ĐẠO là BỔN PHẬN

13 Tháng Giêng 20179:33 CH(Xem: 22372)
ĐẠO là BỔN PHẬN



IMG_7372

 

          Đạo là gì? Đạo () theo chữ Hán nghĩa đen là con đường hay đường đi; còn nghĩa bóng mang khái niệm trừu tượng về con đường, phương hướng, đường lối dẫn dắt con người đi đến mục tiêu hay lý tưởng nào đó.

          Có rất nhiều lý tưởng, phương hướng và nguyên tắc khác nhau về Đạo; thí dụ: Thiên đạo, Nhơn đạo, Trí đạo, Tâm đạo... Tuy vậy, tất cả những con đường Đạo khác nhau đó có cùng chung một nền tảng cơ bản là dựa trên cái Thiện, cái Đẹp, Tự Nhiên trong sáng lành mạnh và Chân Chính để mưu cầu Hạnh Phúc và An Bình cho con người.

          Để có khái niệm rõ ràng hơn, chúng tôi xin trình bày định nghiã về chữ ĐẠO của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trong quyển “Phật Học Phổ Thông” như sau:

“ĐẠO nghiã là gì ?- Chữ Đạo có ba nghiã: Đạo là con đường; Đạo là bổn phận; Đạo là lý tánh tuyệt đối, là bản thể.

        1)- Đạo là con đường, như người ta thường dùng trong chữ: Nhân đạo, Thiên đạo, Điạ ngục đạo, Ngạ quỷ đạo, Súc sanh đạo. Phàm là con đường thì có tốt, có xấu, có thiện ác.v.v…Theo Đạo Phật, hễ còn trong vòng đối đãi, thì không thể gọi là hoàn toàn rốt ráo.

        2)- Đạo là bổn phận, như người ta thường dùng những chữ: Đạo Vua tôi, Đạo Cha con, Đạo Thầy trò, Đạo vợ chồng v.v…Phàm là bổn phận thì thường chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán. Phong tục và tập quán của nước nầy không giống nước kia. Vì vậy, chữ Đạo là bổn phận cũng chưa đúng với nghiã chữ Đạo mà nhà Phật muốn nói.

          3)- Đạo là lý tánh tuyệt đối, là bản thể, nó lìa nói năng, không thể nghĩ bàn. Đức Lão Tử nói: “Đạo mà nói ra được, không phải là Đạo.” Xưa có người hỏi một vị Tổ sư: -“Đạo là gì?” Tổ sư đáp: -“Trước Phật Oai Âm vương, không có tên Phật và chúng sanh, lúc ấy chính là Đạo”.

          Chữ Đạo của nhà Phật chính là đồng nghĩa với bản thể vậy.”

1280px-Đường_lên_núi_Cấm

          Ở đây, chúng tôi xin mạo muội luận bàn cùng quí đồng đạo một trong ba ý nghĩa của chữ "Đạo" mà người tín đồ PGHH cần quan tâm; đó là "Đạo Là Bổn Phận".

          Vì là Cư sĩ tại gia nên người tín đồ PGHH có rất nhiều bổn phận cần thi hành cho trọn vẹn, nên người ta thường gọi là hành Đạo.

Trong quyển Sáu, Đức Thầy dạy:

"Sách xưa có câu: "Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên" (muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu). Hôm nay đã quy y đầu Phật tu niệm tại gia, ta hãy cố gắng vưng lời Thầy, Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu thảo.

          Đức Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng: Muốn làm xong hiếu nghĩa có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn."

Rõ ràng, các Ngài đều dạy chúng ta phải đáp đền Tứ đại trọng ân, tức là làm bổn phận của mình.

Trước hết, đối với cha mẹ “ta có bổn phận phải vâng lời dạy dỗ, chăm sóc dưỡng nuôi, và khi cha mẹ qua đời thì phải tu cầu cho linh hồn cha mẹ được siêu sanh cõi thọ.”

Còn đối với tổ tiên, “ta đừng làm điều gì điếm nhục đến tông môn, nếu tổ tiên có làm điều gì gây họa đau thương cho con cháu, thì ta phải rán làm điều đạo nghĩa rửa nhục tổ đường, được như vậy mới làm tròn bổn phận.”

          Về nghĩa vụ đối với đất nước: “Ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo và làm cho được trở nên cường thịnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm."

Ngay cả đối với Tam Bảo, các Ngài cũng dạy:

          “Thế nên bổn-phận chúng ta là phải noi theo chí đức của tiền-nhân hầu làm sao trí-tuệ minh-mẫn đặng đi đến con đường giải-thoát, dẫn dắt giùm những kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp-tục khai thông nền Đạo đức đặng cái tinh thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ-đại của Đức Phật và của tiền-nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy."

          Riêng đối với đồng bào và nhân loại, chúng ta đã thọ ơn họ rất nhiều, từ việc ăn mặc, nơi ở...vì vậy ta cóbổn phận phải đền đáp cho họ. Như các Ngài giải thích:

"Vả lại, cái tình từ-bi bác-ái của Đức Phật mà ta đã nhận thức, rất thâm-huyền quảng-huợt. Cái tình ấy nó không bến không bờ, không phân biệt màu da, không phân biêt chủng-tộc; nó cũng không luận sang hèn và xóa bỏ hết các từng lớp đẳng cấp xã-hội mà chỉ đặt vào một Nhân-loại Chúng-sanh.

          Thế ra không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng-bào mình gây ra tai-hại cho các dân-tộc khác. Trái lại, hãy đặt vào họ một tư-tưởng nhân-hòa một tinh-thần hỉ-xả và hãy tự xem mình có bổn-phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn"

          Thật vậy, nếu mọi người làm việc gì cũng xét đến trách nhiệm và bổn phận của mình thì việc làm đó ít khi gây mâu thuẫn hoặc hiểu lầm với người khác. Và vì làm bổn phận thì không có sự so đo hơn thiệt, cao hay thấp, ít hay nhiều, mà chỉ làm với hết sức mình. Chính vì vậy, Đức Thầy khuyến tấn:

"Giúp đời đừng đợi trả ơn,

Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng."

(Sám Giảng, Q.3)

          Người tín đồ PGHH hành sử Tứ Ân theo tôn chỉ của ĐHGC cũng chính là làm bổn phận của mình, của một con người. Nếu làm người mà ta sống ích kỷ, vô cảm với nỗi khổ của người xung quanh, không thương xót giúp đỡ ai hết tức là ta đã không làm tròn bổn phận của mình, như lời Đức Thầy chê trách:

"Gặp ai mắc nạn cười chơi,

Chớ không ra sức giúp đời điều chi.

Hổ mình là bực tu mi,

Chưa tròn bổn phận mà ti tôn mình.”

                                                (Sám Giảng, Q.3)

          Và khi nhận biết mình có bổn phận phải làm tròn, thì đối với miệng đời thị phi, thương ghét, khen chê, đàm tiếu, cũng không làm mình xao xuyến lung lạc mà thối chuyển ý chí. Bởi vì như lời Đức Thầy chỉ dạy:

“Bỏ cái tánh tự cường tự trọng,

Gẫm cuộc đời cái bóng theo hình.

Tu hành đâu kể nhục vinh,

Ta làm bổn phận ngạo khinh mặc đời.”

                                                          (Bài: Thu Đã Cuối)

Núi_ở_An_Giang

          Đồng thời, chúng ta cũng nên biết Đạo không chỉ đơn thuần là bổn phận  đền đáp ân nợ thế gian mà còn có bổn phận phải đền đáp ân nợ xuất thế gian nữa. Trong mục Chánh Tư Duy, Ngài dạy:

          "Tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư-tưởng cho thanh-cao, trí rán tìm cái Chân-lý, Chân-lý ấy là cái Đạo của mình đối với nhân-loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình. Vì thế, phải đặt tư-tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh-linh trong vòng trầm-luân oan-nghiệt. Hãy tin tường Phật Trời và cầu nguyện đấng Thiêng-liêng ban-bố phước lành cho nhân chúng. Hãy tìm con đường giải-thoát cho mình bằng cách lạc Đạo-an-bần, xả thân tu tỉnh."

Và trong Chánh Tinh Tấn, Ngài cũng dạy:

“Vì vậy, chánh tin-tấn nầy khuyên hãy rán giữ đức-tin cho mạnh mẽ. Dầu các thị dục có lớn lao thế mấy, dầu cho có sức lực gì cám dỗ hay bức bách bỏ lòng tín-ngưỡng Phật Trời đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng thể lôi kéo được. Và ta luôn luôn phải nhớ đến công cuộc cứu vớt quần-sanh thoát nơi khổ-hải của Đức Thế-Tôn, phải nhớ rằng sanh-linh đang chìm đắm trong bể hồng-trần, rằng ngày giờ nào còn có kẻ trong chúng sanh chịu khổ thì ta cũng phải khổ vì họ vậy, rằng ta phải có bổn phận giác ngộ trần-gian bỏ những oan trái luân-hồi cay nghiệt. Muốn thế, trước hết phải tìm phương tự-giác, nhắm cảnh Niết-Bàn tấn tới; quyết chí tu thân đắc thành Đạo quả hầu dắt dìu bá-tánh thập phương xa miền tục-lụy...”

          Và muốn làm tròn bổn phận đền đáp ân nợ xuất thế gian, chúng ta phải cố gắng tu hành đến ngày thành công viên mãn:

"Ta là thân phận làm tôi,

Phải đền phải đáp cho rồi mới hay.

Mặc ai tranh luận đấu tài,

Khuyên dân hãy rán miệt mài chữ tu."

                                                (Sám Giảng, Q.3)

          Đã biết được mình vì bổn phận phải đền ơn đáp nghĩa thế gian, vì bổn phận phải tu hành giải thoát đặng cứu vớt chúng sanh, theo lời Thầy Tổ đã chỉ dạy, thì sẽ không bị tâm vị kỷ nhân ngã làm chướng ngại trên đường tu tập của ta nữa:

“Ai thương ai ghét mặc tình,

Phận mình cứ giữ tâm mình cho ngay.”

                                      (Sám Giảng, Q.3)
IMG_7400

          Trong một gia đình nếu tất cả các người con đều đem bổn phận của mình để đáp ơn cha mẹ thì gia đình sẽ rất hạnh phúc, mà anh em cũng rấy thuận hòa. Mỗi đứa con đều tùy khả năng của mình mà làm tròn bổn phận với cha mẹ, không nên có sự sanh nạnh lẫn nhau mà mất hết ý nghĩa.

          Cũng vậy trong một đoàn thể nếu tất cả mọi người đều lấy bổn phận của mình, tùy tài tùy sức để đóng góp cho đoàn thể, thì sẽ không có sự tranh dành, so đo, hơn thua, ít nhiều...vì thấy mình có bổn phận phải làm cho tròn.

Dó đó tư tưởng danh lợi, nhân ngã, vị kỷ sẽ không chen vào tâm tưởng của mình được.Và cũng không vì những thị phi mà thối chí nãn lòng như lời Đức Thầy căn dặn: “Chớ nản chí mà ngừng việc phải”.

Và cũng chính vì vậy mà hàng năm trong các ngày Lễ đạo, đặc biệt là ngày Đại Lễ 18/5 đã có hàng ngàn tấn thực phẩm, ngũ cốc như: gạo, nếp, đậu, dừa, khoai, bắp, tương, rau, đậu hủ...tấp nập chở đến Tổ đình cung cấp cho các Trạm cơm miễn phí. Rồi nào xe hoa, thuyền hoa...được trang trí vô cùng hoành tráng, rực rỡ với ánh đèn muôn màu sắc lượn lờ khắp dòng sông Tiền hay diễn hành trên suốt mấy cây số đường bộ...Phải chăng đây là bổn phận mà bất cứ người tín đồ PGHH nào cũng muốn đáp đền công ơn Thầy Tổ.?

Riêng ở hải ngoại thì ai cũng biết, nơi nào có tín đồ PGHH thì nơi đó có Ban Trị Sự hoặc Ban Đại Diện để sinh hoạt giáo sự. Đặc biệt, đã có vài nơi còn tạo dựng được Hội Quán (trị giá vài trăm ngàn Mỹ kim) như: Nam Cali, Bắc Cali, Houston (TX), Atlanta (GA)...Và trong các ngày Lễ Đạo, người tín đồ dù sống nơi xứ người vẫn thường xuyên tổ chức bằng tất cả lòng thương Thầy mến Đạo và sự tận tâm, tận lực của mỗi người. Đó chính là do ý thức trách nhiệm và bổn phận của người tín đồ PGHH đối với đời, với Đạo.      

Tóm lại, trong cuộc sống tầm thường hằng ngày, làm tròn bổn phận có nhiều khi còn khó hơn là ra trận giết quân thù, hay trèo non lội suối. Những công việc khó khăn nhưng bất thường này chỉ cần vận động sự cố gắng và hăng hái trong một khoảng thời gian nhất định, chứ những bổn phận tầm thường hằng ngày, muốn làm cho tròn, phải vận dụng sự kiên nhẫn và cố gắng suốt cả đời. Vì lý do ấy mà tục ngữ ta có câu:

“Thứ nhất là tu tại nhà,

Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.” 

          Vì vậy chúng ta không nên xem thường những bổn phận tầm thường của chúng ta, mà phải luôn luôn cố gắng hết sức để làm cho tròn vẹn. Sự cố gắng này sẽ đem lại cho chúng ta một phần thưởng chắc chắn là đưa dần chúng ta lên đường giải thoát. Đó cũng chính là một ý nghĩa trong nhiều ý nghĩa của chữ Đạo; đó là “Đạo là Bổn phận” vậy./.

Nam mô A Di Đà Phật.

 

Cư Sĩ Chánh Tâm

6/1/2017

 WIN_20140824_103429

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Mười Hai 201811:43 CH(Xem: 15230)
Lễ Tạ ơn đầu tiên theo truyền thống đã được diễn ra tại khu vực của “Thuộc địa Plymouth”, khoảng thế kỷ 16, 17 của một tộc người Pilgrim thuộc Anh Quốc.
06 Tháng Mười Một 20189:48 SA(Xem: 17534)
Lê Yến Dung: Mỗi năm cứ vào ngày 21 Tháng Chín, mọi người như một, đều không quên một sự kiện lịch sử trọng đại, con đường chính trị mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cống hiến cho đất nước Việt Nam. Đó là việc Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đề xướng thành lập: Đảng chính trị “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.”
06 Tháng Mười Một 20189:37 SA(Xem: 19218)
Nguyễn Bá Thế: "Ngẫm suy tường tận, tinh thần và phong thái của Đức Huỳnh Giáo chủ qua thi văn Sấm giảng của Ngài, thật phải nhận Ngài là hoạt Phật, là nhà cách mạng ái quốc chân chính, là một thi nhân có một tâm hồn trác luyện tuyệt vời …."
18 Tháng Ba 20189:49 CH(Xem: 44605)
Châu Lang: Quyển Kim Cổ Kỳ Quan là phẩm kinh chín bổn được Ông Ba Nguyễn Văn Thới sáng tác, chia thành hai đợt trong vòng 12 năm, (từ 1907 đến 1919) viết cách nay trên dưới 100 năm.
27 Tháng Giêng 20187:24 SA(Xem: 19392)
Lê Minh Triết: Gần ngót một thế kỷ trôi qua, ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi 1919, tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, bổng xuất hiện một vị Phật từ Phật quốc lâm phàm, thế danh Ngài là Huỳnh Phú Sổ, thân sinh của Ngài là Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm.
13 Tháng Giêng 201812:01 SA(Xem: 7389)
Nguyễn Châu Lang Đã gần một thế kỷ trôi qua. Theo thông lệ hằng năm, Thánh lễ mừng Đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ lần 98, được trọng thể cử hành tại Tổ Đình Phật Giáo Hòa Hảo, An Hòa Tự
15 Tháng Sáu 20172:56 CH(Xem: 16711)
Tôi có duyên đặc biệt với PGHH. Trong 25 năm qua tôi đọc khá nhiều tài liệu về PGHH, làm việc với nhiều tín đồ PGHH ở hải ngoại và trong nướ
19 Tháng Tư 20174:02 CH(Xem: 19664)
Lê Yến Dung: Nhân kỷ niệm năm thứ 70, ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo vắng mặt (16-4-1947 nhằm ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi). Chúng tôi xin nhắc nhở những cống hiến quí giá của Đức Huỳnh Giáo Chủ cho đất nước Việt Nam, và nhân loại quần sanh.
22 Tháng Ba 20179:07 SA(Xem: 19205)
Châu Lang: Pháp nạn càng uẩn khúc gian truân, thời gian trông đợi càng lâu xa, thì niềm tin lạc quan hy vọng hướng về Thầy Tổ càng thêm cơ hội được củng cố gia tăng.
20 Tháng Hai 20179:45 CH(Xem: 18891)
Một điều quan trọng mà cho đến nay vẫn ít được người ta nhắc đến, đó là sự thành công của vị Giáo chủ trong việc tôn thờ hình tượng Nguyễn Trung Trực (gốc Việt) để thay cho hình tượng Quan Thánh Đế Quân (gốc Tàu) trong tâm thức người Việt.
100,000