ĐỨC HỶ XẢ

14 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 21191)
ĐỨC HỶ XẢ

photo_tran_quoc_si_copyright_3-content

 

 














Bài: Trương Văn Thạo
Photo: Trần quốc Sĩ (Copyright)

Đức Từ, Bi, Hỷ, Xả gọi chung là “Tứ vô Lượng Tâm” của Đức Phật. Quý Chư Phật, Chư Bồ Tát thường rộng độ chúng sanh vì tình thương bao la vô tận, vô bờ bến nên lòng Từ Bi và đức Hỷ Xã của quý Ngài thường chiếu sáng như mặt Trời mặt Trăng xuống khắp cả muôn loài vạn vật.

 

Ở bài trước, chúng tôi đã trình bày về Lòng TỪ BI của Đức Phật và Đức Thầy; trong bài nầy, chúng tôi xin cùng quý vị tìm hiểu thêm về ý nghĩa hai chữ HỶ và XẢ để từ đó thấu triệt được hai đức tính cao cả nầy hầu noi theo đó mà mà hành trì cho đúng với vai trò của một người con Phật, đặc biệt là một tín đồ PGHH trong thời Hạ nguơn mạt pháp.

 

Trước hết trong Từ điển Phật học của Đoàn trung Còn, HỶ XẢ được định nghĩa như sau:

 

HỶ: Hoan hỷ, hỷ lạc. Vui mừng, sung sướng vì nghe được việc vừa ý, gặp được việc tốt lành. Đồng nghĩa với Khả, lạc. Đối nghĩa với Ưu, sầu.

 

Hỷ là một trong Tứ vô lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Ấy là vui mừng mà thấy người ta được thành việc; vui mừng mà thấy người ta được phước đức, lợi ích; vui mừng mà thấy người tu hành, trì Lục độ; vui mừng mà biết có Phật, Thánh ra đời.

 

Trong Niết bàn Kinh, Phật có phân biệt Hỷ với Lạc. Hỷ là sự vui cỡ thấp, Lạc là sự vui cỡ cao. Tỷ như Bồ Tát, trong khi ngưng làm quấy thì gọi là Hỷ; trong khi tâm tịnh trì Giới thì gọi là Lạc. Bồ tát trong khi quán tưởng sanh tử gọi là Hỷ; trong khi trông thấy Đại Niết bàn gọi là Lạc.

 

Ngoài ra, chữ HỶ còn tìm thấy trong nhóm từ HỶ TÚC (Thiên) chỉ cho cảnh trời vui vẻ, no đủ. Hoặc được gọi là: Tri túc thiên, Diệu túc thiên, Thượng túc thiên. Gọi theo Phạn ngữ là Đâu suất thiên. Ấy là cảnh Cực lạc ở cõi Dục giới. Hiện nay Đức DI LẶC làm chúa tể cảnh trời ấy. Di Lặc hạ sanh thành Phật, nên có câu:

Đại trượng phu Từ Thị,

 

Từ ư Hỷ túc thiên,

Lai thác bỉ Phu nhơn,

Tác hậu thân sanh xứ.

(Đại trượng phu Từ Thị ta,

Bấy giờ từ Hỷ Túc là cõi Thiên,

Mượn bà gởi thức tự nhiên,

Đặng sau sanh xuống dưới miền Nhơn gian).

 

XẢ là Bố thí. Buông thả ra. Bỏ đi. Viết theo Phạn ngữ là Ưu tất xoa (Upeksa).

 

Ví dụ như trong các tiền thân của Đức Phật, Ngài từng Xả (bỏ) thân mạng mà cứu giúp chúng sanh. Sau đó, đương làm Bồ tát trên cung Đâu suất, Ngài xả (bỏ) các sự vui sướng nơi Thiên cung mà giáng sanh để cứu thế.

 

Lại trong khi làm Đông cung Thái Tử sắp lên ngôi vua, Ngài đã Xả (bỏ) tất cả: Đền đài, cung điện, châu báu, vợ đẹp, hầu xinh,…một mình ra đi, mặc áo dà, ngồi trên núi tuyết mà tu khổ hạnh. Thử hỏi, có cái Xả nào bằng !

 

Xả có bốn thứ gọi là Tứ Xả, và bảy loại khác nhau gọi là Thất chủng Xả.

 

Tứ Xả là:

 

1. Tài xả: là đem của cải đồ vật thí xả cho người ta.

2. Pháp xả: là đem pháp lý mà thí xả cho người ta.

3. Vô úy xả: là đem đức không sợ mà thí xả, mà phổ cập cho người ta.

4. Phiền não xả: là tự mình xả bỏ tất cả các mối phiền não.

 

Thất chủng Xả (bảy thứ xả):

 

1.- Tâm tánh bình đẳng, không đem lòng nhớ mong, tính không giữ lấy, không mắc lấy.

2.- Đối với chúng sanh, xả bỏ, rời bỏ tất cả sự ngăn ngại về kẻ thân, nguời thù.

3.- Xả bỏ tất cả sự lầm lỗi do nơi tham, sân, si.

4.- Thấy sanh mạng được thoát ra, thì không còn lo nghĩ, tức là phóng xả.

5.- Chứng được lý chơn không, bình đẳng, rời khỏi các tướng.

6.- Tự mình bỏ những sự vui sướng của mình, đem thí cho người.

7.- Việc chi có lợi cho chúng sanh, thì để cho họ hưởng, mình đừng trông mong.

 

Tóm tắt, HỶ XẢ gồm chung ý nghĩa như sau:

 

1)- Lòng vui vẻ, lòng thí xả, đây là hai đại đức trong Tứ vô lượng tâm.

Hỷ là vui vẻ đối với phước, lợi của chúng sanh, đối với sự thành công của chúng sanh về tài vật, nhứt là về Đạo lý. Xả là bỏ đi, thí đi. Như tha thứ cho người ta nếu họ xúc phạm đến mình.

 

2)- Hỷ Xả cũng có nghĩa: vui lòng mà bố thí. Đồng nghiã với Tịnh Xả, Tịnh thí.

 

3)- Hỷ: Mừng, vui vẻ. Xả: không nắm giữ nữa. Hỷ Xả là vui vẻ bỏ qua hết tất cả mọi việc.

 

Đối với người không có tâm Hỷ, khi thấy người khác hơn mình thì sanh lòng ganh ghét.

 

Xả là bỏ đi, buông thả tất cả, không chấp nê vướng mắc. Như tha thứ cho người ta khi họ xúc phạm đến mình, hoặc đem những thứ mà mình có bố thí cho người.

 

Người tu mà có lòng Hỷ Xả luôn luôn thì trong lòng bao giờ cũng hoan hỷ, thư thái, an nhàn.

 

Sở dĩ lòng Từ Bi của Đức Phật, Đức Thầy rộng lớn thênh thang, không ngăn, không ngại; bởi vì quí Ngài đã đứng trên cái CHẤP, XẢ của chúng sanh mà đối đãi.

 

Vì vậy chúng ta thử tìm hiểu do nơi đâu, chúng ta vẫn chỉ Chấp mà không Xả nổi, hay tại vì cái Chấp vừa nặng vừa to như quả núi Thái Sơn mà chúng ta không Xả được.

 

CHẤP: Cầm, nắm, giữ. Cũng có nghiã là khư khư giữ lấy ý kiến sai lạc của mình, tức là chấp nệ, chấp nhứt, chấp trước. Vì Chấp mà chẳng thông đạt, chẳng sáng suốt, chẳng tin tưởng Chánh pháp, chẳng nghe lời lành của bực thiện trí thức.

 

CHẤP CHƯỚNG: Sự ngăn ngại, che lấp cái kiến thức chấp nệ. Có hai mối: Ngã chấp phiền não chướng và Pháp chấp sở tri chướng.

 

- Ngã chấp phiền não chướng (gọi tắt Ngã chấp): Không hiểu cho cái thân con người do Ngũ uẩn tạm hòa hiệp, cứ chấp cho là có cái thân. Vì sở chấp đó mới sanh ra các mối phiền não, mê vọng đau khổ.

 

- Pháp chấp sở tri chướng (gọi tắt Pháp chấp): Các pháp, mọi sự vật đều do nhơn duyên mà sanh ra, như ảo, như hóa, thoạt có thoạt không, vốn không trường tồn. Thế mà người ta không hiểu, cứ chấp cho các pháp là có thật. Chính sự hiểu lầm ấy che bít cái trí thức của mình vậy.

 

Trong quyển 4, Giác Mê Tâm Kệ, Đức Thầy có dạy:

 

“Tâm Từ Bi sánh thể ngọc ngà,

Trong các báu khó bì tánh Thiện.”

Thật vậy, Từ Bi đã là quý báu rồi nhưng còn phải Hỷ Xả nữa. Nếu Xả thì bình an hạnh phúc. Ngược lại, nếu cố chấp thì sóng gió nổi lên, lửa sân ngùn ngụt cháy, thiêu hủy tàn lụn những gì do lòng Chấp gây nên. Do Chấp mà gia đạo bất bình an, xóm làng thù hận, quốc gia thì tàn sát lẫn nhau, không thương không tiếc !!!.

 

Do đó, Đức Thầy đã giải rõ về sự tai hại của tánh cố chấp trong bài pháp luận “Trong việc tu thân xử kỷ” như sau:

 

“Người học Đạo muốn mở-mang trí-huệ cần phải tìm phương-pháp diệt cái vô-minh (tối-tăm ngu-muội ).

 

Muốn diệt cái vô-minh trước hết phải điêu-luyện khối tinh-thần cho mạnh-mẽ đặng tự lập con đường rõ-ràng, duy nhất ở mối Đạo mình đang học để lấy đó làm cương-mục mà bài-trừ những thành-kiến, cố CHẤP, thói quen, sự chần chờ, lòng ham muốn, tánh kiêu-ngạo, tât-đố, gièm-siểm, dua- nịnh, ích-kỷ tư tâm, sự gây-gổ, mê đắm trong bể dục-tình và sự phiền-não nó làm cho náo loạn cõi lòng. Nên bài-trừ được nó rồi trí-huệ tất mở-mang vậy.”

 

Ngoài ra, trong các bài Sấm Thi, Đức Thầy cũng đã nhiều lần nhắc đến chữ XẢ (đặc biệt là XẢ THÂN tức là Vô úy xả):

 

“Phải xả-thân tầm Bát-Nhã thoàn,

Sau mới khỏi hùm tha sấu bắt.” (Q.2, Kệ Dân)

 

“Nói cho đời hiểu Phật Thích-Ca,

Lòng tự-giác xả-thân tầm Đạo.” (Q.5, Khuyến Thiện)

 

“Bác-ái xả-thân tầm Đạo-chánh,

Độ người lao-khổ dạ không phiền."

(Luận việc tu hành)

 

“Xả-thân tìm kiếm Ma-ha,

Chẳng nài viễn-vọng dẹp tà nơi tâm."

(Cho Ông Tham tá Ngà)

 

“Muốn cho rắn đặng hóa cù,

Xả-thân làm phước Diêm-phù vượt qua.”

(Khuyên người giàu lòng phước thiện)

 

“Nếu đã xả-thân tầm đạo-đức,

Mở lòng bố-thí ngộ thần ca."

(Khuyên người giàu lòng phước thiện)

 

“Cấp-Cô-Độc là nhà bá-hộ,

Còn đành lòng bố-thí xả-thân.”

(Diệu pháp quang minh)

 

“Xả-thân tầm Đạo vô-vi,

Nhiệm-mầu thâm-diệu nan-tri Lão bày."

(Từ giã làng Nhơn nghĩa)

 

Đặc biệt, trong quyển “Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ Chú Giải” cố đồng đạo Thiện Tâm lý giải về tâm Hỷ và tâm Xả như sau:

 

* Tâm Hỷ là lòng an vui thường nhiên bất biến, không phải như sự mừng vui trong thất tình. Tâm Hỷ ban rải đến đâu, phiền não tiêu tan đến đó, như gió thổi mây tan huệ nhựt hiện bày.

 

Song muốn được kết quả như trên, hành giả phải có một lối sống “Lạc đạo an bần, xả thân tu tỉnh”. Lần đến “Tánh thuần lương vẻ mặt vui tươi”. Và nếu trên con đường tiến tới mục đích dầu có gặp nhiều chông gai thử thách ta cũng đừng phiền lòng, nao núng, luôn kiên nhẫn vượt qua tất được toại nguyện. Đức Thầy đã nêu lên ý chí đó qua một đoạn giảng:

 

“Bể trần sóng cuộn lao xao,

Xông thuyền Bát Nhã lướt vào một phen.

Quản chi lực kém tài hèn,

Dù đời bạc đãi ngọn đèn cứ nêu.

Soi từ đài các xá liều,

Cho người trụy lạc biết điều nghĩa nhân”.

 

* Tâm Xả là lòng buông bỏ, không vướng mắc. Chư Phật có buông bỏ nên được giải thoát an vui, chúng sanh vì còn chấp nê, vướng bận nên còn sanh tử luân hồi.

Để rèn luyện tâm Xả, đời sống của người tu tuy còn phải va chạm với vạn pháp trong thế gian, từ hữu vi đến vô vi, thế gian hay xuất thế gian, lành hay dữ v.v…Nhưng lòng chẳng để nhiễm ô, kẹt mắc vào pháp nào. Nhận rằng ai cũng có gây tạo ít nhiều nghiệp duyên không tốt từ trước, như: danh, lợi, tình v.v…Giờ đây, đang bị nó trói trăn, sai khiến, nhưng hành giả phải sẵn sàng buông bỏ.

 

Thuở xưa, lúc Đức Phật còn trụ thế, thuyết pháp độ sanh, có một thầy Bà La Môn tên Mông Tây Đen rất kính trọng Phật. Hôm nọ ông dùng thần thông nhổ hai cây bông khổng lồ, để nguyên cả cành rễ hoa lá, nắm chặt mỗi tay mỗi cây, bay đến xin dâng cho Phật.

 

Đức Phật gọi tên ông. – Ông dạ !

Phật liền bảo:“Buông xả xuống đi !”

Thầy Bà La Môn liền bỏ cây hoa bên tay trái xuống trước mặt Phật.

Phật lại bảo:“Buông xuống nữa đi !”

Thầy Bà La Môn liền bỏ luôn cây hoa bên tay mặt.

Nhưng Phật lại bảo tiếp:“Hãy buông nữa đi !”

Thầy Bà La Môn liền bạch hỏi:

- Tôi còn cái gì nữa đâu mà Phật bảo phải buông bỏ nữa ? Vậy Phật muốn dạy tôi điều gì ?

Phật đáp:

- Ta không hề bảo ngươi buông hết mấy cây hoa, mà ta bảo ngươi bỏ ở đây là bỏ hết sáu căn, sáu trần và sáu thức. Khi người bỏ được hết, đến không còn cái gì nữa để bỏ. Đó là lúc người thoát ly tất cả sự ràng buộc của sanh tử luân hồi.

 

Thời nay Đức Thầy dạy môn đồ tu tâm Xả cũng thế:

 

Cõi hồng trần các việc mến ưa,

Sự giả tạm ta nên rứt bỏ”.

 

Còn đối với những người gây khổ cho ta, thì ta nên rộng lượng tha thứ tất cả, lúc nào cũng an nhiên bình đẳng, xem thân tâm mọi người và vạn vật (vạn pháp) cũng như thân tâm ta (vạn vật đồng nhất thể).

 

Hành được tâm Xả, hành giả chẳng còn chấp tâm, chấp pháp, nhân ngã hận thù, có không, cao thấp. Kinh xưa đã nói:“Hạnh vô hành hạnh, tu vô tu tu”.(Làm được các hạnh lành mà không chấp mình có hành, tu các pháp thiện mà không thấy mình có tu).

 

Đại lược hành giả có tu được đức Xả thì lòng chấp mắc, nhiễm ô không còn, cho đến cái tâm không chấp mắc, ô nhiễm cũng không thấy có.

 

Vô pháp tướng mới là thiệt tướng”.

 

Như đã trình bày Xả là tâm buông xả, là phát tâm cho chúng sanh sự vui vẻ, diệt trừ cái khổ của chúng sanh và giúp họ trong hoàn cảnh nguy khốn. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ sanh lòng hoan hỷ đến mức vô hạn, nhưng chúng ta đừng nên Chấp vào đó - làm xong việc rồi nên quên hết chứ đừng lưu giữ trong tâm thức. Nếu chúng ta Chấp mà không quên được, đó không phải là hạnh nguyện của Bồ Tát. Chúng ta nên có tinh thần “thi ân bất cầu báo” thì mới được xem là người Phật tử chân chánh.

 

Tóm lại, sống trong cõi đời trần tục nhiễm ô, nếu ai cố ôm chặt lòng thù hận chấp nê thì không sao tránh khỏi cảnh lầm than đau khổ. Muốn thoát khổ được vui, con người phải gỡ bỏ những mối dây oán hận, tẩy sạch những vết nhơ ô nhiễm trong cõi lòng mình cho được nhẹ nhàng trong sạch. Phương pháp gỡ bỏ và tẩy trừ ấy là đức Hỷ Xả.

 

Hỷ Xả là vui vẻ tha thứ những lỗi lầm mà người đã phạm đến ta, cũng như vui vẻ bỏ tất cả danh vọng, tài sắc cho đến thân mạng của ta, nếu thấy cần và lợi ích cho chúng sanh. Có tha thứ, lòng ta mới thênh thang, tim ta mới hòa nhịp cùng tim của mọi người, có Xả bỏ, tâm ta mới thanh thoát và an tịnh.

 

Tuy nhiên, Hỷ Xả những oán thù cho lòng được nhẹ lòng thanh thoát, đó là cái vui của phàm nhân. Còn Hỉ Xả những tài, sắc, danh vọng... cho tâm được tự tại, đó là cái vui của bậc Giải thoát. Và Hỉ Xả thân mạng để cứu độ chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh được an lạc, đó là cái vui của bậc Bồ-tát. Người tín đồ PGHH quyết tâm dứt khổ tìm vui, phải tu đức Hỷ Xả theo thứ tự của nó, Hỷ Xả một phần là chúng ta được vui một bậc. Đến khi nào Hỷ Xả toàn vẹn rồi là ta được cái vui cứu cánh. Như vậy, vui và khổ không phải do ai đem đến hay ban cho, mà chính là do ta tự tạo lấy vậy. Và cũng chính vì vậy mà trong mục Chánh Tư Duy (trong bài “Luận về Bát Chánh Đạo”), Đức Thầy kết luận:

 

“Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc Đạo an bần, xả thân tu tỉnh.”

 

Nói chung, một khi nhà tu khi thực hành được bốn đại đức: Từ, Bi, Hỷ, Xả tức chứng được tam giác: tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Ấy là thành Phật tại thế gian vậy./.

 

Nam Mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO

photo_tran_quoc_si_copyright_2-content 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 20241:27 CH(Xem: 710)
Đức Thầy đã dạy: Chúc mừng năm mới, mới buổi qua, Bỏ bớt dị đoan chẳng cúng gà. Tre nêu phơ phất không còn thấy, Ra mắt tiêu mòn buổi thứ ba.
13 Tháng Bảy 20235:40 CH(Xem: 2115)
Ngày 18 tháng 5 âm lịch năm 1939, cách đây đúng 84 năm, tại một ngôi làng nhỏ bé tại miền Tây Nam nước Việt, làng Hòa Hảo, một vị Bồ Tát, một thanh niên vừa tròn 20 tuổi đã khai sáng nên một tôn giáo dân tộc, tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo.
04 Tháng Tư 202311:11 SA(Xem: 2644)
Đồng đạo có điều chi thắc mắc, hay có ý kiến gì để sinh hoạt trong tôn giáo mình được tốt đẹp và hoàn thiện hơn thì nên mạnh dạn lên diễn đàn bày tỏ ý kiến và kính mong quý trị sự viên cũng nên lắng nghe .
23 Tháng Ba 202310:08 CH(Xem: 2512)
Muốn tiếp tục tu tập, cải sửa để hành đạo, ta cần phát triển lòng từ bi, nhưng quan trọng nhất phải có định và huệ.
14 Tháng Mười 202012:11 SA(Xem: 13140)
Do mối liên hệ với Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Nguyễn Trung Trực được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tôn vinh là Thượng Đẳng Đại Thần, trong nghi lễ thờ phượng các bậc anh hùng liệt sĩ của đất nước và mỗi khi cúng lạy đều cầu nguyện oai linh của Ông trong bài nguyện Qui y
05 Tháng Chín 20208:09 CH(Xem: 4755)
Lễ Vu-Lan còn gọi là Vu-Lan bồn, là một lễ lớn của Phật-Giáo. Phật-Giáo Hòa-Hảo của chúng ta cũng phát-xuất từ Đạo Phật , thế nên hằng năm chúng ta cũng tổ-chức ngày lễ nầy.
29 Tháng Ba 20201:12 CH(Xem: 12003)
Phật Giáo Hòa Hảo là một vết dầu loang âm thầm bằng sức mạnh của tình thương và lòng từ thiện. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã thực thi những gì mà Đức Tôn Sư của mình răn dạy. Một miền Tây trù phú, một khối lượng dân tộc đầy nội lực, một sức mạnh âm ỉ ngấm ngầm càng ngày càng được hun đúc trong lòng dân tộc.
25 Tháng Hai 202010:43 SA(Xem: 10574)
Người muốn tu, sửa thật sự, muốn bước vào con đường giác ngộ trong đời sống cần tự phân biệt lúc nào mình tu tập cải sửa và lúc nào mình hành sử sinh hoạt tôn giáo.
26 Tháng Năm 20197:39 SA(Xem: 17172)
Đức bà Lê Thị Nhậm là thân mẫu phần xác thịt của Đức Huỳnh Giáo Chủ và cũng là người đã dầy công nuôi dưỡng phần xác thịt của Ngài từ lúc bé thơ cho đến lúc lập Đạo cứu đời vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939 tại Thánh Địa Hòa Hảo.
26 Tháng Ba 20195:19 SA(Xem: 17607)
Vì non sông đạo pháp đã anh dũng hy sinh nơi chiến khu oanh liệt, trong công cuộc đánh đuổi xâm lăng giữ an bờ cõi, dưới ngọn cờ trung nghĩa của vị anh hùng dân tộc đức độ tài ba. Ngài được tôn xưng là Đức Cố Quản, một đại đồ đệ thứ nhứt, trong thập nhị hiền thủ của Đức Phật Thầy Tây An.
100,000