SỨC MẠNH CỦA ĐẠO – Lễ Khánh Thành Dinh Ông Thẻ Số 4

19 Tháng Tư 20172:56 CH(Xem: 21687)
SỨC MẠNH CỦA ĐẠO – Lễ Khánh Thành Dinh Ông Thẻ Số 4
12 Quan The So 4 Cong Vao Den Tho
 Hình 1: Cổng vào Đền Thờ Ông Thẻ số 4 trấn cái Ếm của quân Tàu


 
Lễ Khánh Thành Dinh Ông Thẻ Số 4

Lê Minh Triết

(Cựu Tù Nhân Phật Giáo Hòa Hảo)

 

           Nghe tin Ông Thẻ số 4 được phép xây cất ngôi thờ tôn nghiêm tôi mừng vô hạn, định sẽ đến tận nơi xem hư thực thế nào. Nhân dịp Lễ kỷ niệm cúng giỗ Đức Cố Quản Cơ Trần Văn Thành ngày 21 – 22 tháng 2 âl năm 2017, ban tổ chức xây cất ngôi tôn nghiêm Ông thẻ số 4 làm lễ khánh thành ngay ngày cúng giỗ nói trên.

 

Từ vùng Cù Lao Ông Chưởng, 6 giờ 30 sáng ngày 21 tháng 2, tôi lên đường chỉ một xe một người thôi; tôi điều khiển xe chạy thẳng một mạch tới đền thờ Ông thẻ số 4 thuộc tỉnh Kiên Giang lúc mới 9 giờ 30. Đáng lẽ tôi phải đến sớm hơn nửa giờ nhưng trên đường bị kẹt xe từ trước chợ cầu số 5 đến gần cầu số 6.

  

           Từ chợ cầu số 5 ra dinh Đức Cố Quản vùng Bảy Thưa có khoảng từ hai đến ba ngàn mét, lúc quân binh Gia Nghị rút hết về vùng Bảy Thưa lập chiến khu chống Pháp, Đức Cố Quản đặt tại đây cơ sở đúc chế súng đạn. Cũng vì di tích lịch sử nầy, hằng năm ngày giỗ cúng Ngài, bà con từ các nơi xa gần dồn về dâng hương kính bái, tham quan khu vực đúc chế súng đạn, khiến cho con lộ lớn liên huyện Tri Tôn và Châu Thành An Giang, xe và người bị kẹt cứng như nêm.

 

  Trong khi đó, trên dưới cầu số 5 có hai giao lộ bên nầy bên kia kênh Xáng thẳng ra dinh Đức Cố Quản, xe chạy nối đuôi thế mà không đủ sức rút thưa khách, giống như nước chảy chưa ra được bao nhiêu thì nước khác cứ châm vô hoài, đầy mãi. Xe hơi nhỏ lớn, xe mô tô… Tôi lọt vô vòng có lúc không nhút nhít được; bấy giờ công an địa phương phối hợp với công an giao thông hì hục công tác cho mở đường bằng cách đi dẹp những chiếc xe hai bánh của những chủ nhà đậu sát lề đường. Chiếc xe nào cũng bị đẩy vào trong nhà, những tấm bảng treo sát đường đề tên hiệu tiệm, buôn bán, sửa xe v.v.. có thể khuân vác được thì vác vào nhà, nhờ thế làm trống làn đường nhỏ sát bên trong, xe hai bánh thoát ra được thì xe hơi mới nhút nhít được.

 

           Tôi và những người đi xe không ghé viếng dinh Đức Cố Quản ở Bảy Thưa, thoát được chạy miết về Giồng Cát.

 

           Tưởng cũng nên nói, ngày chánh cúng giỗ Đức Cố Quản là ở vùng nhà láng “Bửu Hương Tự” nhưng tất cả những gì có liên quan đến hành nghiệp của Ngài như vâng lệnh Đức Phật Thầy Tây An đem 4 cây thẻ đi cắm ở 4 góc núi Cấm để trấn ếm cái ếm của quân Tàu thì các dinh Ông thẻ đều tổ chức cúng lớn cùng ngày. Khách lên đường kính bái Ông thẻ số 1, số 2, số 3 cũng thấy đông nghẹt xe người như vậy thôi.

 

           Lịch sử dân tộc Việt Nam có ghi: Đức Cố Quản là một tướng tài chống giặc Pháp, trung với nước, hiếu với dân. Khi đất nước bị rơi vào tay giặc, Ngài không chịu buông súng đầu hàng, kéo binh vào vùng Láng Linh, Bảy Thưa nơi rừng rậm sình lầy ém quân chờ thời cơ phục quốc. Thêm một điều, dân đi cúng bái kể cả Ban tổ chức đều là người đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, thức ăn đãi khách hành hương đều nấu chay. Ta có thể đặt câu hỏi không? Tại sao người đạo trường chay lại đi thờ cúng một vị tướng quân đánh giặc cứu nước?

 

           Là một vị tướng lãnh, nhưng Đức Cố Quản đã quy y với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, là một trong 12 Đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An. Theo quyển “Thất Sơn Mầu Nhiệm” của hai Ông Dật Sĩ và Nguyễn văn Hầu, thì cụ Quản cơ Trần văn Thành quy y với Đức Phật Thầy rất sớm, lúc Phật Thầy đang phát phù trị bệnh cho bá tánh ở vùng Xẻo Môn. Đức Phật Thầy bận lo trị bệnh cho dân làng, ngài Quản Cơ đến, ở chờ đợi ba ngày Đức Phật Thầy mới kêu cho thọ pháp quy y.

 

           “Khi Đức Phật Thầy bị dời về An Giang, rồi vào núi Sam, Ngài thu xếp nhà cửa và giao hết ruộng vườn (hầu hết đất ở làng Bình Thạnh Đông hồi ấy là của Ngài) lại cho Nguyễn văn Dõng (tục gọi là ông Tham Dõng) là người thân tộc rồi bỏ làng ra đi, theo đường đạo hạnh.

 

           Có lúc Đức Cố Quản đem cả gia cư lên núi Doi, và về sau Ngài được Đức Phật Thầy giao cho trọng trách đi cắm bốn cây thẻ quanh vùng Thất Sơn, cùng trở về coi sóc trại ruộng Bửu Hương Các ở Láng Linh.

 

           Trên đường hành đạo, có thể nói Ngài đạo đức rất cao siêu, có được nhiều bí pháp chân truyền của Đức Phật Thầy truyền dạy. Cái áo lá dà và một cây cờ dà mà lúc nào người ta cũng thấy Ngài không rời xa, ấy là những bảo vật mà Ngài đã được Đức Phật Thầy huệ tứ trong khi sắp dấn thân vào vòng tên đạn để phục vụ cho nước, cho dân vậy”.

 

           Sách xưa có câu “Sanh vi tướng, tử vi thần” (sống làm Tướng, thác thành Thần). Đức Cố Quản lúc sanh tiền làm Tướng, nên khi thác thành Thần là đương nhiên.  Đất nước Viết Nam có biết bao là tướng là thần, ta thấy rõ ràng lễ cúng các vị thần khác, về hình thức không giống như ngài Đức Cố Quản… Từ ý thức đó, người dân có đạo đến cúng bái Ngài với sự kính trọng một bậc tu hành, đệ tử Đức Phật Thầy Tây An, cúng đãi ăn toàn là món chay như cúng một vị chơn sư đắc đạo.

           Nơi Dinh Ông Thẻ số 4 được giống như ở giữa đồng mọc lên một đền thờ. Đền thờ không rộng lắm, trong đó thờ 3 ngôi: Ngôi tổ Hùng Vương, ngôi Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực, ngôi thờ Quan Thẻ số 4. Bài vị đặt trước ngôi thờ đề vậy nhưng khi đọc tiểu sử thì nói ròng về sự nghiệp chống Pháp của Đức Cố Quản.

 

Hôm nay các nhà mạnh thường quân trong đạo đã tự động chở vật liệu tới để dựng lên những căn rạp tiền chế với bàn ghế, gạo, rau trái, nước tương, tàu hủ, bếp lò đầy đủ. Thật là trăm ngàn khó khăn đối với các vị từ xa đến dựng trại đãi cơm miễn phí. Như trại cơm của ông sáu Nhiều, phải hai, ba chiếc xe tải mới chở đủ đồ chuyên dùng.

 

Đền thờ Quan thẻ số 4 ở giữa đồng xa, ước chừng 10 cây số xe tải không thể đi được, phải đậu ngoài đường kênh T4 cho nhiều chiếc trẹt len vào. Một đội ngũ sức lực vác đồ từ trên xe tải xuống trẹt chạy hết kênh xuôi qua kênh ngang đoạn xa xa trẹt ghé lại, đội ngũ sức lực nói trên vác hết đồ đạc dưới các trẹt lên chất trên xe máy cày chạy khoảng một cây số nữa mới tới điểm nấu ăn. Thiệt là năm ngăn bảy nắp, nếu không phải có tấm lòng vàng với đạo, với Đức Cố Quản, một ngăn một nắp cũng không làm nỗi chứ đừng nói chi là năm ngăn bảy nắp, chịu cực chịu khổ như vậy.

 

11 Ong The so 4 Nguoi Tham Vieng Den10 Ong The so 4 Xe Dau Ngoai Dong 

Hình 2: Không còn chỗ đâu xe nên phải đậu ngoài đồng sình lầy

 

           Đối diện phía trước đền thờ có một khu vườn rộng trồng xoài và dừa, xe ai đến trước thì được đậu trong vườn có bóng cây che mát mẻ, đến như tôi về sau chịu phiền đậu xe ngoài khu đất rạ sình lầy.

 

           Nhìn đền thờ tôi vui mừng cảm động muốn ứa nước mắt. Nhớ lại năm 2003 tính đến nay 2017 thời gian trải dài đến 14 năm. Thuở đó đất địa ở đây chưa có đường đi, đồng cỏ hoang vu, vì muốn tìm hiểu những điều chỉ nghe nói, chúng tôi vài người rủ nhau tìm Ông thẻ số 4, đi thí tới đâu thì tới. Lần đó may mắn gặp quý bà con ở địa phương tốt bụng, đưa chúng tôi từ con kênh T4 vào khu vực Giồng Cát bằng chiếc tắc ráng. Nhưng chỗ Ông thẻ số 4 đâu phải cập bờ xáng kênh ngang, chúng tôi phải lội thí lên đất hoang lâm chưa ruộng lúa khoảng tương đối một cây số; có khi đi trên sình lún, có lúc lội nước tới gối, tới háng.

 

Mệt mỏi lắm chúng tôi mới lên được Giồng Cát, nơi gọi Ông thẻ số 4, lúc đó chỉ là một nền đất trống chưa có cây Bồ Đề trước sân như hiện giờ. Chỗ để lư hương đặng cúng bái thì lư hương đã bị kẻ ác đến đập bể, liệng thành một đống vụn, tôi ước chừng, nếu lấy thúng giạ hốt đựng chắc phải hai thúng đầy. Bên cạnh có mấy tấm thiếc nằm ngổn ngang đen đúa với một đống tro than, có những khúc cây cột bị lửa đốt tách văng ra ngoài vùng cháy còn lại làm chứng.

           Sau nầy tôi hỏi thăm một số đồng đạo có đến đây trước tôi, về tình trạng đập lư hương, đốt nhà thờ, họ nói: không biết ai đâu chơi ác, từ nhiều năm qua, bà con có đạo, biết sự tích Ông thẻ, xứ Giồng Cát là nơi Đức Cố Quản vâng lệnh Đức Phật Thầy Tây An đến đây cắm Ông thẻ số 4. Bà con mang nhang đèn lư hương đến lập nơi thờ cúng. Họ đặt lư hương, thắp nhang cúng rồi về thì vài hôm sau có số người khác len lỏi vào lễ bái. Họ nói vượt khoảng 7 cây số đường đồng đến cúng bái thì chiếc lư hương của người mua mấy ngày trước đã bị đập bể manh mún. Thấy vậy người ta vẫn tiếp tục mua lư hương mới rồi cũng bị đập nữa. Đập mua, đập mua… cái cảnh kẻ sắm để cúng bái, người phá hoại nơi thờ phượng cứ tiếp tục mấy mươi năm , nhưng người biết đạo luôn kiên trì vẫn sắm cái mới và tiếp tục cúng viếng.  

 

           Nhà để thờ, cũng không biết bao nhiêu lần quân ác đến đốt. Tôi được vài người địa phương cho biết, cách nay khoảng hai hay ba năm, tại nơi nhà thờ bị đốt, con trai của ông chủ đất cưới vợ, cho cất nhà ở riêng, một căn nhà gỗ tạp sơ sài, vách dừng và lợp toàn bằng lá dừa nước. Cất xong, đôi vợ chồng trẻ ấy mang đồ đến ở thì suốt đêm họ đều không chợp mắt vì thấy các binh tướng rần rộ ngoài sân, trong nhà, có một vị quan lớn kêu đôi vợ chồng trẻ dời đi chỗ khác mà ở. Sáng lại, sau một đêm kinh hoàng, đôi vợ chồng trẻ nầy cuốn gói. Nhà trống, ông chủ đất kêu cho đồng đạo trưng dụng làm chỗ thờ phượng. Sau khi lập bàn thờ lên để cúng bái thì không bao lâu cũng bị đốt.

 

           Thấy chuyện cứ bị đập phá như vậy mãi, đồng đạo cũng có đôi người đứng ra xin phép với chánh quyền địa phương, nhưng phía nhà nước không ký nhận. Vài năm trở lại đây, có tin rằng muốn cất ngôi thờ với chính danh là không được, đề nghị phối hợp với BTS / PGHH địa phương, cất ngôi thờ Ông thẻ trá hình, ngoài dựng bảng BTS đỡ đầu về mặt pháp lý, còn bên trong thì coi đây là đền thờ Ông thẻ số 4, bá tánh tới với thâm tâm kính bái di tích không bị khó khăn về mặt an ninh. Đây chỉ là hướng giải pháp tạm thời cho những người có tâm nôn nóng, nhưng rốt cuộc giải pháp không khả thi vì qua thăm dò ý kiến của bà con đồng đạo các nơi phần nhiều không đồng ý sự vay mượn như vậy, phải có một đền thờ danh chánh ngôn thuận.  

 

           Từ đó trong đạo âm thầm lựa người đứng mũi chịu sào cử đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xin phép xây cất ngôi thờ Ông thẻ số 4, nhờ vận động bền bỉ việc xin phép mới được kết quả như ngày hôm nay.

 

Cuộc lễ cúng đền thờ Ông thẻ số 4 năm đầu tiên khá hoành tráng, có quý vị cơ quan nhà nước tham dự, nhiều công an đến giữ trật tự an ninh cho bà con dự lễ giữa cánh đồng vắng vẻ nầy.

8 Ong The so 4 Ban Tho Duc Co Quan
Bàn thờ Đức Cố Quản


           Từ khởi sự bị đập bể lư hương đến đốt nhà thờ, nếu tính ra thì chắc là nhiều năm nhiều vụ việc lắm. Đến nay, những vị xưa cố theo đuổi mục đích tín ngưỡng, nhiều lần mua lư hương, sắm nhang đèn, cất lại những nhà thờ bị đốt, không biết giờ đây ai còn ai mất. Nếu còn, nhìn thấy ngôi thờ khang trang chắc quý vị mừng lắm. Những vị đã chết thiêng chắc cũng thấy được sự nhiệm mầu của tôn giáo, sắp đặt qua sức kiên trì của nhà đạo, tín đồ; quý vị đã xây lên viên gạch đầu tiên để cho người đến sau tiếp tục chất lên thành.

 

           Tôi cúi mình trước Ban tổ chức xây cất đền thờ, Ban tổ chức cuộc lễ, Ban tổ chức đãi ăn và quý nhân viên phục vụ cho tổ chức xây cất, tổ chức cuộc lễ, tổ chức đãi ăn, nhờ quý vị làm hết sức mình mới có sự thành công rực rỡ thế nầy. Tôi là một trong số người đến vùng địa linh nầy hồi thuở hàn vi như đã nói trên, xin đại diện những anh, chị, em của thời xa xưa ấy, chân thành bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đến tất cả quý vị.

 

LÊ MINH TRIẾT (25/3/2017)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Sáu 20197:09 SA(Xem: 15358)
KÍNH đức TÔN SƯ rãi pháp mầu MỪNG cho nhân loại khắp đâu đâu ĐẠI ân khó lấy gì đem sánh LỄ bái y hành nguyện một câu
26 Tháng Năm 20197:39 SA(Xem: 17039)
Đức bà Lê Thị Nhậm là thân mẫu phần xác thịt của Đức Huỳnh Giáo Chủ và cũng là người đã dầy công nuôi dưỡng phần xác thịt của Ngài từ lúc bé thơ cho đến lúc lập Đạo cứu đời vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939 tại Thánh Địa Hòa Hảo.
23 Tháng Năm 20199:23 CH(Xem: 14913)
Chú Năm họa sĩ Cao Hoàng Sao, nằm êm niệm Phật khoảng 30 phút. Tới 2 giờ 45 phút xuôi tay niệm Phật nhẹ nhàng rồi ra đi. Chú hưởng thọ được 62 tuổi.
12 Tháng Năm 20197:02 SA(Xem: 17392)
Năm nay kỷ niệm lần thứ 93 ngày viên tịch Đức Ông Ba Nguyễn Văn Thới, cũng được tổ chức tưng bừng náo nhiệt, rực rỡ hoa đèn, ngạt ngào hương hoa phẩm vật quí hiếm, với tất lòng thành dâng lên hiến lễ tri ân bậc “Vĩ Nhân Đạo Đức” đã suốt đời tận tụy gian lao.
12 Tháng Tư 201910:37 SA(Xem: 13542)
Đức Thầy cho biết trong thời gian Ngài vắng mặt, tín đồ phải chịu nhiều gian lao thử thách cam go, cũng là lúc lọc lừa coi "Ai thiệt tánh ai người giả đạo", "Ai thảo hiền ai lỗi đạo nhà".
26 Tháng Ba 20195:19 SA(Xem: 17370)
Vì non sông đạo pháp đã anh dũng hy sinh nơi chiến khu oanh liệt, trong công cuộc đánh đuổi xâm lăng giữ an bờ cõi, dưới ngọn cờ trung nghĩa của vị anh hùng dân tộc đức độ tài ba. Ngài được tôn xưng là Đức Cố Quản, một đại đồ đệ thứ nhứt, trong thập nhị hiền thủ của Đức Phật Thầy Tây An.
28 Tháng Giêng 201910:19 CH(Xem: 18565)
Trên mười năm nay cứ mỗi độ Xuân về Khối Tín Đồ PGHH thành kính nhớ ơn những bậc tiền bối, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Đạo Pháp, cho dân tộc.
25 Tháng Mười Hai 201810:23 CH(Xem: 15316)
Châu Lang: Gần một thế kỷ trôi qua, theo thông lệ hằng năm, cứ mỗi độ Đông tàn tiết trời trở nên se lạnh, hầu hết tín đồ gần xa khắp mọi miền đất nước và đồng đạo hải ngoại đó đây rất hân hoan náo nức,như có sức vô hình thôi thúc tâm hồn ngưỡng vọng dâng cao, hướng về vùng Thánh Địa linh thiêng, hưởng ứng Đại Lễ Kính Mừng Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ.
19 Tháng Mười Hai 20185:13 SA(Xem: 13819)
Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức: Vi khuẩn (bacteria) là những vi sinh vật đơn bào, sinh sản vô tính bằng cách phân chia nhân đôi tế bào. Còn virus là những “hạt” rất nhỏ, có khả năng sinh sản nhưng chỉ tồn tại được ở trong tế bào sống
04 Tháng Mười Hai 201811:43 CH(Xem: 12791)
Lễ Tạ ơn đầu tiên theo truyền thống đã được diễn ra tại khu vực của “Thuộc địa Plymouth”, khoảng thế kỷ 16, 17 của một tộc người Pilgrim thuộc Anh Quốc.
100,000