sĩ là người tu tại gia, một hành giả mà vừa lo tu vừa tự lo đời sống kinh tế. Ở đây, chúng ta nên hiểu thêm rằng, canh điền không nhất thiết buộc người tín đồ phải sống bằng nông nghiệp, ý nghĩa đó chỉ mang tính cách tiêu biểu, hướng dẫn và chỉ điểm hơn là sự khẳng định. Trong tất cả các ngành nghề, canh điền nó hướng con người đến chỗ chân thật và lương thiện, nó không hạn chế hay đóng khung tại một hoàn cảnh nào, vấn đề đặt ra là dù trong bất kỳ nghề nghiệp gì miễn sao đáp ứng yêu cầu chánh nghiệp, miễn sao trong đó người tín đồ có thể tìm thấy niềm vui thân thiện và sự cảm thông giữa mình và người, không có sự tranh chấp trong thù hận hơn thua, cũng không có sự cạnh tranh trong thương trường đấu đá... cũng như hình ảnh một chàng nông dân hiền hòa, tay cầm cày, miệng đang vi vu huýt sáo chiều trên những cánh đồng ửng nắng. Một cuộc sống đầy ấp niềm lạc quan, hoà mình cùng đất nước, thiên nhiên, vui với tâm hồn, trải rộng lòng lành để điểm tô cho đạo pháp, điểm tô cho cuộc đời:

“Xa nơi tranh đấu lợi danh
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.”

                                      (Q5: Khuyến Thiện)

Với một tinh thần tích cực, nhiệt thành, hơn ai hết, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khi đặt chân vào cửa đạo, những đạo lý đầu tiên mà họ được truyền dạy là nguồn cội tổ tiên, với giáo lý Tứ Ân họ cung kính làm tròn bổn phận của một người dân đối với đất nước, một người con đối với gia đình, và nhất là một người tu có lòng đối với nhân quần xã hội. Tinh thần giác ngộ từ bi được hấp thụ một cách mau lẹ nơi tâm hồn của người tín đồ. Khi giác ngộ tu hành, họ đều hiểu rằng trách nhiệm của hành giả là trách nhiệm mang đến cho đời niềm an lạc, hạnh phúc, biến cõi đời thành tịnh độ giữa nhân gian. Họ chấp nhận sự hy sinh từ vật chất lẫn tinh thần để phục vụ chúng sinh, sẵn lòng vì đạo pháp, vì lý tưởng giác ngộ quên mình. Từ đó họ không nề hà vất vả mà lao động để xây dựng cơ sở vật chất. Đem đến điều kiện phồn vinh không phải để chôn vùi đời mình đắm chìm trong dục lạc, hưởng thụ mê say, mà vì để họ xây dựng đất nước và vì để đem nguồn lợi lạc đến cho đời. Từng lũy tre làng xanh mướt quê hương, từng cánh đồng vàng bạt ngàn sóng lúa, theo thời gian đã in dấu chân chay sần và ghi dấu hình bóng cần cù, lam lũ của họ. Từng giọt mồ hôi của họ đổ xuống là từng niềm tự hào vun đắp cho quê hương. Con trâu, cái cày muôn thuở đã viết tên lên trang sử vàng cho những người nông dân miền quê sông nước, những người đạo Việt chất phác, gương mẫu, nhiệt tình:

“Nắm tay trở lại cánh đồng
Cần lao nhẫn nại Lạc Long tổ truyền.”

                                 (Khuyến Nông)

Ý nghĩa tu tập phải là ý nghĩa vì đời, tinh thần dấn thân, vị tha luôn là bó đuốc sáng ngời trong lòng hành giả. Thái tử Sĩ Đạt Ta cũng vì đời mà cất bước đi tu, ngày thành đạo cũng không quên đời mà để lại nguồn giáo pháp. Tổ Bách Trượng ngày xưa tuy là người ở chốn thiền môn nhưng Ngài vẫn chủ trương cho hàng môn đệ "nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực" (một ngày không làm một ngày không ăn). Giữa hai cách chủ trương của “Bách Trượng thanh qui” và giáo huấn “cần kiệm sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất” của Đức Thầy bỗng có sự gặp gỡ nhau đồng điệu, mặc dầu một đàng tự cường là để rèn tâm tinh tấn tu học, một đàng là để nâng cao dũng chí sẵn sàng cho một hành trình nhập cuộc vào đời.

“Mình đã gặp con thuyền bát nhã
Có lý nào ích kỷ tu thân.”

                            (Q5: Khuyến Thiện)

Đứng vào lĩnh vực chuyên môn, canh điền chính là hình ảnh tỷ dụ hoá cho chương trình tu tập. Nó khơi dậy nơi người nguồn sức mạnh vô biên, dành để tiếp sức và nuôi dưỡng cho lòng cần mẫn, kiên trì và sức nhẫn nại đối đầu với bao gian khó. Đường đời lắm nỗi chông gai, cuộc đời là một bài toán và cũng là một cuộc thử thách, kinh nghiệm là sự đúc kết kiến thức trong suốt quá trình hành đạo của mình. Làm sao mà giữa những muôn ngàn khó khăn đó ta vẫn kiên nhẫn, đủ bình tĩnh để thực thi trọn vẹn hành trình viễn xứ đến bước chân cuối cùng. Đạo hạnh ươm mầm cho những tâm hồn giải thoát thanh cao, mà bến bờ cứu cánh tương lai vẫn liên hồi vẫy gọi, bước chân bền bỉ, hiên ngang là một khúc đạo ca oai hùng đang giục dậy bước đi cho những tâm hồn tinh tấn, miệt mài không chán mõi trước những cảnh đời gian lao:

“Lúc trồng rẫy rủi nhiều sâu bọ
Rồi ngẩn ngơ bỏ giống hay sao.
Nấu lọc rành mới biết vàng thau
Ai thật tánh ai người giả đạo.”

                                      (Sa Đéc)


Sự gần gũi và dễ hiểu, dễ hành làm sao khi đạo pháp được trình bày một cách thực tế, giản dị và sinh động như vậy. Từng là những người nông dân, từng trải nắng dầm sương, cũng từng sở hữu trong tay biết bao kinh nghiệm đồng áng, ai mà không cảm thấy thích thú khi nghe qua mấy lời giải thích nầy. Tiếng đàn đạo pháp bỗng lay nhẹ lòng người reo vui trong tỉnh ngộ. Trong một không gian thông thoáng, đầy cởi mở, việc tu hành được thiết lập một cách gần gũi, rất dễ nhập vai. Nó vô cùng thực tế, đơn giản, không xa lạ hay mơ hồ, cũng không có bất cứ sự cầu kỳ, khó dễ hoặc ngăn cách nào như những lời đồn thổi. Tâm hồn nầy là của chúng ta, chỉ cần ở ngay con người nầy, tâm ý và tư tưởng, quay về trau sửa là hành giả đã đạt được chữ tu. Như một nhà nông, mãnh đất là tâm điền, cấy cày là thực hiện những phương pháp tu tập. Để có một vụ mùa bội thu nhà nông cần biết kết hợp tốt những yếu tố về kỹ thuật chăm sóc ruộng lúa, cũng như hành giả cần phải thông suốt đường lối và pháp môn hành trì. Phật pháp có đến bốn ngàn tám vạn pháp môn, cần yếu là việc lựa chọn một pháp tu hợp cơ, hợp thời và hợp cảnh. Như một tay nghề chọn giống, tất phải hội đủ các yếu tố về chất lượng, thời vụ và túi tiền. Một khi mãnh đất “tâm điền” đã dọn xong, hạt giống đạo mầu được gieo xuống, vạn thiện sẽ được nẩy mầm. Tương lai hứa hẹn cho những mơ ước bay cao là lúc hoa trái đạo vị được chín vàng và tỏa hương khoe sắc:

“Trồng cây lành vị quả thơm tho
Tuy không thấy mà sao chẳng mất.”

                         (Q5: Khuyến Thiện)

Cách đây hơn hai nghìn năm, Đức Thế Tôn đã từng dạy người “canh điền”. Ngày đó Ngài đã thuyết “kinh cày ruộng” cho chàng Bà la môn Ba La Đậu Bà Giá. Lý do dễ hiểu là vì chàng Bà la môn ấy có thái độ không vừa lòng khi thấy Đức Phật và tăng đoàn chỉ đi khất thực, không trồng trọt cấy cày. Không chỉ đơn giản là Ngài muốn giải thích cho chàng Ba la môn đó hiểu, mục đích còn quan trọng hơn là việc Ngài muốn hiển bày đạo lý tu tập tích cực của người tu hành. Cũng như mọi người đời, cuộc sống của hành giả vẫn luôn năng nổ, tích cực và không ngừng làm việc. Họ cũng có trâu, có cày, có đất, có giống... Chỗ khác nhau là họ dùng nó vào việc cày xới tâm linh, trồng trọt phước điền. Trách nhiệm của họ là làm sao dùng sức tinh tấn của mình để thực hiện một cuộc gieo trồng qui mô lớn, ươm mầm đạo vị để chờ đợi cuộc gặt hái giải thoát cho mình, cho người:

“Đức tin là hạt giống  
Công phu mưa phải thời 
Chánh niệm là lưỡi cày  
Tinh tấn là sức kéo 
Cán cày là trí tuệ 
Dây cột là ý căn 
Rễ ách nạn nhổ lên 
Quả Niết Bàn thu hoạch.”


Và đó cũng là lúc ý nghĩa của “canh điền” bắt đầu thể hiện vai trò đạo lý của nó. Cất tiếng gọi từ trái tim, nó kêu gọi ở người những tinh tấn và sự phát triển không ngừng tiến thủ. Chúng ta cần phải làm điều gì đó để cho mãnh đất tâm linh, mãnh đất quê hương, cũng như mãnh đất cuộc đời luôn đượm màu tươi xốp. Bằng cách gieo vào lòng người những hạt giống giác ngộ, thiền định, trí tuệ và từ bi. Phải không ngừng chăm bón, đừng để nó lụi tàn. Mỗi ngày, cần dùng nước ma ha để tưới tẩm, nào là phân tam muội, nào là thuốc từ bi phải thường siêng xịt vào, ngăn ngừa các loại sâu bọ từ những phiền não tham, sân, si phá hoại. Cuộc sống no ấm chính nhờ vào đôi bàn tay nổ lực, luôn siêng năng cấy cày. Một thửa ruộng tốt chứng tỏ một người có kỹ thuật chăm sóc tốt, đạo hạnh được thăng hoa chính nhờ ở người tu khéo biết vận dụng Phật pháp vào đời:

“Canh nhi bất cần bất đắc thực
Học nhi bất cần bất đắc đạo.”

(Cày mà không siêng, không có ăn.
Học mà không siêng, không đắc đạo.)

Người biết Canh Điền là người tự mình biết chuyển hoá tâm linh. Một lần nữa họ đã khẳng định sự tự lập và vị thế của mình trong ngôi nhà đạo. Tuy thân là cư sĩ nhưng lúc nào họ cũng nêu cao tinh thần giải thoát. Không chỉ dừng lại trên ý nghĩa Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di, ngoài việc lo thọ trì tam quy ngũ giới, đạo hạnh còn lại là sự khép mình trong bổn phận tứ sự cúng dường. Bằng vào ý chí phấn đấu không ngừng, “cán cày” trong tay họ đã trở thành phương tiện quyền năng Phật pháp. Chính họ, chứ không ai khác hơn, không cần dựa dẫm vào ai, họ tự vươn lên bằng chính nghị lực của mình. Sự nổ lực Canh Điền là họ đã tự xây dựng đạo pháp trong từng nhà, từng vùng và từng hoàn cảnh, dù với hoàn cảnh nào, con người nào họ cũng đều có cách sống dung hoà, thương yêu và gần gũi như anh em ruột thịt “Tóm tắt, ta phải thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức.” ( Lời Đức Thầy dạy)

Sự biến hoá không ngừng là họ đã phân thân khắp nơi, từng ngôi nhà người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đều được trở thành từng ngôi “Tam Bảo Tự”. Tuy không phải một pháp sư lỗi lạc, đa tài, hùng biện thao thao trước pháp toà hay trước đại chúng, nhưng họ cũng đủ đạo hạnh để làm một “pháp sư” gương mẫu mà giáo hoá cho gia đình, giáo hoá cho xóm chòm, và dần cho cả đồng bào nhân loại. Đó đều là những “Phật tử đồng đạo” chân tình của họ. Chính họ đã thể hiện màu sắc của nền Tôn giáo mình, một Tôn giáo luôn trung thành với chủ nghĩa vì đời, vì người mà sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng phục vụ. Dầu có đi đâu, về đâu, lời đạo pháp lúc nào cũng dạt dào tuôn chảy từng giờ, từng khắc trong tâm lòng họ:

“Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
Phật chẳng chấp chăng nài thời khắc”

                    (Q4: Giác Mê Tâm Kệ)

Thì ra đạo lý Canh Điền còn là như thế, nếu lòng người đã quyết chí tu tập thì dù có ở đâu, bất kỳ hoàn cảnh nào hành giả cũng có thể giữ được lòng thanh tịnh. Không phải chỉ tu lúc rảnh rỗi mà còn phải tu lúc bận rộn nhiều, không phải chỉ tu lúc ở nhà mà còn phải tu lúc ra ruộng... Đạo dĩ nhiên phải là một hình ảnh thực, sinh động mà trong đó là sự có mặt của những con người, của những hoàn cảnh trong cuộc sống đang từng ngày diễn ra. Thiền định không phải chỉ là một hình ảnh lẻ loi u buồn trong cô tịch mới nên ý nghĩa nhiệm mầu, mà thiền định phải được vận dụng sát cánh vào đời, tịnh ngay trong lúc giữa vạn cảnh vạn trần còn đương xao xuyến, sống chết với những khoảnh khắc tâm hồn an lạc là những giờ khắc đối đầu, chạm trán, rồi buông bỏ, rồi nhẹ nhàng, rồi giải thoát. Như thế mới chính là tu tập, là ý nghĩa của những giá trị đạo lý sống, thực tế, tích cực và năng nổ, thiêng liêng, là những hành động dấn thân, là thể hiện của những ý chí, của những tâm hồn cao thượng mà qua ý nghĩa Canh Điền người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã thể hiện một vai trò tái tạo nhựa chất đạo lý được khơi nguồn mới mẻ sau bao năm ngủ vùi trong tiêu cực bi quan, trong sự lầm tưởng của những cái nhìn, cái hiểu phiến diện dù đời hay đạo.

Mai Thanh Tuấn Gió đồng cùng bạn đạo
Mai Thanh Tuấn (hàng trên thứ hai từ trái) cùng các bạn đạo PGHH
tại Long Xuyên, An Giang.



Trong đạo Phật hàng cư sĩ được phân làm hai hạng rõ ràng:
"Cư sĩ hữu nhị chủng: nhất quảng tích tư tài, cư tài chí sĩ danh vi cư sĩ. Nhị tại gia tu đạo, cư gia đạo sĩ danh vi cư sĩ."
(Cư sĩ có hai hạng: Một là người chứa rộng tiền tài, còn trong vòng ái hữu, chưa được xả ly, là hạng cư sĩ thứ nhất. Hạng thứ hai, tuy vẫn còn tại nhà nhưng đạo hạnh họ thanh tịnh, đáng bậc xuất gia, cũng gọi cư sĩ.)

Như vậy, với đường lối chủ trương “thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê” hẳn nhiên người Cư Sĩ Canh Điền của Phật Giáo Hòa Hảo được sếp vào hạng cư sĩ thứ hai của hai hạng cư sĩ vừa phân giải đó. Vì với họ, con đường giải thoát vô thượng mới chính là mục tiêu chính yếu trong công cuộc tu hành:


"Vô thượng thậm thâm dĩ ý truyền,
Danh ngôn chép để rạch đàng tiên.
Cư gia tịnh độ tâm viên mãn,
Sĩ xuất văn từ dốc dạy khuyên."

                                (Q5: Khuyến Thiện)

Trong bốn từ khoán thủ “Vô Danh Cư Sĩ”, Đức Thầy đã xây dựng cho người tín đồ hình ảnh thanh tịnh, xả ly, một hình ảnh của sự viên mãn giải thoát. Sự thấu ngộ đạo lý tâm truyền được biểu diễn ngay trước trần cảnh thực tại. Phật pháp vô thượng không rời tâm, cũng như con đường cứu cánh đặt ngay dưới những bước chân thường sự. Đâu đó trong không gian vô vi của trường Phật pháp, người ta bỗng thấy dấp dáng của các ngài Cư Sĩ Duy Ma, Tuệ Trung Thượng Sĩ và Cư Sĩ Bàng Long Uẩn... Tâm điền là mãnh đất khoáng đại, có công năng chứa đựng, thu tóm, nói theo kiểu lý thiền là chỗ thực tướng đại đạo vô biên. Ở bề sâu vô thức, sau lớp màn ý thức đó, hành giả muốn lĩnh ngộ tất phải vượt qua sự che chắn của dòng ý niệm đang xao động, trực tiếp mà “cấy cày” để cảm nhận sự hiện hữu của vùng đất chân như diệu mầu. Cần phải một phen tiếp cận, khám phá và canh tác người tu mới nếm trải được hết những hương vị vô vi, huyền bí được phun trào bất tận từ lớp đất ngầm chân như. Trong lớp sâu vô thức, mọi thứ đều trở nên mầu nhiệm, đạo lý ở đó càng trở nên huyền diệu. Con người ở đó cũng vĩ đại, phóng khoáng và bản lĩnh hơn. Từ mọi hành động tiếp xúc với chân thể diệu huyền, cuộc sống của họ đều trở nên tràn đầy tinh lực, tuệ giác và ý vị. Ở trong một niệm tự thể, họ có thể đến đi ngang dọc giữa dòng chảy sinh diệt một cách tự tại, nhẹ nhàng, như cánh Nhạn lướt qua trên mặt nước, như vầng trăng soi bóng vằng vặc giữa đáy hồ.

Một hôm, cư sĩ Bàng Long Uẩn bèn bảo con gái Linh Chiếu ra ngoài xem trời ngọ hộ ông. Chừng vào, cô Linh Chiếu thưa:
"Thưa cha hôm nay giữa trưa mà trời có nhật thực."
Nghe lạ ông bèn đứng dậy ra xem, nào ngờ khi trở vào thì cô Linh Chiếu đã bước lên chiếc chõng tre của ông mà ngồi kiết già thị tịch. Thấy vậy, ông mới cười:
"Con gái ta thông minh quá!"
Sau tang sự con gái, hôm nọ nhân tiếp chuyện với khách, ông bèn ngã nhẹ người lên vế bạn, ngâm xong ít câu kệ rồi tịch. Biết tin bà vội chạy ra đồng, báo lại cho con trai:
"Linh Chiếu và Long công cũng đã đi rồi!"
Nghe thế, người con trai đang kéo cày, bèn gác ách Trâu dừng lại, xong cũng đứng tại chỗ tịch luôn. Thấy vậy bà vội nói:
"Ông già, con trai, con gái đều đi hết cả. Thật là một chuyện ngốc!"
Tang sự chồng con xong, bước đi được vài bước, bà cũng nhắm mắt tịch. Cả nhà bốn người đã thị tịch một cách an nhiên, tự tại như vậy. Ở trong tứ tướng oai nghi đó, một gia đình cư sĩ đã thể hiện đạo lý một cách tuyệt vời trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi. Phải chăng một khi đã liễu ngộ, thì giữa vạn trần vạn cảnh nầy, đâu không phải là “ý Tổ Sư”!

Khám phá đạo lý Canh Điền theo lối chiết tự (chơi chữ) ta lại cảm thấy thú vị vô cùng. Ở đấy tất cả các đạo lý từ cạn tới sâu, từ nhân thừa, tiểu thừa cho đến các đại thừa đều được ẩn chứa một cách đầy đủ. Chữ Điền 田bao gồm bên ngoài là bộ Vi 囗, bên trong là chữ Thập 十. Vậy thì khi phá (canh điền) Thập 十 thì còn Vi 囗, mà khi phá Vi 囗 thì còn Thập 十. Chữ Thập 十 là con số 10, chữ Vi 囗là bao quanh, nó có bốn cạnh bằng nhau, tượng trưng cho số 4. Đền đáp Tứ Trọng Ân, trừ Thập Ác hành Thập Thiện là những pháp môn tu tập được trình bày đầy đủ trong giáo lý Học Phật Tu Nhân. Nơi đây, con đường thực hiện đạo lý được phối hợp dung hoà giữa sự tu tập tướng và tánh, tự giác và giác tha một cách đầy đủ, trọn vẹn. Bằng vào phương pháp diệt trừ tam nghiệp,  hành giả đã xây dựng nền tự giác cho mình, công cuộc thực hiện tứ ân là con đường giác tha độ chúng. Tự tâm trau sửa là tu Huệ, hướng lòng độ chúng là tu Phước, con đường hợp nhất tướng tánh, trong ngoài, Phước Huệ là phương pháp hành trì của người cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo được chỉ điểm từ ý nghĩa đạo lý Canh Điền.

Cũng trong chữ Điền 田đó, nếu chúng ta tiếp tục theo cách khác, bấy giờ mình sẽ phá đi tất cả các nét chỉ chừa lại 3 nét ngang, thì còn lại chữ Tam 三, là con số 3. Còn nếu mình chừa lại một nét sổ giữa và nửa nét gạch xuống bên tay phải, thì thành chữ ngũ 五 là con số 5. Tam cang ngũ thường, tam qui ngũ giới hay tam nguơn ngũ hành đều là những pháp môn cơ bản trong nền đạo của Tam giáo Phật, Thánh, Tiên. Và nếu chúng ta đem chúng cộng lại với nhau mình lại có ý nghĩa khác hơn là con số 8. Tất cả các pháp môn: 8 điều răn cấm của Đức Thầy, Bát Điều Mục trong hình nhi thượng của Đức Khổng Tử, Bát Chánh Đạo của Đức Thích Ca, hay Hàm Tàng Thức là chỉ cho Tâm cũng là thức thứ tám... thảy đều đầy đủ nơi đây không thiếu sót bất kỳ một pháp tu quan yếu nào. Còn rất nhiều chữ ẩn tàng các đạo lý thâm diệu trong cách “phá điền” đó: như chữ nhất, chữ nhị, chữ sơn, chữ xuất, chữ khẩu, chữ vương... Điều tuyệt diệu nhất là khi chúng ta “cấy cày” theo kiểu “một chừa một bỏ” các nét của chu vi chữ Điền 田 ra, chúng ta sẽ thấy thú vị đến ngạc nhiên khi chữ Vạn 卐 được hiển bày trước mặt.

Đến đây, hình ảnh người Cư Sĩ Canh Điền bỗng đẹp lên trong những vai trò đạo pháp, trong tất cả những pháp môn tu. “Cán cày” trong tay họ bỗng trở thành sức mạnh, quyền năng và phương tiện. Giữa bể trần sóng gió điêu linh nầy, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phải tích cực kéo cày. Họ đã cày lên mãnh đất gia đình, mãnh đất quê hương và xã hội, lưỡi cày của họ lưu chuyển không ngừng nghỉ, không mệt mõi. Họ sẽ cày cho đến khi hết bóng ngoại xâm, cày cho đến khi không còn đói khó, lòng người được giác ngộ thanh cao, lưỡi cày của họ sẽ cùng bước với những tháng năm dãi dầu mưa nắng để tô điểm đạo mầu, thể hiện tình người, tình đạo, tình quê. Một nắng hai sương không làm phai nhờn chí cả. Miếng ruộng của họ chính là tấm lòng yêu đất nước quê hương, yêu con người và yêu đạo pháp nồng nàng chan chứa. Từng cánh đồng vàng bạt ngàn ruộng lúa là từng tấm lòng của họ, nơi ấy họ đã gieo rắc bao điều hy vọng và niềm tin cho những công sức cống hiến vì đời. Tâm hồn và sức sống của họ đã hoá mình thành những hạt lúa mầu tươi, dù thời gian có qua đi và cuốn trôi tất cả, nhưng những hạt lúa trên quê hương sẽ mãi còn, cũng như hình ảnh của họ chưa từng phai nhạt. Màu đất bùn khét nắng xông ướp lên mùi mạ non, màu của đất mẹ thơm tho tình đời tình đạo, tất cả đều đã được hoá mình, hoà quyện trong những hình ảnh vị tha và tâm hồn đạo đức sáng ngời muôn thu của họ./.

Mai Thanh Tuấn,

Long Xuyên, An Giang

Facebook Gió Đồng


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tám 20159:08 SA(Xem: 26890)
Niệm Phật là một pháp môn, còn gọi là Pháp Môn Tịnh Độ (là tâm thành chí nguyện, nhờ oai thần và tha lực của Phật A Di Đà mà được vãng sanh về Tây phương Cực Lạc).
09 Tháng Bảy 20159:03 SA(Xem: 27948)
Hằng năm vào ngày 18 tháng 5, người tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo ở bất cứ nơi đâu, trong hay ngoài nước, ở tầng lớp xã hội nào cũng đều trân trọng, vui mừng tưởng nhớ Đại Lễ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hoà Hảo, một nền đạo Dân tộc quy nguyên Phật pháp
18 Tháng Ba 20151:37 CH(Xem: 26824)
Giáo lý ấy chỉ như ánh Trăng khi tỏ khi mờ, khi hành giả chưa hiểu hay chưa nhận rõ về sự “nhiệm sâu” trong giáo lý đạo PGHH. Và ánh Trăng ấy sẽ là nguồn ánh sáng vô tận dành cho những ai thấu hiểu, ngộ được sự “huyền bí” trong giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
02 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 16109)
Người tín đồ PGHH học Giáo lý là để nắm cho được căn bản Phật pháp nói chung và để hiểu lời Đức Thầy chỉ dạy trong Giáo lý PGHH, được cô đọng trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Ngài.
30 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 10305)
Khi giải thích về “đức Xả” Đức Thầy chỉ rõ: Xả là chẳng chấp một pháp nào trong thế gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền trần, tha thứ hết thảy những ai tối tăm lầm lỗi, chẳng còn vướng víu chi với cuộc lợi danh, tài sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái.”
05 Tháng Mười 201412:00 SA(Xem: 11446)
Liên hồng cảm kích vĩ long tuyền, Đồng Thạnh hàng kỳ tác thiện duyên. Kiển sám truyền danh lưu hậu thế, Nam Việt trung thần đệ nhứt Tiên.
23 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 12753)
chúng tôi xin trích ra một số bài Thi Văn trong quyển “TỪ ĐIỂN ĐẶC DỤNG” của đồng Đạo Nguyễn Văn Chơn với những bài THI HÁN do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng tác và đáp họa với những bậc túc nho
23 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 12661)
Pháp là phương tiện chở đưa người tu đi tìm cứu cánh Giải thoát. Như người từ bến mê nhờ PHÁP đưa đến bờ Giác. Đức Thầy dạy : Chúng sanh mê nên đem Pháp thuyết, Giải thóat rồi Pháp bất khả dùng.
23 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 18117)
Cuối năm Kỷ Mão (1939), chỉ trong vỏng vòng ba ngày, Đức Huỳnh Giáo-Chủ đã làm 4 bài thơ vịnh cảnh như sau: Thi Xuân (28 tháng Chạp), Cám Cảnh Dân Nghèo (28 tháng Chạp), Hai mươi Chín Tháng Chạp (29 tháng Chạp), và Đêm Ba Mươi (30 tháng Chạp).
06 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 18436)
Tam Bành không thực tướng và cả Lục Tặc cũng không chuẩn xác và chúng đã thúc dục nhau khiến chúng sanh tạo nên vọng nghiệp để phải lặn ngụp mãi trong luân hồi lục đạo. Nhưng may mắn thay, cách đây 2621 năm Đức Phật đã ra đời và mang giáo lý vô thượng để chửa trị Tam Bành và Lục Tặc của chúng sanh
100,000