Quyển I Khuyên Người Đời Tu-Niệm

25 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 31686)
Quyển I Khuyên Người Đời Tu-Niệm

Quyển I

Khuyên Người Đời Tu-Niệm

(912 câu)


Hạ-nguơn nay đã hết đời,
Phong-ba biến-chuyển đổi-dời gia-cang.
Năm Mèo Kỷ-Mão rõ ràng,
Khắp trong trần-hạ nhộn-nhàng xiết chi.

 
Ngồi buồn Điên tỏ một khi,
Bá gia khổ-não vậy thì từ đây.
Cơ trời thế cuộc đổi xây,
Điên mới theo Thầy xuống chốn phàm-gian.


Thấy đời ly-loạn bất an,
Khắp trong các nước nhộn-nhàng đao binh.
Kẻ thời phụ nghĩa bố-kình,
Người thời trung-hiếu chẳng gìn vẹn hai.


Nên Điên khuyên-nhủ bằng nay,
Xin trong lê-thứ ngày rày tỉnh tâm.
Cơ thâm thì họa diệt thâm,
Nào trong sách sử có lầm ở đâu.


Người khôn nghe nói càng rầu,
Người ngu nghe nói ngửa đầu cười reo.
Rồi sau sẽ thấy hùm beo,
Khắp trong bá-tánh hiểm nghèo đáng thương.


Điên nầy vưng lịnh Minh-Vương,
Với lịnh Phật đường đi xuống giảng dân.
Thấy trong bá-tánh phàm-trần,
Kẻ khinh người nhạo Thần Tiên quỉ tà.


Mặc ai bàn tán gần xa,
Quỉ của Phật Bà sai xuống cứu dân.
Kẻ xa thì mến đức-ân,
Làm cho người gần ganh-ghét khinh khi.


Nam mô, mô Phật từ-bi,
Miệng thì niệm Phật lòng thì tà-gian.
Khắp trong bá-tánh trần-hoàn,
Cùng hết xóm làng đều bỉ người Điên.


Điên nầy xưa cũng như ai,
Vào các ra đài tột bực giàu-sang.
Nghĩ suy danh-lợi chẳng màng,
Bèn lên ẩn-dật lâm-san tu trì.

 
Nhờ Trời may-mắn một khi,
Thẩn-thơ lại gặp Đức Thầy Bửu-Sơn.
Cuối đầu Điên tỏ nguồn-cơn,
Động lòng bác-ái ra ơn dạy truyền.


Thấy Điên tâm tánh quá thiềng,
Nội trong sáu khắc biết liền Thiên-cơ.
Chuyện nầy thôi nói sơ sơ,
Để rộng thì giờ nói chuyện chơn tu.

 
Dương-trần kẻ trí người ngu,
Ham võng ham dù danh-lợi xuê-xang.
Cờ đà đến nước bất an,
Chẳng lo tu niệm tham-gian làm gì.


Phật, Trời thương kẻ nhu-mì,
Trọng cha, yêu Chúa kính vì tổ-tông.
Ngồi buồn nói chuyện bông-lông,
Khắp trong trần-hạ máu hồng nhuộm rơi.


Chừng nào mới đặng thảnh-thơi,
Dậu Phật ra đời thế-giới bình yên.
Điên nầy Điên của Thần-Tiên,
Ở trên Non-Núi xuống miền Lục-Châu.


Đời còn chẳng có bao lâu,
Rán lo tu-niệm đặng chầu Phật-Tiên.
Thế-gian ít kẻ làm hiền,
Nhiều người tàn-bạo làm phiền Hóa-Công.


Thế-gian chuyện có nói không,
Đến hội Mây-Rồng thân chẳng toàn thây.
Việc đời đến lúc cấn gay,
Mà cũng tối ngày nói xéo nói xiên.


Dương-trần tội ác liên-miên,
Sau xuống huỳnh-tuyền Địa-ngục khó ra.
Điên nầy nói chuyện gần xa,
Đặng cho lê-thứ biết mà lo tu.


Tu cho qua cửa Diêm-phù,
Khỏi sa Địa-ngục ngao-du Thiên-đài.
Đường đời chẳng có bao dai,
Nên viết một bài cho bá-tánh coi.

 
Tuồng đời như pháo châm ngòi,
Bá-gia yên-lặng mà coi Khùng nầy.
Khùng thời ba Tớ một Thầy,
Giảng-dạy dẫy-đầy rõ việc Thiên-cơ.


Điên đây còn dại còn khờ,
Yên lặng như tờ coi chúng làm sao.
Bá-gia kẻ thấp người cao,
Chừng thấy máu đào chúng mới chịu tu.

 
Bây giờ giả dại giả ngu,
Cũng như Nhơn-Quí ở tù ngày xưa.
Lúc nầy kẻ ghét người ưa,
Bị Điên nói bừa những việc vừa qua.


Dương-trần biếm nhẻ gần xa,
Nói quỉ nói tà đây cũng cam tâm.
Ngồi buồn nhớ chuyện xa xăm,
Dạo trong Bảy-Núi cười thầm sư-mang.


Nói rằng lòng chẳng ham sang,
Sao còn ham của thế-gian làm gì?
Việc nầy thôi quá lạ kỳ,
Cũng trong Phật-Giáo sao thì chê khen.


Lúc nầy tâm trí rối beng,
Tiếng quyển tiếng kèn mặc ý bá-gia.
Hết gần rồi lại tới xa,
Dân-sự nhà nhà bàn tán cười chơi.


Chuyện nầy cũng lắm tuyệt-vời,
Giả như Hàn-Tín đợi thời lòn trôn.
Đến sau danh nổi như cồn,
Làm cho Hạng-Võ mất hồn mấy khi.


Chuyện xưa thanh-sử còn ghi,
Khen anh Hàn-Tín vậy thì mưu cao.
Chuyện đời phải có trước sau,
Điên Khùng khờ dại mà cao tu hành.


Bá-gia phải rán làm lành,
Niệm Phật cho rành đặng thấy Thần-Tiên.
Thương đời trong dạ chẳng yên,
Khắp trong lê-thứ thảm phiền từ đây.

 
Ngày nay thế-cuộc đổi xây,
Rán lo tu niệm đặng Thầy cứu cho.
Mảng theo danh-lơi ốm-o,
Sẳn của hét hò đứa ở người ăn.


Đừng khi nhà lá một căn,
Mà biết niệm Phật sau bằng bạc muôn.
Giàu sang như nước trên nguồn,
Gặp cơn mưa lớn nó tuôn một giờ.


Cửu-Huyền Thất-Tổ chẳng thờ,
Để thờ những Đạo ngọn cờ trắng phau.
Dương-trần bụng dạ nhiều màu,
Thấy cảnh bên Tàu sao chẳng nghĩ suy.


Lời xưa người cổ còn ghi,
Những việc lạ kỳ nay có hay chưa?
Chưa là với kẻ chẳng ưa,
Chớ người tâm đạo biết thừa tới đâu.

 
Bá-gia mau kíp lo âu,
Để sau đối đầu chẳng đặng toàn thây.
Việc đời nói riết thêm nhây,
Nếu muốn làm Thầy phải khổ phải lao.


Mèo kêu bá-tánh lao-xao,
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê.
Con ngựa lại đá con dê,
Khắp trong trần-hạ nhiều bề gian-lao.


Khỉ kia cũng bị xáo-xào,
Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng.
Nói ra nước mắt rưng-rưng,
Điên biểu dân đừng làm dữ làm hung.


Việc đời nói chẳng có cùng,
Đến sau mới biết đây dùng kế hay.
Bây giờ mắc việc tà tây,
Nên mới làm vầy cho khỏi ngại-nghi.


Thiên-cơ số mạng biết tri,
Mà sao chẳng chịu chạy đi cho rồi?
Những người giả đạo bồi-hồi,
Còn chi linh-thính mà ngồi mà nghe.

 
Việc đời như nước trong khe,
Nó tưởng đặt vè nói biếm người hung.
Điên nầy nối chí theo Khùng,
Như thể dây dùn đặng cứu bá-gia.


Sau nầy kẻ khóc người la,
Vài ba năm nữa biết mà tà-tinh.
Điên biết chẳng lẽ làm thinh,
Nói cho bá-tánh mặc tình nghe không.


Việc Điên, Điên xử chưa xong,
Lục-Châu chưa giáp mà lòng ủ-ê.
Người nghe đạo lý thì mê,
Kẻ lại nhún trề nói: Lão kiếm cơm.

 
Thấy nghèo coi thể rác-rơm,
Rồi sau mới biết rác-rơm của Trời.
Vì Điên chưa đến cái thời,
Nên còn ẩn dạng cho người cười chê.


Từ đây sắp đến thảm-thê,
Con lìa cha mẹ, vợ kia xa chồng.
Tới chừng đến việc ngóng-trông,
Trách rằng Trời Phật không lòng từ-bi.


Di-Đà lục-tự rán ghi,
Niệm cho tà-quỉ vậy thì dang ra.
Khuyên đừng xài phí xa-hoa,

Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu.


Đừng khinh những kẻ đui-mù,
Đến sau sẽ khổ gấp mười mù-đui.
Đời nay xét tới xem lui,
Chừng gặp tuổi Mùi bá-tánh biết thân.


Tu-hành sau được đức-ân,
Nhờ Trời ban bố cho gần Phật Tiên.
Nói ra trong dạ chẳng yên,
Điên gay chèo quế dạo miền Lục-Châu.


Tới đâu thì cũng như đâu,
Thêm thảm thêm sầu lòng dạ người xưa.
Bá-gia ai biết thì ưa,
Tôi chẳng nói thừa những việc Thiên-cơ.


Khi già lúc lại trẻ thơ,
Giả quê giả dốt khắp trong thị thiềng.
Đi nhiều càng thảm càng phiền,
Lên doi xuống vịnh nào yên thân Già.


Tay chèo miệng lại hát ca,
Ca cho bá-tánh biết đời loạn-ly.
A-Di-Đà Phật từ-bi,
Ở bên Thiên-Trước chứng tri lòng nầy.


Từ ngày thọ giáo với Thầy,
Dẹp lòng vị-kỷ đầy lòng yêu dân.
Ngày nay chẳng kể tấm thân,
Miễn cho bá-tánh được gần Bồng-Lai.


Đời nầy vốn một lời hai,
Khắp trong trần-hạ mấy ai tu trì.
Đời nầy giành-giựt làm chi,
Tới việc ly-kỳ cũng thả trôi sông.


Thuyền đưa Tiên-cảnh Non-Bồng,
Mấy ai mà có thiềng lòng theo đây.
Cứ lo làm việc tà-tây,
Bắt ngưu bắt cầy đặng chúng làm ăn.


Chừng đau niệm Phật lăng-xăng,
Phật đâu chứng kịp lòng người ác-gian.
Thấy đời mê-muội lầm-than,
Ăn bạ nói càng tội-lỗi chỉn ghê.


Chữ tu không phải lời thề,
Mà không nhớ đến đặng kề Tiên-bang.
Nói nhiều trong dạ xốn-xang,
Cùng hết xóm làng tàn-ác nhiều hơn.

 
Thầy chùa như thể cây sơn,
Ngoài da coi chắc trong thời mối ăn.
Buồn thay cho lũ ác-tăng.
Làm điều dối thế cho hư đạo-mầu.


Di-Đà Phật-Tổ thêm rầu,
Giận trong tăng-chúng sao lừa-dối dân.
Có thân chẳng liệu lấy thân,
Tu theo lối cũ mau gần Diêm-Vương.


Bá-gia lầm lạc đáng thương,
Nên trước Phật đường thọ lãnh dạy dân.
Dương trần nhiều kẻ ham sân,
Cứ theo biếm-nhẻ xa gần người Điên.

 
Lòng buồn mượn lấy bút nghiên,
Viết cho trần hạ bớt phiền lo tu.
Thương đời chớ chẳng kiếm xu,
Buồn cho bá-tánh hết mù tới đui.


Có chi mà gọi rằng vui,
Khắp trong bá-tánh gặp hồi gian lao.
Từ đây hay ốm hay đau,
Rán tu đem được Phật vào trong tâm.


Lời hiền nói rõ họa thâm,
Đặng cho bá-tánh tỉnh tâm tu hành.
Ngày nay Điên mở đạo lành,
Khắp trong lê-thứ được rành đường tu.


Nay đà gần cuối mùa thu,
Hết ngu tới dại công-phu gần thành.
Xác trần đạo-lý chưa rành,
Mấy ai mà được lòng thành với Điên.


Điên nầy sẽ mở xích xiềng,
Dắt-dìu bá-tánh gần miền Tiên-bang.
Không ham danh-lợi giàu sang,
Mong cho bá-tánh được nhàn tấm thân.


Thường về chầu Phật tấu trần,
Cầu xin Phật-Tổ ban lần đức ơn.
Nay đà bày tỏ nguồn cơn,
Cho trong trần-hạ thiệt hơn tỏ tường.


Phật, Trời thấy khổ thời thương,
Muốn cho lê-thứ thường thường làm nhơn.
Đừng ham tranh-đấu thiệt hơn,
Tu niệm chớ sờn uổng lắm dân ôi!


Hồng-trần biển khổ thấy rồi,
Rán tu nhơn-đạo cho tròn mới hay.
Đừng ham nói đắng nói cay,
Cay đắng sau nầy đau đớn, sầu-bi.


Tu hành tâm trí rán trì,
Sau nầy sẽ thấy việc gì trên mây.
Đừng làm tàn-ác ham gây,
Sẽ có người nầy cứu vớt giùm cho.

 
Dương-trần lắm chuyện đôi co,
Phải dẹp vị-kỷ mà lo tu hành.
Kệ kinh tưởng-niệm cho sành,
Ngày sau thấy Phật đành rành chẳng sai.


Lúc nầy thế-giới bi-ai,
Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm.
Mấy lời khuyên nhủ chẳng lầm,
Từ đây đạo hạnh được mầm thanh-cao.


Hồng-trần lao-khổ xiết bao,
Khuyên trong lê-thứ bước vào đường tu.
Xưa nay đạo-hạnh quá lu,
Ngày nay sáng tỏ đền bù ngày xưa.


Mặc tình kẻ ghét người ưa,
Điên chẳng nói thừa lại với thứ-dân.
Quan-trường miệng nói vang rân,
Mà tâm dính chặt hồng-trần bụi nhơ.


Buồn đời nên mới làm thơ,
Cũng còn tai lấp mắt ngơ mới kỳ.
Người đời lòng dạ bất tri,
Trông cho làm bịnh dị-kỳ nó coi.


Dương-gian chậu úp được voi,
Giấu đầu rồi lại cũng lòi sau đuôi.
Nói nhiều mà dạ chẳng nguôi,
Việc tu bá-tánh bắn lùi như tôm.


Tưởng Phật được lúc đầu hôm,
Đêm khuya muốn giựt nồi cơm của người.
Thế-gian nhiều việc nực cười,
Tu-hành chẳng chịu, lo cười lo khinh.


Người già ham muốn gái xinh,
Đến sau chẳng biết thân mình ra sao?
Xác thân cọp xé beo quào,
Còn người tàn bạo máu đào tuôn rơi.


Tu-hành hiền-đức thảnh-thơi,
Ngay cha thảo chúa Phật, Trời cứu cho.
Bá gia hãy rán mà lo,
Kiếm Lão Đưa Đò nói chuyện huyền cơ.


Bấy lâu chẳng biết làm thơ,
Nay viết ít tờ trần-hạ tỉnh tâm.
Đến sau khổ hạnh khỏi lâm,
Nhờ công tu niệm âm-thầm quá hay.


Chừng nào chim nọ biếng bay,
Cá kia biếng lội khổ nầy mới yên.
Nhắc ra quá thảm quá phiền,
Bể khổ gần miền mà chẳng chịu tu.


Ngọn đèn chơn-lý hết lu,
Khắp trong lê-thứ ao tù từ đây.
Thấy trong thời-cuộc đổi xây,
Đời nay trở lại khác nào đời Thương.


Nhắc ra thêm ghét Trụ-Vương,
Ham mê Đắc-Kỷ là phường bội cha.
Hết gần Điên lại nói xa,
Nói cho bá-tánh biết mà người chi.


Lời lành khuyên hãy gắn ghi,
Dương-trần phải rán tu-trì sớm khuya.
Đừng ham làm chức nắc-nia,
Ngày sau như khóa không chìa dân ôi!


Tu-hành như thể thả trôi,
Nay lở mai bồi chẳng có thiềng tâm.
Mưu sâu thì họa cũng thâm,
Ngày sau sẽ biết thú cầm chỉn ghê.


Hùm beo tây tượng bộn bề,
Lại thêm ác thú mãng-xà, rít to.
Bá-gia ai biết thì lo,
Gác tai gièm xiểm đôi co ít gì!


Hết đây rồi đến dị-kỳ,
Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết tha.
Dân nay như thể không cha,
Chẳng ai dạy-dỗ thiệt là thảm-thương.


Thứ nầy đến thứ Minh-Vương,
Nơi chốn Phật-đường mặt ngọc ủ-ê.
Cám thương trần-hạ nhiều bề,
Bởi chưng tàn bạo khó kề Phật Tiên.


Chúng ham danh-lợi điền-viên,
Ngày sau đến việc lụy-phiền suốt canh.
Kệ-kinh tụng niệm đêm thanh,
Ấy là châu-ngọc để dành ngày sau.


Bây giờ chưa biết vàng thau,
Đời sau kính trọng người cao tu hành.
Nam-mô miệng niệm lòng lành,
Bá gia phải rán biết rành đường tu.


Thương ai ham võng ham dù,
Cũng như những kẻ đui mù đi đêm.
Khuyên đời như vá múc thêm,
Mảng lo tranh đoạt thù-hềm với nhau.


Đến chừng có ốm có đau,
Vang mồm niệm Phật, Phật nào chứng cho.
Dương-trần tiếng nhỏ tiếng to,
Nói ngỗng nói cò đây cũng làm thinh.


Tưởng rằng thân nó là vinh,
Chẳng lo tu niệm cứ ghình với Điên.
Nói ra trong dạ chẳng yên,
Bây giờ nói chuyện cởi thuyền khuyên dân.


Đêm ngày chẳng nại tấm thân,
Nắng mưa chẳng quản tảo-tần ai hay.
Chừng sau đến hội Rồng-Mây,
Người đời mới biết Điên nầy là ai.


Lui thuyền chèo quế tay gay,
Thuyền đi nước ngược đến rày cù lao.
Xa xa chẳng biết làng nào,
Thiệt làng Long-Khánh ít người nào tu.

Tớ Thầy liền giả đui mù,
Bèn đi ca hát kiếm xu dương-trần.
Bá-gia tựu lại rần-rần,
Trong nửa ngày trần chẳng có đồng chi.


Nực cười trần-hạ một khi,
Ở một đêm thì sáng lại qua sông.
Bình-minh vừa buổi chợ đông,
Bày trò bán thuốc hát ròng đời nay.


Cho thiên-hạ tựu đông vầy,
Rồi mới ra bài hát việc Thiên-cơ.
Tới đây bá-tánh làm ngơ,
Buồn cho lê-thứ kịp giờ ra đi.


Lìa xa Hồng-Ngự một khi,
Thẳng đường trực-chỉ Điên đi Tân-Thành.
Tới đây ra mặt người rành,
Nói chuyện thiệt sành thông-lảu Đạo nho.


Nhiều người xúm lại đôi co,
Chê lão đưa đò mà biết việc chi.
Thấy đời động tánh từ-bi,
Điên chẳng bắt tì còn mách việc xa.


Khoan khoan chơn nọ bước ra,
Giáp rạch Cả-Cái rồi ra ngoài vàm.
Đoái nhìn mây nọ trắng lam,
Điên ra sức lực chèo chơi một giờ.


Xa nhìn sương bạc mờ mờ,
Tân-An làng nọ dân nhờ bắp khoai.
Giả người bán cá bằng nay,
Dân chúng ngày rày xúm lại mua đông.


Tới lui giá cả vừa xong,
Điên cũng bằng lòng cân đủ cho dân.
Có người chẳng chịu ngang cân,
Bỏ thêm chẳng bớt mấy lần không thôi.


Nực cười trần-hạ lắm ôi!
Giảng cho bá-tánh một hồi quá lâu.
Thân già thức suốt canh thâu,
Nói cho lê-thứ quày đầu mới thôi.


Nhiều người nghe hết phủi rồi,
Quày thuyền trở lại bồi-hồi sầu-bi.
Giả người tàn-tật một khi,
Xuống vàm kinh Xáng được thì chút vui.


Một người nhà lá hẩm hiu,
Mà biết đạo-lý mời Cùi lên chơi.
Bàn qua kim-cổ một hồi,
Cùi xuống giữa vời Châu-Đốc thẳng xông.


Đến nơi thiên-hạ còn đông,
Giả gái không chồng đi bán cau tươi.
Thấy dân ở chợ nực cười,
Xúm nhau trêu ghẹo đặng cười Gái Tơ.


Buồn đời lăng mạ ngẫn-ngơ,
Biến mất lên bờ liền giả cùi đui.
Phố phường nhiều kẻ tới lui,
Thấy kẻ Đui Cùi chẳng muốn ngó ngang.


Đời nay quý trọng người sang,
Giả ra gây lộn nói toàn tiếng Tây.
Tây, Nam, Chà, Chệt, chú, thầy,
Nó thấy làm vầy chẳng bắt ngại nghi.


Xuống thuyền quày quả một khi,
Chèo lên Vĩnh-Tế vô thì núi Sam.
Đi ngang chẳng ghé chùa am,
Xuôi dòng núi Sập đặng làm người ngu.


Xem qua đầu tóc u-xù,
Cũng như người tội ở tù mới ra.
Chèo ghe rao việc gần xa,
Bồng-lai Tiên-cảnh ai mà đi không?


Nhiều người tâm đạo ước mong,
Nếu tôi gặp được như rồng lên mây.
Ấy là tại lịnh Phương Tây,
Cho kẻ bạo tàn kiến thấy Thần Tiên.


Có người nói xéo nói xiên,
Chú muốn kiếm tiền nói gạt bá gia.
Thoáng nghe lời nói thiết tha,
Rưng rưng nước mắt chèo về Mặc-Dưng.


Tay chèo miệng cũng rao chừng,
Đường đi Tiên cảnh ai từng biết chưa?
Khúc thời nhắc lại đời xưa,
Lúc chàng Lý-Phủ đổ thừa Trọng-Ngư.


Nhà anh có của tiền dư,
Sao chẳng hiền-từ thương-xót bá-gia?
Bây giờ gặp việc thiết-tha,
Bạc vàng có cứu anh mà hay không?


Hết tây Điên lại nói đông,
Có ai thức-tỉnh để lòng làm chi!
Mặc-Dưng mất dạng Từ-Bi,
Thuyền đi trở ngược về thì Vàm-Nao.


Dòm xem thiên-hạ lao-xao,
Không ghé nhà nào cũng gọi vài câu.
Con sông nước chảy vòng cầu,
Ngày sau có việc thãm sầu thiết-tha.


Chừng ấy nổi dậy phong-ba,
Có con nghiệt-thú nuốt mà người hung.
Đến chừng thú ấy phục-tùng,
Bá-gia mới biết người Khùng là ai.


Bây giờ phải chịu tiếng tai,
Giảng Đạo tối ngày mà chẳng ai nghe.
Đời như màn nọ bằng the,
Hãy rán học vè của kẻ Khùng-Điên.


Khỏi vàm Điên mới quày thuyền,
Xuống miền Cao-Lãnh lại phiền lòng thêm.
Tới đây ca hát ban đêm,
Ai có thù hềm chửi mắng cũng cam.


Cho tiền cho bạc chẳng ham,
Quyết lòng dạy-dổ dương-trần mà thôi.
Nghe rồi thì cũng phủi rồi,
Nào ai có biết đây là người chi.


Trở về Phong-Mỹ một khi,
Thuyền đi một mạch tới thì Rạch-Chanh.
Ghe chèo khúc quẹo khúc quanh,
Ở đây có một người lành mà thôi.


Nhắc ra tâm trí bồi-hồi,
Khó đứng khôn ngồi thương xót bá-gia.
Kiến-Vàng làng nọ chẳng xa,
Kíp mau tới đó vậy mà thử coi.


Xứ nầy nhà cửa ít oi,
Mà trong dân sự nhiều người chơn tu.
Thấy người đói rách xin xu,
Ra tay cứu vớt đui mù chẳng chê.


Khỏi đây đến chổ bộn-bề,
Rõ ràng Bến-Lức đã kề bên ghe.
Giả Người Tàn Tật đón xe,
Rồi lại nói vè ròng việc Thiên-cơ.


Hết vè rồi lại nói thơ,
Làm cho bá-tánh ngẩn-ngơ trong lòng.
Thơ vè Điên đã nói xong,
Đi luôn Ba-Cụm kẻo lòng ước-mơ.


Tới đây dẹp hết vè thơ,
Giả Người Bán Mắm quá khờ quá quê.
Chợ nầy thiên-hạ bộn-bề,
Kẻ nhún người trề chê mắm chẳng ngon.


Bạn hàng tiếng nói quá dòn:
Giá nầy chẳng bán còn chờ chuyện chi?
Bưng thời kẻ níu người trì:
Ở đây không bán chị thì đi đâu?


Dứt lời rồi lại câu-mâu,
Mắng: con đĩ chó khéo hầu làm khôn!
Muốn làm cho có người đồn,
Biến mất xác hồn cho chúng chỉnh ghê.


Nói ra thêm thảm thêm thê,
Ông-Lãnh dựa kề giả bán Trầu Cau.
Bạn hàng xúm lại lao-xao:
Ông bán giá nào nói thử nghe coi?


Trầu thời kẻ móc người moi,
Còn cau bẻ giấu thấy lòi tánh tham.
Thấy già bán rẻ nó ham,
Bị thêm quê dốt nó làm thẳng tay.


Ghe người biến mất bằng nay.
Cho chúng biết tài của kẻ Thần Tiên.
Bến-Thành đến đó đậu liền,
Gặp hai thằng lính tra liền thế thân.


Tớ Thầy nói chuyện cân phân:
Mới lỡ một lần xin cậu thứ-tha.
Hai người tôi ở phương xa,
Bởi chưng khổ-não mới là nổi trôi.


Lính nghe vừa dứt tiếng rồi,
Khoát nạt một hồi rồi lại bắt giam.
Thấy đời trong dạ hết ham,
Ghe người biến mất coi làm chi đây.


Tức thời Điên giả làm thầy,
Đi coi đi bói khắp trong phố phường.
Có người tu niệm đáng thương,
Điên mới chỉ đường Tịnh-Độ Vãng-Sanh.


Dạo cùng khắp cả Sài-Thành,
Khi ca khi lý nói rành Thiên-cơ.
Bá-gia bá-tánh làm ngơ,
Tưởng như những kẻ nói thơ kiếm tiền.


Văn-minh trọng bạc trọng tiền,
Khôn-ngoan độc-ác làm phiền người xưa.
Mặc ai ghét ghét ưa ưa,
Chẳng dám nói bừa cho bá-tánh nghe.

 
Phiền-ba ngựa ngựa xe xe,
Điên giả người què Gia-Định thẳng xông.
Què nầy đường xá lảu-thông,
Khắp trong thiềng-thị rồi thì nhà-quê.


Kêu cơm bá tánh nghe ghê,
Thêm nói bộn-bề những việc về sau.
Dương-trần bàn tán thấp cao,
Chẳng biết người nào rõ việc tiên-tri.


Giã từ Gia-định một khi,
Thuyền loan trực chỉ đến thì Cần-Thơ.
Tới đây giả Kẻ Quá Khờ,
Vợ điên chồng lại đứng hờ một bên.


Phố phường xóm dưới đầu trên,
Cùng người đi chợ xúm nhau reo cười.
Thị-thiềng hiền-đức được mười,
Phần nhiều xúm lại chê cười người điên.


Vợ thời ca hát huyên-thiên,
Chồng chẳng có tiền lại quán xin cơm.
Bá-gia coi thể rác-rơm,
Ai cũng sẵn hờm đặng có ghẹo chơi.


Điên mà ca hát việc đời,

Với việc hiện thời khổ-nảo Âu-Châu.
Chạy cùng chẳng sót đâu đâu,
Lòng quá thảm-sầu lìa lại Vĩnh-Long.


Chợ quê giảng dạy đã xong,
Thuyền loan trực chỉ đến rày Bến-Tre.
Chợ nầy đậu tại Nhà-Bè,
Giả Chị Bán Chè dạo khắp các nơi.


Giọng rao rặt tiếng kim thời,
Rước rước mời mời anh chị mua ăn.
Trẻ già qua lại lăng-xăng,
Nói nói rằng rằng những việc bướm-ong.

 
Gánh chè bán hết vừa xong,
Điên cũng nói ròng chuyện khổ về sau.
Nói rồi chơn bước mau mau,
Lìa xa thiềng-thị đến thì thôn-quê.


Đi đâu cũng bị nhún trề,
Kẻ lại chưởi thề nói: lũ bá-vơ.
Thấy đời tai lấp mắt ngơ,
Lúc ở trên bờ khi lại đi ghe.


Dạo cùng khắp tỉnh Bến-Tre,
Đủ bực thơ vè lìa lại Trà-Vinh.
Tới đây bày đặt hát kình,
Đua nhau bán thuốc mặc tình nghe không.


Nói ra những chuyện bông-lông,
Trách trong lê-thứ không lòng từ-bi.
Gặp người đói khó khinh-khi,
Điền-viên sự sản ai thì làm cho.


Dạy rồi thuyền lại Mỹ-Tho,
Khuyên trong trần-hạ rán lo tu-trì.
Xưa nay không có mấy khi,
Dương-trần có Phật vậy thì xuống đây.


Chợ quê giáp hết thuyền quay,
Đi trở lộn về Ông-Chưởng giảng dân.
Quản chi nắng Sở mưa Tần,
Chèo xuôi chèo ngược mấy lần không thôi.


Thảm thương bá-tánh lắm ôi !
Bồng-Lai Tiên-cảnh rao rồi một khi.
Nếu ai rảnh việc thì đi,
Còn mắc nợ thì ở lại dương-gian.


Có người xưng hiệu ông Quan,
Tên thiệt Vân-Trường ở dưới dinh Ông.
Thấy đời cũng bắt động lòng,
Ghé vào tệ-xá thẳng xông lên nhà.


Mình người tu-niệm vậy mà,
Nói chi lớn tiếng người mà khinh-khi.
Người nhà cảm tạ một khi,
Cúng năm cắc bạc tiền đi Non Bồng.

 
Xuống thuyền xuôi nước thẳng xông,
Ghé nhà chủ Phối xem lòng Đạo Ba.
Ngồi chơi đạo-lý bàn qua,
Mấy bà có biết lúa mà bay không?


Có người đạo-lý hơi thông,
Xin ông bày tỏ cho tôi hiểu rày.
Điên nghe liền mới tỏ bày:
Lúa bay về núi dành rày ngày sau.


Hỏi qua tu-niệm âm-hao,
Không biết câu nào trái ý Đạo Ba.
Buồn đời Điên mới bước ra,
Tay gay chèo quế dạo thì khắp nơi.


Đi hoài chẳng có nghỉ ngơi,
Miệng cũng rao mời Tiên-cảnh Bồng-Lai.
Có người xuống bến bằng nay,
Mách chơi ít tiếng người rày mạng vong.


Nhà ngươi thiệt chẳng có lòng:
Đòi đã hai lần sao chẳng chịu đi?
Thương đời ta luống sầu-bi,
Đò đi tới chốn ăn thì bao nhiêu?


Điên rằng tôi chẳng ham nhiều,
Bao nhiêu tự ý cho nhiều chẳng ham.
Điên nầy bụng chẳng có tham,
Ghe đã chở đầy chật nứt trong mui.


Già đây cũng chở cầu vui,
Vậy chú hãy ngồi ngay chổ sau đây.
Thấy người lòng dạ tà-tây:
Thân tôi làm vầy ông chẳng cho vô?


Trong mui đã mát lại khô,
Tôi có đủ tiền mà trả cho ông.
Trong mui dòm thấy trống không,
Bước nhầu vào đó máu hồng trào ra.


Cho người hung bạo biết Ta,
Thuyền Người biến mất vậy mà còn chi.
Trở lên Chợ-Mới một khi,
Chèo lên chèo xuống vậy thì cũng rao.

 
Năm xưa đây có máu đào,
Mà nay chưa có người nào chơn tu.
Nào Điên có muốn kiếm xu,
Mà trong trần-hạ đui mù không hay.


Hỏi ông người ở đâu rày,
Trả lời rằng ở Non cày Vua Nghiêu.
Tới đây trong dạ buồn hiu,
Bỏ ghe Điên cũng đánh liều chưa thôi.


Giả ra một Kẻ Hàn Nồi,
Khắp trong hàng xóm đi rồi sạch trơn.
Tới đâu cũng tỏ thiệt hơn,
Nhà tôi vốn thiệt có đờn năm dây.


Tôi còn mắc cái nợ nầy,
Nên mới làm vầy cho giải quả-căn.
Nhà tôi đâu phải khó khăn,
Đem theo trong xách bạc hằng tám mươi.


Nhiều người nghe nói reo cười,
Thân tôi lao-lý anh cười tôi chi?
Giã từ Chợ-Mới một khi,
Thuyền đi xuôi ngược đến thì Ba-Răng.

 
Ít ai biết được đạo hằng,
Ghé am thầy pháp nói rằng lở chơn.
Trước sau bày tỏ nguồn cơn,
Vì thương lê-thứ chi sờn lòng Đây.

 
Có người lối xóm muốn gây,
Xin sáu trái bắp liền quày xuống ghe.
Ghe Điên vốn thiệt ghe be,
Mà lại Điên nhè nước ngược thẳng xông.


Ra oai thuyền chạy như dông,
Người nhà xuống bến trong lòng ngại nghi.
Ông nầy chẳng biết người chi,
Chèo quế vậy thì mạnh bạo quá tay.

 
Thần Tiên mà chẳng ai hay,
Cứ biếm nhẻ hoài buồn dạ Người Xưa.
Đời nay mỏng tợ màn thưa,
Khuyên trong lê-thứ chẳng thừa một câu.


Thân nầy chẳng nệ mau lâu,
Miễn cho bá-tánh gặp chầu vinh-huê.
Thương trong trần-hạ thảm-thê,
Lao-khổ nhiều bề chớ chẳng còn vui.

 
Nhiều người nghèo khổ hẩm-hui,
Không đất cậm dùi mà chẳng ai thương.
Con thuyền đang lướt gió sương,
Bỗng nghe tiếng khóc tư-lương ai-hoài.


Có người ở xóm bằng nay,
Bị mất trộm rày đồ-đạc sạch trơn.
Du-thần bày tỏ nguồn cơn :
Rằng người nghèo-khó đương hờn phận duyên.


Điên nghe vội-vã quày thuyền,
Dùng khoa coi bói giải phiền phàm nhơn.
Coi rồi bày tỏ thiệt hơn,
Khuyên cô đừng giận đừng hờn làm chi.


Rồi đi dạo xóm một khi,
Đi lên nhà thì giã gạo mà chơi.
Vào nhà nói chuyện một hơi,
Gặp người bán thuốc cũng thời ghé vô:


- Mua một ve uống hỡi cô,
Uống vô bổ khỏe trị nhiều chứng phong.
Uống thì pha nước nóng trong,
Chớ đừng pha rượu nó hòng kỵ thai.


Hai thằng ở xóm bằng nay,
Nó nói ngày rày thuốc chẳng có hay.
Người cha đi lại thấy rầy:
- Thiệt mấy đứa nầy cải-cọ làm chi.


Bước ra nhà nọ một khi,
Đi lên đi xuống kiếm thì xe lôi.
Gặp xe chẳng có lên ngồi,
Chạy trước đi rồi ngừng lại chỗ kia.


Xóm nầy kẻ ghét người ưa,
Ghé vào nhà nọ nhổ bừa cái răng.
Nhổ rồi lui tới lăng-xăng,
Liền bước xuống thuyền Thầy Tớ thả trôi.


Vàm-Nao rày đã đến rồi,
Quày thuyền ghé lại bằng nay Chợ-Đình.
Hát hai câu hát huê-tình,
Đậu xem dân chúng Chợ-Đình làm sao.


Sáng ngày chợ nhóm lao-xao,
Giả bận Ao Màu ai cũng dòm xem.
Mấy thằng trai trẻ thấy thèm,
Đứng xa quanh-quẩn nói gièm với nhau.

 
Đứa nầy nói để cho tao,
Đứa kia xạo-xự áo màu quá ngon.
Nhắc ra động tấm lòng son,
Buồn cho lê-thứ sao còn ham vui.


Ở đây một buổi ghe lui,
Về trên Bảy-Núi ngùi-ngùi thương dân.
Thầy Trò chẳng nại tấm thân,
Rảo khắp Non Tần bận nữa thử coi.

 
Chơn tu thì quá ít-oi,
Nhiều người ẩn-sĩ quá lòi tánh tham.
Đi lần ra đến núi Sam,
Đến nơi rảo khắp chùa am của người.


Dạy rồi bắt quá tức cười,
Thầy tu nhiều kẻ biếng lười quá tay.
Trẻ già biến hóa ai hay,
Dạo trong Bảy Núi chẳng nài công lao.


Rú rừng lúc thấp lúc cao,
Giả ra Nghèo-Khó vào nhiều am-vân.
Tu hành nhiều kẻ tham sân,
Làm sao cho đặng mau gần Phật-Tiên.


Ai ai cũng cứ ham tiền,
Ấy là đem sợi xích xiềng trói thân.
Lìa xa Bảy-Núi lần lần,
Xuống thuyền trực chỉ đến gần Hà-Tiên.


Đến đây giả Kẻ Không Tiền,
Rảo khắp thị-thiềng xin-xỏ bá-gia

Đi rồi cũng quá thiết-tha,
Trở về non cũ đặng mà dạo chơi.


Non Tiên gió mát thảnh thơi,
Nhưng nhớ việc đời lụy ngọc nhỏ sa.
Xuống trần lúc hát lúc ca,
Mà trong lê-thứ có mà biết chi.


Nam-mô hai chữ từ-bi,
Trần-hạ nói gì đây cũng làm thinh.
Tu thời nhàn hạ thân mình,
Phần Điên khuyên nhủ mặc tình ghét ưa.


Thiên-cơ ai dám nói thừa,
Mà trong bá-tánh chẳng ưa Điên Khùng.
Xuống thuyền chèo quế thung-dung,
Đi dạy đủ chỗ khắp cùng thử coi.

 
Rạch-Giá chợ nọ thoi-loi,
Gần nơi ven biển cá mòi nhiều hơn.
Tới đây giả kẻ Có Cơn,
Khi say khi tỉnh lúc hờn số căn.


Dương-trần đi lại lăng-xăng,
Chê chê nhạo nhạo cười rằng quân điên.
Ở đâu mà tới thị-thiềng,
Lính chẳng bắt xiềng nó lại bót đi.


Lòng thương vì tánh từ-bi,
Dạy-dỗ chuyện cùng mà chẳng ai nghe.
Dạy rồi Điên lại xuống ghe,
Long-Xuyên, Sa-Đéc nói ròng vè-thơ.


Vợ chồng nghèo khổ bơ-vơ.
Ở nơi giữa chợ lại khờ lại quê.
Buồn trong lê-thứ ủ-ê,
Sóc-Trăng chợ ấy thuyền kề đến nơi.


Đến đâu thì cũng tả-tơi,
Nói rõ việc đời sắp khổ sắp lao.
Thị-thiềng thiên-hạ lao-xao,
Chẳng có người nào tu-niệm hiền-lương.


Thấy trong trần-hạ thảm thương,
Đâu có biết đường chơn chánh mà đi.
Lìa xa đô-thị một khi,
Thuyền loan trực-chỉ đến thì Bạc-Liêu.


Chợ nầy tàn-ác quá nhiều,
Phố-phường dân Thổ dân Tiều nhiều hơn.
Đi cùng thành-thị ráo trơn,
Ca-Mau đến đó thiệt hơn tỏ bày.


Cho trong bá-tánh chợ nầy,
Rõ việc dẫy đầy lao lý về sau.
Đường đi lao-khổ sá bao,
Miễn cho trần-hạ biết vào đường tu.


Tu hành đâu có tốn xu,
Mà sau thoát khỏi lao tù thế-gian.
Thầy Trò lắm cảnh gian-nan,
Chừng nào hết khổ mới an tấm lòng.


Đằng-vân đến tỉnh Gò-Công,
Vì thương dân-thứ mới hòng đến đây.
Xưa kia bão-lụt tỉnh nầy,
Mà sau cảnh khổ xứ nầy nhiều hơn.


Yêu dân lòng nọ chẳng sờn,
Thầy hát Tớ đờn dạy cũng khắp nơi.
Khỏi đây Bà-Rịa tách vời,
Đến đó vậy thời trời mới sáng ra.


Chợ nầy đông-đúc người ta
Nhiều đuông chà-là lại với nho tươi.
Đến đây Thầy Tớ hóa mười,
Nói nói cười cười bán thuốc Sơn Đông.


Ai ai đều cũng ngóng trông,
Coi lũ khách nầy hát thuật làm sao.
Hát mà trong bụng xáo-xào,
Nói chuyện bên Tàu máu đổ tuôn rơi.


Cả kêu dân-chúng hỡi ôi,
Sao không thức tỉnh việc đời gần bên.
Khổ đà đi đến như tên,
Rán lo tu niệm tìm nền vinh-hoa.


Vinh nầy của Đức Phật Bà,
Của Ông Phật Tổ ban mà cho dân.
Tu cho nhàn toại tấm thân,
Đừng làm tàn-ác xa lần Tiên bang.


Hát kêu bớ kẻ giàu sang,
Rán lo làm phước làm doan mới là.
Đến lâm cảnh khổ có Ta,
Với lịnh Phật Bà cứu vớt giùm cho.


Tu hành phải rán trì mò,
Gặp Lão Đưa Đò đừng có khinh-khi.
Dạy rồi Thầy Tớ liền đi,
Biên-Hòa đến đó vậy thì xem qua.


Đến đây dạy-dỗ gần xa,
Khuyên trong bá-tánh vậy mà tỉnh tâm.
Ngày nay gặp Bạn Tri-Âm.
Rán mà trì chí đặng tầm huyền-cơ.


Tân-an dạy-dỗ kịp giờ,
Chẳng dám chần chờ đi thẳng Tây-Ninh.
Tới đây vừa lúc bình-minh,
Điên ra sức giảng mặc tình nghe không.


Giảng rồi Dầu-Một thẳng xông,
Thiềng-thị giáp vòng thứ chót là đây.
Thương dân giảng dạy dẫy-đầy
Rảo khắp tối ngày chẳng có nghỉ chơn.


Nhiều người hung-ác quá chừng,
Không biết đời khổ lo mừng lo vui.
Nhắc ra dạ nọ nào nguôi,
Từ đây Lục-tỉnh đui cùi thiếu chi.


Nói mà trong dạ sầu-bi
Bá-gia chậm chậm khinh-khi Điên nầy.
Đừng ham nói nọ nói nầy,
Lặng yên coi thử Điên nầy là ai.


Cảm thương Ông Lão Bán Khoai,
Vì yêu dân-chúng chẳng nài nắng mưa.
Câu nầy nhắc chuyện năm xưa,
Khuyên trong trần-hạ hãy chừa lòng tham.


Khùng thời quê ngụ núi Sam,
Còn Điên chẳng có chùa am dưới nầy.
Vua Nghiêu xưa mở đất cày,
Ngày nay nhường lại cảnh nầy cho Điên.

 
Xuống trần day-dỗ huyên-thiên,
Dạy rồi thì lại thảm-phiền nhiều hơn.
Cầu xin Phật-Tổ ra ơn,
Lời Điên khuyên nhủ như đờn Bá-Nha.


Thị-thiềng khắp hết gần xa,
Từ đây sắp đến quê nhà Điên đi.
Đừng thấy ngu dại mà khi,
Thầy thì Huệ-Lựu, Tớ thì Huệ-Tâm.

 
Đời cùng còn chẳng mấy năm,
Khắp trong các nước thây nằm bằng non.
Cha thì chẳng thấy mặt con,
Vợ thì chồng chẳng được còn tại gia.


Khuyên trong lê-thứ trẻ già,
Tu hành hiền đức Phật mà cứu cho.
Ấy là quý báu thơm tho,
Đừng ham gây-gổ nhỏ to làm gì.


Con thì ăn ở nhu mì,
Học theo luân-lý kính vì mẹ cha.
Sau nầy sấu bắt hùm tha,
Xử người tàn-bạo vậy mà tại đây.


Đời xưa quả-báo thì chầy,
Đời nay quả-báo một giây nhãn tiền.
Dương-trần phải rán làm hiền,
Đừng trọng bạc tiền bỏ nghĩa bỏ nhân.


Người hung phải sửa cái thân,
Từ đây có kẻ Du-Thần xét soi.
Chuyện người chớ móc chớ moi,
Hãy treo gương thiện mà soi lấy mình.


Ai thương ai ghét mặc tình,
Phận mình cứ giữ tâm mình cho ngay.
Điên đây vưng lịnh Phương Tây,
Hầu hạ bên Thầy đặng cứu bá-gia.


Thấy đời lòng dạ tây-tà,
Cứ theo chế nhạo cười mà người Điên.
Ngồi buồn kể chuyện huyên-thiên,
Chẳng có ham tiền cũng bị ghét vơ.


Viết cho bá-tánh ít tờ,
Đi làm ruộng rẫy bỏ hờ theo xem.
Thương người nghèo khổ lấm-lem,
Thấy cảnh sung-sướng nó thèm quá tay.


Ai mà biết đặng ngày mai,
Ngày nay yên-tịnh ngày mai thảm-sầu.
Từ rày gặp cảnh buồn rầu,
Cho người tàn-bạo cứng đầu khinh-khi.


Dương-trần nay đáng sầu-bi,
Nên Điên mới nói chuyện ni tỏ tường.
Đêm ngày tưởng Phật cho thường,
Phải rán lo-lường kim-chỉ từ đây.


Thương đời Điên mới tỏ bày,
Dạy trong trần-hạ ngày rày rán nghe.
Đừng khi nhà lá chòi tre,
Nhà săng cột lớn bù-xè hay ăn.


Lúc nầy Điên mắc lăng-xăng,
Dương-trần biết đặng đạo-hằng mới thôi.
Chẳng ham cúng kiếng chè xôi,
Phật Trời chẳng muốn điều tồi ấy đâu.


Muốn cho dân hiểu Đạo-mầu,
Chớ không có muốn chùa lầu cho cao.
Bao nhiêu cũng biết vàng thau,
Dạy khôn trần-thế chớ nào dạy ngu.


Sáng ngày con chó sủa tru,
Chừng heo cắn ổ hiềm-thù mới yên.
Đừng ham giành-giựt của tiền,
Người hung hay gọi kẻ hiền rằng ngu.

 
Nay Điên chỉ rõ đường tu,
Ấy là đủ việc tài bù cho dân.
Thôi thôi nói riết dần lân,
Tới đây cũng lần ngừng lại bút nghiên.


NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT

BỬU châu công luyện chốn non Tần,
SƠN thủy môn giang bảo giác dân.
KỲ quái chờ nơi Thiên nhứt định,
HƯƠNG nồng dành thưởng kẻ tròn ân.








Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
100,000