Chữ Hiếu trong Giáo lý PGHH

15 Tháng Tám 20179:48 CH(Xem: 23181)
Chữ Hiếu trong Giáo lý PGHH

IMG_1658


Bài viết của Nguyễn Văn Hiệp

 

Hằng năm cứ đến ngày trăng tròn tháng 7 âm lịch thì người Phật tử khắp nơi lại hân hoan tổ chức đại lễ Vu Lan, hay còn gọi là mùa “Báo ơn Cha Mẹ”. Ngày nầy bắt nguồn từ sự tích của Ngài Mục-Kiền-Liên cứu Mẹ đã để lại cho hàng Phật tử lấy đó làm tấm gương hiếu tử. Vu Lan là phiên âm theo tiếng Phạn (Ullambana). Người Trung Hoa dịch là "đảo huyền", nghĩa đen là cởi trói người bị treo ngược, chỉ sự khổ đau kinh khủng khi bị đọa sa địa ngục; nghĩa bóng là cứu vớt những kẻ đau khổ nặng nề như đang bị treo ngược.

Theo Phật học Từ Điển của Đoàn Trung Còn:“Vu Lan Bồn là cái chậu cứu nạn treo ngược. Bồn là chữ Hán. Vu Lan nguyên theo tiếng Phạn: Ô lam bà nã (Ullambana), dịch nghĩa là cứu nạn treo ngược. Đây nói gồm cả tiếng Phạn và Hán tức là cái đồ cứu nạn treo ngược: tức hồn người chết bị treo ngược ở cõi âm.

IMG_1106

Tiệc Vu Lan Bồn là tiệc dùng thức ăn để trong cái chậu đem cúng chư Tăng ngày Rằm tháng Bảy để các Ngài nhơn danh Tam bảo, cầu nguyện cho vong hồn người chết khỏi bị đọa ở cảnh địa ngục, ngạ quỷ.

Vu Lan Bồn Kinh (Ullambana sutra) là Kinh do Đức Phật thuyết để cho người ta cầu siêu Ông bà quá vãng và cầu phước cho cha mẹ còn sanh tiền. Kinh nầy thường tụng vào trung tuần tháng Bảy, tức là vào ngày rằm.

Sơ lược Vu Lan Bồn Kinh như sau: Ngài Mục Kiền Liên, đệ tử Phật vừa đắc đạo, nhớ đến công ơn cha mẹ, bèn nhìn xuống cõi âm, thấy mẹ đang bị khổ hình. Ngài dùng thần thông đem cơm xuống cho mẹ, nhưng bà ăn chẳng được. Đức Phật dạy rằng, muốn cứu vớt bà mẹ, phải chờ đến ngày rằm tháng Bảy khi có đủ chư Tăng, Đại đức hội về, nên làm tiệc mà cúng Phật và đãi chư Tăng, nhờ sức lành của các Ngài cầu cho siêu độ vong linh người quá vãng và ông bà, cha mẹ sanh tiền được thêm phước đức. Và Phật khuyên các đệ tử về sau nên giữ lệ cúng Phật, Tăng trong ngày rằm tháng Bảy hằng năm để tỏ lòng hiếu thảo.

Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa cũng đã truyền lại và nhắc nhở cho con cháu của các thế hệ sau này phải lấy chữ “HIẾU” làm đầu, vì công ơn mẹ cha thăm thẳm như trời cao, biển rộng, rực rỡ như mặt trời buổi sáng và tỏa chiếu như ánh trăng rằm, thể hiện qua câu Ca dao:

“Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn Chữ HIẾU mới là đạo con.”

Thật vậy, muốn giữ vẹn đạo làm con thì bất cứ ai hễ là con người thì cũng phải lo tròn chữ HIẾU. Đặc biệt, trong nền luân lý Đông phương nói chung và Việt nam nói riêng, chữ Hiếu được xem là trọng yếu. Như chúng ta đã biết, Hiếu là tình cảm yêu thương tha thiết đậm đà, thiêng liêng cao quý của con cái đối với ông bà cha mẹ được thể hiện qua sự chăm nom, phụng hành và thờ kính…Với quan niệm nầy, chúng ta có thể tìm thấy dễ dàng trong các kinh điển của các Tôn giáo hay trong Lịch sử dân tộc.

Lịch sử Việt Nam có kể chuyện vua Tự Đức biết lỗi dâng roi cho mẹ là Đức Từ Dũ rồi nằm sẵn chịu đòn như sau:

Một hôm, vua Tự Đức ngự bắn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt. Còn hai ngày nữa thì có kị đức Hiến Tổ, mà Ngài chưa ngự về. Đức Từ Dũ nóng ruột, sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đi rước.

Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường, vừa gặp thuyền ngự đương chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối thuyền ngự mới tới bến. Khi ấy trời đang mưa, mà Ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy mẹ xin chịu tội.

Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Ngài lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế tràng kỷ rồi nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, Đức Từ Dũ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng: "Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị".

Hoặc chuyện Ngài Nguyễn Trung Trực một tay vịn đốc kiếm, một tay quạt siêu thuốc cho mẹ còn miệng thì trao đổi kế hoạch hành quân với nghĩa binh, đợi đến khi mẹ hết bệnh mới lên đường hành quân chống giặc Pháp…Quả thật là những tấm gương trung hiếu vẹn toàn, trong sáng. Do vậy, Đức Thầy có dạy:

“Hiếu trung truyện tích sờ-sờ,

Người đời phải biết phượng-thờ mẹ cha."

(Dặn dò bổn đạo)

        Trong các kinh điển Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông đều đề cao công ơn cha mẹ và chữ Hiếu luôn được nhắc nhở trong nhiều bộ Kinh quan trọng.  Kinh Tăng Chi, Phật dạy:"Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được đó là mẹ và cha". Hoặc trong Kinh Đại Tập dạy:"Ở thời không có Phật, thờ kính cha mẹ tức thờ kính Phật". Cha mẹ ở đây đồng nghĩa với Phật, điều đó cho thấy Phật giáo đề cao hiếu đạo tới mức nào.

Như trong Kinh Nhẫn Nhục viết: “Tối cao chi thiện bất như hiếu. Tối cao chi ác bất như bất hiếu.” nghiã là (Điều thiện tối cao không gì bằng hiếu, điều ác tối cao không gì bằng bất hiếu). hoặc trong Kinh Hiếu Tử cũng có ghi: “Nếu chúng sanh không gặp được Phật thì hãy xem cha mẹ như Phật, gần gũi cha mẹ như gần Phật, tôn thờ cha mẹ như tôn thờ Phật, vâng lời cha mẹ như vâng lời Phật, như vậy mới là Hiếu”.

Trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy:" Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng của cải vật chất tiền bạc, thì không bao giờ đủ để đáp đền ân cha mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam bảo, thì khuyến khích cho có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi lòng tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến, cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và đáp đền đủ cho cha và mẹ".

Tuy nhiên, cho dù người con thực hành các công đức lớn lao như trong Kinh đã đề cập thì cũng không trả được ân đức của cha mẹ. Bởi vì người con có làm gì đi nữa, lòng của người con đối với cha mẹ không thể sánh được lòng của cha mẹ đối với con cái, đúng như Ca dao nước ta có câu:" Mẹ thương con như biển Hồ lai láng, con thương mẹ tính tháng tính ngày". Vì vậy, khi đề cập đến công ơn cha mẹ, các Kinh đều cho rằng khó đền đáp nổi, là dựa vào tâm thức của người con đối với cha mẹ có giới hạn. Điều đó là một quy luật tâm lý muôn đời.

Truyện Cổ tích Phật giáo có kể chuyện Thái tử Lai-Đề-Xà là một tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Lúc bị vong quốc ông cùng phụ mẫu bôn đào, giữa đường bị đói khát, ông lóc thịt nuôi mẹ. Trước khi chết, ông còn nguyện hiến bộ xương và gan ruột cho loài côn trùng. Trời Phật cảm động vì tấm lòng hiếu thảo đó, cho xác thân ông bình phục và nhiều kiếp sau thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

IMG_1656

Trong dân gian Việt Nam, có truyện thơ "Nam Hải Quan Âm" rất được ưa chuộng. Đây là truyện một công chúa xuất gia độ thoát cho vua Cha là người rất hung ác, một công chúa ở nước Hùng Lâm bên Ấn Độ nhưng lại sang tu ở núi Hương Tích của Việt Nam. Truyện mở đầu bằng những câu thơ, tóm tắt toàn bộ ý tứ của truyện:

"Chân như Đạo Phật rất mầu,

Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,

Hiếu là độ được song thân

Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.”

Đạo Phật có một quan niệm rất rộng lớn, phóng khoáng đối với hiếu và nhân. Hiếu là độ thoát được Cha Mẹ, hướng dẫn Cha Mẹ thoát khỏi vòng tội lỗi, mê lầm, đến với giới hạnh và trí tuệ. Còn nhân là độ thoát tất cả mọi loài, mọi chúng sanh, hướng dẫn tất cả mọi chúng sanh thoát khỏi vòng tội lỗi và mê lầm đến với giới hạnh và trí tuệ.

Riêng về Phật Giáo Hòa Hảo thì Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khẳng định là Hiếu Nghiã phải đứng đầu trong cuộc sống con người. Trong quyển thứ Sáu giảng về “Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền” Đức Thầy có viết: “Sách xưa có câu: Thiên kinh vạn điển hiếu nghiã vi tiên” (Muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghiã làm đầu). Hôm nay đã quy y đầu Phật tu niệm tại gia, ta hãy cố gắng vưng lời Thầy, Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu nghiã”.

Đức Thầy còn dạy: “Muốn làm xong hiếu nghiã có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn:

1.- Ân Tổ tiên cha mẹ.

2.- Ân Đất nước.

3.- Ân Tam bảo.

4.- Ân Đồng bào và Nhơn loại.”

Đặc biệt, như chúng ta thấy, ân Tổ tiên Cha mẹ được Ngài xếp lên hàng đầu. Nói về Ân Tổ tiên Cha mẹ, Ngài giảng dạy như sau: “Ta sanh ra cõi đời được có hình hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan, trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc; nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ tiên nên khi biết ơn cha mẹ, cũng có bổn phận phải biết ơn tổ tiên nữa.

Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lãng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế ta cần phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bịnh hoạn đau ốm, gây sự hòa hảo trong đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, ta hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân…”

Ngoài ra, rải rác trong Sấm giảng và Thi văn Giáo lý, Đức Thầy đã nhiều lần nhắc nhở bổn đạo của Ngài về bổn phận làm con đối với Ông bà Cha mẹ. Về việc nuôi dưỡng báo đền và lo cho cha mẹ khỏi ốm đau. đói rách, Ngài có dạy (trong Sấm Giảng, Quyển 3&4):

“Cha mẹ là kẻ trọng ân”

Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già.”

            hoặc:

“Nếu ai biết chữ tu trì,

Cha mẹ còn sống vậy thì cho ăn.”

            Hay:

- “Trọng cha mẹ, kính nể Phật Trời,

Đừng nhiều tiếng nghịch ngang mang lỗi.”

- “Vẹn mười ơn mới đạo làm con,

Lúc sanh sống chớ nên phụ bạc”.

Thêm vào đó, chúng ta còn phải tạo hòa khí trong gia đình để cha mẹ hài lòng:

“Ở cho biết nhượng biết tùy,

Vui lòng cha mẹ vậy thì mới ngoan”.

Song song với tấm lòng hiếu kính Ông bà Cha mẹ mà bất cứ người tín đồ PGHH nào cũng có do sự thấm nhuần Giáo lý của Đức Thầy, chúng ta còn phải lo tu hành chơn chất, đó cũng là một trong những cách để đáp đền công ơn đấng sanh thành, dưỡng dục, như trong bài “Giải thoát Cửu huyền”:

                        “Rán tu đắc đạo cứu Cửu huyền,

                         Thoát chốn mê đồ đến cảnh Tiên.

                         Nguyện đáp ơn dày công sáng tạo,

                         Cho ta hình vóc học cơ huyền.”

            hoặc:

“Tu cầu cứu vớt tổ tông,

Với cho bá tánh máu hồng bớt rơi.

Tu cầu cha mẹ thảnh thơi,

Quốc vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.”
(Q.3, Sám Giảng)

            hay trong bài “Cho ông Cò tàu Hảo”:

“Ngày nào đắc được lục thông,

Vớt hồn Cha mẹ, Tổ tông bảy đời.

Về Cực lạc thảnh thơi an dưỡng,

Ấy là ngày ban thưởng công tu.

Chúc cho đó vẹt mây mù,

Vững vàng bất thối công phu vuông tròn.

Đến ngày biển cạn non mòn,

TỨ ÂN đã trả chẳng còn tội căn.”

Đến khi mẹ cha quá vãng, Đức Thầy khuyên tín đồ “chẳng nên rước những ông thầy dưng bông, đốt giấy tiền vàng bạc, xá phướn lầu kho, vì đó là chuyện tốn tiền vô ích.” Trái lại, Ngài dạy chỉ dùng bông hoa, thành tâm cầu nguyện, đem sức khấn vái của anh chị em trong Đạo cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu sanh nơi cõi thọ:

“Bớt bỏ rình rang một khi,

Nếu cha mẹ chết làm y lời nầy.

Là lời truyền giáo của Thầy,

Bông hoa cầu Phật hiệp vầy đi chôn.”

(Q.3, Sám Giảng)

Để báo hiếu, Đức Thầy dạy chúng ta cần phải thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ mỗi sớm, mỗi chiều ngay cả khi cha mẹ còn sống:


“Muốn cho tội lỗi mòn tiêu,

Thành tâm cầu nguyện sớm chiều mới hay.”

Thật vậy, với hai thời cúng lạy mỗi ngày trưóc bàn thờ Cửu huyền Thất tổ và với bài nguyện thiêng liêng của Đức Thầy truyền dạy, người tín đồ PGHH tin tưởng rằng mình đã làm hài lòng phần nào Ông bà Cha mẹ:

“Cúi đầu lạy tạ Tổ Tông,

Báo ơn sanh dưỡng dày công nhọc nhằn.

Rày con xin giữ Đạo hằng,

Tu cầu Tông Tổ siêu thăng Phật đài.

Nguyện làm cho đẹp mặt mày,

Thoát nơi khổ hải Liên đài được lên.

Mong nhờ Đức cả bề trên,

Độ con yên ổn vững bền cội tu.”

Và Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy gương của Mục-Kiền-Liên:

“Mục Liên cứu mẹ bằng nay,

Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi.”

(Q.3, Sám Giảng)

Như đã trình bày ở phần trên, Mục-Kiền-Liên là một cao tăng, sau khi đắc đạo được Đức Phật xác chứng là có phép thần thông. Ngài nhìn xuống cõi âm, chứng kiến cảnh bà Thanh-Đề là mẹ của Ngài bị đọa đày nên đau xót vô cùng, muốn chịu thọ phạt thay mẹ nhưng vì luật Trời nên không thể được. Bà Thanh-Đề trước kia vì là người hung ác, bất nhân lại dám phỉ báng, khinh miệt cả Trời Phật, Thánh Thần nên đến khi chết bị đọa vào địa ngục chịu những hình phạt về những tội lỗi mà Bà tạo ra lúc còn trên dương thế.

Vì quá thương mẹ, Mục-Liên đã đến yết kiến Đức Phật để xin cứu độ cho mẹ mình. Phật dạy Ngài muốn cứu vớt mẹ nên đợi đến ngày Rằm tháng Bảy khi có đủ chư Tăng, Đại Đức tựu về mở hội Vu Lan bồn để tụng kinh, bố thí giải tội cho mẹ. Theo y lời Phật dạy, đúng ngày Rằm tháng Bảy, Ngài lập trai đàn, tụng kinh và bố thí cho chúng sanh rất thành tâm kính cẩn. Với lòng hiếu thảo chí thành, chí khẩn của Mục-Liên hợp với lòng từ bi của chư Tăng đạo cao đức trọng thành tâm chú nguyện và ơn lành vi diệu của chư Phật đã giúp cho vong hồn bà Thanh-Đề siêu thoát. Chính vì cái gương hiếu hạnh của Ngài Mục-Liên mà ngày hội Vu Lan Bồn cũng được gọi là ngày Báo Hiếu.

Mỗi năm cứ đến ngày Rằm tháng Bảy âm lịch là các chùa chiền đều tổ chức Lễ Vu Lan để Phật tử đến cúng dường, cầu nguyện cho vong linh ông bà, cha mẹ quá vãng siêu thoát và các bậc hiện tiền tăng long phước thọ. PGHH phát xuất từ Phật giáo nên người tín đồ cũng long trọng tổ chức ngày lễ Báo Hiếu nầy. Tuy nhiên, người tín đồ PGHH không phải đợi đến ngày nầy mới cầu nguyện cho Ông bà Cha mẹ mà họ đã hành trì mỗi ngày theo Giáo Lý của Đức Thầy trước ngôi Tam Bảo qua bài Ngũ nguyện:

- Nam mô nhị nguyện cầu: Cửu Huyền Thất Tổ Tịnh độ siêu sanh.

- Nam mô tam nguyện cầu: Phụ mẫu tại đường tăng long phước thọ, phụ mẫu quá khứ trực vãng Tây phương.

Tóm lại, theo như lời Phật dạy:“Là Phật tử, không một ai là không nghĩ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện thời và ông bà tổ tiên trong quá khứ để tìm cách cứu độ và chuyển hóa. Nếu chỉ cung phụng dưỡng nuôi vật chất đầy đủ mà linh hồn đọa lạc thì quả là một điều thiếu sót lớn lao.”

Vì vậy, người tín đồ PGHH phải lo tu hành, hiểu Đạo đức, rõ thông Luật nhơn quả chúng ta mới không làm điều sái quấy tổn thương đến danh giá gia đình, làm hại linh hồn Ông bà Cha mẹ. Hơn nữa, nhờ có tu hành ta mới giúp Ông bà Cha mẹ được mau siêu thoát và như thế việc báo hiếu của ta mới có thể lo tròn. Trong Q.5, Khuyến Thiện, Đức Thầy có nhắc:

“Hiếu-trung lòng chớ vội quên,

Sống lo trọn Đạo, thác lên Tiên-Đài."

Ngoài ra, trong việc báo hiếu để đền đáp công ơn biển trời của Ông bà Cha mẹ, Đức Thầy dạy ta nên nghĩ đến cái gì thiết thực, hữu ích giản dị hóa những cổ tục, bỏ những điều dị đoan, mê tín, những quan niệm sai lầm thay vì để báo hiếu, chúng ta lại làm hại cho vong hồn người quá vãng:

“Luận xem thế-sự thấp cao,

Khuyên dân hãy bớt làm màu hiếu-nhi.”

(Q.3, Sám Giảng)

Đồng thời, Ngài dạy chúng ta phải phụng thờ, nuôi dưỡng Ông bà, Cha mẹ khi còn sống và khi Ông bà, Cha mẹ qua đời hãy tu cầu cho linh hồn các vị nầy được siêu thăng nơi miền Phật cảnh.

Đặc biệt, trong bài “Báo Hiếu đạo nhà” sau đây, Đức Thầy còn chỉ rõ cho chúng ta về cách cúng giỗ cho những người quá vãng, sao cho đúng với Giới luật và phù hợp với hoàn cảnh của người tín đồ đang tu hành chơn chánh. Và như vậy mới thật là những việc đáng làm của một người con hiếu thảo theo Giáo lý của Ngài tức là Giáo lý PGHH vậy:

 "Quảy đơm cúng tế lệ xưa nay,

Sát vật trâu heo đứa mị bày.

Kẻ mất cho ăn suy khó hiểu,

Người còn bạc đãi lạ lùng thay.

Cháu con báo hiếu theo nhà Phật,

Cha mẹ qua đời thủ lễ chay.

Trong sạch nghĩa nhân vầy mới đáng,

Hồn linh siêu thoát nhẹ cao bay."

Nam mô A Di Đà Phật ! 


IMG_1655


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Giêng 201910:19 CH(Xem: 21720)
Trên mười năm nay cứ mỗi độ Xuân về Khối Tín Đồ PGHH thành kính nhớ ơn những bậc tiền bối, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Đạo Pháp, cho dân tộc.
25 Tháng Mười Hai 201810:23 CH(Xem: 17743)
Châu Lang: Gần một thế kỷ trôi qua, theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi độ Đông tàn tiết trời trở nên se lạnh, hầu hết tín đồ gần xa khắp mọi miền đất nước và đồng đạo hải ngoại đó đây rất hân hoan náo nức,như có sức vô hình thôi thúc tâm hồn ngưỡng vọng dâng cao, hướng về vùng Thánh Địa linh thiêng, hưởng ứng Đại Lễ Kính Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ.
19 Tháng Mười Hai 20185:13 SA(Xem: 16273)
Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức: Vi khuẩn (bacteria) là những vi sinh vật đơn bào, sinh sản vô tính bằng cách phân chia nhân đôi tế bào. Còn virus là những “hạt” rất nhỏ, có khả năng sinh sản nhưng chỉ tồn tại được ở trong tế bào sống
04 Tháng Mười Hai 201811:43 CH(Xem: 15234)
Lễ Tạ ơn đầu tiên theo truyền thống đã được diễn ra tại khu vực của “Thuộc địa Plymouth”, khoảng thế kỷ 16, 17 của một tộc người Pilgrim thuộc Anh Quốc.
06 Tháng Mười Một 20189:48 SA(Xem: 17540)
Lê Yến Dung: Mỗi năm cứ vào ngày 21 Tháng Chín, mọi người như một, đều không quên một sự kiện lịch sử trọng đại, con đường chính trị mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã cống hiến cho đất nước Việt Nam. Đó là việc Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đề xướng thành lập: Đảng chính trị “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.”
06 Tháng Mười Một 20189:37 SA(Xem: 19223)
Nguyễn Bá Thế: "Ngẫm suy tường tận, tinh thần và phong thái của Đức Huỳnh Giáo chủ qua thi văn Sấm giảng của Ngài, thật phải nhận Ngài là hoạt Phật, là nhà cách mạng ái quốc chân chính, là một thi nhân có một tâm hồn trác luyện tuyệt vời …."
24 Tháng Tám 20182:07 SA(Xem: 15536)
Hằng năm cứ mỗi độ thu về, mọi người đều háo hức đón chào ngày lễ “Vu Lan Bồn”, noi theo sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ.
23 Tháng Sáu 20185:36 SA(Xem: 16290)
Ngày 18 tháng 5 âl là ngày tràn ngập niềm vui, là ngày hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cùng hòa nhịp con tim, hàng hàng lớp lớp lũ lượt về Thành Đô Đạo Đức. Đó là Thánh Địa Hòa Hảo (sảnh đường Kim Sơn Phật),
04 Tháng Sáu 20182:31 CH(Xem: 24101)
Theo thầy Tâm Thành trong ngũ ấm chỉ có sắc ấm là có hình tướng và có giới hạn, còn thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm không có hình tướng và không có giới hạn.
18 Tháng Ba 20189:49 CH(Xem: 44615)
Châu Lang: Quyển Kim Cổ Kỳ Quan là phẩm kinh chín bổn được Ông Ba Nguyễn Văn Thới sáng tác, chia thành hai đợt trong vòng 12 năm, (từ 1907 đến 1919) viết cách nay trên dưới 100 năm.
100,000