- Quyển I Khuyên Người Đời Tu-Niệm
- Quyển II Kệ Dân Của Người Khùng
- Quyển III Sám Giảng
- Quyển IV Giác Mê Tâm Kệ
- Quyển V Lời Khuyến Thiện Của Ông Vô Danh Cư Sĩ
- Quyển VI Cách Tu Hiền và Sự Ăn Ở của Một Người Bổn-Đạo
- DIỆU-PHÁP QUANG-MINH
- THIÊN LÝ CA
- ĐỂ CHƠN ĐẤT BẮC
- "TRONG VIỆC TU THÂN XỬ KỶ"
- PHẬT LÀ GÌ?
- CHƯ PHẬT CÓ BỐN ĐẠI-ĐỨC
- ĐỨC PHẬT ĐỐI VỚI CHÚNG-SANH
- THẬP NHỊ NHƠN-DUYÊN
- MÔN HOÀN DIỆT
CHƯ PHẬT CÓ BỐN ĐẠI-ĐỨC
Chư Phật có bốn đại-đức. Vậy ta niệm danh-hiệu Phật để nhớ Phật và rán sức làm theo bốn đại-đức của Phật đặng ngày sau chứng quả như Ngài. Bốn đức ấy là:
- Đức từ: Phật đối với chúng-sanh như mẹ với con, lúc nào cũng lo-lắng đến, hết lòng dìu-dắt, dạy-dỗ, không nỡ để chúng-sanh sa vào đường tội lỗi mà chịu khổ não;
- Đức bi: Nếu chúng-sanh nào dạy-dỗ chẳng nghe, làm điều độc-ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng;
- Đức hỉ: Thường thường an vui mà làm những việc lành. Dầu gặp hoàn-cảnh trái-nghịch cũng chẳng vì thế mà sanh lòng buồn-bã;
- Đức xả: Ngài chẳng chấp một pháp nào trong thế-gian, sẵn lòng lìa xa các nghiệp tiền-trần, tha-thứ hết thảy những ai tối-tăm lầm-lỗi, chẳng còn vướng-víu chi với cuộc lợi-danh, tài-sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái.
Vậy ta niệm Phật, phải biết đại đức của chư Phật và làm sao cho ta có thể đắc được bốn đức ấy.
Ta cũng nên bố-thí, nhẫn-nhục, trì-giới (để độ tham, sân, si).
Còn phương-pháp niệm Phật là để trừ cái vọng- niệm của chúng-sanh, vì trong tâm của chúng-sanh niệm niệm mê-lầm chẳng dứt; vì cái vọng-niệm về việc thế-trần ấy mà không cho cõi lòng an-lạc, phiền não ngăn che, chơn tâm mờ ám. Nên nay, hễ thành tâm niệm Phật thì nếu được một niệm Phật ắt lìa được một niệm chúng-sanh, mà niệm niệm Phật thì lìa tất cả niệm chúng-sanh. Cho đến khi nhứt tâm bất loạn, chừng ấy vọng niệm chúng-sanh đã dứt thì lòng ham muốn và các tình-dục còn đâu mà nảy sanh ra được?
Nên niệm Phật là niệm cái bản-lai thanh-tịnh của Phật cho lòng của mình nương theo đó mà được thanh-tịnh và chẳng còn trược nhiễm trần-ai.
Cần tu thập thiện thì sự niệm mới có hiệu quả. Tu thập thiện, dứt được thập ác (cũng gọi là tịnh tam nghiệp).
Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ