NHẬN THỨC “LỄ VU LAN” THEO GIÁO LÝ PGHH

24 Tháng Tám 20182:07 SA(Xem: 15220)
NHẬN THỨC “LỄ VU LAN” THEO GIÁO LÝ PGHH

hoa sen

 

Nguyễn Châu Lang

 

Hằng năm cứ mỗi độ thu về, mọi người đều háo hức đón chào ngày lễ “Vu Lan Bồn”, noi theo sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ. Vu Lan Bồn có nghĩa là “Cứu đảo huyền” tức cứu vong linh bị treo ngược nơi Âm Phủ. Sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ là chuyện tích lịch sử có thật, xảy ra thời Đức Thích Ca hoằng hòa ở Ấn Độ hơn 2500 năm qua. Lúc ấy tôn giả Mục Kiên Liên và Xá Lợi Phất là hai đại đệ tử theo hầu hai bên tả hữu Đức Thế Tôn.

 

Tuy nhiên, vì truyện tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ là bà Thanh Đề có liên quan hai cõi Âm phủ và Dương gian, nên câu chuyện được diễn giải dễ bị hư cấu thêm những tình tiết không trung thực thiếu khách quan. Nhất là mẫu chuyện này lại do người đời sau ghi chép, dịch giải nhiều lần, nên khó tránh việc “tam sao thất bổn” mà thời gian càng xa dần chánh pháp thì nội dung truyện tích càng dễ lệch lạc ý nghĩa. Nhất là lễ ấy được khuyếch trương âm thinh sắc tướng mạnh mẽ vào thời đại Thần Tú nhà Đường …   Đáng lo ngại hơn nữa là trong thời đại vật chất đĩnh cao ngày nay, sự biến tướng trong chùa chiền và các lễ hội dân gian, càng thể hiện nhiều hiện tượng mê tín vọng ngoại rất đa dạng.

 

Nhiều người đặt tên cho lễ Vu Lan, nào là: Lễ xá tội vong nhân, lễ cúng dường tự tứ chư tăng, lễ cúng cô hồn, lễ cầu siêu tổ tiên, lễ Nhưn bông hát Phật… mà hầu hết đều dùng vật thực và vàng mã làm vật cúng dường chư tăng và cúng cô hồn các đản… rồi tụng kinh để cầu an cho gia đạo và cầu siêu cho Tổ Tiên, chứ rất ít người dùng lòng “hiếu hạnh” và tâm “từ bi” để phụng sự hiếu thảo với cha mẹ lúc sanh tiền và cứu giúp kẻ đói đau bịnh tật rất cần sự trợ giúp kịp thời! Cách làm nầy xét về mặt tâm linh thì không hợp hiếu đạo và không xác thực theo luật nhân quả, còn xét về khoa học hay văn hóa thì không thiết thực lợi ích lại còn gây thêm mê tín nữa. Thiết nghĩ, thời đại càng tiến bộ thì sự tu hành cần có chánh kiến để cải thiện những hủ tục mê tín cho hài hòa giữa tâm linh và khoa học, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và hướng đạo nhân sinh đúng cách, hầu sớm đưa ánh quang minh của đạo Phật trở lại chân truyền.

 

Không biết lễ Vu Lan Bồn, ngày xưa Đức Mục Kiền Liên tiến hành thế nào! Chỉ thấy sách “ Thập đại đệ tử Đức Phật” nguyên tác Hoa ngữ của Thích Tịnh Văn có đoạn kể rằng: “Khi ngài Mục Kiền Liên dùng Thiền định thấy mẹ là bà Thanh Đề bị nghiệp ngạ quỉ. Ngài định cứu nhưng không được, nên đến trình với Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói: “ Mẹ ngươi lúc sanh tiền hủy báng Phật, chế nhạo chúng tăng, không tin nhân quả chánh pháp, tham sân tà ác…Một mình ngươi không thể cứu được mẹ, giờ duy có cách nhờ uy lực của tăng chúng mười phương mới mong cứu được mẹ ngươi”. “ Cần thiết trăm món thực phẩm trân quí, hương hoa quả phẩm, ngon ngọt đẹp nhất trên đời đựng trong bốn chậu đem cúng dường chư tăng đại đức mười phương, vì rằm tháng bảy là ngày chư tăng tự tứ…” mới mong cứu được mẹ ngươi thoát ly được nỗi khổ ngạ quỉ”.

 

Thưa quí vị!

 

Nếu căn cứ cách viết trên của nguyên tác Thích Tịnh Vân, thì nội dung truyện tích nầy có quá nhiều điều nghi vấn cần làm sáng tỏ:

 

Thứ 1: Mục Kiền Liên lúc ấy đã chứng lục thông (A La Hán) thần thông quảng đại đệ nhất, được tự tại dùng thần lực lui tới các cõi Phật mười phương trong nháy mắt, mà không đủ phước đức cứu được mẹ là bà Thanh Đề thì không sao hiểu nỗi. Vậy thì các bà mẹ tội lỗi khác trên đời này vô phương cứu chữa được, vì tất cả những đứa con trên cõi đời nầy toàn là phàm tăng và phàm tục không làm sao cứu được mẹ cha mình?.  Ý tưởng trên của T.T.Vân khác xa với kinh giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ  đã dạy:                     

 

                         “Chừng nào đắc được lục thông.

                        Vớt hồn cha mẹ Tổ tông bảy đời”.

 

         Hoặc:      “ Rán tu đắc đạo cứu Cửu Huyền,

                           Thoát chốn mê đồ đến cảnh Tiên.

                           Ngõ đáp ơn dày công sáng tạo,

                           Cho ta hình vóc học cơ huyền”

 

         Khi đã đắc đạo thì chẳng những cứu một mẹ mà còn cứu được bảy đời Cha mẹ Tổ tông nữa! Đó là luận về lý!

 

         Còn luận về sự thì sao ?

 

- Mục Kiền Liên lúc ấy đã xuất gia theo hầu Phật xem bốn phương là nhà thì đâu có tài sản riêng tư, thì tiền bạc đâu để mua sắm 100 thức ăn trân quí và hoa quả ngon nhất trên đời để cúng dường tứ tự chư tăng mười phương? Vậy ai sẽ xuất tiền ra để làm thế cho ngài, mà nếu có người khác xuất chi thì công quả ấy thuộc người khác chứ đâu phải của cải của ngài MKL! Còn chưa tính tới số lượng chư tăng được cúng dường mười phương nhiều vô số như thế làm sao tiếp đãi cho xuể? dẫu cho có phương tiện xe tàu hiện đại như ngày nay, cũng chưa chắc đã thực hiện chu toàn  như ý được.

 

 Một điều thật nghịch lý trái với thực tế nữa đó là, khi tìm hiểu cách hóa chúng của Đức Thích Ca và các vị Thánh Tăng, thời ấy đã cứu độ biết bao nhiêu kẻ cực ác đương thời sớm quầy đầu hướng thiện và tu hành chứng quả A-La-Hán, mà có yêu cầu ai cúng dường một loại vật thực trân quí nào của ai đâu ?

 

Cụ thể như trường hợp chàng Vô Não, do lầm tà đạo nỡ giết 99 người chỉ còn giết thêm mẹ mình nữa là đủ100 người để đắc đạo theo tà thuyết, tội bất hiếu và sát nhân trọng nghịch của chàng ta gấp trăm ngàn lần bà Thanh Đề, thế mà Đức Thế Tôn còn hoan hỷ dùng thần thông và chân lý giúp cho ông tỉnh ngộ tu hành chứng đắc đạo quả được. Hoặc giả cô Liên Hoa Sắc là gái giang hồ trụy lạc, mà Thế Tôn còn cứu độ cho nên đạo được tại tiền, mà Vô Não và cô ấy có cúng dường chư tăng vật thực chi đâu ? Trong Phật giáo có câu: “Buông dao đồ tề thành Phật đạo”. Vậy có cần lắm không khi chư tăng được cúng dường long trọng mới độ được nghiệp ngạ quỉ của bà Thanh Đề? Còn rất nhiều nghi vấn về sự tích MKL!

 

Thứ 2: So ra tội bà Thanh Đề là tội gì ? Có bằng tội vô Não và Liên Hoa Sắc ? Nếu nói bà Thanh Đề phạm tội với Tam Bảo...như kể trên là điều đó không có lý, vì bà đã cho con ruột là Mục Kiền Liên xuất gia theo Đức Thế Tôn tu hành và đắc đạo, chứng tỏ bà đã tôn sùng Phật pháp rất tột đĩnh. Cho dù bà Thanh Đề tội gì chăng nữa, thì với những công đức được vun quén từ “Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi” của Mục Kiền Liên, khi ngài đã chứng A La Hán, Bồ Tát đương nhiên tự thân sẽ có đủ công đức để cứu được mẹ! Tóm lại: câu chuyện “Mục Kiền Liên cứu mẹ” trong chuyện kể của Thích Tịnh Vân và của nhiều tác giả khác, đã bị hư cấu rất nhiều, khiến cho ý nghĩa Lễ Vu Lan đã mất đi giá trị thiết thực và sai lệch tinh lý nhiệm mầu của Phật giáo.

 

Thưa quí vị.

 

Nhân câu chuyện “Mục Kiền Liên cứu mẹ” lần nầy. Chúng tôi mạn phép căn cứ trên Giảng Kinh của PGHH để tìm hiểu về ý nghĩa xác thực và cách báo hiếu của người tín đồ PGHH hàng ngày theo tôn chỉ và hưởng ứng ngày Lễ Vu Lan tại gia như thế nào cho đúng bổn phận hiếu nhi.

 

Tôn chỉ của PGHH đặt nền tảng Tứ Ân làm trọng yếu. Mà trong Tứ Ân thì Ân Cha Mẹ Tổ Tiên là hàng đầu. Như vậy chữ hiếu được Đức Huỳnh Giáo Chủ đề cao rất  triệt để.

 

Ngài dạy:

“Trau thân phận rạng danh hiếu để

Thỏa dạ Thầy nơi chốn mây rồng”.

 

Mỹ ý Đức Thầy mong muốn tín đồ Ngài rán lo giồi trau giồi thân tâm và thực hành việc hiếu để cho được rạng tiếng thơm xa là Ngài đã thỏa dạ trong ngày Hội Thần Tiên (chốn mây rồng) rồi.

 

Nên chi xuyên suốt trong Sấm Kinh Thi Thơ, Đức Huỳnh Giáo Chủ thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần về chữ hiếu và phương cách báo hiếu rất đích thực đối với cha mẹ lúc sinh tiền cũng như khi quá vãng và đối với cha mẹ tại đường cũng như cha mẹ quá khứ. Ngài đề cập đến một cách thường xuyên như: khi ăn cơm, khi giỗ chạp, khi cúng lạy sớm chiều, khi đối xử hàng ngày phải sớm thăm tối viếng lo      “ Ắp lạnh quạt nồng” chăm sóc tận tình lúc ốm đau, hoạn nạn…Tóm lại Ngài luôn dặn bổn phận người con phải tự thân luôn đáp đền ân đức sanh thành từ sinh tiền cho đến khi quá vãng một cách kính cẩn và đáo để.

 

 Dưới đây là sáu câu giảng Đức Thầy dạy cách báo hiếu theo gương “hiếu hạnh và từ bi” của tôn giả Mục Kiền Liên:

 

“Mình làm chữ hiếu mới hay

Chớ mướn người ngoài cầu nguyện khó siêu

          Muốn cho tội lỗi mòn tiêu
Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay

          Mục Liên cứu mẹ bằng nay

 Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi”

 

Sáu câu giảng trên Đức Thầy đã khẳng định sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ là có thật trong lịch sử Phật giáo. Nhưng cách diễn giải của Ngài là đặt nặng vai trò báo hiếu của đứa con qua hai đức tính căn bản là “Hiếu hạnh” và “Từ bi” chứ không phải mướn hay nhờ người ngoài nào khác vẫn không hay bằng chính mình. Ngụ ý của Ngài là khuyên chúng ta noi theo gương hiếu hạnh và từ bi của ngài Mục Kiền Liên, chứ không khuyến khích tín đồ Ngài trông cậy vào người ngoài (chư tăng hay đồ chúng) làm thay chữ hiếu cho ta sẽ khó siêu thoát.

 

Chúng ta thử phân tích kỹ ý nghĩa 6 câu Giảng trên để hiểu thêm lời khuyên xác đáng của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

 

Câu 1:            “Mình làm chữ hiếu mới hay”

 

Vì mình đã thọ ơn trời biển của cha, mẹ, ông, bà thì mình phải đáp đền trong muôn một, theo đúng cơ nhân quả trực tiếp. Bởi cha mẹ vì lo nuôi mình khôn lớn, cho ta có đủ hình vóc học cơ huyền, đôi khi phải gây ra tội nọ tội kia. Nếu ta không tự thân đền trả hoặc mướn hay mượn người ngoài thay lo trả thế, thì ân sâu ta đã thọ bao giờ mới đáp được phần nào, chẳng những nợ cũ chẳng trả mà còn chồng thêm tội bất hiếu nữa.

 

Câu 2: “Chớ mướn người ngoài cầu nguyện khó siêu”

 

Tại sao khó siêu vậy ? Bởi người ngoài không lien quan gì với sự lo lắng và nuôi dưỡng của cha mẹ ta cả. Theo luật nhân quả thì Cha mẹ ta sẽ không thể được hưởng phước đức gì lớn từ người khác để bù trừ vào những thậm tội, mà trước đây vì nuôi ta cha mẹ đã gây nên nghiệp quả.

 

Câu 3 và 4:           

“Muốn cho tội lỗi mòn tiêu”

Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay”

 

Là con cháu ai mà chẳng muốn cho cha mẹ tổ tông mình càng sớm khỏi tội và siêu sinh vào cõi an lành, cũng vì biết rõ lòng dạ hiếu thảo của con cháu có cái mong muốn tốt đẹp như thế. Nên chi Đức Thầy chỉ dạy cho cách tu hành “ Đã chánh đạo thêm còn sức khỏe. Lo nuôi cha dưỡng mẹ cho tròn” và phương pháp cúng lạy sớm chiều để vừa tạo phước điền vừa “Thường nguyện cầu siêu độ Tổ tông”. Tuy nhiên do bị ảnh hưởng tập quán mê tín và các xu hướng vọng ngoại, lại nghe theo sự xúi giục thiếu chánh kiến, nên phần đông cầu vọng nhờ vả vào các ông thầy cúng, đồng bóng và các nhà sư lợi dưỡng bày vẽ đủ điều phung phí tội lỗi vu vơ. Nên thường lâm vào cảnh “Muốn một đường lại làm một nẻo” đã tốn kém lại chẳng được phước đức mà càng thêm tội mê mờ.

 

Hai câu giảng này ý nghĩa rất thâm thúy tột cùng. Tại sao phải cầu nguyện sớm chiều ? Bởi nếu đứa con hiếu thảo bao giờ cũng luôn nghĩ đến việc “Tu cầu Tông Tổ siêu thăng Phật đài” như vậy mãi mới giữ được sự thành tâm thật ý. Bất kỳ người nào cũng đều ít nhiều có Tổ tông cha mẹ bị đọa đày trong ba đường ác đạo cả, chịu hình phạt khổ đau ở đấy, không chỉ mỗi năm hành phạt một lần, mà giây phút nào cũng khổ sở triền miên. Nên con cháu phải nguyện cầu mỗi buổi, mỗi ngày, mà còn tưởng nhớ đến cả trong mỗi bữa cơm hằng ngày nữa, có như vậy mới trọn vẹn tất lòng hiếu thảo. Vả lại con cháu phải tin tấn tu cầu và gây tạo phước điền cứu giúp quần sanh, mới đủ điều kiện cứu độ Tổ tông cha mẹ khỏi đọa trầm luân, chứ không phải chỉ cầu nguyện suông mà được.

 

Để làm tốt việc tu cầu hằng ngày. Đức Thầy đã đưa tấm gương cứu mẹ của Mục Kiền Liên trong quá trình cứu mẹ đích thực bằng đức tính gì để tín đồ noi theo, mà nhận ra chân lý báo hiếu, tránh lần cách dựa vào các mẫu chuyện hoang đường qua các chuyện kể hư cấu đang thịnh hành trong chùa chiền và Phật tử hiện nay.

 

Hai câu cuối:

“ Mục Liên cứu mẹ bằng nay

Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi”

 

Đức Thầy khẳng định Mục Kiền Liên cứu mẹ là có thật và bằng tấm lòng hiếu hạnh và từ bi. Đức Thầy không đề cập đến việc cúng dường trăm vật thực cho chư tăng mười phương để cầu cứu độ, mà chỉ khuyến khích sự thành tâm cầu nguyện của cháu con trong hai buổi sớm chiều.

 

Đức Mục Kiền Liên hiếu hạnh và từ bi thế nào ? Chúng ta cần tìm hiểu và noi theo tấm gương  cao quí ấy.

 

Về hiếu thảo:

 

- Mục Kiền Liên đã biết mộ đạo tu hành từ rất sớm, Ngài đã nghe lời mẹ xuất gia theo Phật.

 

- Khi đã được hầu Đức Thế Tôn, ngài MKL đã nghiêm thủ giới luật, chí dốc tu hành chứng được lục thông và lúc nào cũng tìm cách khuyên mẹ tu hành theo chánh đạo.

 

- Khi Ngài đã đạt đệ nhất thần thông, ngài để tâm thiền định tìm kiếm cảnh giới của mẹ thọ sanh để cứu độ.

 

Về từ bi:

 

- Khi MKL đắc đạo ngài thường vận thần thông tìm kiếm nhân duyên hóa độ khắp nơi, bằng lòng từ bi và ý chí dũng cảm, cứu độ vô số nhân duyên thành đạo.

 

- Ngài cùng với Đức Thế Tôn chu du khắp Ấn Độ để hóa độ quần sanh.

 

- Ngài thương xót cả tà giáo ngoại đạo và cứu độ cả Liên Hoa Sắc là gái giang hồ. Ngài không ngại gian nguy, dõng mãnh tìm cách thuyết phục tà giáo phái  “lõa thể”, cuối cùng ngài bị nhóm nầy lăn đá hành hình…nhưng với lòng từ bi vô hạn ngài không hề oán giận. Vì vậy khi thân thể ngài tan nát, Phật chỉ nói vài câu là hình hài Ngài phục hồi nguyên vẹn như xưa.

 

Tóm lại: Đức Thầy khuyến dạy 6 câu giảng trên nhằm đưa tín đồ Ngài có cái khái niệm chắc thật về phương pháp cứu độ Tổ tông cha mẹ, chính yếu ở tự bản thân đứa con, đứa cháu, thông qua rèn luyện tâm hiếu hạnh và lòng từ bi noi theo gương Mục Kiền Liên đại đệ tử Phật.

 

Còn về sự hiếu đạo hằng ngày đối với tín đồ PGHH, Đức Thầy chỉ dạy “Ân Cha Mẹ Tổ Tiên” như sau: “… Lúc cha mẹ còn đang sanh tiền có dạy ta những điều hay lẽ phải ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lãng, làm phiền lòng cha mẹ.

 

Nếu cha mẹ có làm điều gì trái với nhân đạo ta rán hết sức khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bệnh hoạn ốm đau, gây sự hòa hảo đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưỡng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng miền Phật cảnh thoát đọa trầm luân”

 

“ Ân cha mẹ tổ tiên” đối với tín đồ PGHH là ân trọng đại nhất. Chính vì thế mà cách đền đáp ân nầy là một việc làm cực kỳ khó khăn, đòi hỏi mỗi đứa con phải nỗ lực gắng gổ tận lực mới mong trọn vẹn. Người ta ví đức hiếu thảo nầy như một môn toán khó nhứt trong các môn học phổ thông. Cũng như trong Tam Giáo chữ hiếu bao giờ cũng đứng đầu các hạnh tu. Môn học khó, hạnh tu khó bắt buộc hành giả phải học và hành thường xuyên, không ngừng nghỉ, không lơ là hay né tránh cho dù cha mẹ có cần đến sự đền đáp đó hay không.

 

Tại sao vậy? Bởi vốn nó đã rộng lớn, cao dầy không ngắn mé. Từ lúc thọ thai rồi được sanh ra, đến trưởng thành hoặc xa hơn nữa, mỗi đứa con đều phải thọ cái ơn nuôi dưỡng chở che và dạy dỗ của cha mẹ. Chúng ta không thể lựa chọn cha mẹ hay chọn lựa hoàn cảnh…mà phải tự nhiên thọ nhận cái ơn sanh thành dưỡng dục ngẫu nhiên ấy theo nhân duyên. Đó là chỉ nói mỗi cái ơn cha mẹ kiếp nầy, còn vô lượng kiếp khác từ vô thỉ cứ mỗi lần làm kiếp con người là mỗi lần thọ ơn một cha một mẹ. Tính ra vô số vô biên cái ơn cần phải đáp đền, chỉ khi nào đắc đạo mới mong đền được cái trọng ân trời biển ấy.

 

Duyên may của chúng ta trong kiếp nầy đã biết được Phật pháp được làm đệ tử Đức Thầy. Lành thay, nhân thời kỳ xá tội buổi Hạ ngươn, Đức Thầy xét thấy căn khí chúng sanh thấp kém, nên chi Ngài chỉ tóm lược những điều căn bản yếu chỉ để chỉ dạy vừa sức tín đồ dễ hành dễ đạt.

 

Tuy lời dạy của Đức Thầy về chữ hiếu rất giản lược, dễ thực hiện,.. Song hoàn cảnh mỗi gia đình có những cảnh ngộ khó khăn khác nhau, nên cách cư xử hằng ngày gặp không ít điều ngang trái.Cái khó phổ biến nhất hiện nay là: mỗi nhà đều chung sống với nhiều thế hệ khác nhau. Mỗi người một cá tánh độc lập, mỗi cha mẹ đều có tánh ý khó dễ khác nhau. lại thêm cảnh giàu nghèo chênh lệch, thế nên việc tìm ra phương cách ứng xử tốt nhứt để điều hòa mọi thế hệ là một nỗi trăn trở lớn của mỗi người.

Ví dụ có khi:

 

- Cha mẹ thuộc hạng có tu hành.

 

- Cha mẹ không tu hành.

 

- Cha mẹ làm ác hoặc có ý ngăn trở sự tu hành của con cái.

 

- Cha mẹ thuận hòa hay Cha mẹ ly hôn

 

- Cha mẹ giàu có –- Cha mẹ nghèo hèn.

 

-  Cha mẹ bị nợ nần hoặc bị tù đày khốn khổ.

 

- Cha mẹ bệnh nan y – Hay tật nguyền.

 

- Cha mẹ tâm thần, lẫn lộn....

 

Còn vô vàn các trường hợp cha mẹ cá biệt khác, khiến chúng ta không ngừng tìm kiếm phương cách đối xử dung hòa thích hợp để giữ tròn hiếu đạo làm con, nếu không muốn để mình trở thành kẻ bất hiếu!

 

Cứ mỗi một đối tượng cha mẹ nêu trên, đòi hỏi đứa con phải đặt chữ hiếu lên hàng tối thượng. Lấy lòng kính trọng làm tấm gương tiêu biểu cho gia đình, rèn tập tánh lễ độ hòa nhã và kiên nhẫn chịu đựng, khéo suy xét, siêng năng, sáng tạo và linh hoạt điều hòa mọi tình huống sao cho hợp đạo lý và giữ bền trạng thái đối xử ôn hòa mà giữ gìn nề nếp gia phong...

 

Về điều nầy thật vô cùng phức tạo khó khăn. Nếu đứa con thiếu tinh thần giác ngộ đạo đức, thiếu sức nhẫn kiên, nhất định khó giữ được hạnh đức hiếu thuận và chí tu. Tất chữ hiếu không sao trọn vẹn, trái lại còn mang tội bất hiếu nữa.

 

Bàn luận như vậy không phải để chán nản bế tắc. Mà để thấy rằng chữ hiếu không dễ làm, nếu chúng ta không chú tâm hay lơ là vọng ngoại bên ngoài hoặc khi thấy khó mà thối thác hoặc tìm cách trốn lánh lo tu an nhàn độc thiện kỳ thân.

 

Có câu:     
“Nhà nghèo mới hay con thảo

Nước loạn mới biết tôi trung”

 

Trái lại hoàn cảnh càng khó khăn, chúng ta càng nỗ lực kiên trì hy sinh tột độ. Có thể gác lại tất cả mọi quan hệ bên ngoài để chuyên lo chữ hiếu, dù có lao nhọc tốn kém ngần nào, hay phải mất lợi mất danh, hay mất hết mọi lạc thú khác trên đời, cũng phải cam lòng nhận chịu. Vì người tín đồ PGHH không thể được gọi là chân tu, nếu không cố gắng lo tròn chữ hiếu theo khả năng và hoàn cảnh có thể làm theo sức của mình.

 

Giải thích về chữ hiếu, Ngài Thanh Sĩ có tóm lược như sau:

 

1. Người có hiếu thảo dù hoàn cảnh có giàu nghèo, đứa con cũng phải chăm lo “Đắp lạnh quạt nồng” để cha mẹ được ăn ngon, mặc ấm, chỗ ở yên lành và thuốc thang khi bịnh hoạn.

 

2. Người con hiếu thảo lúc nào cũng bảo tồn danh thể của cha mẹ và ra sức lập nên công nghiệp đời hay đạo được tiếng thơm tho để mọi người nhắc nhở và kính trọng cha mẹ mình.

 

3. Người con hiếu thảo luôn để tâm suy nghĩ để phân biệt lời nào của cha mẹ một cách cẩn thận. Không vì lời nói quấy của cha mẹ mà phản đối đường đột hay vì lời nói phải của cha mẹ mà vội vàng gấp gáp vâng theo trong khi chưa hiểu rõ.

 

4. Người con hiếu thảo không dùng lời nặng nề thô lỗ với cha mẹ. Cử động nhẹ nhàng lễ phép ở chỗ nghỉ ngơi của cha mẹ. Họ tôn trọng cha mẹ như Vua Chúa, như Phật sống trong gia đình và hết lòng nể sợ.

 

5. Người con hiếu thảo trong tâm luôn kềm chế vọng niệm không dám làm kinh động đến xác thịt và tinh thần cha mẹ, để cha mẹ được mãi an vui và thường làm những việc lành cho sáng danh cha mẹ bằng cách “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế dĩ hiển kỳ phụ mẫu”.

 

6. Ngoài những điều làm cho cha mẹ được thơm danh no ấm vui vẻ nêu trên, còn lo lắng đến ngày quá vãng của cha mẹ, nên thường tin tấn tu hành đắc đạo cứu cha mẹ khỏi nẻo trầm luân và hằng ngày nguyện cầu ơn trên ban bố phước lành cho cha mẹ được trường thọ. Điều thứ 6 nầy là cao siêu hơn hết của việc hiếu thảo.

 

Thưa quí đồng đạo.

 

Qua tìm hiểu về ý nghĩa lễ Vu Lan theo giảng kinh PGHH, phân tích về “Ân Tổ Tiên Cha Mẹ” trong Tôn Chỉ và trích yếu mục Hiếu thảo trong Chú Nghĩa của Ban Hoằng Pháp Tây An Cổ Tự. Thiện ý của người viết muốn cùng tham khảo với đồng đạo gần xa tìm hiểu thấu đáo ý nghĩa đích thực về sự báo hiếu ngày Vu Lan và ý thức bổn phận hằng ngày đối với mẹ cha lúc sanh tiền, bởi chữ hiếu là trọng ân đối với tất cả nhân loại.

 

Từ lâu lễ Vu Lan đã thâm nhập vào tâm khảm của con người và đã trở thành một truyền thông báo hiếu trong dân gian, được nhiều người chú ý. Tuy nhiên do ảnh hưởng thời đại văn minh vật chất. Ngày lễ này đã biến dạng rất nhiều, xa rời bản chất thuần Hiếu xưa kia. Đa phần chỉ nặng về hình thức vọng ngoại cúng kiến cầu kỳ, thiên về cầu phước, cầu nguyện vong linh, cúng cô hồn, mà quên đi bổn phận đối với cha mẹ đang lúc sinh tiền. Để cảnh tỉnh các hình thức câu nệ rườm rà xa rời thực tế, Đức Thầy khuyên:

 

                “Khuyên dân bỏ bớt làm màu hiếu nhi”

 

      Hoặc:

 

  “ Bỏ bớt rình rang một khi,

Cha mẹ có chết làm y lời nầy.

     Là lời truyền giáo của Thầy,

Bông hoa cầu Phật hiệp vầy đi chôn”

 

Nếu làm phận hiếu nhi, chỉ đợi lúc cha mẹ chết mới làm hoặc chờ đến ngày rằm Vu Lan mới cầu mới cúng thì không thiết thực và chẳng đặng phước đức chi nhiều. Trong khi cha mẹ lúc nào cũng trông chờ sự chăm sóc hằng ngày lúc nghèo khổ, ốm đau hoặc khi cô hoạnh tuổi già.

 

Là tín đồ PGHH chúng ta đã hữu phân hữu duyên được Đức Thầy chấn hưng nền giáo pháp chân truyền, cải thiện về lối tu hành, bày trừ mê tín dị đoan, đưa ta trở lại đời sống tu tập tại gia có chính kiến trong sáng, đấy là cơ hội ngàn vàng để ta thực thi chữ hiếu ngày càng trọn vẹn là sự trợ trưởng tốt nhứt cho bước đường lần lần lên con đường giải thoát. Chúng ta hãy nên tỏ lòng tôn kính tri ân và đáo để phụng hành, để khỏi phụ công lao hoằng hóa của Đức Thầy tôn kính./.

 

TP Sa Đéc ngày 14. 7 năm Mậu Tuất (2018)

 

            Nguyễn Châu Lang
chau lang

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Chín 202411:21 SA(Xem: 428)
Nguyên Giác Phan Tấn Hải: Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
28 Tháng Hai 202311:11 SA(Xem: 5237)
Trong bài thuyết-pháp “Trong Việc Tu Thân Xử Kỷ” của Đức Huỳnh Giáo-Chủ, chúng ta thấy rõ rằng: Nếu chỉ nặng về Trí thì trở nên xảo-trá ác-độc, mà cố thiên về Tâm thì thành ra si-mê tăm-tối.
12 Tháng Sáu 202211:22 CH(Xem: 5697)
Phật Giáo Hòa Hảo, một nền Đạo dân tộc qui nguyên Phật pháp, không chuộng hình tướng, cốt yếu hướng về tâm, chủ trương nhập thế tích cực phù hợp với phong hóa nhân sinh do Đức Huỳnh Giáo Chủ, một vị Bồ Tát hóa thân truyền dạy từ năm 1939 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, miền Tây Nam nước Việt.
12 Tháng Tư 201910:37 SA(Xem: 15795)
Đức Thầy cho biết trong thời gian Ngài vắng mặt, tín đồ phải chịu nhiều gian lao thử thách cam go, cũng là lúc lọc lừa coi "Ai thiệt tánh ai người giả đạo", "Ai thảo hiền ai lỗi đạo nhà".
28 Tháng Ba 201912:51 SA(Xem: 8557)
Mai Thanh Tuấn: Đi vào đường hướng tu tập và giáo lý nội tại Tôn giáo, Đức Huỳnh Giáo Chủ chủ trương cho người tín đồ tu học tại gia, vừa tự lực cánh sinh tạo ra cơ sở vật chất vừa quyết chí hành thiện để trau luyện tinh thần.
25 Tháng Mười Hai 201810:23 CH(Xem: 17507)
Châu Lang: Gần một thế kỷ trôi qua, theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi độ Đông tàn tiết trời trở nên se lạnh, hầu hết tín đồ gần xa khắp mọi miền đất nước và đồng đạo hải ngoại đó đây rất hân hoan náo nức,như có sức vô hình thôi thúc tâm hồn ngưỡng vọng dâng cao, hướng về vùng Thánh Địa linh thiêng, hưởng ứng Đại Lễ Kính Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ.
23 Tháng Sáu 20185:36 SA(Xem: 15961)
Ngày 18 tháng 5 âl là ngày tràn ngập niềm vui, là ngày hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cùng hòa nhịp con tim, hàng hàng lớp lớp lũ lượt về Thành Đô Đạo Đức. Đó là Thánh Địa Hòa Hảo (sảnh đường Kim Sơn Phật),
30 Tháng Giêng 201810:21 SA(Xem: 18477)
Nguyễn Văn Lía: Xưa Đức Phật từng bảo : “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh”. Nghĩa là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Hiểu như thế nên có người hỏi: Như vậy tại sao chúng sanh chẳng thành Phật ?
15 Tháng Tám 20179:48 CH(Xem: 22814)
Hằng năm cứ đến ngày trăng tròn tháng 7 âm lịch thì người Phật tử khắp nơi lại hân hoan tổ chức đại lễ Vu Lan, hay còn gọi là mùa “Báo ơn Cha Mẹ”.
27 Tháng Sáu 20179:49 CH(Xem: 22303)
Nguyễn Văn Lía: Nói đến nhân quả, người tín đồ đạo Phật hiểu ngay đến luật trả vay, vay trả của thế trần. Vì vậy những ngôn ngữ được bàn bạc qua tâm tư trí não của họ, như: “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”, “ghét cái nào trời trao cái nấy”
100,000