Kính gửi quý Đồng Đạo trong và ngoài nước,
Ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của nền đại đạo PGHH, chúng ta rất đỗi tự hào về sứ mạng thiêng liêng của Đức Huỳnh Giáo Chủ, đã thừa cơ duyên lâm phàm ban bố cho đồng bào và nhân loại một triết thuyết Từ Bi Trí Huệ, nhằm cứu độ chúng sanh trong buổi hạ ngươn này. Với giáo thuyết Bình Hòa “Nối theo chí Thích Ca ngày trước” Trong một thời gian ngắn Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đào tạo nên một đoàn thể PGHH với hơn 2 triệu tín đồ tu theo Tôn chỉ Học Phật Tu Nhân lấy Tứ Ân làm nền tảng hành đạo, đã hình thành một cao trào chấn hưng Phật Giáo rộng khắp cả vùng đồng bằng Nam Bộ và dần lan tỏa đến năm châu bốn biển. Ngưỡng mộ học thuyết nhập thế vị nhân sanh này, tín đồ PGHH đã nhiệt huyết thực hành nghĩa vụ Tứ Ân ngày càng mạnh mẽ bất chấp thời gian, không gian dù phải trải qua nhiều thời kỳ pháp nạn rất nghiệt ngã và số lượng tín đồ vẫn luôn tiếp tục gia tăng theo tỷ lệ thuận với dân số quốc gia.
Cả 3 thế hệ môn sinh vẫn nối tiếp truyền thống xả thân vì Đạo vì Thầy vì quyền lợi Dân tộc, không ngừng hy sinh tính mạng, vật chất tinh thần để bảo vệ lý tưởng thanh cao suốt chặng đường lịch sử của mình. Đã hai lần thoát hiểm vượt qua 2 giai đoạn gian nguy cận kề trên bờ vực của sự diệt vong. Lần thứ nhứt sau biến cố Đốc Vàng Hạ ngày 25/02/ Đinh Hợi (1947) khi Đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt, toàn khối tín đồ bơ vơ lại rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch suốt7năm liền (1947-1954). Lần thứ hai, là sau 30/04/1975 Đạo PGHH bị đẩy ra ngoài vòng pháp luật suốt 24 năm từ (1975-1999). Lần này không còn sự hiện diện của Đức Ông Đức Bà và các cao đồ tướng lãnh trợ lực. Sự kiên trinh giữ Đạo chờ Thầy, chỉ còn trông cậy vào lòng trung kiên của từng tín đồ chân tu âm thầm đoàn kết để giữ gìn tiết tháo của kẻ tu hành.
Sau 24 năm đầy thử thách gian nguy, cơ may lại đến từ những đồng đạo PGHH hải ngoại đã nỗ lực tranh thủ sự can thiệp Quốc tế, kết hợp chặc chẽ với các cựu lãnh đạo Giáo Hội và đông đảo nhân sĩ, nhà tu chân chánh trong quốc nội, đã tập trung vận động phong trào phục hoạt Giáo Hội và đòi lại các quyền lợi chánh đáng của Đạo. Công cuộc đấu tranh này kéo dài đến cuối thập niên 90. Nhiều nhân sĩ, tín đồ cũng đã chịu nhiều hy sinh mất mác to lớn.
Đến tháng 6/1999, do sự thúc đẩy Quốc tế có liên quan điều kiện hội nhập của Việt Nam và đáp ứng phần nào nguyện vọng chánh đáng của làn sóng đấu tranh. Chính quyền đã tạm cấp Pháp Nhân cho PGHH trong vòng kiểm soát có lựa chọn gắt gao. Không bằng lòng với cách quản lý thiếu công bằng ấy. Phong trào đấu tranh tiếp tục được phát động ngày càng đông đảo và mạnh mẽ hơn nữa, bằng nhiều hành động thiết thực và kéo dài không ngừng nghỉ. Nhất là giai đoạn 16 năm từ năm 2000 đến 2016, Đoàn thể đã tổn thất rất nhiều sinh lực. Mất đi 2 sinh mạng, 35 người bị cầm tù, còn chưa tính đến các vụ quản chế, kiểm soát mọi sinh hoạt đời sống và sự tự do trong hành đạo…khiến cho nhiều gia đình tín đồ phải lâm vào vòng khốn khổ triền miên.
Tổng lược những khó khăn của Đoàn thể PGHH trải qua hơn 77 năm. Đã có 3 thế hệ tín đồ dấn thân, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cao độ, tùy theo tình thế của từng thời kỳ pháp nạn. Thế hệ thứ nhứt gồm những tín đồ kỳ cựu trong thời kỳ mở Đạo (1939-1945) hy sinh tính mạng rất nhiều cho cuộc kháng Pháp và thảm họa nồi da. Thế hệ thứ hai phải chịu đựng qua hai giai đoạn chiến tranh và hậu chiến tranh, tuy không tốn nhiều sinh mạng như thế hệ trước. Nhưng những nỗi nhọc nhằn khổ ải cũng nếm đủ mùi, lăn lóc kiên trinh đầy sóng gió trong thời kỳ độc lập Đất nước, mà Đạo pháp rất kém tự do, phải cam lòng chịu đựng suốt 24 năm sống ngoài vòng pháp luật. Đến thế hệ thứ ba là lớp thanh thiếu niên và lớp trung niên, hoàn toàn chịu ảnh hưởng sự biến đổi thời cuộc. Thế hệ này tuy có đời sống vật chất khá hơn, sự học hành cũng tốt hơn hai thế hệ trước. Nhưng không có cơ hội biết nhiều về truyền thống lịch sử cha ông và đời sống tinh thần bị giới hạn bởi nhiều thách thức thời cuộc rất đáng lo ngại.
Truyền thống PGHH không được tự do học tập và khuyếch trương truyền bá giáo pháp, không có tổ chức chuyên trách giáo dục Đạo Đức thanh thiếu niên,cũng không đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để đối phó với nạn tà giáo nổi lên khắp nơi, lôi cuốn vào các làn sóng mê tín dị đoan và các quyến rũ tệ nạn xã hội khác. Thỉnh thoảng xuất hiện đó đây một số nhóm truyền bá Đạo pháp rất tâm huyết, nhưng do trở ngại về pháp lý, nên không có điều kiện tiếp thu kinh nghiệm hoằng pháp của lớp tiền bối trực tiếp trao truyền…nên ít nhiều khó phát huy cách hành đạo thống nhất.
Tuy rằng Đoàn thể chúng ta có nền giáo lý siêu việt, có đông đảo tín đồ, có tinh thần từ thiện cao độ, có ý chí mạnh mẽ và lòng kiên trinh chịu đựng dẻo dai. Nhưng do pháp nạn kéo dài, nên thường bị phân hóa rời rạc, rất khó cấu thành một thể thống nhất, để kiện toàn tổ chức điều hành theo Tôn chỉ pháp môn. Từ đó hạn chế dần những điều kiện tốt nhất để tương trợ lẫn nhau, trong các mối quan hệ Quan, Hôn, Tang, Tế hoặc những khi ốm đau, bệnh hoạn khi tai nạn bất ngờ xảy đến. Tuy rằng trong quá khứ những việc ấy vẫn được thực hiện tương tế đều đặn, nhưng phần lớn trong phạm vi nhỏ lẻ theo từng nhóm, từng địa phương với tính cách tạm thời, không sao đủ sức cải thiện lâu dài và căn cơ cho mọi tình huống…Cuối cùng cứ tồn tại mãi những hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn kéo dài, đã khiến những người có lòng quan tâm trông vào không khỏi đau lòng.
Thưa quý đồng đạo.
Đoàn thể chúng ta vẫn không thiếu tiềm năng tài chính, không thiếu tinh thần tương thân tương ái và cũng không thiếu các phương tiện hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt còn nổi trội phóng khoáng về tinh thần cống hiến cho các phúc lợi xã hội khác, chẳng kém bất kỳ tôn giáo nào. Cớ sao lại để tồn tại trong nội bộ đoàn thể mình một bộ phận có hoàn cảnh bấp bênh nghèo khổ thiếu được chăm sóc đỡ nâng cho được tận tình như vậy? Nguyên nhân chính phải chăng do người mình chưa thống nhất quan điểm về lãnh vực tương trợ này. Thiếu đồng bộ phối hợp khi xảy ra sự cố bức bách. Chưa nỗ lực huy động tiềm năng sẵn có trong cộng đồng bằng một phương thức cứu trợ thích ứng đủ năng lực.
Vấn đề nhức nhối này tuy có nghiêm trọng, nhưng không phải là bế tắc hay tuyệt vọng, nếu chúng ta có sự lưu tâm khẩn thiết kịp thời. Trái lại nó còn mở ra cho chúng ta một cơ hội lớn, trong việc tìm kiếm một kế sách điều chỉnh toàn diện các phương thức tương trợ hữu hiệu rất khả thi. Chẳng những giúp cho các hoàn cảnh khó khăn của đồng đạo sớm được cải thiện, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ cho các sinh hoạt đạo sự khác ngày càng tiến bộ hơn lên.
Tổng hợp những thực trạng khó khăn chi phối trong đời sống đoàn thể, đồng thời nêu ra những đề xuất cải thiện công cuộc tương trợ lần này. Chúng ta không có tham vọng làm cuộc cải cách qui mô. Mà chỉ nỗ lực cùng nhau điều chỉnh các phương thức tương trợ sẵn có, cho thích hợp theo tình hình mới, căn cứ trên những điều kiện và tiềm năng sẳn có trong nội bộ đoàn thể, nhằm hạn chế thấp nhất những trường hợp thái quá hay bất cập đối với nghĩa vụ tương trợ. Nghĩa là vừa duy trì tốt chương trình cứu trợ đồng bào xã hội, nhưng vẫn không quên ưu tiên cho việc tương trợ nội bộ đoàn thể, trong lúc thiết cần. Ở những thế hệ trước đây, tiền nhân chúng ta đã rất coi trọng điều này và đã nỗ lực chắc chiu đùm bộc trong điều kiện vô cùng gian khổ, ở các thời kỳ nhiễu nhương loạn lạc của đất nước.
Ngày nay, chúng ta được cơ hội thuận lợi hơn nhiều, tuy chưa hoàn toàn tự do như ý. Nhưng về vật chất và điều kiện sống đã tiến bộ đáng kể hơn xưa. Nên việc tương trợ lẫn nhau về vật chất phương tiện rất dễ đạt đến hiệu quả qui mô và toàn diện. Nếu chúng ta biết đồng quan điểm và đồng đoàn kết quyết tâm thực hiện với một phương thức thích hợp và sáng tạo dựa trên tiềm năng sẳn có trong Đoàn thể.
Một ví dụ điển hình:
- Đối với sự trợ giúp của Đồng Đạo PGHH hải ngoại.
Hằng chục năm qua, cứ mỗi khi Đồng đạo quê nhà lâm vào cảnh khốn khó, ốm đau, từ trần hay tai nạn đột xuất hoặc các dịp lễ Tết. Quí vị đồng đạo ở hải ngoại đều tận tình giúp đỡ tài chánh kịp thời và hữu hiệu, đã đem đến sự an tâm cho rất nhiều gia đình và giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Gần đây là trường hợp nguy ngập của tôi khi lâm cơn bạo bịnh hồi tháng 6/2016. Nếu không có sự tương trợ tận tình của quí đồng đạo trong ngoài, chắc chắn gia đình tôi khó tránh khỏi cơn khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài. Cảm kích và tri ân những nghĩa cử cao đẹp của quí đồng môn trong và ngoài nước đã xẻ chia rất thâm tình và sâu sắc. Gia đình chúng tôi xin ghi tạc vào lòng với cả tấm lòng biết ơn vô hạn.Và hằng cầu mong ơn Trên Thầy Tổ gia hộ cho tất cả quí ân nhân được nhiều sức khỏe và thuận lợi để nhân rộng nghĩa cử hào hiệp này được lâu dài và rộng khắp đến nhiều đồng đạo khác, khi gặp phải trường hợp ốm đau đột xuất như tôi trong cộng đồng, hiện còn tồn tại rải rác không ít trong Quốc nội.
Một điển hình khác trong quốc nội.
Cũng hàng chục năm qua. Rải rác đó đây xuất hiện nhiều công trình từ thiện với nhiều qui mô: Lớn,vừa và nhỏ thường xuyên phục vụ xã hội. Những đợt cứu trợ thiên tai, lũ lụt, thăm viếng các trại khuyết tật…Khắp cả nước với kinh phí khổng lồ từ hằng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng.Các tổ chức từ thiện cháo, nước, giúp bệnh nhân, cất nhà tình thương, trợ cấp gạo người nghèo, bếp ăn từ thiện, tầm dược, sản xuất thuốc Đông y, trại hòm miễn phí, xây dựng cầu đường, đưa rước bệnh nhân, phóng sanh thả cá và nhiều công trình nhân đạo khác tốn kém cũng chẳng ít. Chúng tôi hoàn toàn hoan nghinh tinh thần và hành động tương trợ đầy ý nghĩa này. Tuy nhiên trong cái đại trà ý nghĩa ấy, vẫn có điều gì chưa trọn vẹn trong tình đồng đạo thân thương. Chúng ta nỗ lực lo cho cái lớn cái xa, mà chưa thật sự quan tâm đến cái gần gũi trong nội bộ. Trên thực tế không có đoàn thể tôn giáo nào mà hoàn toàn không tồn tại một bộ phận hụt hẫng khó khăn cần trợ giúp. Phương châm “Thừa trong nhà mới ra người ngoài” không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi gia đình. Mà cần ứng dụng nơi phạm vi Tôn giáo Đoàn thể. Thế nên để tròn trách nhiệm trong ngoài. Trước hết chúng ta cần lưu tâm đến tình cảnh đoàn thể, sau mới đến xã hội dân tộc, để vừa thắt chặt tình nghĩa đồng môn lại vừa thể hiện tình bác ái rộng lớn khắp nhà nhà.
Nói lên điều này, chúng tôi muốn có chút gợi ý, nhằm đề xuất với tất cả đồng đạo trong và ngoài nước rằng: Đoàn thể PGHH chúng ta đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhiều mặt như: Tình trạng lão hóa có chiều hướng tăng nhanh – Tình trạng ốm đau và tai nạn đột xuất ngày một nhiều – Đời sống kinh tế ở một số bộ phận bị sa sút nghiêm trọng, do ảnh hưởng kinh tế Quốc gia và kinh tế toàn cầu đang bị suy thoái khủng hoảng.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn hầu cứu vãn nội tình. Đoàn thể chúng ta trong và ngoài nước, cần liên kết chặt chẽ hơn nữa, thống nhất tìm ra giải pháp cứu nguy thích ứng bằng tinh thần tương trợ thiết thực, đặt sự ưu tiên nhiều hơn cho nội bộ đoàn thể trước khi phát động chương trình trợ giúp ra xa bên ngoài.
Góp phần thực hiện tốt công cuộc tương trợ nội bộ. Chúng tôi xin có mấy ý nhỏ sau:
A. Về tổ chức:
*. Tìm cách thành lập 2 nguồn quỹ tương trợ cộng đồng PGHH.
- Một ở Hải Ngoại do Hải Ngoại điều hành.
- Một ở Quốc Nội do Quốc Nội linh động theo điều kiện có thể.
Cả hai cùng song hành phối hợp điều tiết.
*- Tạo điều kiện hình thành một nhóm xét duyệt phân phối và thống kê các gia đình khó khăn có nhu cầu cứu trợ trong phạm vi toàn Đạo.
B. Về phương pháp:
- Nếu có thể được nên huy động nguồn quỹ có tính thường xuyên hoặc theo định kỳ hay lúc có cơ hội…
- Mỗi khi các nhóm trong đoàn thể tổ chức cứu trợ xã hội với qui mô lớn, nên trích từ 5-10% kinh phí sung vào quỹ tương trợ dự trữ dành cho nội bộ đoàn thể.
- Vận động các Mạnh Thường Quân và tranh thủ các nguồn đóng góp nhỏ lẻ khác trong đồng đạo có quan tâm theo định kỳ.
- Nếu có điều kiện nên tổ chức kinh doanh sản xuất gây quỹ ở qui mô vừa theo khả năng.
- Ngoài ra cũng rất trân trọng các nguồn huy động ngoại lệ khác từ ngoại đạo hoặc các nhà hảo tâm.
C. Cách thực hiện tương trợ:
- Xác định đúng đối tượng có nhu cầu tương trợ. Không để sai hay để sót đối tượng bằng sự xét duyệt chính xác.
- Khi duyệt xét tương trợ có sự thống nhất tập thể. Có lưu trữ văn bản và báo cáo thu chi minh bạch.
-Trước mắt trợ cấp cho mỗi gia đình khó khăn từ 01 đến nhiều thẻ bảo hiểm y tế /năm.
D. Thuận lợi và khó khăn:
- Ở Hải Ngoại về tổ chức và tiềm năng tài chánh thì rất thuận lợi vì đã có quá trình kinh nghiệm nhiều năm ở đất nước tự do. Việc mưu sinh cũng tương đối ổn định. Vấn đề khó khăn nếu có cũng dễ khắc phục, chẳng đáng lo ngại lắm .
- Riêng ở Quốc Nội thì vô cùng trắc trở, phải qua nhiều cửa ải về pháp luật cũng như hạn chế khả năng tài chính ở một đất nước nghèo. Nhất là việc tranh thủ được sự đồng tình của nhiều nhóm đồng đạo có xu hướng khác nhau và các dè dặt lo ngại khác.Bên cạch còn khó khăn hơn trong việc xác minh các đối tượng có nhu cầu trong toàn đạo, không để sơ sót là điều cần được phối hợp đồng bộ và mất nhiều thời gian đi lại nhiều nơi.
Nhìn chung muốn cho việc thực hiện sớm được kết quả, rất cần sự thống nhất đoàn kết cao độ, mà hạt nhân là những người nhiệt huyết có kiên nhẫn vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên sự thành công sẽ được trông cậy nhiều ở sự hưởng ứng đông đảo của đồng đạo trong và ngoài nước và đó cũng là động lực chính để vượt qua khó khăn cho một sự khởi đầu chưa có tiền lệ.
Thưa quí Đồng Đạo,
Những ý kiến trên đây của người viết, không phải là đề tài mới mẻ gì. Chẳng qua là sự phân tích sơ bộ những thực trạng trước mắt và nêu ra những tình cảnh khốn khó của nội bộ đoàn thể, hầu tìm cách tương trợ hữu hiệu cho những hoàn cảnh quá hụt hẫng của một bộ phận nhỏ tín đồ đang gặp phải. Nên tôi mạo muội đề xuất một vài ý kiến có vẻ táo bạo này. Rất mong chư quí đồng đạo trong và ngoài nước niệm tình xem xét và hoan hỷ những gì hữu lý để cùng bàn bạc thực hiện. Nếu có điều chi không phù hợp hoặc va chạm, xin rộng tình lượng thứ và chỉ giáo thêm những điều hữu ích thiết thực cho cộng đồng.Xin chân thành đa tạ./.
TP Sa Đéc, ngày 21/11/201