Quyển IV Giác Mê Tâm Kệ

25 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 21162)
Quyển IV Giác Mê Tâm Kệ

Quyển IV

Giác Mê Tâm Kệ

 (846 câu)


Khai ngọn đuốc từ-bi chí thiện,
Tìm con lành dắt lại Phật đường.
Thương dân hiền giáo đạo Nam-Phương,
Đặng chỉ ngõ làm lành lánh dữ.

 
Sách Thánh đạo ghi trong Tam-Tự,
Người mới sanh tánh thiện Trời dành.
Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ thiện-tánh.


Thiếu giáo-dục thiếu thêm đức-hạnh,
Ta quyết lòng nhắc lại tánh xưa.
Mặc tình đời gièm-siểm ghét ưa,
Rừng kinh kệ ít người hay chữ.


Quá mắc mỏ bởi chưng Phạn-ngữ,
Nên người đời khó kiếm cho ra.
Mõ chuông bày đọc tụng ó la,
Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý.


Dòm trước mắt thấy điều hồ-mị,
Nên động tình bác-ái dạy răn.
Réo những ai lợi dụng làm xằng,
Cho suy-sụp chơn-nhơn mờ-mịt.

 
Nào có khác mây đen phủ bít,
Rồi dắt nhau đến chỗ dại ngây.
Lấy tinh-thần hiệp vén ngút mây,
Trong bổn-đạo tự thân phải xử.

 
Xuống dương-thế dạo trong lê-thứ,
Thấy bá-gia gặp lúc não-nùng.
Cảnh trần-gian nhiều nổi lao-lung,
Việc tu-tỉnh ít người hiểu lý.


Trong bá-tánh muốn nơi cao quí,
Phải truy tầm huyền-bí nơi cơ.
Từ sấm kinh cho đến thi thơ,
Trong chốn ấy nhiều nơi trọng yếu.


Tạo làm chi những trung với hiếu!
Ấy là người bổn phận phải trau.
Khuyên dương-trần đừng nệ cần-lao,
Cũng rán sửa rán trau nền đạo.

 
Tu đầu tóc không cần phải cạo,
Miễn cho rồi cái đạo làm người.
Kể từ nay lỡ khóc lỡ cười,
Vì buồn bực thấy đời biến chuyển.


Các chư Phật từ đây lựa tuyển,
Coi ai là đức-hạnh hiền-từ.
Lời sách xưa cận thủy tri ngư,
Cận sơn lãnh trần gian tri điểu.


Trong sấm giảng nếu ai không hiểu,
Tầm kệ nầy Ta chỉ nẻo đường.
Quyết dạy trần nên nói lời thường,
Cho sanh-chúng đời nay dễ biết.


Trời dông gió sái mùa sái tiết,
Nắng cùng mưa cũng khác xưa rồi.
Khuyên dương-gian bỏ các việc tồi,
Đặng lo liệu cho tròn phận-sự.

 
Thấy trần-thế hãy còn lưỡng-lự,
Muốn tu mà còn hỡi chần-chờ.
Việc thế-gian như thể cuộc cờ,
Thắng với thối một hai nước tướng.

 
Nào ai có gạt dân nói bướng,
Mà dương-trần liệu lượng chánh tà.
Ta mến yêu những kẻ thiệt-thà,
Nghe cơ-giảng thiết-tha lo-liệu.


Học đạo lý như đờn trúng điệu,
Hòa bản rồi thì cứ làm theo.
Lũ Tam-Bành trong bụng còn đeo,
Đoàn Lục-Tặc ta mau sớm giết.


Mài gươm trí cho tinh cho khiết,
Dứt tâm trần kiếm chữ sắc không.
Đức Di-Đà Phật-Tổ ngóng trông,
Chờ dân chúng tìm nơi diệt khổ.


Theo Phật-Giáo từ kim chí cổ,
Gốc ông cha ta cũng tu-hành.
Mà ngày nay cứ mãi tranh giành,
Danh với lợi, của tiền, quyền tước.


Thấy trần thế ai ai cũng ước,
Đời sao không tới phứt cho rồi.
Nay khổ lao khó đứng khôn ngồi,
Lúc đói cơm buồn lòng ngơ ngẩn.


Làm ác đức nhiều điều quanh quẩn,
Như gà cồ ăn bẩn cối xay.
Thấy người hiền nói đắng nói cay,
Sau mới biết thân ai lao khổ.

 
Nhớ thuở trước oai-linh Phật-Tổ,
Phép thần-thông trừ lũ Ma-Vương.
Chốn rừng tòng ngồi chịu nắng sương,
Tìm đạo-lý hiến cho trần-thế.


Hiệu Lão-Sĩ ra đời thật-tế,
Đem lời vàng dạy dỗ dương-trần.
Khuyên chúng-sanh khuya sớm chuyên-cần,
Tìm nguồn-cội diệt-trừ Tứ-Khổ.


Bịnh với Tử từ kim chí cổ,
Sanh với Già hai chữ hoài hoài.
Đức Thích-Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm Tứ-Khổ nên Ngài tầm Đạo.


Lo tu tỉnh mặc ai khinh-ngạo,
Diệt Lục-Căn đừng nhiễm Lục-Trần.
Chữ Sắc-Thinh chớ có hầu gần,
Hương với Vị xác trần nên lánh.


Chữ Xúc-Pháp treo gương Hiền Thánh,
Tránh Sáu Đường cũng đặng về Thần.
Từ xưa nay dạy chỉ nhiều lần,
Mà lê-thứ không lo chẳng liệu.


Nhãn thấy sắc thường hay bận-bịu,
Tai ưa nghe những điệu âm thinh.
Mắt với tai đều chọn đẹp xinh,
Còn lỗ mũi ưa mùi êm dịu.


Đồ thơm tho nó ưa nó chịu,
Chốn xạ hương hay lết lại gần.
Lưỡi ưa ngon là chuyện ân-cần,
Đồ ngọt béo nó ưa nó mến.

 

Thân tham sướng muốn tiền của đến,
Đặng ăn xài cho phỉ tấm tình.
Ý thì ưa sửa sắc soi hình,
Với chức phận cho cao cho quí.


Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
Ta mau mau dứt nó cho rồi.
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
Mượn trí đạo duổi ra khỏi xác.


Dứt được nó ấy là giải thoát,
Thì xác trần mới khỏi đọa-đày.
Cả tiếng kêu những kẻ trí tài,
Hãy yên lặng bình tâm suy-nghĩ


Tiên xử kỷ hậu lai xử bỉ,
Bắt lỗi người phải xét lỗi mình.
Vậy mới là phải bực công-bình,
Nẻo chánh-trực chí người quân tử.


Người biết đạo phải gìn ngôn ngữ,
Nói với ai chớ có sai lời.
Trọng mẹ cha kính nễ Phật Trời,
Đừng nhiều tiếng nghinh-ngang mang lỗi.


Tánh ngay thẳng ta không dời đổi,
Dầu tan xương nát thịt chẳng màng.
Ta Khùng Điên nói đại nói càn,
Chẳng có sợ ai rầy ai mắng.


Trời còn lúc tối mưa sớm nắng,
Thì trần-gian còn mãi khổ lao.
Ở trên đời kẻ thấp người cao,
Kẻ hiền-hậu người thì gian-ác.


Không quen biết mà cao tuổi tác,
Ta cũng nên kính trọng mới là.
Tâm từ-bi sánh thể ngọc-ngà,
Trong các báu khó bì tánh Thiện.


Phải xử thế chớ nên bày biện,
Miệng xảo ngôn thường kiện tấm thân.
Việc bán buôn phải giữ ngang cân,
Chớ tập tánh lận lường tráo đấu.

 
Các công cuộc của người tánh xấu,
Ta giữ gìn chớ có nhiễm vào.
Tâm Bần Tăng chẳng mến sắc màu,
Mến những kẻ biết vào đường chánh.


Ta dạy thế mượn lời Phật Thánh,
Nên truyền ban cho chúng-sanh tường.
Tuy ngày nay chúng nó hùng-cường,
Chừng phân định thì ta cao-quí.


Khuyên bổn-đạo lập thân nuôi chí,
Đặng chờ ngày yết-kiến Phật Trời.
Quá yêu dân cạn tỏ nhiều lời,
Cho trần-hạ tìm trong lánh đục.


Chẳng chịu tu mãi còn lục-thục,
Lo giàu nghèo lo cũng chẳng rành.
Ham công-danh quên chữ sanh-thành,
Mến phú-quí quên câu dưỡng-dục.


Rán kiếm chỗ tầm tiên lánh tục,
Người ở đời phải được lòng trong.
Biển hồng-trần sớm gội cho xong,
Ngày lập hội mới mong trở lại.


Chữ bần-tiện khuyên dân đừng nại,
Miễn cho ta trở lại ngay đàng.
Chữ vinh-hoa giờ chớ có màng,
Bởi giả tạm của đời Nguơn-hạ.


Gắng công tu xem nhiều phép lạ,
Của Thần-Tiên trừ lũ hung-đồ.
Nào lụa là, lãnh nhiễu, tố sô,
Chớ ham mến mà sau lao-lý.


Ngày tiêu-diệt từ năm Bính-Tý,
Đến năm nay hao hớt đã nhiều.
Các ngoại bang đã nhuộm máu điều,
Sao trần-thế không toan chẳng liệu.


Để đến việc dang lưng mà chịu,
Chớ Phật đâu cứu kịp cho người.
Khuyên chúng-sanh bỏ tánh biếng lười,
Phải sốt-sắng làm ăn cần-thiết.


Nghèo với đói từ nay sẽ biết,
Hàng ngoại bang bố thiết ta hoài.
Nên bá-gia hãy rán miệt-mài
Dầu rách rưới cũng mau cần kiệm.


Lời ta dạy hãy nên suy-nghiệm,
Phải phá tan Ngũ-Uẩn trong mình.
Chữ Tham trong ý muốn mặc tình,
Rán định tánh trừ cho nó tuyệt.


Chữ gây-gổ là Sân hãy diệt,
Cho nó đừng thấp-thoáng trong lòng.
Thêm chữ Si thiệt quá lòng-dòng,
Nên tỉnh trí tìm nơi dụt tắt.


Chữ Nhơn Ngã cũng là quá gắt,
Ta chớ nên phân biệt với người.
Dẹp năm tên được mới mừng cười,
Vô pháp-tướng mới là thiệt tướng.


Người tu hành phải trừ nghiệp-chướng,
Với bốn ma mới đặng an nhàn.
Tửu nhiễm vào thân thể bất an,
Sắc mến nó ngày kia lao khổ.


Ta nghiệm xét từ đời Bàn-Cổ,
Có ai dùng mà đặng thành Tiên.
Mà đời nay theo nó liên-miên,
Chữ Tài Của khổ riêng một kiếp.

 
Bị tội cướp nào ai có tiếp,
Mà đời nay nó cứ mãi làm.
Chữ Khí hùng khuyên chớ có ham,
Mà lao lý tấm thân trần-thế.


Kẻ nhứt dạ thường sanh bá kế,
Để gạt người làm thế cho mình.
Ngày sau nầy lắm nỗi tội tình,
Sao sanh-chúng chẳng lo cải sửa.

 
Bịnh ôn-dịch thường hay ói mửa,
Mà dương-trần chẳng chịu kiêng-dè.
Qua năm Dê đến lúc mùa hè,
Trong bá-tánh biết ai hữu chí.

 

Ta chịu lịnh Tây-Phương thọ ký,
Gìn Nghiệt-Long đặng cứu dương-trần.
Nên ra đời dạy-dỗ ân-cần,
Khuyên bá-tánh vạn dân liệu lấy.


Khổ với thãm ngày nay có mấy,
Sợ mai sau dòm thấy bay hồn.
Trừ tà-gian còn thiện chỉ tồn,
Cảnh sông máu núi xương tha-thiết.


Trần với thế bây giờ nào biết,
Chừng nhìn xem hư thiệt mới tường.
Ta bây giờ tu niệm tầm thường,
Sau danh thế xạ hương khắp chốn.


Nhà giàu có xài không sợ tốn,
Phải để tiền cho kẻ nghèo nàn.
Lo ăn xài trà rượu xình-xoàng,
Chừng khổ não phàn-nàn căn số.


Lời truyền sấm như bài toán đố,
Ai biết tầm thì đặng hưởng nhờ.
Ta khuyên tu dân cứ mãi ngờ,
Sợ gạt chúng kiếm xu kiếm cắt.


Bị ngoại quốc bán hàng quá gắt,
Nên dân ta chịu chữ cơ-hàn.
Ta Khùng Điên của cải chẳng màng,
Miễn lê-thứ được câu hạnh-phúc.


Cờ thế-giới ngày nay gần thúc,
Nên Phật Tiên phải xuống hồng-trần.
Chừng lao-xao ác thú non Tần,
Thì Nam-Quốc lương dân mới biết.


Nay dạy thế cậy cùng ngòi viết,
Với xác trần du-thuyết ít hàng.
Ai nói chi ta cũng chẳng màng,
Sau biết đặng dân đừng có tiếc.


Con phù du hẫng-hờ nào biết,
Thấy bóng đèn thì quyết chun vô.
Thảm thương thay chết héo chết khô,
Nhìn đèn nọ thấy mồ phù-dũ.


Kệ khuyên trần đã mãn mùa thu,
Đeo danh lợi như con vật ấy.

Giống xe cát biển đông thường thấy,
Tên Dã-Tràng rất uổng công-trình.

Khi nước ròng nhờ lúc bình-minh,
Lúc nước lớn cát kia tan rã.

Trần phú-quí thì trần thong-thả,
Chớ còn ta cứ khổ lao hoài.

Viết kệ-cơ giảng dạy ít bài,
Mặc lê-thứ làm không tự ý.

Coi rồi phải nhận cho hiểu lý,
Câu huyền sâu của kẻ Khùng nầy.

Bởi chữ khùng của Phật của Thầy,
Chớ chẳng phải của người lãng-trí.

Mê với tỉnh nhận ra là lý,
Thấy dương-trần ngủ mãi ngủ hoài.

Thức dậy mà tầm đạo kiếm bài,
Để thi cử khỏi mang tiếng rớt.

Sách khuyến-thiện miệng kêu không ngớt,
Mà nào ai có thức dậy tầm.

Ta nghĩ suy cũng bắt hổ thầm,
Nên than thở cùng trần ít tiếng.

Tâm sáng suốt như đài nguyệt-kiến,
Tánh trong như nước bích mùa xuân.

 

Nếu không tu chừng khổ cũng ưng,
Đừng có trách sao không chỉ bảo.

Từ nhỏ tuổi đến người trưởng lão,
Mắc trong vòng sanh tử luân hồi.

Xuống Diêm-Đình thấy tội hỡi ôi!
Đó mới biết có nơi địa-ngục.

Kỳ xả tội nay còn một lúc.
Sao chẳng tu đặng có hưởng nhờ.

Gặp giảng kinh trần cứ làm ngơ,
Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy.

Địa-ngục cũng tại tâm làm quấy,
Về thiên-đàng tâm ấy tạo ra.

Cái chữ Tâm mà Quỉ hay Ma,
Tiên hay Phật cũng là tại nó.

Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
Nếu lặng Tâm tỏ-ngộ Đạo mầu.

Cảnh dương-gian muôn thảm ngàn sầu,
Ngó vạn vật đài lầu chẳng có.

Sông với núi trước kia mắt ngó,
Khi chết rồi thấy nó đặng nào.

Ai biết đường hãy sớm tẩu-đào,
Kiếm Đạo-lý mà nhờ mà nhõi.

Chịu cay-đắng tu hành mới giỏi,
Ta thương đời len-lỏi xuống trần.

Đạo vô-vi của Phật ân-cần,
Nối theo chí Thích-Ca ngày trước.

Câu phú-quí Ngài không màng-ước,
Chữ bồ-đề như cội bá-tòng.

Rán dưỡng nuôi chữ đó trong lòng,
Thì là được định chừng diệu-quả.

Lời thuyết-pháp chẳng vì nhơn-ngã,
Người nào đâu có Phật-tánh là.

Xem kệ nầy như ngọc như ngà,
Phải nảy nở như cơn mưa thuận.

Hạp mùa tiết giống kia bất luận,
Thảy mọc mầm trổ lá mới mầu.

 

Trông chúng sanh nghĩ tận đuôi đầu,
Về Cực-Lạc mới là hết khổ.

Đạo với lý từ đây nhiều chỗ,
Phải lọc-lừa cho kỹ mà nhờ.

Chọn nơi nào đạo chánh phượng thờ,
Thì mới được thân sau cao-quí.

Nhìn Phật-Giáo mà tìm cái lý,
Coi tại sao ta phải tu hành.

Vì yêu dân Ta kể ngọn-ngành,
Khuyên lê-thứ làm lành mà tránh.

Cảnh Niết-Bàn là nơi cứu cánh,
Về chốn ni xa lánh hồng-trần.

 

Dầu không siêu cũng đặng về Thần,
Nhờ hai chữ trung-quân ái-quốc.

Chừng lập Hội biết ai còn mất,
Giờ chưa phân chưa biết chánh tà.

Ta vì vưng sắc lịnh Ngọc-Tòa,
Đền Linh-Khứu sơn-trung chịu mạng.

Nền Đạo-đức Ta bày quá cạn,
Mà dương-gian còn gạn danh từ.

Làm cho Ta lỡ khóc lỡ cười,
Khóc là khóc thương người ngu muội

Thấy Điên Khùng làm như sắt nguội,
Chẳng tranh đương nó lại khinh-khi.

Ngó về Tây niệm chữ từ-bi,
Cười trần-thế mê-si thái quá.

Tranh với luận đặng dành cơm cá.
Khuyến dụ người đặng kiếm bạc tiền.

Thấy chúng sanh ghét ngỏ ganh hiền,
Theo chế-nhạo những người tu tỉnh.

Tu không tu cũng không mời thỉnh,
Mặc tình ai trọng-kỉnh hay chê.

Thương lê-dân còn mảng say mê,
Chẳng tu tỉnh cho rành sương nắng.

Thấy ta lại nói cay nói đắng,
Đắng với cay ta cũng chẳng màng.

Chừng trần-gian kiến thấy phụng-hoàng,
Sè cánh múa chào mừng Phật Thánh.

Thấy đạo-lý chớ nào thấy tánh,
Còn ẩn nơi tim óc xác phàm.

Ai biết tri việc phải cứ làm,
Sau mới biết ai phàm ai Thánh.

Đức Lục-Tổ ít ai dám sánh,
Người dốt mà nói pháp quá rành.

Lựa làm chi cao chữ học hành,
Biết tỏ ngộ ấy là gặp Đạo.

Việc cổ tích cần chi phải thạo,
Chuyện qua rồi kể lại làm gì.

Nếu ai mà biết chữ tu trì,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

Ta yêu chúng viết ra Giảng Kệ,
Khuyên tăng-đồ cùng các tín-đồ.

Nghe cạn lời có mờ-hồ,
Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo.

Trần với thế nó hay kiêu-ngạo,
Các nhà sư hãy rán sửa mình.

Nếu xuất gia ngũ-giái rán gìn,
Tu chơn chánh mới không hổ tiếng.

Cả ngàn năm nhơn tâm xao-xuyến,
Sao tu hoài chẳng thấy ai thành.

Bởi chữ tu liền với chữ hành,
Hành bất chánh người đời mới nói.

Bị tăng chúng quá ham chùa ngói,
Nên tởi khuyên khắp chốn cùng làng.

Phật nào ham tượng cốt phết vàng,
Mà tăng tạo hao tiền bá-tánh.

Việc giả dối từ đây nên lánh,
Bổn-đạo ôi! Hãy rán sửa mình.

Cuộc dạy đời ta lắm công-trình,
Làm chẳng trọn uổng thay một kiếp.

Lời chơn-chánh trần hay bỏ liếp,
Mãi lo làm hung-hiếp người hiền.

Mà làm cho Ngọc-Đế thảm phiền,
Muốn trừng-trị trần-gian thảm-thiết.

Đức Phật-Tổ tâm Ngài nhứt quyết,
Tâu Ngọc-Hoàng để Phật dạy trần.

Nên ra Kinh, Cơ-Giảng nhiều lần,
Mà dương-thế chẳng cần xét đến.

Xác trần-tục như cây cạnh khến,
Làm hiền hoài ắt phải tiêu mòn.

Đẽo với bào riết nó cũng tròn,
Đến chừng đó trông vào rất tốt.

Lũ giả-dối thường hay thề-thốt,
Nó chẳng kiên Thần Thánh là gì.

Tâm kẻ hung làm chuyện cố-lỳ,
Chẳng có sợ mang điều tội phước.

Ghét những kẻ tu hành bốc-xước,
Miệng kêu gào chuyện phước bề ngoài.

Bước vào chùa thấy Phật lạy dài,
Lui khỏi cửa ra tay cấu-xé.

Thấy quyền quí nó hay dựa mé.
Đặng bợ bưng những kẻ hung-sùng.

Ta thương đời nói những chuyện cùng,
Chẳng có vị có dung kẻ quấy.

Cuộc sám -hối vô chùa thường thấy,
Làm gian lừa biết mấy nhiêu lần.

Thấy dương-gian lường gạt Thánh Thần,
Mà chua xót cho đời Nguơn-Hạ.

Chữ tự hối nào ai có lạ,
Là ăn-năn cải-sửa tâm lành.

Phật chẳng qua dụng chữ tín-thành,
Chớ nào dụng Hương, Đăng, Trà, Quả.

Làm chay đám tạo nhiều xá-mã,
Bay về Tây nói những chuyện gì?

Thấy chúng tăng làm chuyện quáy kỳ,
Ta khuyên mãi cũng không chịu bỏ.

Lời chơn-chánh hình như nói xỏ,
Mà không không nào có biếm đời.
Thấy lạc-lầm khuyên nhủ ít lời,
Chớ nào có ngạo chi tăng chúng.

 

Coi tâm kệ làm theo mới trúng,
Để lạc-lầm lắm bớ tăng-đồ.
Định tâm-thần như mặt nước hồ,
Suy với nghĩ, nghĩ suy đường lối.


Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối,
Ghi vào lòng sáu chữ Di-Đà.
Thì hiền lương quên mất điều tà,
Đặng hạnh-phúc nhờ lòng cố gắng.


Việc đạo-đức bất cần thối thắng,
Chữ tu hiền ngay thẳng lần hồi

Thấy Thiên-cơ khó nổi yên ngồi,
Thương lê-thứ tới hồi khổ-não.

 
Thầy lạc tớ không ai chỉ bảo,
Như vịt con dìu dắt nhờ gà.
Phải nghĩ suy cạn lẽ mới là,
Nay gặp gốc phải mau tìm gốc.


Để gặp Phật ngồi mà than khóc,
Gỡ làm sao hết rối mà về.
Mắt nhìn xem yêu quái bộn bề,
Bởi ác-đức nên không ai cứu.


Mang thủy ách hồi năm Đinh-sửu,
Đến năm nay tái lại một lần.
Khổ-ách nầy đặng thức-tỉnh trần,
Rằng thiên-định tuồng đời sắp hạ.


Trẻ nhỏ tuổi đời nầy lăng-mạ,
Bị văn-minh cám dỗ loài người.
Kể từ rày cười một khóc mười,
Kẻo chúng nó dể-ngươi Phật Thánh.

 
Đạo Quỉ-Vương rất nhiều chi ngánh,
Khuyên dương-trần sớm tránh mới mầu.
Để ngày sau đến việc thảm-sầu,
Rán nghe kỹ lời ta mách trước.

 
Thuyền chúng nó thẳng buồm chạy lướt,
Lọt ngoài khơi mới hết hò khoan.
Tu mà ham cho được giàu sang,
Với quyền tước là tu dối thế.


Nhớ thuở trước vua Lương-Võ-Đế,
Tạo chùa chiền khắp nước tu hành.
Đến chừng sau ngã-tử Đài-thành,
Phật bất cứu vì tâm còn ác.


Tu biết cách như đươn biết đát,
Đươn đát rành đặng dựa Xe-Loan.
Ai biết nghe thì sớm liệu toan,
Để đến việc như người thất nghiệp.


Phải qui căn cùng nhau hội hiệp,
Rán mau chơn mới kịp Đạo-mầu.
Sớm với chiều gắng chí nguyện-cầu,
Thì sẽ được Tòa-chương dựa kế.


Chúng-sanh thể như gà thất thế,
Phải nằm chờ tới nước bắt ra.
Thời-kỳ nầy nhiều quỉ cùng ma,
Trời mở cửa Quỉ-Vương xuống thế.


Nên Ta mới ra tay cứu-tế,
Kẻo chúng-sanh bịnh khổ quá chừng.
Sau Quỉ-Vương đi đứng nửa lừng,
Thêm tên tuổi chúng-sanh nó biết.

 
Làm đủ cách xuống lên tha-thiết,
Ở ngoài đường nó biết tên mình.
Tin cùng không thì cũng mặc tình,
Chớ Ta lắm công-trình dạy-dỗ.


Hồi thuở trước Thích-Ca Phật-Tổ,
Ngồi tham-thiền bị nó ghẹo hoài.
Mà cũng không rúng động đặng Ngài,
Nên cố oán phá đời mãi mãi.


Trong bổn-đạo cùng là sư vãi,
Rán bền lòng cho được hiền từ.
Hết khổ lao thì đến vui cười,
Chừng đó mới phỉ tình nguyện ước.


Bọn gái mới ra đường tha-thướt,
Bỏ hết trơn nề-nếp ông cha.
Khác tánh-tình người cổ nước ta,
Nên phải chịu đớn-đau đủ cách.

 
Trai với gái rán coi sử sách,
Đứng trung thần với kẻ tiết-trinh.
Dọn bề trong mới gọi đẹp xinh,
Chớ mang lốt bề ngoài chẳng tốt.


Dạy chẳng đặng lòng như lửa đốt,
Khắp dương-gian chưa đặng ba phần.
Kể từ nay Tiên, Phật, Thánh, Thần,
Lo dạy-dỗ dương-trần chẳng xiết.


Đức Thượng-Đế dự đền Ngọc-Khuyết,
Nhìn dương-gian cũng luống thở dài.
Thấy chúng-sanh trau-trỉa mặt mày,
Chớ chẳng chịu trau tâm trỉa tánh.

 
Kẻ đói khó người sang hay lánh,
Bước lại gần chê lũ tanh-hôi.
Cõi Ta-bà Ta thấy hởi ôi!
Sầu bá-tánh quá nên kiêu-cách.

 
Người tàn-tật đui cùi đói-rách,
Ítt có ai để mắt nhìn vào.
Chuộng những người dù võng sắc màu,
Cậu với mợ, ông-thầy, cô-bác.


Thị kẻ khó như rơm như rác,
Ta quá rầu đài-các văn-minh.
Mấy ai mà giữ dạ sắt đinh,
Theo Tông-Tổ của mình thuở trước?


Đầu với tóc áo quần láng-mướt,
Chử lanh khôn của quỉ của ma.
Chớ nó không có giống người ta,
Ma với quỉ sanh người hung ác.

 
Lo tập luyện những câu đờn hát,
Chớ chẳng lo dạy-dỗ ngu khờ.
Để cái tâm yên lặng như tờ,
Coi ta nói câu nào bất chánh?


Rán bắt chước làm theo Phật Thánh,
Nếu thiệt người thì biết thương người.
Thấy kẻ khờ quê dốt ngạo cười,
Nào có lấy lời chi chỉ bảo.

 
Ta thương xót lo tần lo tảo,
Chẳng thấy ai rể thảo dâu hiền.
Làm cho người Thượng-Cổ thêm phiền,
Rất đau xót cho nòi cho giống.

 
Biết chừng nào được qui nhứt thống,
Khắp hoàn-cầu dân biết thương nhau.
Nhắc ra thì dạ ngọc đớn-đau,
Không nhắc đến biết đâu dân sửa.


Cơm được chín ta nhờ có lửa,
Dân được vui nhờ lúc khải-hoàn.

Phật Như-Lai cho phép Khùng troàn,
Cho bổn-đạo khắp nơi đặng biết.


Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,
Đợi cho người hết giận ta khuyên.
Chữ nhẫn-hòa ta để đầu tiên,
Thì đâu có mang câu thù-oán.


Việc hung-ác hể vừa thấp-thoáng,
Chữ từ-bi ta diệt nó liền.
Sự oán-thù đáp lại chữ hiền,
Thì thù-oán tiêu-tan mất hết.


Chữ bạn tác dù cho đến chết,
Cũng keo sơn gắn chặt mới là.
Bước ra đường ăn nói thiệt-thà,
Dầu khôn-khéo cũng là giả dại.


Nếu tranh-đương ắt ta bị hại,
Thêm sa-cơ lại bị xích-xiềng.
Vì đời nay chúng nó dụng tiền,
Ít ai dụng chữ nhơn chữ nghĩa.


Theo học Đạo mặc ai mai-mỉa,
Ta cũng đừng gây-gổ với người.
Được mấy điều thì đáng vàng mười,
Thiệt hiền-đức có ai mắng chưởi.


Xưa đức Thánh luận bàn cái lưỡi,
Ngài nói rằng các việc tại mầy.
Thuận với hòa hay ghét với rầy,
Cũng cái lưỡi làm thầy các việc.


Phải kiếm cách đặng ta trừ tuyệt,
Lấy tâm-thần làm chủ mới mầu.
Cũng chẳng nên theo tánh võ-hầu,
Thấy chẳng nói mà nhăn mà nhướng.


Hãy liệu sức chớ nên nói bướng,
Dầu việc chi liệu lượng mà làm.
Điên Khùng nầy chẳng có nói xàm,
Nói những chuyện từ-bi bác-ái.


Nếu bổn-đạo còn ai làm sái,
Coi kệ nầy mình sửa lấy mình.
Ta không tranh mà cũng không kình,
Cho bá-tánh gièm-pha thỏa chí.


Ai làm phước in ra mà thí,
Thì được nhiều hạnh-phúc sau nầy,
Chốn non xanh dạy-dỗ cáo-cầy,
Xuống trần-thế ra tay dắt chúng.

 
Tới với Ta chớ đem đồ cúng,
Chỉ đem theo hai chữ thành-lòng.
Chẳng có cần trà, quả, hương nồng,
Mong sanh-chúng từ-lòng hối-ngộ.


Kẻ xa-xuôi có lòng ái mộ,
Xem kệ nầy tu tỉnh tại nhà.
Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc.

 
Chay bốn bữa ấy là quy-tắc,
Của kẻ Khùng chỉ dắt chúng-sanh.
Con Phật thì chẳng có khôn lanh,
Đời văn-vật khôn ma khôn quỉ.


Lo trang-sức kim-thời huê mỹ,
Rồi phụ-phàng tục cổ nước nhà.
Trong tâm thì chứa chữ gian-tà,
Chớ chẳng chứa tấm lòng bác-ái.


Học chữ nghĩa cho thông cho thái,
Đặng xuê-xang đài-các xe-tàu.
Tiếng chào mừng cửa miệng làm màu,
Trong tâm-ý mưu-mô đủ thế.


Ta còn mắc phiêu-lưu dương-thế,
Dạo Lục-Châu đặng cứu bá-gia.
Mặc tình ai xem kệ ngâm-nga,
Hay sửa đổi tùy lòng hưu-hỷ.


Thương sanh-chúng tỏ bày quá kỹ,
Hỡi dương-trần nên sớm quày đầu.
Đặng sau xem Phật-pháp nhiệm-mầu,
Với báu-quí đài-lầu tươi tốt.


Xác ta vốn là người quê dốt,
Nên mở mang chưa được mấy rành.
Khắp dương-gian như sợi chỉ mành,
Mong bổn-đạo tâm thành trở lại.


Dầu cực khổ thân nầy chẳng nại,
Chẳng cần ai bái lạy khẩn-cầu.
Bỏ dị-đoan mới thấy đạo-mầu,
Bớt giả-dối gặp Người Thượng-Cổ.


Gốc thuở trước của Tông của Tổ,
Đâu có bày dối-mị như vầy.
Những sấm truyền xưa của Phật Thầy,
Dân rán kiếm mà truy thì biết.


Xưa để lại nhiều câu thảm-thiết,
Mà nào ai có biết để lòng.
Chuyện Thiên-Cơ nói rất nảo nồng,
Câu hữu lý bá-tòng khó sánh.


Chốn tựu hội chớ nên léo hánh,
Vì lời xưa có dặn rạch-ròi.
Dân chớ nên phụ bạc giống nòi,
Mà lao-lý tấm thân vô ích.

 
Phải nhẫn-nhục chờ Người Cổ Tích,
Phật với Trời phân định cho ta.
Người xưa tuy ít chữ nôm-na,
Chớ chơn-chất người ta ngay thẳng.

 
Dạy bổn-đạo lấy câu trung đẳng,
Chẳng nói cao vì sắp rốt đời.
Đấng nam-nhi ẩn-nhẫn tùy thời,
Vậy mới gọi khôn-ngoan hữu chí.


Ta ra sức viết câu huyền-bí,
Chúng dân ôi! Rán kiếm rán tầm.
Giống thú kia là loại sanh cầm,
Mà còn biết kiếm tầm đạo-đức.


Thú-vật biết tu hành náo-nức,
Còn người sao chẳng rứt hồng-trần?
Việc tu hành phải vẹn nghĩa ân,
Kinh với sấm chúng dân thường thấy.


Chữ Bát-Chánh rõ ràng trong giấy,
Là chơn truyền của Đức Thích-Ca.

Người tu hành cần phải tìm ra,
Cho dân biết mục đầu Chánh-Kiến.


Trí linh-mẫn nhìn xem các chuyện,
Phải đừng cho lầm-lạc nẻo tà.
Dầu việc người hay việc của ta,
Nên phán-đoán cho tường cho tận.


Tội với phước xét coi nhiều bận,
Mới khỏi lầm tà-kiến đem vào.
Chánh Tư-Duy mục ấy thanh cao,
Hãy tưởng nhớ những điều đáng nhớ.


Trên cùng dười dầu thầy hay tớ,
Cũng tưởng điều trung-chánh mới mầu.
Việc vui say mèo-mả đâu đâu,
Hãy dẹp gát nhớ câu Lục-Tự.


Câu Chánh-Nghiệp cũng là quá bự,
Dấu nghề chi làm việc ngay đường.
Ta đừng nên theo kẻ bất lương,
Học ngôn xảo để lừa đồng loại.


Chánh Tinh-Tấn dầu thành hay bại,
Cứ một đường tín-ngưỡng của mình.
Dầu cho ai phá rối đức tin,
Ta cũng cứ một đàng đi tới.

 
Mục Chánh-Mạng chúng-sanh ơi hỡi,
Cho hồn-linh cai-quản châu-thân.
Lấy chơn-nhơn dẹp tánh phàm-trần,
Mới có thể mong về Cực-Lạc.

 
Câu Chánh-Ngữ lòng son ghi tạc,
Tiếng luận bàn ngay ngắn tỏ tường.
Nói những điều đức-hạnh hiền-lương,
Chớ thêm bớt mà mang tội lỗi.


Việc tráo-chác ấy là nguồn cội,
Lời xảo ngôn do đó mà ra.
Kinh-nghiệm rồi Ta mới diễn ca,
Câu Chánh-Niệm thiết-tha nhiều nỗi.


Khi cầu nguyện đừng cho phạm lỗi,
Phải làm tròn các việc vẹn toàn.
Dân chớ nên làm bướng làm càn,
Trong lúc ấy niệm cho lấy có.


Mục Chánh-Định thiệt là rất khó,
Giữ tấm lòng bất động như như.
Cho hồn-linh yên-lặng an cư,
Thì mới được huờn-nguyên phản-bổn.


Tà với chánh còn đương trà-trộn,
Người muốn tu phải sớm lọc-lừa.
Tứ-Diệu-Đề ai có mến ưa,
Thì Lão cũng kể sơ thêm nữa.


Chữ Tập-Đề nay đà mở cửa,
Để đem vào khuôn-khổ người hiền.
Rán cực lòng một bước đầu tiên,
Sau mới được làm nên Phật Thánh.


Về Thượng-Giái cõi Tiên mới bảnh,
Đến Diệt-Đề trừ vật-dục xưa.
Cõi hồng-trần các việc mến ưa,
Sự giả tạm ta nên rứt bỏ.


Muốn tâm-tánh ngày kia sáng tỏ,
Thì Khổ-Đề phải chịu nhọc-nhành.
Lòng dục tu thì phải thiệt-hành,
Chớ đừng có ham điều sung-sướng.


Đức Phật-Tổ nào đâu hẹp lượng,
Chịu nhọc-nhằn mới rõ Đạo-Đề.
Thấy một đàng thẳng-bẳng mà mê,
Ôi chừng đó mới là mầu nhiệm.


Mùi đạo diệu chúng dân rán kiếm,
Trễ thời kỳ khó gặp đặng Ta.
Rồi hành luôn Bát-Nhẫn mới là,
Thì muôn việc đều an bá tuế.


Chữ thứ nhứt Nhẫn-Năng-Xử-Thế,
Là người hiền khó kiếm trong đời.
Lập thân danh tuần trải nơi nơi,
Chờ thời đại mới là khôn khéo.


Chữ Nhẫn-Giái trì tâm trong trẻo,
Khuyên dương-trần giữ phận làm đầu.
Nhẫn-Hương-Lân cùng khắp đâu đâu,
Trên cùng dưới đều hòa ý hỉ.


Nhẫn-Phụ-Mẫu gọi trang hiền sĩ,
Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau.
Nhịn xóm chòm cô bác mới cao,
Nhẫn-Tâm nọ ngày ngày an-lạc.


Nhịn tất cả những người tuổi tác,
Nhẫn-Tánh lành yên-tịnh dài lâu.
Giữ một lòng hiền-hậu mới mầu,
Quanh năm cũng bảo toàn thân-thể.


Chữ Nhẫn-Đức kể ra luôn thể,
Thì trong đời vạn sự bình an.
Chữ Nhẫn-Thành báu-quí hiển-vang,
Khắp bá-tánh được câu hòa nhã.


Câu đạo-đức bay mùi thơm lạ,
Muốn nếm thì phải rán sưu tầm.
Các đạo tà mưu khéo âm thầm,
Dân rán tránh kẻo lâm mà khổ.

 
Chúng nó xuống khuyên-răn nhiều chỗ,
Dùng phép mầu lòe mắt chúng-sanh.
Ai ham linh theo nó tập-tành,
Sa cạm-bẩy khó mong sống sót.


Ta chẳng phải dùng lời chuốt-ngót,
Mà làm cho dân-chúng say mê.
Nẽo chánh tà biện luận nhiều bề,
Cho bá-tánh tìm nơi cội-gốc.


Lựa cho phải kèo xưa danh mộc,
Đừng để lầm thợ khéo sơn da.
Thì sau nầy đến lúc phong-ba,
Dông gió lớn cột kèo khỏi gãy.


Thấy sanh-chúng nhiều người khờ dại,
Chẳng biết gìn phong-hóa lễ-nghi.
Nên ta đem đạo đức duy-trì,
Gìn tục cổ để người chẳng rõ.


Còn chậm chạp Đạo-mầu chưa tỏ,
Như rừng hoang mới dọn một đường

Tớ với Thầy nào quản thân lươn,
Muốn cứu thế sá chi bùn trịn.


Thương quá sức nên ta bịn-rịn,
Quyết độ đời cho đến chung thân.
Nếu thế-gian còn chốn mê tân,
Thì Ta chẳng an vui Cực-Lạc.


Dạy bổn-đạo lấy lời đích-xác,
Mà chẳng tu là bởi không ưa.
Chớ nước sâu mà bị gàu thưa,
Dân đông-đảo lời truyền chẳng xiết.


Nên phải tạm mượn cây ngòi viết,
Đem Đạo-mầu như hạn cho mưa.
Đặng tố-trần tâm ý Người Xưa,
Chữ thậm thâm trong kinh Phât-Giáo.


Nền chơn-lý chúng chê rằng láo,
Mà nào Ta có lợi-dung ai.
Trong bá-gia nhiều ít lòng chay,
Để giữ trọn trong nền Phật-Pháp.


Gìn giới cấm sửa tâm ô-tạp,
Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.
Nhớ từ-bi hai chữ ngâm-nga,
Dầu làm lụng cũng là trì chí.


Chờ Thiên-Địa châu-nhi phục-thỉ,
Như đời xưa có gã Tử-Phòng.
Xem thời cơ người đã rõ thông,
Dùng tôi thiểu mà an bá-tánh.


Đời vật-chất văn-minh tranh-cạnh,
Chữ lợi quyền giựt-giết lẫn nhau.
Động lòng hiền chư Phật đớn đau,
Cho kinh sấm dạy răn trần-thế.


Nhìn thấy chuyện gạo châu củi quế,
Nghèo bạc vàng đạo-đức cũng nghèo.
Ta xuống trần nhằm lúc nạn eo,
Nên phải bị kẻ hung khinh-bỉ.


Vì bác-ái nên thân Cuồng-Sĩ,
Phải chịu điều khổ hạnh sâu-xa,
Mong cho đời gặp lúc khải-ca,
Trong bốn biển thái-bình mới toại.


Phật, Tiên, Thánh, lòng nhơn hà-hải,
Những ước-ao thế-giới hòa-bình.
Nên khuyên đời truyền-bá sử-kinh,
Cho sanh-chúng sửa mình trong sạch.


Giàu đổi bạn khinh-khi kẻ rách,
Là những câu trong sách Minh-Tâm.
Tánh kẻ sang đổi vợ nào lầm,
Thánh-nhơn để nhiều câu hữu-lý.


Có mấy kẻ ăn-năn xét kỹ?
Mãi ỷ tài chê bướng chê càn.
Thì ngày sau đừng có trách than,
Những tội lỗi của mình tạo lấy.


Bị háo-thắng việc người không thấy,
Rồi mảng lo gièm-siểm nhiều lời.
Vì vậy nên tình nghĩa xe lơi,
Đâu gần-gũi mà tường diệu lý.


Trong Lục-Tỉnh ai là người trí,
Mau thức thời tìm Đạo nhiệm-sâu.
Khuyên dân đừng chia áo rẽ bâu,
Phải hợp tác gieo trồng giống quí.


Coi rồi phải thân mình tự trị
Chẳng độ xong Phật khó dắt-dìu.
Thả thuyền Từ bến Giác nâng-niu,
Kẻ hiểu Đạo mau mau bước xuống.


Việc trải qua như mây gió cuốn,
Nhìn cuộc đời ngày tháng thoi đưa.
Trời sáng ra kế lại thấy trưa,
Năm củ đó rồi qua năm mới.


Mười hai tháng mà còn mau tới,
Thì tuồng đời cũng chóng đổi thay.
Chữ phù-vân phú-quí nay mai,
Luân với chuyển dời qua đổi lại.


Cõi Ta-Bà mấy ai tồn tại,
Sống dư trăm như tuổi lão Bành.
Đời Hạ-Nguơn hay chết tuổi xanh,
Như thuở trước Nhan-Hồi còn trẻ.


Miễn cho được ngày hai cơm tẻ,
Buổi bần hàn đặng có tu thân.
Nhờ ơn Trời ban-bố đức ân,
Xem chung cuộc Phong-Thần tại thế.


Xử những kẻ hung-hăng tồi-tệ,
Thưởng những người trung nghĩa vẹn toàn.
Ra Kệ nầy hai chữ bảo-an,
Cho trần-thế được tâm thanh-tịnh.


Ngọc báu quí ẩn trong Nam-đỉnh,
Muốn tìm kim đáy biển gắng công.
Thấy dân tình luống những ước mong,
Gặp giống tốt hãy mau cày cấy.


Ai có nói Ta là người quấy,
Ta cũng cam bụng chịu tiếng lời.
Tỏ ít câu cầu chúc cho đời,
Mong bá-tánh vạn dân giải-thoát.

 

***

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
100,000