1- Tìm hiểu Ý nghĩa chữ THIỆN CĂN

18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 43417)
1- Tìm hiểu Ý nghĩa chữ THIỆN CĂN

Chỉ có hai chữ THIỆN và CĂN thôi, mà khi tìm hiểu cho vở lẽ chúng ta đã thấy khó khăn rồi. Bởi Giáo Lý của Đức Phật và Đức Thầy như rừng, như biển. Cho nên chúng ta cố gắng mà học, mà tìm, mà hành, thì chỉ may ra được phần nào chớ nếu đứng bên ngoài nhìn vào thì biết đến bao giờ mới được thấu đáo .

Vì vậy nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão 1939. Đức Thầy hóa hiện ra đời, vừa trị bịnh độ chúng sanh, vừa báo hiệu chiến tranh tàn khốc do loài người tàn bạo gây nên, vừa lựa chọn:“Người đủ các Thiện Căn để giáo truyền Đại Đạo, định ngôi phân thứ gây cuộc Hòa Bình cho vạn quốc chư bang”.

Sau đây, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa chữ THIỆN và CĂN, thử coi mình có hành được phước đức gì để gọi là đủ các Thiện Căn để được Đức Thầy tuyển chọn?

THIỆN: Lành, tốt, phải thế; thuận theo đạo lý; có ích cho mình và cho người. Trái với Ác, bất thiện.

Trong Du Già Kinh, quyển 5 có giải: Thiện nghĩa là có sức chiêu cảm cái quả báo vui sướng sẽ tới; lại có nghĩa: trừ tuyệt những mối khổ phiền não đã phát sanh, đương phát sanh hoặc sẽ phát sanh.

Thiện tức là vô tội, không lỗi lầm. Các điều thiện đều do nơi thân thể, lời nói và tâm ý, nhứt là tâm ý là chánh gốc.

Về thân thể thì:

1.- Không sát sanh, lại còn cứu vớt người và vật.

2.- Bố thí cho người.

3.- Không dâm loạn, tự mình giữ cho trong sạch, lại khuyên người khỏi phạm việc tà dâm độc hại.

Về lời nói thì:

4.- Chẳng đâm thọc, lại dùng lời hòa nhã mà là cho người ta thương yêu nhau.

5.- Chẳng nói ác, thường ăn nói dịu ngọt, ôn hậu.

6.- Chẳng nói láo, ưa sự thật tình.

7.- Chẳng trau chuốt, chẳng nói trây, mà nói việc thanh cao đạo đức.

Về tâm ý thì:

8.- Không tham dục, không mong cầu quá bậy.

9.- Không giận hờn, lúc nào cũng an lạc thân tâm.

10.- Không si mê, không theo tà giáo, lúc nào tâm tánh cũng sáng suốt, luôn theo về với chánh pháp.

Ấy là Thập Thiện vậy.

Trong Tứ Thập Nhị Chương Kinh có nói:“Vùa giúp đãi đằng một người thiện, cái công đức còn nhiều hơn vùa giúp một trăm kẻ ác”.

Tôn chỉ Đạo Phật gom vào hai câu nầy:

“Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành.”

Bởi lấy sự thiện làm căn bản, nên lúc nào các lời giảng của Phật cũng đủ vẻ hòa nhã, khiêm nhượng, êm dịu và thanh khiết,

Trong mỗi thời thuyết pháp của Phật, từ đoạn đầu, đoạn giữa cho tới đoạn cuối đều toàn là thiện (lành). (Thế tôn diễn thuyết chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện).

CĂN: nghĩa là Rễ, cội rễ, nguồn gốc, bổn nguyên, cốt yếu. Vật chi có sức sanh nảy, có sức làm cho thêm ra, lớn lên, gọi là Căn.

Cũng như rễ (căn) cây có sức làm cho cây lớn lên, có sức sanh nảy ra thân cây, nhánh cây, lá cây. Cũng như Nhãn (mắt) có sức làm cho người ta thấy rõ mọi vật, nên gọi là nhãn căn. Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý. Sáu món có sức phát sanh sự thấy, sự nghe, sự ngửi, sự nếm, sự xúc động, sự biết, gọi là Lục căn.

Ngoài ra, căn của đàn ông, của đàn bà có sức phát sanh và tăng thêm chủng tộc, nên gọi là nam căn, nữ căn.

Lại nữa, trong ngũ căn:

1.- Lòng tin có thể làm cho mộ Tam bảo, hoan nghinh Chơn lý, Tứ đế ấy là Tín căn.

2.- Lòng tin tấn có thể làm cho dũng mãnh mà tu tập các pháp lành, nên gọi là Tin tấn căn.

3- Lòng niệm có thể tăng trưởng sự tưởng nhớ Chánh pháp, nên gọi là Niệm căn.

4.-Lòng Định có thể tăng thuợng sự nhứt tâm về Đạo lý, dứt tán loạn, nên gọi là Định căn.

5- Cái Huệ có thể mở mang việc giác ngộ, nhờ nó mà người ta thông đạt, nên gọi là Huệ căn.

Lại nữa, Căn là cái tánh thiện ác của người, tánh ấy có cái sức tăng trưởng việc lành hoặc việc ác. Tức là cái tánh quen thuộc từ những đời trước. Như: Căn cơ, Căn tánh, Thiện căn. Về thiện căn thì vô lượng, vô số. Vì nhà Đạo tu tập rất nhiều đức tánh, mỗi đức tánh khi được sâu rộng, vững chắc, thì trở nên một thiện căn vậy. Cho nên nhà Đạo đức có Vô lượng thiện căn, tức vô lượng đức tánh sâu rộng, tất cả đều nâng đỡ cho cái căn to lớn nhất là A Nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề căn.

Căn có ba thứ: Độn căn, Trung căn và Lợi căn.

Bồ tát đối với bậc Độn căn, căn tánh ngu, cùn, nhỏ mọn thấy cạn, thì dạy cho tinh tấn. Đối với bực Trung căn, thì dạy cho thuần thục. Đối với bực Lợi căn, căn tánh sắc sảo, có thể thọ lãnh cái pháp lớn, đã từng tu tập điều lành, thì dạy cho được giải thoát.

Trong hàng Đệ tử của Phật, có hai bực: Độn căn và Lợi căn.

Bực Độn căn thì ưa cái pháp cỡ nhỏ, tham trước vòng sanh tử, tuy đã gặp qua chư Phật mà chưa hành Đạo thâm diệu, còn bị các mối khổ làm cho não loạn thân tâm. Đối với bực nầy, Phật dạy cách tu chi nhập Niết bàn, dứt khổ não. Ấy là độ bằng hai phương tiện: Thinh văn thừa và Duyên giác thừa.

Bực Lợi căn thì tâm tánh đã sẵn thanh tịnh, nhu nhuyễn, thuần thục, đã từng hành đạo thâm diệu theo chơn chư Phật, thì Phật dạy cho lý thuyết Đại thừa để thành Phật.

Bàn về ý nghĩa của chữ “Thiện Căn”, thi hào Nguyễn Du trong phần kết của Tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” có nhận xét như sau:

“Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”

Rõ ràng, cái Thiện căn (tức là cái gốc lành) đã có sẵn nơi tâm của mỗi con người, nhưng vì vô minh, vì vọng tưởng vạy tà nên con người dần dần rời xa chân tánh, đánh mất đi cái Thiện tánh của mình, điều nầy Đức Thầy có giải rõ trong phần đầu của Quyển 4 tức “Giác mê Tâm kệ”:

“Sách Thánh đạo ghi trong Tam Tự,

Người mới sanh tánh thiện trời dành.

Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,

Nên tật xấu che mờ thiện tánh.”

Vì vậy, muốn vun trồng lại Thiện căn, chúng ta phải diệt trừ dứt tội căn (hay ác căn) có nghĩa là chúng ta phải biết tỉnh tâm, lo tu hiền chơn chất, nhất là phải hành trì pháp môn Học Phật Tu Nhân, đáp đền trọn vẹn Tứ Ân, đúng theo Giáo lý của Đức Thầy để lại:

“Đến ngày biển cạn non mòn,

Tứ ân đã trả chẳng còn tội CĂN.

Nay ông nhập tự làm tăng,

Trước sau tuy khác THIỆN CĂN vẫn đồng.

(Cho ông Cò tàu Hảo)

Tóm lại, THIỆN CĂN là căn lành, là gốc lành. Người tu hành khi ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý đều trọn lành, tức là có Thiện Căn; nhưng trong đó Ý nghiệp là nguồn gốc quan trọng hơn hết. Như một cội cây, hễ rễ gốc tốt thì cành lá, bông trái đều tốt. Ý căn trọn lành thì Thân và Khẩu cũng trọn lành, do đó được sanh ra diệu quả phúc lạc ở cõi người hoặc Tiên Phật. Tất cả vị quả ấy đều từ Thiện Căn mà ra. Và công đức tu tập 3 đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) đều được bồi bổ Thiện Căn rồi kết thành Phật quả.

Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Phật nói:“Như có hàng thiện nam tử, thiện nữ nhơn gieo trồng Thiện Căn thì đời nào sanh ra cũng gặp bậc Thiện tri thức, bậc Thiện tri thức nầy làm nổi Phật sự. Chỉ dạy cho mình sớm vào Phật quả”. Theo ý pháp Đức Thầy dạy thì người tu đặng trọn lành trọn sáng là đầy đủ Thiện Căn. Vì vậy, Ngài bảo:

“Đem tâm hồi hướng gốc lành,

Làm tôi Phật Tổ chí thành chí chơn”.

(Cho Ông Cò tàu Hảo)

Hay là:

“Có thiện-căn sớm lại cửa thiền,

Câu niệm Phật chờ ngày chung cuộc."

(Diệu Pháp Quang Minh)

Cuối cùng, Đức Thầy nhắc nhở người có thiện căn thiện chí hãy sớm tỉnh ngộ trở về với gốc lành cội cũ và rán làm lành niệm Phật, tu tâm dưỡng tánh cho đến ngày chung cuộc, để được hưởng cảnh huy hoàng của ngày Thượng nguơn Thánh đức sắp tới đây./.

Nam mô A Di Đà Phật !

TRƯƠNG VĂN THẠO

Ý kiến bạn đọc
28 Tháng Chín 201612:29 SA
Khách
thiện căn đây
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 10840)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 16263)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 24723)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25034)
100,000