Giới thiệu quyển Kim Cổ Kỳ Quan của Ông Ba Thới

18 Tháng Ba 20189:49 CH(Xem: 44617)
Giới thiệu quyển Kim Cổ Kỳ Quan của Ông Ba Thới
Ong Ba Thoi (2)

BÀI GIỚI THIỆU KIM CỔ KỲ QUAN

LỜI NÓI ĐẦU


             Kính thưa chư quí đồng đạo,

 

       Quyển Kim Cổ Kỳ Quan là phẩm kinh chín bổn được Ông Ba Nguyễn Văn Thới sáng tác, chia thành hai đợt trong vòng 12 năm, (từ 1907 đến 1919) viết cách nay trên dưới 100 năm. Ông Ba sinh năm 1866 và mất năm 1926, hưởng thọ 60 tuổi. Nguyên quán ấp Long Hậu, xã Mỹ Trà,tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc ( nay là Đồng Tháp).

 

Ông được tôn xưng là bậc ". Vĩ nhân đạo đức". Ông Ba là đệ tử của Ông Hai Trần Văn Nhu. Ông Hai Nhu vừa là trưởng nam vừa là hậu nhân truyền thừa của Đức Cố Quản Trần Văn Thành, được ủy thác giữ gìn ấn triện" Bửu Sơn Kỳ Hương" mà trước kia Đức Phật Thầy trao cho Đức Cố Quản, hầu giữ gìn giềng mối đạo

BSKH.

 

Đức Phật Thầy viên tịch năm 1856, hai năm sau 1858, Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam. Đức Cố Quản về lập căn cứ chống Pháp ở rừng Bảy Thưa (Láng Linh). Liên kết cùng với nhiều anh hùng dân tộc trong hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương như: Trương Định (Gò Công), Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều (Đồng Tháp Mười)...

 

Sau nhiều năm tháng kiên trì kháng chiến trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn trong chiến khu. Ngày 21/2/1873 Đức Cố Quản cùng đoàn quân Gia nghị,  đã thất thủ trong trận chống càn với quân Pháp ở chiến khu Bảy Thưa và Ngài đã anh dũng hóa thân biến mất giữa trận tiền khốc liệt.

 

        Từ đó nối chí theo cha, Ông Hai Trần văn Nhu, vốn được truyền thừa cả hai mặt: về sự nghiệp đạo pháp và lãnh đạo công cuộc kháng chiến. Tạm đi lánh nạn lúc bị Pháp khủng bố khó khăn, thời gian sau, Ông Hai trở về Láng Linh. Đến năm 1901, Ông Hai cho xây dựng Bửu Hương Tự (Bửu Hương Các), nhằm củng cố nền đạo và huy động cuộc kháng chiến. Chính nơi đây khoảng mùa Xuân năm 1906, Ông Ba Nguyễn Văn Thới đã qui y thọ giáo với Ông Hai Trần Văn Nhu và đã được Ông Hai khai thị truyền giáo, điểm đạo. Một năm sau, cơ duyên thành đạo đã chín muồi, mùa Xuân  năm 1907, ông Ba quyết định “bế quan”,  cách ly hoàn toàn với bên ngoài suốt 3 năm và bắt đầu viết ba quyển: Kim Cổ Kỳ Quan, Cáo Thị, và Vân Tiên từ (1907 đến 1910). Sau đó Ông Ba đã tự sắm khai lễ đặc biệt, đến tạ tội với Thầy và xin được hòa nhập trở lại, để cùng Thầy chăm lo đạo sự và củng cố cuộc kháng chiến.

 

      Ngày 21/2/ Quý Sửu (1913) Tại Bửu Hượng Tự, nhân lễ giỗ lần 40 Đức Cố Quản. Pháp đem quân đàn áp bao vây Bửu Hương Tự, theo sự chỉ điểm của Nguyễn Văn Phẩm (người trong thân tộc). Pháp bắt con trai ông Ba  là Nguyễn Văn Tuấn và mấy chục nghĩa quân bị cầm tù trong đất liền và một số bị đày ra Côn Đảo. Phẫn uất trước nỗi đau Thầy trò cách biệt, đạo pháp suy vi, nước non đồ thán, mà chẳng đền đáp được gì. Ông Ba dùng lưỡi hái cắt cổ gần đứt lìa để tự vẫn, may có người phát hiện kịp thời cứu chữa nên ông không chết, nhưng cổ đứt không thể lành lại được. Ông tiếp tục sống những chuỗi ngày buồn thảm với một thân thể đau đớn triền miên cho đến cuối đời. Thời gian nầy từ 1914-- 1919, Ông tiếp tục sáng tác thêm sáu bổn kinh nữa cho đủ chín bổn như: Ngồi Buồn, Bổn Tuồng, Giác Mê, Thừa Nhàn, Tiền Giang, và Kiểng Tiên. Lấy tên chung là" KIM CỔ KỲ QUAN".

 

   Ông Ba cho biết sứ mạng của Ông như sau:

 

                               “ Hữu sắc lịnh Ngọc Hoàng phát ấn

                                Thừa truyền giáo đạo tấn chư bang”

 

                          Và: “ Ông trở về dạy việc trước sau

                                 Làm đủ chín bổn tóm thâu mối đời”

 

                      Hoặc:“ Phật dạy tôi trước tỏ sau bày

                                   Bút Thần ký tự để rày hậu lai”

 

       Qua tìm hiểu lược sử Đức Ông Ba. Chúng tôi được biết thêm một câu chuyện mầu nhiệm khác, do cụ ÚT HÒA 84 tuổi, hiện còn sống ở gần bên kia cầu kinh 10 (xéo đền thờ Đức Cố Quản) vừa kể lại như sau: Khi Ông Ba viết xong chín bổn, chưa cho ai đọc. Ông bảo người nhà để bộ KCKQ vào chiếc rương nhỏ, rồi treo lên đòn dong trần nhà và dặn: “ Sau này khi nào có lịnh mới được đem xuống phổ biến”.

 

Từ 1919 cho đến 20 năm sau tức 1939. Lúc Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Có người gần xóm với người con trai thứ sáu của Ông Ba ở Bình Thạnh Đông, đến qui y với Đức Thầy, được Đức Thầy chỉ dạy “Hãy về tìm Kim Cổ Kỳ Quan mà đọc, đó là chung một gốc”. Nghe theo lời dặn của Đức Thầy, người tín đồ ấy cùng con thứ sáu của Ông Ba ở Bình Thạnh Đông, tranh thủ đến nhà cũ của Ông Ba, do người con trai thứ Tám phụng tự ở kinh 12. Được gia đình đồng ý, mọi người cung kỉnh làm lễ hạ chiếc rương xuống.

 

Lúc ấy ông Út Hòa mới 14 tuổi, nhưng là người có liên quan thân tộc, tình cờ có mặt, nên được cử leo lên cột dây hạ uống.  Mọi người giở ra xem quả đúng là bộ Kim Cổ Kỳ Quan bổn gốc, viết bằng chữ Nôm. Hiện bổn gốc nầy được lưu thờ tại phủ thờ Ông Ba ở kinh 12 kinh xáng Vịnh Tre. Bấy giờ, những người có lòng ngưỡng mộ, có trình độ  hiểu biết Hán Nôm, tự nguyện chia nhau từng quyển, dịch ra quốc ngữ và từ từ phổ biến rộng đến nay.

 

        Nhận thấy bộ Kim Cổ Kỳ Quan là một phẩm kinh mầu nhiệm, khế lý ứng cơ, đã được Phật Trời cơ huyền sắc chỉ cho ông Ba khai Thần bút cứu đời. Nên chi nội dung bộ kinh nầy, đã biểu hiện những nét đặc trưng thù thắng, nhằm xiển dương mạnh mẽ Tôn chỉ Học Phật tu Nhân của BSKH và PGHH. Đồng thời đề cao Tam giáo, vãn hồi Thánh đạo Ngũ luân, hưng truyền Thích giáo, đặc biệt là ông mô tả cảnh Bồng Lai tại thế, thời Thượng ngươn rất là thanh lịch tú kỳ, rực rỡ quang huy, Thầy trò hỷ hạ, Chúa Thánh tôi hiền, Cha con, chồng vợ sum vầy,đạo hạnh thanh cao,nhà nhà giàu sang phú túc, thế giới thái bình âu ca, phàm Thánh đồng cư,Tam cõi giao hòa mừng ngày Thượng ngươn Thánh Đức, khai mở đại Hội Long Hoa.

 

       Tuy nhiên bên cạnh việc giới thiệu cảnh giới Thiên Thai, Ông Ba cũng không quên nhắc nhở người trần thế, lúc đang sinh sống trong đời Hạ ngươn thống khổ loạn lạc, hãy giữ đạo Tam Cang ,Niệm Phật làm lành, giồi trau Trung Hiếu, phụng sự Tứ Ân, hầu có đủ điều kiện để Phật Trời cứu độ cho qua khỏi tai nàn trong những ngày “Biến Thiên, biến Địa, biến Nhơn thay đời” và những chuyển động ầm vang của trận Phong Thần tái thế.

 

        Nhưng cái mong muốn trước hết của Ông là làm sao giúp cho bằng được, kẻ tu hành rán tránh những điều độc ác, đừng nuông chìu theo thói quen tội lỗi lớn nhỏ hằng ngày và nhứt là những tội lỗi vô tình không hay, không biết. Để cảnh giác những điều tội lỗi mà chúng sanh thường mắc phải. Ông Ba không ngần ngại vạch trần lỗi lầm, bằng những ngôn từ hết sức bình dân dễ hiểu, kể cả những từ ngữ thô thiển, mà người trần thường  hay né tránh như:

                                 “ Cái cục cứt còn có đuôi đầu.

                            Làm người không tưởng để sầu Tổ tông”

 

         Điều mà lâu nay tín đồ hệ phái BSKH ngạc nhiên, mỗi khi đọc Kim Cổ Kỳ Quan là: Ông Ba đã rất chịu khó tỷ mỉ liệt kê tám mươi ba tội phổ thông lớn nhỏ và còn bổ sung rải rác hàng mấy chục tội lỗi nghiêm trọng khác nữa và thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tính ra cả thảy có hơn một trăm tội lớn nhỏ, mà hầu như không có kẻ tăng người tục nào hoàn toàn tránh khỏi. Thế mới biết lòng từ bi bác ái của ông Ba cao rộng thế nào! Chỉ vì muốn cứu khổ ban vui, phá mê khai ngộ, khử tà hưng chánh , cải ác tùng lương… mà Ông phải cam chịu khổ nhọc: Nói thật, nói thẳng, có khi nói lời thô kệch, nói cả những việc  dục dâm có chánh có tà, khiến cho kẻ thị phi cố chấp hiểu lầm chỉ trích nọ kia.

                                       “Ai cấm dâm dục lạ kỳ

                              Trung thì làm Phật, nịnh thì làm ma

                                       Đem lòng muốn vợ người ta

                               Loạn tâm nhơn thế, quỉ ma tại lời”

 

       Có nhiều thứ tội, nếu không được Ông Ba vạch ra thì người trần gian, có bao giờ biết được, mà ngăn ngừa hay từ bỏ, để có thể trở nên người Trung hiếu hiền lương…

           Nghiên cứu kỹ Kim Cổ Kỳ Quan, chúng ta càng cảm thấy bất ngờ hơn nữa là : Kim Cổ Kỳ Quan, được Đức Ông Ba viết đã ngót một trăm năm qua, lúc ấy đất nước Việt Nam là thuộc địa hãy còn lạc hậu, tệ nạn xã hội tuy có, nhưng không phức tạp như nay. Đời sống tu hành của các tôn giáo cũng ít biểu hiện dối gian, hạng tu trên núi số lượng rất ít so với hiện nay… Nhưng những sự phê phán mặt trái của xã hội người đời, những dối gian của kẻ tu núi, tu chùa, tu am, tu thất, tu chợ  hay tu nhà , tu ngoài, tu trong, tu ngôn, tu áo, tu dạng , tu hình…Đã được Đức Ông Ba dùng “hiện thực phê phán”, thẳng thắn phê bình thật chính xác và đầy đủ, y như là Ông Ba vừa mới viết gần đây và đối tượng ông nhắc nhở, gần như là những kẻ tu dối đời nay và đang sống ngay trong xã hội bây giờ vậy. Về điều này xin mời quí vị hãy xem phần trích đoạn sau sẽ cụ thể hơn. Và chắc chắn quý vị sẽ không khỏi, có cái cảm nhận sâu sắc rằng: Trí huệ của Ông Ba đã đạt đến cảnh giới liễu ngộ chứng đắc.

Phu Tho Ong Ba

 

         Thưa quí đồng đạo,

         Qua nhân duyên trích đoạn Kim Cổ Kỳ Quan lần nầy, thật là hữu duyên kỳ ngộ. Nhớ lại hai mươi năm về trước khoảng thập niên 90. Tôi có vài lần tham khảo KCKQ, nhưng không sao hiểu nỗi, nên chưa lần nào đọc xong trọn vẹn. Bởi những lý do không dấu diếm sau đây:

 

         - Lời cơ giảng của Ông Ba  dùng nhiều từ Hán Việt cao siêu quá, vận thơ lại trắc điệu, khó đọc khó nhớ lại thêm khó hiểu.

 

         -  Ông Ba thường viết rất ẩn ý, ẩn từ, đảo ngữ, đối ý, đối câu, có khi một câu có đến cả hai, ba, hoặc bốn ý nghĩa... đôi khi có dùng thêm từ ngữ cổ điển ít thông dụng và dùng các từ địa phương xa lạ. Nhiều câu huyền diệu, lý mầu, khó suy, khó đoán.

 

          - Chẳng thế khi ông viết về Thiên cơ, ông thường dùng những thuật ngữ về can chi, lục nhâm lục giáp, kỳ môn độn giáp, bát quái Ngũ Hành, Dịch kinh, Thần Kinh Thái Ất…khiến kẻ  “Phàm nhân nan đắc” khó tường.

 

          - Một sự khó khăn đáng kể nữa, đó là đa phần bộ KCKQ đều bị “Tam sao thất bổn”, nhà in không kiểm chính tả, in sai từ, sai ý, khiến mất đi ý nghĩa một số câu thơ câu giảng.

 

           -Cái trở ngại sau cùng là, những mặt trái tội lỗi của kẻ tăng người tục được Ông Ba vạch trần, thì rất nhiều và phức tạp. Nhưng lúc ấy, ngoài xã hội hay cá nhân trong gia đình, trong chùa chiền, am cóc các thứ tội lỗi ấy, chưa bị dư luận công khai và sức che dấu hãy còn kín đáo, làn sóng văn minh vật chất chưa đến đỉnh cao, sức lôi cuốn và lòng dục vọng của con người còn ở giới hạn chừng mực… nên thực tế chưa thấy chứng cứ nhãn tiền, khiến dư luận có vẻ lơ là. Nhưng đến thời điểm này (2018), thì những điều Ông Ba vạch chỉ, chẳng sót điều nào chưa có, trái lại còn có nhiều hơn, nhất là trong chùa chiền và các cư sĩ tại gia có điều kiện phóng túng đam mê. Nếu không có cách nào tự giác cải thiện, thì ô hô “ Cứ lươn khươn lỡ đạo lỡ đời” nhứt định phải trôi theo cuộc tẩy trần trong cơ hoại diệt.

 

            Duyên may lần nầy khiến tôi say mê đọc KCKQ và hăng hái trích đoạn hầu chia sẻ đến quí đồng đạo. Tình cờ một hôm có cụ Tư Hân gần 90 tuổi, là đồng đạo lão thành rất hiền lành, ưa làm việc phước và say mê đọc Kim Cổ Kỳ Quan, cùng ngụ xã Tân Bình, đến nhờ tôi chỉnh lỗi chính tả và kiểm lại những câu từ mà cụ đã dùng đèn pin viết từng chữ để trích đoạn KCKQ đã in thành quyển dầy 90 trang khổ nhỏ. Muốn chỉnh sửa những sơ suất nêu trên cho tương đối thì cần đọc hết bộ KCKQ.Vì tình nghĩa tôi không thể từ nan. Và tranh thủ đọc để sửa cho kịp thời gian, vì còn ngại không biết cụ sẽ về Phật lúc nào. Lành thay cho tôi, càng đọc tôi càng say mê và đi đến quyết định, tôi sẽ giúp cụ mãn nguyện. Chẳng những sửa 90 trang, mà tôi sẽ lần lượt trích lục, đợt đầu bốn quyển: Kim Cổ Kỳ Quan, Thừa Nhàn, Tiền Giang, Kiểng Tiên, dầy đến hơn 300 trang. Sau này nếu độc giả có nhu cầu, tôi sẽ tiếp tục trích nữa! Vì tôi đang nghiện trích KCKQ!

 

          Tuy nhiên, dù đang hăng hái say mê, nhưng tôi rất sợ tội!

 Vì tự nghĩ, Kinh giảng của bậc “ Vĩ Nhân Đạo Đức” thì câu nào lời nào cũng là chơn lý cả. Cớ sao mình lại mạo phạm câu trích, câu chừa, không phải là có lỗi lắm sao?

 

         Nhưng tôi cũng còn nghĩ lại một lý do, có thể châm chước để khi trích đoạn, mà ít phải bị tội. Đó là: Cả bộ KCKQ là một kho tàng Thiên cơ đạo lý, nghĩa rộng lý mầu, không thể nào có ai hiểu hết. Vậy thì câu nào mình hiểu được và phù hợp với nhận thức và hoàn cảnh tu tập của mình, thì mình trích để hiểu và học thực hành, được bao nhiêu học bấy nhiêu, phòng khi có người hỏi nghĩa, mình sẽ tùy nghi trả lời theo sức hiểu hạn hẹp của mình, còn phần chưa hiểu thì nghiên cứu tiếp. Làm vầy có lẽ, nếu có lỗi chắc cũng được nhẹ bị “Phật hành” phần nào!

 

        Vả lại thời cuộc ngày càng nhiễu nhương cấp bách, thứ thách mỗi lúc mỗi nghiệt ngã cam go, lòng người ngày càng đảo điên vọng ngoại, trí tuệ lu mờ, lòng dõng mãnh yếu ớt. Nay hữu duyên được nương nhờ Hồng Quang Tam Bảo chở che, cậy oai linh cứu độ của Tổ Thầy . Lúc nầy nếu được chú tâm nghiền ngẫm thêm lời thẳng ngay phê phán và khuyến tấn tu hành của ông Ba, ví như thành đồng ngăn tội chướng, lưới báu giữ thiện căn, xét ra thì không còn sự an lành và phước báo nào hơn!

          Trong giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương, từ lúc Đức Phật Thầy lâm phàm khai đạo và đã nhiều lần tái kiếp truyền thừa. Đến kiếp chót là Đức Huỳnh Giáo Chủ, thì Ngài đã hệ thống hóa giáo lý hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương và  đúc kết thành Tôn Chỉ hành đạo cho PGHH, vừa ứng cơ khế lý vừa thích hợp thời kỳ, không còn điều chi phải khẩn đảo ngoại lai. Đã ngót 169 năm hoằng hóa độ sinh, công cuộc vãn hồi đạo Nhân và chấn hưng đạo Phật của hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương sắp đến ngày thành tựu viên mãn.

 

          Lúc này những tưởng chúng ta cũng nên tinh chọn pháp môn, bám chặt theo hệ phái chân truyền: gốc là Bửu Sơn KỳHương, và ngọn là Phật Giáo Hòa Hảo nương theo lời nhắc nhở của Đức Thầy:

 

                           Nay gặp gốc phải mau tìm gốc

                             Để gặp Phật ngồi mà than khóc

                             Gỡ làm sao hết rối mà về

                             Mắt nhìn xem yêu quái bốn bề

                             Bởi ác đức nên không ai cứu”  

 

         Nguồn triết lý sâu xa của hệ phái BSKH có gốc có ngọn, có chánh có trợ, có Thầy có trò như sau:

 

     I. Đức Phật Thầy và những lần tái kiếp:

-         Đức giáo Tổ Phật Thầy Tây An : Có “Sấm truyền của Đức Phật Thầy.”

-         Đức Bổn Sư Ngô Lợi: có “Bức Đồ Thư”

-         Ông Sư Vãi Bán Khoai: có “Giảng Xưa mười một hồi” 

- Đức Huỳnh Giáo Chủ: có “Sấm Giảng Thi Văn GiáoLý Toàn Bộ”

     II. Những hàng đệ tử có viết luận giảng trợ pháp ;

-   Cậu Hai Trần Văn Nhu con trưởng nam của Đức Cố Quản; có “Phi Lai Bửu Tích”

                - Ông Ba Nguyễn Văn Thới, đệ tử của Cậu Hai Nhu: Có  “Kim Cổ Kỳ Quan”

-  Ông Thanh Sĩ, đệ tử của Đức Thầy: có “Chú Nghĩa, Hiển Đạo”…

 

        Bấy nhiêu nền giáo pháp chơn lý nhiệm mầu nêu trên, ví như thuyền Bát Nhã, đủ sức thần thông đưa ta đến Hội Long Hoa hay đến được bên kia bờ giác.

 

      Thưa quý đồng đạo,

 

       Những ý kiến chúng tôi vừa trình bày, nêu rõ mục đích việc trích đoạn Kim Cổ Kỳ Quan, đồng thời giới thiệu đến quý đồng đạo những đoạn giảng chân lý thiết thực của Ông Ba, một bậc “Vĩ nhân đạo đức”, chỉ đơn giản với thiện ý góp phần thuận lợi cho đồng đạo tham khảo bổ sung vào chương trình tu tập hằng ngày, thêm phần bổ ích và thành tựu. Do hạn chế kiến thức về từ ngữ Hán Việt, do trình độ nhận thức về giáo pháp có giới hạn, nên trong việc  trích đoạn và xác định từ ngữ, cũng như kiểm tra chính tả, tất nhiên người viết khó tránh điều sơ suất bất cập. Ngưỡng mong quý đồng đạo hoan hỷ châm chế và chỉ giáo thêm cho. Trân trọng và xin đa tạ.

       TP SADEC  ngày 4/12/Đinh Dậu ( 2018 )

      

           Nguyễn Châu Lang                          

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 20165:17 SA(Xem: 20118)
Độ khoảng 1970 lễ kỷ niệm ngày khai sáng đạo, năm đó ban trị sự (BTS) và toàn thể tín đồ PGHH xã Kiến An tổ chức lễ rất qui mô, một xã mà hai thứ hình triển lãm nổi bật là khá lắm đấy! Hoa Đăng Xa (dâng cộ đèn) Hoa Đăng Thoàn (tàu bè Thủy Lục) diễn hành cùng lúc lớp trên bờ lớp dưới sông.
22 Tháng Sáu 20165:01 SA(Xem: 19578)
KÍNH Đức Tôn Sư rải đạo mầu, MỪNG ngày Nam Việt hữu duyên sâu. ĐẠI ân kỷ niệmThầy khai hóa, LỄ lớn hằng năm con vọng cầu.
22 Tháng Sáu 20164:55 SA(Xem: 18559)
THÁNG lại giờ qua mỗi khắc sang NĂM nay đúng tiết cõi nhơn hoàn MƯỜI thiện là điều cần phổ cập TÁM danh chánh giác chẳng mơ màng
09 Tháng Sáu 20169:55 CH(Xem: 20837)
MƯỜI ác tránh xa thập thiện hành, TÁM điều trau sửa kết duyên lành, THÁNG qua quyết chí trì kinh sám, NĂM đến bền lòng niệm Phật danh,
17 Tháng Tư 20166:12 SA(Xem: 27289)
Kể từ ngày ra mở Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, 18-5-Kỷ mão (4-7-1939), đến ngày thọ nạn ra đi (25-2 nhuần-Đinh hợi, 16-4-1947), Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ đã xả thân cống hiến ơn cứu khổ cứu nạn cho thế gian 7 năm 10 tháng 12 ngày, trong đó, gần 6 năm thuần túy hoằng pháp và non 2 năm dấn thân cứu quốc.
06 Tháng Chín 20158:51 CH(Xem: 33072)
Đối với người miền Nam, nhắc đến Lê Văn Duyệt, hầu như không ai còn lạ gì, bởi lăng Lê Văn Duyệt, thường gọi là Lăng Ông - Bà Chiểu,(1) tại số 126 đường Đinh Tiên Hoàng - Phường 1, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn, ai ai cũng biết.
29 Tháng Tám 20157:05 SA(Xem: 30285)
Rằm tháng bảy lễ vu lan Dâng hoa Tam Bảo thắp nhang nguyện cầu Nguyện xin oai Phật nhiệm mầu Ta bà độ bớt âu sầu bất an
26 Tháng Tám 20159:38 CH(Xem: 23699)
Phụ mẫu ơn dày sánh đại thiên Noi gương đức cả Mục Kiền Liên Đền ơn dưỡng dục khi còn sống Đáp nghĩa sanh thành lúc mãn duyên
26 Tháng Tám 20159:25 CH(Xem: 25985)
Đón lễ Vu Lan đốt nén hương Thành tâm kính bái Phật mười phương Từ bi giáo hóa người mê tối Bác ái khuyên răn kẻ lạc đường
18 Tháng Tám 20159:08 SA(Xem: 27211)
Niệm Phật là một pháp môn, còn gọi là Pháp Môn Tịnh Độ (là tâm thành chí nguyện, nhờ oai thần và tha lực của Phật A Di Đà mà được vãng sanh về Tây phương Cực Lạc).
100,000