Nguyễn Huỳnh Mai
(Mến tặng các chị em bạn gái ba miền Nam, Trung, Bắc)
Ảnh: Mẹ Hòa An, Huỳnh Mai, chị Hồi Văn con Ông Họa Đồ Tố, Phương Thảo chụp tại nhà bà Sáu Nhạn ngang Tổ Đình làng Hòa Hảo
Tôi đã trải qua mấy chục mùa Đông, nhưng không có mùa Đông nào tuyệt dịu bằng mùa Đông ở làng Hòa Hảo lúc tôi còn bé.
Những buổi sáng ở Hưng Nhơn, khi bên ngoài trời còn tối, tôi chợt thức sớm, tung mềm, chạy nhanh về hướng nhà bếp, chen thân mình nhỏ nhắn của mình vào để được ngồi chung với cô bác anh chị em đang ngồi quanh lò lửa cháy sáng rực, thơm nồng mùi bắp nướng hay khoai lang đang được vùi sâu dưới lớp tro nóng.
Khuôn mặt mọi người ửng hồng, tay chân, quần áo ấm áp. Chiếc lò lớn đang phừng phừng cháy. Lâu lâu, khi ngọn lửa yếu đi thì mọi người đứng lên, cầm chiếc xuổng nhỏ, xúc trấu đổ vào lò. Thế là ngọn lửa lại phừng lên, sáng rực. Tiếng trấu nổ lách tách, những tia lửa nhỏ bắn ra làm cho tôi cảm thấy thích thú như được mẹ dắt đi xem pháo bông trong những ngày Tết sắp đến.
Căn nhà lớn của đượng Hai Họa Đồ Tố của tôi được xây bằng đất sét trộn với rơm, có phết vôi trắng, là nơi trú ẩn của nhiều gia đình tản cư đến từ tha phương, trong đó có gia đình của bác Hà và bác Hùng và cô chú bà con bên nội tôi di cư từ miền Bắc xa xôi vào tận làng Hòa Hảo ở Miền Tây Nam Việt.
Lúc đó tôi còn bé bỏng quá! Không thắc mắc gì về sự khác biệt của giọng nói kẻ miền Nam, người miền Bắc mà chỉ biết cùng các chị em chơi đùa thỏa thích. Nào là bắt bướm, hái hoa, đua nhau chạy vào vườn giành hái mận, ổi, trứng cá hay trái nhản lồng hoặc liệng sỏi vào hồ nước cho cá vẫy vùng lên làm nước bắn tung tóe, rồi cùng nhau vỗ tay cười thỏa thích.
Với một tâm hồn ngây thơ hồn nhiên, tôi không biết đến hận thù, chiến tranh khi sống tại ngôi làng hiền lành, nơi mọi người đối với nhau như anh em một nhà. Khi đến tuổi đi học, mỗi buổi sáng tôi và các anh chị em cùng lứa tuổi cắp sách đi bộ theo đường làng đến trường. Tôi nhớ những hàng rào bông bụp, những cây bông trang, bông vạn thọ hay bông huệ trồng quanh bàn thông thiên, tỏa hương thơm nhẹ nhẹ vào những buổi sớm tinh sương.
Tôi nhớ từng lu nước mưa trong vắt, nơi chúng tôi thường dừng lại mỗi khi trời nóng đổ mồ hôi, khát nước. Chúng tôi thường phải nhón chân lên để lấy chiếc lon sửa bò hay cái gáo dừa có cán bằng tre máng trên cây, xong chồm lên miệng lu múc nước thay phiên nhau uống từng ngụm nước ngọt ngào mát rượi, rồi tiếp tục tung tăng đến trường. Khi được nghỉ trưa đôi khi tôi ăn cơm vắt với ruốc mà người Nam hay gọi là thịt chà bông hay giò lụa do bác Hùng gái của tôi thức sớm nấu cho anh chị tôi mang theo. Tôi rất thích tuy hơi lạ miệng vì cơm được cắt ra từng khoanh để cầm ăn chứ không để trong chén như người miền Nam.
Không có gì tôi nhớ rõ cho bằng những kỷ niệm ấu thơ nơi làng Hòa Hảo. Từ cảnh vật cho đến con người lúc nào cũng hiện lên thật sống động như tôi vừa về thăm làng ngày hôm qua. Có lẽ khi mình nghĩ đến điều gì hay nơi nào thường xuyên thì ký ức càng ngày lại càng trở lại một cách rõ rệt.
Tôi nhớ hoài hình dáng dịu dàng của cô giáo lớp Năm trường Tiểu học Hòa Hảo. Tôi thương và nhớ mãi lời giảng dịu dàng trầm ấm của cô về ơn ông bà cha mẹ và bổn phận của tôi lúc trưởng thành. Có ai biết rằng những điều ân mà cô giảng dạy đã được một cô học trò mới đi học, chưa biết chữ, ghi sâu vào tận đáy lòng.
Tôi lớn dần theo năm tháng và không còn cái may mắn được ở làng Hòa Hảo mà chỉ về thăm trong những kỳ Đại Lễ. Tôi thường được ba hay mẹ đọc cho nghe Thi Văn Giáo Lý của Đức Thầy. Rồi dần dần lớn lên, tôi biết đọc, biết viết và biết tự mình tìm đọc kinh, giảng, tìm hiểu Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo. Những lời thơ giản dị đầy lòng từ bi của Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên tín đồ phải hiếu thảo yêu kính ông bà cha mẹ luôn là lời nhắc nhở đối với tôi. Trong bài "Giải Thoát Cửu Huyền" viết tại Bạc Liêu năm Tân Tỵ 1941 (SGTVGL, tr 366), Ngài dạy:
"Rán tu đắc đạo cứu Cửu Huyền (1),
Thoát chốn mê đồ đến cảnh tiên.
Ngõ đáp ơn dày công sáng tạo,
Cho ta hình vóc học cơ huyền.
Đối với Đất Nước, Ngày đã dạy dỗ tôi phải noi gương Hai Bà Trưng và bà Triệu qua những câu thơ trong bài "Gọi Đoàn Phụ Nữ" viết năm Ất Dậu 1945 (SGTVGL. tr 442-443):
Chị em ơi, Bắc Nam là một,
Chị em là rường cột giống nòi.
Dỡ sử xanh Nam Việt mà coi,
Gương Trưng, Triệu còn roi muôn thuở.
Chẳng lẽ xưa hay mà nay dỡ,
Khiếp nhược là cái cớ vong gia.
Chí anh hùng của khách quần thoa,
Đâu có kém bực tu mi nam tử.
Sách Thánh Hiền truyền lưu mấy chữ,
Thất phu còn trách nhiệm với non sông.
Cả tiếng kêu phận gái má hồng,
Đem son phấn điểm tô tổ quốc.
Trong kinh giảng, thi thơ, Ngài luôn nhắc người Việt Nam nên thương yêu và đoàn kết với nhau. Trong bài "Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh" viết tại miền Đông 1946 (SGTVGL. tr 462), Ngài kêu gọi:
Thù riêng muôn vạn cho cam,
Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công.
Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống,
Tha thứ nhau để sống cùng nhau.
và
Hỡi những kẻ có lòng yêu nước,
Nghe lời khuyên tỉnh được giấc mê.
Anh em lớn nhỏ quày về,
Hiệp nhau một khối chớ hề phân ly.
Đức Huỳnh Giáo Chủ còn khuyên dạy chúng ta hãy trở lại nòi giống của mình (SGTVGL. tr. 467):
Than ít tiếng gọi hồn chủng loại,
Việt Nam! Người Việt Nam mau trở lạí!
Yêu giống nòi có phải hơn không?
Dầu sao cũng giống Lạc Hồng!
Tình yêu đồng bào nhân loại, sự quyết tâm phổ truyền đạo lý để phục vụ dân tộc và đạo pháp của Ngài luôn luôn là kim chỉ nam trong hành trình tiến tới tương lai của cuộc đời tôi. Trong bài thi "Đến Làng Nhơn Nghĩa" tại Cần Thơ năm Canh Thìn 1940 (SGTVGL. tr 302), Đức Huỳnh Giáo Chủ nói lên sự quyết tâm cứu nước để mang lại hòa bình, an lạc cho quê hương mình:
Lê dân trăm họ xáo xào,
Rã rời phụ tử, máu đào nhuộm tuôn.
Thương quá sức bắt cuồng tâm não,
Quyết cứu người dùng đạo phổ thông.
Ước mơ cho được đại đồng,
Tràn trề khắp cả, Lạc Hồng thảnh thơi.
Tác giả chụp tại sân nhà bà Sáu Nhạn, ngang Tổ Đình Phật Giáo Hòa Hảo