TRẠCH THIỆN
29/11/2014
MỤC ĐÍCH HỌC GIÁO LÝ:
Vào Đạo là để tu sửa thân tâm. Muốn tu sửa thân tâm đúng theo đường lối chân chánh, tránh đi sai lệch mục tiêu của Đạo, ta buộc phải học Giáo lý. Người Phật tử học Giáo lý là tìm hiểu đúng lý thuyết Phật dạy, đúng lời chư Tổ dẫn giải về Pháp môn mình đã chọn lựa. Cũng thế, người tín đồ PGHH học Giáo lý là để nắm cho được căn bản Phật pháp nói chung và để hiểu lời Đức Thầy chỉ dạy trong Giáo lý PGHH, được cô đọng trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý của Ngài.
Hiểu Giáo lý chỉ là bước đầu của việc Tu Học; quan trọng hơn chính là việc đem sự hiểu biết của mình áp dụng vào đời sống thực tế, gọi là Tu. Tu và Học là hai việc cần bổ sung cho nhau để tiến hóa trên đường An Lạc và Giải Thoát. Người xưa nói: “Tu mà không Học là Tu mù, Học mà không tu thì chỉ là cái đãy sách”. Tu mù thì không thể nào đạt được mục tiêu mong muốn; học cho nhiều chỉ để làm cái túi (đãy) đựng sách thôi thì chẳng có ích lợi chi thiết thực cả.
Học Phật để tu sửa theo bản hòai của Phật có ba cách:
1. Học thân tướng của Phật, của Tổ Thầy: Phật và Thầy Tổ của mình sống thanh bạch hiền lương,…như thế nào thì mình bắt chước sống theo hành trạng của các Ngài như thế đó.
2. Học qua biểu tượng: tức học ý nghĩa của hình ảnh được vẽ, được điêu khắc để ghi nhớ lý siêu mầu không thể diễn tả được bằng lời (thí dụ: hình ảnh Phật sinh ra đời đi 7 bước trên hoa sen, hình Bồ-tát thiên thủ thiên nhãn, hình Tổ Đạt-Ma quảy một chiếc giày, …).
3. Học qua ngôn ngữ như kinh sách ghi lời Phật và Thầy Tổ đã dạy. Chúng ta, những người tín đồ PGHH, đang chuẩn bị học theo cách thứ ba nầy.
Giáo lý PGHH do Đức Thầy thuyết giảng hoàn toàn có tính chất đối cơ, đối với từng cá nhân cũng như đối với chung tập thể bình dân mà Ngài muốn giảng dạy. Ngài chủ trương dùng lời lẽ bình dân dễ hiểu để rao giảng; chỉ dạy sự lợi ích của tu Phước cho người sơ căn và chỉ cách mở mang Trí Huệ để được an lạc giải thoát cho người có thiện căn cao hơn.
Với Tu Phước, Đức Thầy khai thác cội nguồn Nhân đạo vốn phát xuất từ Khổng Giáo và đã ăn sâu rễ trong nền văn hóa dân tộc. Trên căn bản đó, Ngài chỉ cho tín đồ hiểu và sống theo tinh thần tam cang ngũ thường của người xưa, hiểu thế nào là Tam Nghiệp để “lánh ác tùng thiện”, khai thác và đặt nặng thuyết Tứ Ân vốn sẵn có trong Giáo lý Phật-đà (Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng Bào và Nhân Loại/ Ân Đàn-na Thí chủ đối với người xuất gia) để làm nền tảng vững chắc cho người tín đồ của Ngài trong vị trí các cư sĩ tại gia.
Với Tu Huệ, Ngài khai thác lý Thiền, chính là cốt tủy của đạo Phật, để dạy tín đồ tu theo Bát Chánh Đạo hầu tạo an lạc trong cuộc sống, dạy tu Tịnh Độ để tìm về cứu cánh giải thoát, vĩnh viễn thoát khỏi cảnh xuống lên trong vòng lục đạo luân hồi đầy khổ não.
Với non 8 năm dạy Đạo, Đức Thầy đã ra đi trong một biến cố đầy ấn tượng và lưu lại cho đời những lời pháp nhũ cao quý diệu mầu dưới các thể văn vần dễ đọc dễ nhớ để làm tư liệu cho bổn đạo tu hành.
TÀI LIỆU TU HỌC
Giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ được sưu tập trong một quyển giảng tựa đề là SẤM GIẢNG THI VĂN GIÁO LÝ TOÀN BỘ. Đó là tài liệu chánh để ta nghiên cứu tu học. Quyển giảng nầy đại lược có hai phần:
Phần 1: SẤM GIẢNG GIÁO LÝ, gồm có 5 quyển văn vần và một quyển được viết bằng tản văn chỉ cách ăn ở và tu hiền của người bổn đạo, được gọi là Quyển 6.
Phần 2: THI VĂN GIÁO LÝ, gồm các bài thơ ngắn, Nôm lẫn Hán, được Ngài viết hoặc xướng đọc và tín đồ ghi lại, rải rác từ năm 1939 đến năm 1947.
Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ dung chứa một nội dung tư tưởng Phật giáo rất cấp tiến và mang tính cách mạng của Đức Thầy về phương thức hành đạo mà không tách rời cứu cánh an lạc giải thoát của Phật dạy. Tư tưởng PGHH có hai đặc tính căn bản:
- Tiếp nối truyền thống và hiện đại hóa Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Phật Thầy Tây An, thế danh Đoàn Minh Huyên (1807-1856), khai sáng.
- Chấn hưng Đạo Phật đang trong thời kỳ suy thoái với nhiều hình thức mê tín dị đoan, tu hành sai lệch.
Do đó, những ai đã đọc qua Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ đều nhận thấy bàng bạc một nội dung phong phú gồm nhiều đề tài như sau:
- Khuyến khích tu hành giải khổ theo Đạo Phật và sống theo tinh hoa Khổng, Lão trong truyền thống văn hóa Việt Nam.
- Bài trừ các hình thức dị đoan mê tín đang bám víu vào các lễ nghi Phật giáo.
- Cổ võ người tu quay về chánh pháp vô vi của Đạo Phật để tu giải thoát thay vì chạy theo các hình tướng bên ngoài, đua đòi tạo chùa to, Phật lớn khiến tâm dễ bị tha hóa, sa đọa.
- Chủ trương tu tại gia, đem đạo vào đời mà vẫn kính thờ Tam Bảo.
- Khuyến khích đọc kinh tầm lý thay vì đọc tụng hơ hà mà không hiểu lời kinh dạy gì. (Đây là nhược điểm mà chúng ta hiện vẫn còn kẹt rất nặng: kệ giảng cứ học thuộc lòng rồi ngâm đọc ê a mà rất ít người chịu tìm học cho rõ lý để áp dụng vào đời sống).
- Đối với hàng xuất gia, nhắc nhở kính trọng người chân tu mà triệt để bài trừ kẻ đội lốt nhà tu để mưu sinh trục lợi, làm hoen ố thanh danh Đạo Phật. Chẳng hạn như các thầy cúng, thầy đám, thầy nhưn bông, … cũng ở chùa, cũng mặc áo cà sa mà có vợ sanh con, say sưa rượu thịt, …
TINH THẦN HỌC GIÁO LÝ:
Mục tiêu học Giáo lý là nhằm tìm hiểu lý Đạo để áp dụng trong việc tu hành. Muốn đạt mục tiêu đó, ta cần có một tinh thần cởi mở, xả chấp, hướng tâm, thực dụng,…theo các nguyên tắc sau đây:
1. Đối vật mà không đối nhân: Đối vật là hướng về mục đích, lý lẽ chơn chánh mà học; đối nhân là chấp chặt vào Thầy mình (tức người mà mình ưa thích, tôn kính), lý lẽ có chơn chánh đến đâu mà do người khác nói ra đều không chấp nhận. Như thế,“đối vật mà không đối nhân” sẽ giúp ta xả bỏ tính chấp ngã phi lý, mở rộng cõi lòng để học hỏi trong sự hài hòa vô phân biệt, sửa cái tâm thường hằng thay vì bám vào hình tướng luôn luôn sanh diệt theo chu kỳ.
2. Học để rõ lý mà không chấp lời: Lời nói chỉ là cái dụng để diễn tả khái niệm chơn lý chớ không phải là chơn lý. Nói cao nói thấp, nói kiểu bình dân hay bác học, nói gò bó câu nệ vào ngôn từ, … không cần thiết, miễn sao giúp người nghe nhận rõ đúng ý mình muốn diễn đạt là đủ. Thí dụ: trong văn học Phật giáo Việt Nam hiện nay rất kỵ nói con người “có linh hồn” mà phải nói là “có thần thức”; đó là một lối chấp lời không cần thiết, vì tiếng “linh hồn” luôn luôn dễ hiểu hơn tiếng “thần thức” đối với người bình dân, miễn sao ta diễn tả “linh hồn” và “thần thức” có cùng một nội dung là đủ.
3. So sánh đối chiếu để mở rộng tầm nhìn: Nếu không biết so sánh đối chiếu điều mình học đươc với điều người khác học được (dù khác môn phái, khác đạo với mình) thì ta không sao mở rộng đươc tầm nhìn của ta. Gò bó, khép kín sự hiểu biết của mình là một hình thức “kiến thủ” rất tai hại, không thể hòa đồng, xóa bỏ dị biệt, không thể tự lợi lợi tha để cùng dìu dắt nhau thăng tiến đời sống tâm linh.
4. Cần nắm vững Tâm và Cảnh: Tâm là linh hồn trường tồn mà ta cần luôn luôn trau dồi để thăng hoa, Cảnh là hình tướng bên ngoài luôn luôn sanh diệt theo chu kỳ dài ngắn. Cảnh là phương tiện, linh hồn là mục tiêu nên tu là tu sửa cái linh hồn chớ không tu sửa cảnh cho hợp ý mình. Tu cảnh là một sự dính mắc và nhầm lẫn rất tai hại của người tu học Phật pháp. Thí dụ: cùng là niệm Phật, người tu linh hồn là cốt niệm nhất tâm bất lọan, không để bất cứ một vọng niệm nào xen tạp vào khiến cho linh hồn bị loạn động, còn người tu cảnh là cố niệm cho nhiều (chấp 6 chữ hoặc 4 chữ, chấp niệm to niệm thầm,…) để nhằm đạt số lượng cao mặc cho linh hồn cứ rong chơi đây đó.
5. Học để hành, tránh sở tri chướng: Như đã nói, học là để hành (tu) chớ không phải để nói suông chơi, chứng tỏ ta hiểu nhiều biết nhiều. Sở tri chướng là cái chướng ngại do sự hiểu nhiều biết nhiều rồi biến thành kiến thủ, cản trở bước đường tu tiến của ta. Sở tri chướng là loại chướng ngại cho sự tu hành xếp sau Phiền não chướng. Sở tri chướng là loại mê lý dễ tháo gỡ nếu ta biết và quyết tâm tu chỉ vì mục tiêu an lạc và giải thoát.
Trong các kỳ tới, chúng ta sẽ “tản mạn đi vào Giáo Lý PGHH” để phăng tìm lý đạo mà áp dụng lợi lạc trong đời thường, đặc biệt là củng cố việc hành trì hướng về mục tiêu An lạc Giải thoát theo đúng bản hoài của chư Phật và Tổ Thầy.
TRẠCH THIỆN
29/11/2014