Nguyễn-Thành-Long
(trích Tập san Tinh Tấn số 21)
Ngày 25 tháng 11 âm-lịch năm Kỷ-Mùi (15-01-1920), một hài-nhi ra đời tại Miền Nam nước Việt, và 19 năm sau đó trở thành Giáo-Chủ của một tôn-giáo lớn. Đó là Đức Huỳnh Giáo-Chủ, người đã khai-sáng nền Đạo Phật-Giáo Hòa-Hảo, một nền Đạo dân-tộc đã tạo ra những đổi thay lớn-lao trong xã-hội Miền Nam Việt-Nam và đóng một vai-trò quan-trọng không những trong sinh-hoạt tín-ngưỡng mà còn trong lịch-sử đấu-tranh nước nhà
Vậy Ngài là ai? Vì sao hóa-hiện xuống trần? Tiền-kiếp, đạo-quả, sứ-mạng và vĩ-nghiệp hoằng-hóa của Ngài như thế nào để dược tôn-vinh là một vị Giáo-Chủ siêu-phàm quán-thế ở cái tuổi còn quá-trẻ (19) trong quá-trình lập-giáo của nhân-loại? Đó là những câu hỏi không chỉ các bậc thức-giả đang chú tâm tìm giải-đáp mà chính tín-đồ PGHH chúng ta cũng cần thấu-triệt.
Đức Huỳnh Giáo-Chủ thế-danh là HUỲNH-PHÚ-SỔ, giáng-sanh tại làng Hòa-Hảo, quận Tân-Châu, tỉnh Châu-Đốc, Việt-Nam. Ngài là trưởng-nam của Đức Ông Huỳnh-Công-Bộ và Đức Bà Lê-Thị-Nhậm, một gia-đình trung-lưu nhiều phúc-hậu và uy-tín với nhân-dân địa-phương. Thuở nhỏ vừa học hết bậc Tiểu-học thì bị đau ốm liên-miên nên Ngài phải rời nhà trường về dưỡng bịnh. Từ 15 tuổi trở đi, Ngài không lúc nào dứt được tình-trạng đau yếu và cũng không một lương-y nào trị được.
Năm 1939, sau khi hướng-dẫn thân-phụ đi viếng các am động miền Thất-Sơn và Tà-Lơn, những núi non hùng-vĩ ở Miền Tây Nam-Việt, Ngài hoắc-nhiên tỏ ra đại-ngộ và ngày 18 tháng 5 năm Kỷ-Mão (1939), Ngài chính-thức mở Đạo.
Sự xuất-hiện của các vị giáo-chủ cũng là một hiện-tượng từng xảy ra nhiều lần trên thế-giới và trong lịch-sử nhân-loại. Cứ mỗi khi có một nơi nào trên trái đất lâm cảnh tai-ương thảm-họa, bá-tánh điêu-linh khổ-não, thì có một Đấng Cứu-thế giáng-trần để tế-độ sanh-linh.
Thời Xuân-Thu Chiến-Quốc, 2566 năm trước đây, xã-hội Trung-Hoa loạn-lạc, trật-tự rối-ren, các nước đánh nhau liên-miên gieo đau thương tang-tóc khắp nơi, khiến dân-tình khốn-khổ, luân-lý suy-đồi, cang-thường đảo lộn. Chính lúc đó Đức Khổng-Tử ra đời, lấy nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mà dạy con người, lấy cương-thường mà hạn-chế nhân-dục để giữ trật-tự xã-hội cho bền vững.
Cùng thời, xã-hội Ấn-Độ phân-chia đẳng-cấp trầm-trọng, tà-đạo hoành-hành, tín-ngưỡng hỗn-loạn, tâm-trí con người đảo-điên, Đức Thích-Ca đã xuất-hiện đem ánh Đạo nhiệm-mầu soi sáng thế-gian, ban rải đức Từ-bi Bác-ái cứu vớt chúng-sinh.
Hơn 500 năm sau đó, trong một xã-hội Trung-Đông rối-loạn, hung ác và tội lỗi, Đức Chúa Jésus đã giáng-sinh, đem tình thương, công-lý giải-thoát con người, và treo gương hy-sinh cao-cả trên thập-tự-giá để cứu-rổi nhân-loại.
Và cũng tương-tự như vậy, Việt-Nam vào đầu thế-kỷ 20 ở trong một tình-trạng xã-hội băng-hoại, thế-đạo suy-vi, nhân-tâm ly-tán, thảm-họa chiến-tranh lan tràn. Mặt khác, đất nước bị đặt dưới sự đô-hộ nghiệt-ngã của Pháp, khiến cho cả một dân-tộc phải điêu-linh thống-khổ, chịu nỗi áp-bức bất-công, văn-minh vật-chất, phù-phiếm xa-hoa nơi đô-thị chỉ là cái vỏ hào-nhoáng bề ngoài của một thiểu-số giàu có, uy-quyền thế-lực, còn lại đa-số dân-chúng, đặc-biệt nơi vùng nông-thôn bùn lầy nước đọng, sống trong nghèo đói cơ-cực. Trong hoàn-cảnh đau thương đen tối đó, Đức Huỳnh Giáo-Chủ lâm-phàm lập Đạo cứu nước cứu dân.
Đản-sanh bình-thường như chúng-sinh , không có điềm lạ ứng-hiện như Đức Phật Thích-Ca, cũng không có thiên-sứ báo tin như Đức Chúa Jésus, nhưng Đức Huỳnh Giáo-Chủ chính thực là một Đấng Cứu-Thế giáng-trần. Điều nầy được Ngài tiết-lộ trong bài Sứ-Mạng do chính Ngài thủ-bút:
(...Thiên-Tào đà xét định, khắp chúng-sinh trong thế-giới trong cái buổi Hạ-Nguơn nầy, say mê vật-dục, chìm đắm trong biển lợi-danh, gây nên nghiệp-quả, luật Trời đà trị tội xét kẻ thiện-căn thì ít, người tội ác quá nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ-bi cùng các Chơn-Tiên lâm-phàm độ-thế, trước ra công cứu khổ, sau chỉ rõ cơ-huyền... Ta là một trong các vị cứu đời ấy...”.
Và Ngài giáng-hạ tại Việt-Nam là do cơ-duyên Thiên-Đình phân-định “Ai liễu đạo nơi quốc-độ nào thì cũng phải trở về quốc-độ ấy mà trợ-tế nhân-dân...” vì các tiền-kiếp của Ngài vốn là người Việt, sinh-cư trên đất Việt:
“...Sinh trong vòng đất Việt-Nam nầy, trải qua bao kiếp trong địa-cầu lăn lộn mấy phen, tùy cơ-pháp chuyển kiếp luân-hồi ở nơi hải-ngoại để thu-thập những điều đạo học kinh-nghiệm huyền-thâm, lòng mê-si đã diệt, sự vị-kỷ đã tan mà kể lại nguồn-gốc phát-sanh, trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh-cư nơi đất Việt. Những tiền-kiếp dầu sống cũng là dân quan dất Việt, dầu thác cũng quỉ thần đất Việt chớ bao lìa...”.
Do đó, đối với tín-đồ PGHH, Ngài là một vị Phật hóa-hiện qua nhiều tiền-kiếp với sứ-mạng cứu dân độ thế:
“Ta thừa vưng sắc-lịnh Thế-Tôn,
Khắp hạ-giái truyền khai Đạo-Pháp...”
“Ta thương đời len-lỏi xuống trần,
Đạo vô-vi của Phật ân-cần,
Nối theo chí Thích-Ca ngày trước...”.
Ngài đem ánh đuốc Từ-bi huyền-diệu của Đạo mầu soi đường cho lớp người cùng khổ thiệt-thòi nầy, dẫn dắt họ ra khỏi đêm tối triền-miên để đến với Phật-Pháp:
“Khai ngọn đuốc Từ-Bi chí thiện.
Tìm con lành dắt lại Phật-đường...”.
Ngài đã cứu vớt họ khỏi bể trầm-luân, khiến cuộc sống lầm-than vô-vọng, không có ngày mai trở nên có ý-nghĩa, an lạc. Ngài đã khai mở cho một khối quần-chúng đông-đảo mấy triệu người, biến đổi lớp nông-dân thụ-động, chất-phác, an phận thành lớp người tích-cực, hăng say dấn bước trên đường tu-tập và yêu nước. Ngài đã mang lại niềm tin và hy-vọng mới cho chúng-sanh đương-thời đang khao-khát tín-ngưỡng và lãnh đạo tinh-thần chân-chính, chí tôn.
Nhưng tại sao Ngài lại phải đản-sanh làm người thế-gian trước khi chính-thức khai-đạo, mà không chỉ bất-ngờ hiện ra trong khoảnh-khắc để cứu khổ cứu nạn rồi trở về Cõi Trên ngay như các Đấng Thiêng-Liêng khác? Tất-nhiên phải có chủ-ý và mục-đích. Chủ-ý và mục-đích đó thể-hiện qua cuộc đời, quá-trình tầm Đạo và đắc Đạo của Ngài được Cố Cư-sĩ Nguyễn-Long Thành-Nam nghiên-cứu trình-bày như sau:
“Đức Thích-Ca Mâu-Ni đản-sanh trong gia-đình vua Tịnh-Phạn, cũng trải qua thời-kỳ sống giữa thế-gian, cũng học-hỏi, cũng cưới vợ sanh con như một người thường. Nhưng Ngài đã không tiếp-tục sống cuộc đời hoàng-tử, không ngồi trên ngai vàng điện ngọc để hưởng-thụ phú-quý vinh-hoa có sẵn trước mặt, không tự giam mình trong định-luật Thành, Trụ, Hoại, Không, của Sanh, Lão, Bịnh, Tử như mọi người bình-thường. Ngài đã dũng-cảm rời bỏ cung vàng điện ngọc lên đường tìm Chơn-Lý, và trải qua bao-nhiêu thử-thách, thất-bại, để rốt cuộc đạt Đại-Đạo tại gốc cây Bồ-Đề, rồi đem Chánh-Pháp ấy phổ-truyền cứu-độ chúng-sanh.
Không phải đợi đến kiếp sống cuối-cùng hoàng-tử Sĩ-Đạt-Ta mới đạt Đạo, mà, theo kinh-điển thì Ngài đã đắc-quả nhứt sanh bố xứ với danh-hiệu Hộ-Minh Bồ-Tát từ trước khi đản-sanh vào triều vua Tịnh-Phạn. Cho nên sự đản-sanh của Ngài được xem như tấm Gương Sống để chúng-sanh thấy rằng muốn đạt được Đạo phải biết dứt bỏ mọi tham-vọng, rủ bỏ mọi vinh hoa phú quý, rủ bỏ mọi ràng-buộc thế-gian để mà dõng-cảm lên đường tìm Đạo. Đức Thích-Ca cũng muốn cho chúng-sanh nhìn thấy rằng tiến-trình tìm Đạo không phải bằng phẳng êm-ái mhư trên xa-lộ, mà rất gay-go, khó-khăn, rất nhiều thử-thách và chướng-ngại, đòi hỏi con người phải tự-thắng để kiên-cường đi tới thắng vượt các thử-thách chướng-ngại đó, rốt cuộc mới đáo bỉ-ngạn, tức tìm “Bờ Bên Kia” hay Bến Giác-Ngộ, hay Đạt Đạo.
Đức Thích-Ca sanh làm con người bình-thường để tìm cho chúng-sanh con đường giải-thoát, đồng-thời nêu cho chúng-sanh thấy tiến-trình tu-hành. Đó là vừa chỉ cho chúng-sanh một lần cả Cứu-Cánh và cả Con Đường Đi.
Năm Kỷ-Mùi, tại làng Hòa-Hảo, Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng đản-sanh, cũng sống mhư một người bình-thường, cũng chịu đựng bao-nhiêu điều đau khổ của bá-tánh, cũng trải qua những cực-hình của người dân bị trị, cũng đích-thân dõng-cảm xông vào đời, vào cách-mạng, vào kháng-chiến để giải-thoát chúng-sanh và giải-thoát đất nước.
Sự đản-sanh của Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng giống sự đản-sanh của Đức Thích-Ca, vừa để nêu ngọn đuốc sáng trong đêm tối lịch-sử và trong đêm tối của chúng-sanh, lại vừa nêu lên tấm gương sống của một cuộc đời Hành-Đạo và Cách-Mạng cho con người Việt-Nam:
“Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi Tòa Sen.”
Nói cách, Ngài đã đem Đạo vào Đời, đem Phật-Pháp truyền vào cuộc sống thường-nhựt, khiến giáo-lý cao-thâm của Đức Thế-Tôn hóa ra gần-gủi, phù-hợp với đặc-tính quốc-gia dân-tộc và con đường tu-tập Học Phật Tu Nhân, trở nên thực-tiễn giản-dị, khả-thi với mọi từng lớp trong xã-hội, thích-ứng với căn-cơ thiển-bạc của chúng-sanh trong thời Hạ-Nguơn mạt-pháp. Chính nét đặc-thù đó mà PGHH đã được đón nhận nhiệt-liệt khi khai-sáng và Đức Huỷnh Giáo-Chủ trở thành một biểu-tượng tâm-linh cao-cả được tuyệt-đối tôn thờ.
Ngày nay, PGHH không còn là một danh-xưng xa lạ, một giáo-phái khép kín trong vùng đồng bằng Cửu-Long của một quốc-gia nhỏ bé, mà là một danh-môn chánh-giáo ngang hàng, hòa-đồng và sánh vai hợp-tác cùng các Tôn-giáo bạn trong sứ-mạng hoằng-hóa cứu-độ thế-nhân được khắp thế-giới biết đến và quy-ngưỡng. Nhiều triết-gia, học-giả, trí-thức đã phát-tâm nghiên-cứu về Đức Huỳnh Giáo-Chủ cũng như giáo-lý vi-diệu của Ngài. Tuy cái nhìn của quý vị nầy còn có chỗ chưa đồng quan-điểm, cảm-nhận của người tín-đồ PGHH, nhưng tất-cả đều bày tỏ sự ngưỡng-mộ và tôn-kính đặc-biệt đối với Ngài và nền Đạo do Ngài khai mở. Đối với quý vị nầy, PGHH không còn là của riêng PGHH, của riêng dân-tộc Việt-Nam, mà là một “nền Phật-Giáo thời-đại, nhập-thế, dấn thân, tích-cực, một nền Đạo của chúng-sanh nhân-loại”. Và sự xuất-hiện của Ngài là sự xuất-hiện của một bậc “đại-giác đại-ngộ”, một bậc “sinh nhi tri”, một bậc “phi-phàm”, một “Đại Bồ-Tát”, một vị “Phật hóa-hiện”, một “Đấng Cứu-Thế”,... xuống trần.
“Ta chịu khổ, khổ cho bá-tánh”
.................................................
“Dẫu gian-lao dạ sắt chẳng sờn’
Miễn sanh-chúng thông đường giải-thoát.”
Với sự-nghiệp hoằng-dương Chánh-Pháp vĩ-đại độc-đáo, với tình-cảm yêu nước thương dân tha-thiết rạt-rào, với lòng từ-ái chứa-chan đối với chúng-sanh nhân-loại, Đức Huỳnh Giáo-Chủ không những sống mãi trong niềm kính yêu vọng-ngưỡng tuyệt-đối của tín-đồ PGHH, mà còn trường-tồn vĩnh-viễn trong dòng lịch-sử tâm-linh dân-tộc, và ngời sáng ngôi cao trên khung trời Đạo-giáo thiêng-liêng huyền-diệu.
Tiếc vì thiên-cơ đã định, Ngài phải ra đi để thi-hành một sứ-mạng thiêng-liêng nào đó. Nếu không, PGHH sẽ còn phát-triển mạnh-mẽ, giáo-lý cao-siêu thực-tiễn của Ngài còn được hoằng-hóa sâu rộng khắp thế-giới đại-đồng chớ không chỉ giới-hạn trong quốc-gia dân-tộc nhỏ bé Việt-Nam. Và nhân-loại chúng-sanh đã được nương nhờ ánh Đạo nhiệm-mầu của Ngài dẫn dắt ra khỏi cuộc sống tối-tăm khổ-não hiện nay như mấy triệu tín-đồ của Việt-Nam đã từng có cơ-duyên hưởng hơn 73 năm trước đây trong buổi khai-nguyên lập Đạo.
Vì quá thương Thầy mến Đạo nên chúng ta mới có ước-mơ như vậy, chớ dù có muốn Ngài ở mãi với chúng ta để dìu-dắt giáo-hóa cũng không được, vì Ngài đã:
“Đền Linh-Khứu sơn trung chịu mạng,”
nên bao-giờ thiên-mạng hoàn-thành viên-mãn thì Ngài mới trở “lại gia-trung”. Trong khi chờ đợi và chào mừng ngày Đản-sanh thiêng-liêng trọng-đại lần thứ 93 hôm nay, chúng ta hãy nhớ lấy lời của Đức Tôn-Sư:
“Ít lâu ta cũng trở về,
Khuyên trong bổn-đạo chớ hề lãng-xao.”
mà giữ lòng kiên-cố, quyết-tâm bảo-vệ và phát-huy Đạo-Pháp mà Ngài đã dày công khai-sáng. Nhứt là trong giai-đoạn cực-kỳ khó-khăn hiện-tại của Giáo-Hội, giai-đoạn mà CS đang thi-hành sách-lược bách-hại, đàn-áp tôn-giáo trong cũng như ngoài nước bằng mọi thủ-đoạn, mọi phương-cách thâm-độc, thô-bạo từ phong-tỏa, quản-lý cơ-sở thờ-phượng, tịch-thu chiếm-đoạt đất-đai, tài-sản của Giáo-Hội, ngăn-cấm truyền-giáo,... đến gây phân-hóa, chia rẽ, xâm-nhập lũng-đoạn nội-bộ, ngụy-tạo các tổ-chức tôn-giáo quốc-doanh để triệt-hạ các Giáo-Hội chính-thống.
Nguyện cầu Ơn-Trên Chư Phật, Thầy Tổ hộ-độ cho Đất Nước sớm qua cơn Pháp-nạn, Tự-do, Dân-chủ, Nhân-quyền phục-hồi để Quý vị Lãnh-Đạo Tinh-Thần, Chư Tăng-Ni, Giáo-phẩm, Chức-sắc cùng Tín-đồ các Tôn-giáo, trong đó có Giáo-Hội Phật-Giáo Hòa-Hảo, được an-lạc, tu-hiền hành-đạo. Đó là ý-nghĩa thiêng-liêng, huyền-diệu của Ngày Đản-Sanh Đức Huỳnh Giáo-Chủ năm thứ 93 trọng-đại hôm nay.
Nhân năm cũ đã qua, Năm Mới 2013 đã đến và Tân-Niên Quý-Tỵ sắp đáo lai chúng tôi xin thân-ái kính chúc toàn-thể Quý vị Lãnh-Đạo Tinh-Thần các Tôn-giáo, Chư Tăng-Ni, Giáo-Phẩm, Chức-Sắc, Quý Đồng-đạo, Tín-hữu, Đồng-hương, Đồng-bào trong cũng như ngoài nước, một Năm Mới thân tâm an lạc, hanh-thông, thịnh-vượng, vạn sự như ý, cát tường.
Trân-trọng kính chào và cám ơn toàn-thể Chư Liệt Vị.
Nguyễn-Thành-Long
Mùa Đản-sanh 2012