Bạch Diệp (trích Đuốc Từ Bi số đặc biệt 26&27, 1967
1 - HOÀI NIỆM CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM CỦA ĐẤNG THÁNH MẪU:
Đức Bà sương phụ Huỳnh Công Bộ, nhủ danh Lê Thị Nhậm, đản sanh năm 1884 (Giáp Thân) tại xã Long Kiến, tỉnh An Giang. Năm nay Đức Bà thọ được 84 tuổi.
Phối ngẫu với Đức Ông, Đức Bà đã sống một cuộc đời gương mẫu hiền đức, mà cũng do phước lớn duyên lành mà Đức Bà đã được chọn làm cơ hóa hiện cho sắc thân một vị Phật song: Đức Huỳnh Giáo Chủ, để cho đới hạ ngươn có đấng đại giác khai sáng mối đạo Phật Giáo Hòa Hảo, hướng dẫn chúng sanh và đường tu hành chơn chánh, đưa tín đồlên bậc thang giải thoát thân tâm; đồng thời cũng đào tạo hơn hai triệu tín đồ PGHH thành những con người đầy long yêu đồng bào nhân loại, yêu tổ quốc non sông.
Suốt trong những giai đoạn thăng trầm của đất nước và Đạo giáo, Đức Bà đã chung chịu tất cả những gian lao nguy hiểm với đạo.
Sau khi Đức Giáo Chủ thọ nạn tại Đốc Vàng và từ khi Đức Ông viên tịch, Đức Bà là người mang trên đôi vai già yếu tất cả gánh nặng của mối Đạo có trên hai triệu tín đồ.
Chính dưới sự hướng dẫn sáng suốt của Đức Bà, vào cuối năm 1963, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tái lập các cơ cấu trị sự. Từ đó, Đức Bà Hội Trưởng danh dự tối cao của Trung Ương Giáo Hội.
Chính Đức Bà đã dùng uy tín tuyệt đối và trí huệ linh mẫn để điều giải nhiều việc khó khăn trong nội bộ, quyết định những biện pháp thích ứng đúng lúc, đúng chỗ, nhứt là trong nhiều trường hợp nan giải, bế tắc.
Đức Bà là bực Thánh Mẫu kính yêu của hai triệu tín đồ PGHH, là Đấng Tối Cao đã dùng quyền năng thiêng liêng, thể hiện long từ ái chứa chan, bao dung thái độ; làm cho sự thương yêu, hòa hảo luôn luôn rưới mát qua các mạch sống tinh thần của trên hai triệu người dân Đạo ngoan hiền, sáng suốt.
Nhưng…Đức Bà đã không còn ở thế gian với khối tín đồ nữa! Đức Bà đã viên tịch! Đức Bà đã đi vào cõi vĩnh viễn từ nay, Tổ Đình vắng bóng Đức Bà!...
2 - MỘT LUỒNG XÚC ĐỘNG TRÀN ĐI LÀM RUN RẪY HÀNG TRIỆU CON TIM
Ngay từ khi hay tin Đức Bà trở bệnh và được đưa về Thánh Địa hồi 12 giờ trưa ngày thứ sáu, mồng 2 tháng 6 năm 1967, toàn thể tín đồ đã tự động tổ chức những buổi lễ cầu nguyện tại các Tự viện, các Độc giảng đường và các hội quán của Giáo Hội, nhất là tại các tư gia. Muôn người như một đều thành khẩn, ước nguyện cho Đức Bà được tuyên giảm.
Nhưng …đúng 20 giờ 15 đêm ấy, một tin buồn từ Thánh Địa loan đi: ĐỨC BÀ ĐÃ VIÊN TỊCH !
Một luồng xúc động mãnh liệt tràn đi như sóng điện, làm run rẫy hàng triệu con tim ngoan đạo, làm rưng rưng khóe mắt tất cả tín đồ.- Nghẹn ngào không nói được !- Có nhiều người đứng không còn được vững. Họ lão đão quỳ xuống trước bàn thông thiên, úp mặt trong lòng bàn tay mà khóc…
Tin chánh thức do anh chị em đồng đạo có mặt trong giờ Đức Bà viên tịch cho biết: Mặc dù với số tuổi quá yếu già, mặc dù đã không dùng thực phẩm từ lâu rồi, nhưng Đức Bà vẫn tỉnh táo, vẫn sáng suốt, vẫn nhớ mặt từng trị sự viên, và sự phán xét rất tinh tường, chớ không hề có một chút gì tỏ ra là mê sảng.
Vào đầu giờ Tuất, thần sắc vẫn không thay đổi, Đức Bà từ từ chấp tay lên ngực, nhắm mắt mật niệm hồng danh Đức Di Đà, rồi …nhẹ nhàng …thanh thoát…đi vào cõi Tịnh độ.
Đêm 25 tháng tư âm lịch là đêm không ngủ của người tín đồ PGHH. Họ thao thức ưu tư, thao thức để cầu nguyện, thao thức để chuẩn bị về Thánh địa cho kịp ngày mai. Kẻ ở gần bất kể giờ giấc, bất kể giới nghiêm. Họ bơi xuồng, lội bộ hoặc đạp xe đạp về tới Tổ Đình ngay trong đêm ấy. Kẻ ở xa, vì sống cách đường ngăn không đi ngay được, thì họ thức luôn mà chờ gà gáy sáng.
Sáng hôm sau một trận lụt tràn về Thánh địa. Nào ghe xuồng, tắc ráng, ghe máy, tàu bè; nào xe đạp, xe lôi, lambretta, autobus, camion và phi cơ. Tất cả các phương tiện xê dịch, chở ngập về cù lao Trung Ương đủ mọi hạng người: lao công, trí thức, nông dân, thương gia, công chức, quân nhân v..v…Như máu về tim, như nước vào biển, ai ai cũng quyết về cho kịp để kỉnh lễ Đức Bà một lần sau chót.
3 - TANG LỄ TIẾN HÀNH THEO NGHI THỨC VÔ VI
Từ 8 giờ 30 phút, ngày 3 tháng sáu năm 1967 khắp vùng PGHH đều treo cờ tang. Tại các tư gia của tín đồ cũng như các cơ sở của Đạo, đều có lập bàn hương án, nhất tâm hộ niệm cho Đức Bà.
Lễ nhập mạch và phát tang cho tôn quyến khỡi từ 9 đến 10 giờ do ông Huỳnh văn Quốc bào đệ cố Đức Ông đứng chủ xướng. Lúc bấy giờ tín đồ có mặt đã đứng chật nứt từ bờ sông tới ngạch cửa. Họ im lặng hướng vào Tổ Đình mặc niệm.
Lễ phát tang theo thường lệ thì chỉ có người trong tang quyến mới thọ lãnh mà thôi. Nhưng đặc biệt ở đây, không những các cấp trị sự đã nhất loạt thọ lãnh, mà tất cả các tín hữu cũng đều phát tâm tự nguyện để tang Đức Bà. Sự việc này đã làm cho sắc thái bình đẳng của Giáo Hội được thể hiện một cách rõ rệt, không phân biệt người trong kẻ ngoài, không có sự ngăn cách giữa cấp trên, cấp dưới.
Người ta ghi nhận tang lễ đã tiến hành theo nghi thức ô vi, đúng theo giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Không nhận đồ phúng điếu, không dùng sắc tướng thinh âm. Không đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo. Nhất là tang gia nghiêm cấm tiếng khóc kể rình rang, mà theo giáo lý PGHH, thì đó là việc làm trở ngại cho giác linh trên đường siêu thoát.
Vừa 10 giờ 35, Trung Ương Giáo Hội nhận được công điện của Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Nguyễn Văn Thiệu. Nguyên văn như sau:
“Tôi vô cùng xúc động hay tin Đức Bà, Hội Trưởng Danh Dự Tối Cao từ trần tại Thánh địa Hòa Hảo.
Lúc sinh thời, Đức Bà chẳng những là một bậc chân tu đáng kính mà còn là một vị lãnh đạo tinh thần sáng suốt được Giáo Hội và toàn thể tín đồ sùng bái. Cho nên nay sự ra đi của Đức Bà đem lại nhiều đau buồn cho Giáo Hội và gieo nhiều tiếc thương trong lòng toàn thể tín đồ.
Nhân danh Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và riêng tôi, chân thành gởi lời phân ưu với Giáo Hội và toàn thể tín đồ cùng tang quyến.”
Ký tên
(Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia)
Nữa giờ sau lại nhận được điện tín của Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất:
“ Tôi vô cùng xúc động hay tin Đức Bà vừa tạ thế - Thay mặt Giáo Hội PGVNTN và riêng tôi, xin kính lời phân ưu cùng quý Ban và toàn thể quý Giáo Hội – Cầu nguyện hương linh Đức Bà tiêu diêu nơi cực lạc.”
(Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN - Thượng Tọa Thích Tâm Châu)
Qua 16 giờ, phái đoàn quốc hội do cụ Phan Khắc Sửu, Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến hướng dẫn, đến Tổ Đình kỉnh lễ, và cầu nguyện cho giác linh của Đức Bà được tiêu dao cực lạc.
Hồi 18 giờ, ông bà kỷ sư Truong Thái Tôn, Ủy viên Phủ Chủ Tịch đại diện Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, đáp phi cơ về tới Tổ Đình, thành tâm hành lễ trước linh cữu của Đức Bà.
Đồng thời Bộ Chỉ Uy Hải Quân Vùng 4 Chiến Thuật cũng đặc phái Thiếu Tá Hớn hướng dẫn một phái đoàn gồm nhiều sĩ quan Việt Mỹ đến thành kính điếu tang.
Từ 23 giờ đến nữa khuya đêm nay, Giáo Hội còn nhận thêm vô số điện văn các nơi giở về tỏ lời mến tiếc phân ưu, như điện văn của Trung Tá Đặng Đình Thụy, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng, điện văn của thiếu Tá Tôn Thất Đống, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Cao Lãnh, cùng nhiều điện văn tới tấp gởi về không sao kể xiết.
4 - ĐẠI LỄ AN TÁNG NGÀY 4-6-1967 (27 tháng 4 Đinh Mùi)
Đêm 26 rạng 27, trời chưa kịp sáng, một con gió lạnh bổng nổi lên, rồi mang nhiều cây mưa tới tấp. Mưa càng buồn, gió càng thảm, vùng Thánh Địa tưởng chừng sắp bị ngập dưới lớp lệ Trời. Nhưng mưa gió chỉ kéo dài cho đến giờ đưa linh cữu Đức Bà thì tự nhiên lại tạnh dứt.
Đêm qua, dù mưa gió lạnh bên ngoài anh chị em đồng đạo vẫn tập hợp đông đảo, cầu nguyện trước Tổ Đình. Bên trong các trị sự viên cao cấp của Giáo Hội vẫn cứ luân phiên túc trực, trang nghiêm hầu linh cữu suốt đêm, không vắng thiếu.
Từ 8 giờ sáng, các phái đoàn và quan khách khắp nơi lần lượt đến. Người ta thấy, về phía chánh quyền có:
Phái đoàn Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung tướng Phạm Xuân Chiểu, Tổng Thơ Ký UBLĐQG. Đại diện cho Trung Tướng Chủ tịch;
phái đoàn Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do ông bà kỷ sư Trương Thái Tôn, Ủy Viên Phủ Chủ Tịch; đại diện cho Thiếu Tướng Chủ tịch;
phái đoàn đại diện Đại tướng Cao Văn Viên. Tổng Tham mưu trưởng quân lục VNCH;
phái đoàn Vùng 4 Chiến Thuật, do thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh hướng dẫn,
phái doàn Quân khu 41 chiến thuật do Chuẩn tướng Lâm Quang Thị, tư lệnh sư đoàn 9 hướng dẫn;
phái đoàn đại diện Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia và An Ninh Quân Đội; và quý vị Ủy Viên Trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia; Quý vị Dân Biểu Quốc Hội; quý vị Ủy Viên Trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia; quý vị Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến và quý vị Hội Viên Hội Đồng Dân Quân.
Ngoài ra còn có các vị Tỉnh Trưởng, Phó Tỉnh Trưởng, quân trưởng phó quận trưởng, các dơn vị trưởng, Trưởng các Ty sở và quý vị Hội tỉnh và Hội đồng nhân dân thuộc các tỉnh Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong, Kiên Giang, Phong Dinh, Vĩnh Long, Chương thiện vân vân … cùng về tham dự.
Về phía các đoàn thể tôn giáo bạn, có:
Phái đoàn Giáo Hội Cao Đài Giáo thánh Thất Tây Ninh do Ngài Khai Đạo Hiệp Thiên Đài Phạm Tấn Đải hướng dẫn.
Phái doàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do thượng tọa Tâm Giác hướng dẫn.
Phái doàn nhân sĩ Cao Đài Giáo do Trung Tướng Nguyễn Văn Thành Chủ Tịch hội Cựu Quân Nhân Cao Đài, kiêm Ủy Viên Kế Hoạch Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa hướng dẫn.
Phái Đoàn Thiên Chúa Giáo; Phái đoàn Sư Sải người Việt gốc Miên; phái đoàn người Việt gốc Chàm; Việt Nam Quốc Dân Đảng; Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam; Việt Nam Nghĩa Sĩ Đoàn; Ủy Ban Tranh Đấu Cách Mạng Dân Chủ; Phái Đoàn Đại Việt; Hội Đồng Tôn Giáo.
Ngoài ra còn có ông Nelson, Phó giám đốc Phòng Dân Sự Vụ, đại diện tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon và đông đảo nhân vật ngoại quốc. Một số đông nhân sĩ trí thức tại thủ đô và các tỉnh cũng đã đến tiển đưa linh cữu Đức Bà.
5 - CHỒNG CHỒNG NỐI NỐI RỪNG NGƯỜI
Đúng 9 giờ 30. Tôn quyến của Đức Bà làm lễ trước linh cữu, và tiếp sau đó là các cấp Trung Ương Giáo Hội PGHH, Việt Nam Dân Chủ XÃ Hội Đảng Thống Nhất, Tập Đoàn Cựu Chiến sĩ Dân Xã Hòa Hảo, Hội cựu quân nhân lần lượt lễ bái.
Đúng 10 giờ, linh cữu của Đức Bà được đưa đi, từ Tổ Đình ra phần mộ với hàng vạn người theo sau.
Con đường dài trên 500 thước, hang hang lớp lớp người nọ chen sát người lia, bao nhiêu bộ mặt đẩm lệ cùng cuối thấp, bao nhiêu vành môi mắp máy niệm cầu. Thật là quang cảnh trang nghiêm đầy cảm động,
Mỗi lần linh cữu Đức Bà đi ngang qua đâu, là ở đó hàng ngàn cặp mắt đỏ hoe cùng ngước thẳng lên, thiết tha nhìn lần cuối. Rồi những câu kinh thì thầm mật niệm lại được nghe rõ hơn lên.
“Nam mô Tây phương cực lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn, cửu thiên ngủ bá, đồng danh đồng hiệu, đại từ đại bi, tiếp dẫn giác linh Đức Bà, A Di Đà Phật.”
Dài theo con đường dẫn đến nơi phần mộ, khói trầm nghi ngút quyện bay, khói bốc lên ngọn cây, khói vờn theo làn gió, đúng xa trông như một vòm mây xanh phớt, huyền ảo thần kỳ.
Tràng hoa nối tiếp tràng hoa. Những tấm văn lụy, những trang biểu ngữ của các cấp Trị sự chồng chồng nối nối từ Tổ Đình đến nơi yên nghỉ của Đức Bà và vây bọc lấy một vùng đất rộng, đầy vẻ khí thiêng linh tú, nơi ấy có sẳn ngôi mộ Cố Đức Ông, nằm tự tại dưới bóng thùy dương bốn mùa reo nhạc gió.
Từ 10 giờ 30 phút, linh cữu Đức Bà đã vào tới cổng chánh. Chiếc linh cữu bên trên có phủ bức Trần Dà, màu tượng trưng chánh thức của Giáo Hội.
10 giờ 35 phút, tang quyến làm lễ rãi hoa trên đáy huyệt.
10 giờ 50 phút, ông Trần Văn Tươi, Tổng thơ ký Trung Ương Giáo Hội PGHH đọc điếu văn trước linh cữu Đức Bà.
Qua ngấn lệ nghẹn ngào, ông Tổng Thơ Ký Trung Ương đã nhiều lần tán thán công đức vô lượng vô biên mà Đức Bà đã ban cho Giáo Hội.
Trong bài điếu văn có đoạn viết:
“Đã biết rằng tuy xác thân không còn tiếp xúc với cõi đời, nhưng phần giác linh của Đức Bà vẫn mãi mãi tồn tại nơi cõi tịnh độ cực lạc và thường xuyên hướng dẫn chúng con, nhưng, thưa Đức Bà, lòng hai triệu tín đồ chúng con không khỏi đớn đau thương tiếc… Tuy Đức Thầy đã dạy chúng con chẳng nên khóc than khi tang khó, nhưng làm sao chúng con cầm được giọt lệ chan hòa đang từ muôn triệu trái tim nức nở dâng lên…?..!
“Từ nay chúng con biết tìm ai để xin những lời phán dạy sáng suốt khi gặp dịp khó khăn ngiêm trọng. Từ nay chúng con biết nghe nơi đâu những Thánh Lịnh ngọc vàng chỉ dẫn chúng con, trong các buổi Đại Lễ của Đoàn thể, ai sẽ là người sẽ ban Thánh huấn chỉ dạy chúng con?.
“Mỗi khi chúng con về Tổ Đình, thấy mặt Đức Bà cũng như được thấy hình ảnh Đức Thầy. Đó là nguồn an ủi lớn lao nhứt của chúng con trong khi chờ đợi Đức Tôn Sư trở lại…
“ Nhưng than ôi! Nay nguồn an ủi đó của chúng con cũng đi theo Đức Bà về cõi viên tịch; chúng con hai triệu tin đồ PGHH cảm thấy bơ vơ giữa cõi đời như chiếc thuyền thiếu người lèo lái…”
Và ở phần chót có đoạn:
“Kính thưa giác linh Đức Bà Hội Trưởng Danh Dự tối cao.
“Đây là những lời vĩnh biệt, những lời nói sau cùng của chúng con, đây là tất cả nỗi niềm thương cảm đớn đau của hơn hai triệu tín đồ PGHH.
“Nhưng đây chẳng phải là một sự cách xa vĩnh viễn, vì chúng con luôn luôn tin tưởng rằng, lúc sinh tiền cũng như khi đã về cõi Phật, Đức Bà luôn luôn vẫn có mặt trên chúng con, để hướng dẫn, chỉ dạy, an ủi chúng con và ban bố đức lành cho chúng con.
“Chúng con tâm nguyện sẽ luôn luôn cố gắng thực thi Giáo lý cao siêu của Đức Thầy để xứng đáng là cháu hiếu thảo của Đức Bà, để xứng đáng hưởng sự hổ trợ của Đức Bà.
“Chúng con triệu người như một, thành tâm cầu nguyện giác linh Đức Bà, tiêu diêu nơi miền Cực Lạc.”
Sau bài điếu văn của ông Tổng Thơ Ký Trung Ương Giáo Hội, ông Lâm Đồng Thanh, nghĩa tế của Đức Bà, đại diện Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ, ra trước máy vi âm, ngỏ lời cùng các phái đoàn và quan khách:
“Kính thưa chư vị quan khách,
Kính thưa quý ông và quý bà,
Nếu đại tang hôm nay làm cho hai triệu tín đồ PGHH đau đớn bao nhiêu thì sự hiện diện đông đủ của quý vị để phúng điếu phân ưu, cầu nguyện và đưa linh cữu Đức Bà chúng tôi lại làm cho đoàn thể chúng tôi được an ủi bấy nhiêu.
Điều đó chứng tỏ sự cảm mến của chánh phủ và của quý vị đối với đoàn thể chúng tôi.
Với tư cách là đại diện Tổ Đình Đức Huỳnh Giáo Chủ, chúng tôi xin chư quý vị nhận nơi đây tấm lòng thành kính tri ân của chúng tôi.
Chúng tôi xin cầu chúc chư quý vị được vạn sự viên thành, thân tâm thường lạc.”
Nam Mô A Di ĐÀ Phật
6 - LỄ DÂNG HOA VÀO HUYỆT VÀ HAI NGÔI MỘ KHỎA BẰNG MẶT ĐẤT: MỘT GIÁO PHÁP ĐẶC BIỆT CỦA BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
Lời cảm tạ của ông Lâm Đồng Thanh vừa chấm dứt, thì lễ nhập huyệt cũng bắt đầu. Cả một rừng người đồng kỉnh lễ bốn lượt và kính cẩn dâng mỗi người một cành hoa bạch huệ vào lòng huyệt của Đức Bà.
Cành hoa đẩm lệ của tín đồ!
Cành hoa trắng cùng màu với những vành khăn tang trắng!
Những người có mặt trong giờ phút thiêng liêng này thật khó mà ngăng dòng nước mắt, vì người ta tự cảm thấy kể từ đây mỗi lần về Tổ Đình họ sẽ không còn được yết kiến Đức Bà và cũng không còn được nghe lời của Đức Bà khuyên dạy.
Nhất là người ta sẽ buồn biết bao nhiêu khi nghĩ đến ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ sẽ trở về mà không còn nhìn thấy mặt Đức Bà nữa.
Nhưng…Hoa trắng đã dày trên nắp mộ.- Ngôi mộ của Đức Bà cũng như ngôi mộ của Đức Ông. Cả hai đều khỏa bằng mặt đất chớ không đắp lên thành nấm như các ngôi mộ người thường. Đó là một pháp giáo đặc biệt của Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, mà khởi đầu từ Đức Phật Thầy Tây An đã áp dụng.
Bên lề cuộc lễ an tang người ta còn nhận thấy:
- Suốt thời gian hành lễ, toàn thể tín đồ PGHH đếu tự nguyện ăn chay.
- Tất cả các phương tiện xê dịch như: đò dọc, đò ngang, xe chuyên chỡ hành khách về Thánh Địa, đều không tính tiền.
- Tất cả tổn phí về thực phẩm và lúa gạo đãi ăn suốt 3 ngày cho các tín hữu, đều do một số đồng đạo hằng tâm đóng góp.
- Dù giáo pháp của Đức Huỳnh Giáo Chủ không cho phép người trong tín đồ kéo dài tang lễ ra nhiều ngày, dù từ khi Đức Bà viên tịch cho đến khi an táng, thời gian ngắn ngủi quá 40 tiếng đồng hồ, và dù không đủ phương tiên thuận lợi để báo tin đầy đủ cho các đồng đạo ở phương xa hay biết, nhưng đại lễ An Táng Đức Bà cũng đã tập hợp về Thánh Địa trên 200.000 người tham dự, Trong số ấy phải kể trên 1.000 sĩ quan, hạ sĩ quan tín đồ PGTHH.
Vào lúc 11 giờ 45 phút, ngày 4 tháng 6 năm 1967, Đại lễ an táng Đức Bà đã hoàn tất. Các phái đoàn và quan khách lần lượt ra về.
Nhưng …kẻ viết bài này còn mục kích được sự việc không kém phần xót xa, cảm động. Đó là vô số anh chị em tín đồ, đường xa, vẫn còn tấp nập đổ xe về Thánh Địa để rồi…bồi hồi…luyến tiếc…đi vào đi ra…ngơ ngác…thảm sầu.
Sau cùng, anh chị em đồng đạo về trể ấy đành phải đến bên phần mộ Đức Bà, quỳ dài trên dãi cát mà đau đớn, gữi vào cõi vô hình những cái lạy, những lời kinh vĩnh biệt…
BẠCH DIỆP
Tổng Thơ Ký Tòa Soạn