11- Tướng và vô tướng

15 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 36497)
11- Tướng và vô tướng

 

 Hầu hết chúng sanh luôn chạy theo Tướng Sắc. Nên cố tô điểm sắc màu, nào nhà cao cửa rộng, quyền cao chức trọng, mọi điều mọi việc phải luôn hơn tất cả mọi người. Chớ có dè đâu thân xác vô thường nay còn mai mất, như cành hoa sớm nở tối tàn. Dầu cho có bảo tồn sửa chữa, nó cũng không tránh khỏi luật tuần hoàn của Vũ trụ (Sanh, già, bịnh, chết).

 Do vậy mà trong Kinh KIM CANG, Đức Phật có giảng: “Phàm sở hữu Tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư Tướng phi tướng, tắc kiến Như lai”. (Nghĩa là: Phàm cái gì có hình Tướng đều là hư dối, nếu thấy các hình Tướng đều không phải tướng, đó là thấy Phật).

 Cũng từ trong Kinh KIM CANG: “Tu Bồ Đề, nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ gỉa tướng tức phi Bồ Tát”. (Vì nếu Bồ Tát còn một tướng Ngã hay tướng Nhơn, tướng Chúng sanh, tướng Thọ giả thì không phải là Bồ Tát).

 Nếu Bồ Tát còn có 4 tướng đó thì không phải là Bồ Tát. Bởi vì, còn 4 tướng đó là còn dấy niệm thấy có mình, tức có ngã, mà có ngã tức là có nhơn, có chúng sanh, có thọ giả… Có dấy niệm mới chấp, mới nghĩ ra ta phải người quấy, mới thấy ta hay người dở v.v… Nếu không dấy niệm thì chấp cái gì ? Đó là chỗ cứu cánh trong việc tu hành.

 Đức Thầy chỉ rõ trong quyển 4 “Giác Mê Tâm Kệ”.

 Chữ Nhơn Ngã cũng là quá gắt,

 Ta chớ nên phân biệt với người.

 Dẹp năm tên được mới mừng cười,

 Vô pháp tướng mới là thiệt tướng.

(Năm tên đó là Tham, Sân, Si, Nhơn, Ngã)

 Theo đó, Nhơn là người; Ngã là ta, tức là tánh phân biệt người, ta và của người của ta trong chỗ hơn thua tốt xấu. Ấy là do sự chấp trước sai lầm cho thân nầy là cái ta thật thể, nên sanh tâm phân biệt như vậy. Nhơn đó các vọng kiến một ngày một tăng trưởng xô đẩy con người chạy theo mê lầm huyễn hoặc. Nhơn Ngã là hai trong tứ tướng, đó là Tướng nhơn, Tướng ngã, Tướng chúng sanh, Tướng thọ giả.

 Đức Lục Tổ đã bảo:

Vô ngã, vô nhân, vô khả đắc,

 Nhựt quang phản chiếu rạng ngàn thu”.

 Đức Thầy cũng dạy:

“Lục căn trừ tuyệt tầm hai chữ,

Nhân ngã sân si cũng dẹp đành”.

 (Tặng Ô. Giáo Đàng)

 Trong bài “Lời Khuyên Bổn Đạo”, Đức Thầy còn nhấn mạnh: “Ý thức lầm lạc ấy khiến các trò nhận lấy cái thân ô trược nầy là thật, cái cảnh phú quí cùng cuộc tình duyên tồn tại vui say. Nào hay thân vô thường tạm mượn do tứ đại hiệp thành. Cuộc phú quí tựa đám phù vân, cái sắc nước hương trời ấy của các trò có khác chi cành hoa sớm nở tối tàn, không chi bền chắc, còn tội chướng thì linh hồn phải chịu luân chuyển báo đền.”

 THÂN TỨ ĐẠI: Thân là mình, xác thể con người, do Phạn ngữ (Kâya). Tứ đại: Phạn ngữ: Mahabhâtas. Có nghĩa bốn thể chất lớn trong thế gian, tức là Đất, Nước, Lửa, Gió; bốn món ấy tạm hiệp lại làm thân con người và vạn vật, nên gọi là thân tứ đại. Bởi trong xác thể của mỗi chúng sanh những cái gì thuộc chất đặc, như: xương thịt thì thuộc về đất, chất lỏng thuộc về nước, hơi ấm thuộc về lửa, hơi thở thuộc về gió, nên khi chết thân xác rã ra và trả về với bốn chất ấy (tứ đại). Do đó, thân tứ đại cũng gọi là thân giả tạm không thật thể lâu bền.

 Kinh bốn mươi hai chương, Phật dạy: “Nên nhớ rằng: thân ta do bốn chất lớn cấu thành, chất nào cũng có tên riêng, không có chất nào là chân ngã cả. Cái chân ngã đã không có thì xác thân ta chỉ là trò giả dối đấy thôi!”

 Đức Thầy cũng bảo: “…Còn cái thân con người của ta đã do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) mà hiệp thành, có bền chắc chi đâu mà tránh khỏi ngày tan rã ?”. (Sơ giải về Tứ Diệu Đề)

 Ngoài ra, Đức Thầy lại giảng thêm ở mục Chánh Định, trong Bát Chánh Đạo như sau:

 “Con người thường hay có những ý định làm cho mình được sáng thêm lên, được giàu thêm lên, được sung sướng thêm lên … nghĩa là những ý định hoàn toàn nhỏ nhen thấp thỏi. Họ không hiểu rằng cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác, thân thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt cuộc đời người nầy rồi đến người khác… rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả Nhân loại không thiếu sót một ai. Thế mà, họ vẫn cuống cuồng tâm trí theo bả lợi danh, mùi phú quí, đi theo những vặt vụn, tiểu ti, eo hẹp.

 Họ không chịu hiểu rằng ngoài kiếp phù du của trần thế, có cái gì không di không dịch, vĩnh viễn trường tồn. Nếu lấy sự thiền định phá tan màn u minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn hết khổ, hết quả báo luân hồi. Và khi ta dùng Chánh định dẹp bỏ hết các sự phiền não rầu buồn, phá tan các làn sóng thị dục lôi kéo vào những nẻo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô cảnh ngoại, dứt tuyệt hết sự phàm trần, lần bước đi đến cõi Giải thoát”.

 Tiếp theo, chúng ta cũng nên tuần tự biết qua lý giải về Tướng và Vô Tướng, trong Phật Học Từ Điển sau đây:

TƯỚNG: Tướng mạo, Cái hình trạng của sự gì, vật gì biểu hiện ra ngoài mà tưởng tượng ở trong lòng vậy. Như Tam Thập Nhị Tướng, Thập Tướng.

 Trong Kinh Kim Cang, khi đề cập về cái Tướng, Đức Phật có phán với Ngài Tu Bồ Đề rằng: “Phàm sở hữu Tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư Tướng phi tướng, tức kiến Như lai. (Hễ vật chi có Tướng, đều là hư vọng cả. Nếu nhận ra các Tướng đều không phải Tướng, tức là thấy rõ Như lai).

 Lại trong Kinh KIM CANG, có hai bài kệ dưới đây khuyên người ta tỉnh ngộ đối với cái Tướng.

 Nhược dĩ sắc kiến ngã,

 Dĩ âm thinh cầu ngã,

 Thị nhơn hành tà đạo,

 Bất năng kiến Như lai.

(Nếu dùng hình sắc mà thấy Ta, nếu dùng âm thinh mà cầu Ta, thì kẻ ấy làm tà đạo, chẳng thấy được Như lai).

 Hoặc là:

 Nhứt thiết hữu vi pháp,

 Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

 Như lộ, diệc như điển,

 Ưng tác như thị quán.

 (Bao nhiêu những pháp nhận nhìn,

 Ví như mộng, ảo, bọt, hình đó chi:

 Cũng như hơi nước bay đi,

 Cũng như chớp nhoáng trong khi mưa dào,

 Thảy đều như vậy khác nào,

 Các nhà học Đạo xét vào cho minh).

 Con người sanh ra ở cõi đời nầy, không ai tránh khỏi 4 Tướng khổ của quả báo: Sanh, Lão, Bịnh, Tử gọi theo Hán tự là Quả báo Tứ tướng.

 Đức Phật Thế Tôn từ khi Đản sinh đến lúc nhập diệt, phát hiện ra tám Tướng, đó là:

 1.- Từ cung trời Đâu suất cỡi voi xuống nhập thai vào bà Hoàng hậu.

 2.- Sanh ra tại vườn Phong tỳ ni.

 3.- Đi dạo bốn cửa thành, thấy lão khổ, bệnh khổ, tử khổ và vị Sa môn an lạc.

 4.- Cỡi ngựa đi xuất gia lúc ban đêm.

 5.- Ngồi thiền trên núi Tuyết.

 6.- Đắc Đạo nơi cội Bồ đề.

 7.- Chuyển pháp luân tại Vườn Lộc.

 8.- Nhập Niết bàn nơi cội cây Ta la.

 Đó gọi là Bát Tướng thành Đạo.

 Tất cả các Tướng đều gom vào Thập Tướng (mười Tướng): 1. Sắc, 2. Thinh, 3. Hương, 4. Vị, 5. Xúc, 6. Sanh, 7. Trụ, 8. Hoại, 9. Nam, 10. Nữ.

 Nhà tu hành chẳng trước Tướng thì chẳng si mê, chẳng tríu, chẳng bị trói buộc, chẳng thọ sanh, chẳng chết. Nhơn đó được đức Thường trụ, tức là Niết bàn.

VÔ TƯỚNG: Không có tướng mạo, hình dạng thái độ. Tâm không chấp cảnh, không nhìn thấy chúng sanh, không dính với các pháp, tuy rằng chúng sanh và các pháp vẫn có. Tâm lìa khỏi các trạng mạo từ trong cho đến ngoài. Đối với: Tướng, Hữu tướng (có tướng ).

Hễ có Tướng tức là có hư hoại, Vô Tướng thì không hư hoại. Vậy Vô Tướng tức là Thật tướng, là Pháp thân, là Chơn như, là Như lai, là Niết bàn.

 Vả lại, các chúng sanh và các Pháp vốn là Vô Tướng: Chúng sanh chỉ là Tứ đại giả hiệp mà thôi; các Pháp chỉ là nhơn duyên giả hiệp. Cho nên bực tu hành quán thấy rằng cả thảy đều là Vô Tướng.

 Vô Tướng tức là Vô sở trụ. Tâm thức không trụ vào một cảnh nào, một pháp nào; không trụ vào: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Vì trụ thì mắc, vướng; còn không trụ thì chẳng mắc, chẳng vướng vào đâu.

Vô Tướng là chẳng có Thập tướng, chẳng để ý tới Thập tướng.

 Vô Tướng tức là bình đẳng, không phân biệt, không thương không ghét, lúc nào tâm ý cũng được an nhiên, không xao động.

 Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, (phẩm thứ Tư - Định Huệ) có viết: Nầy thiện tri thức ! Pháp môn của Ta từ xưa tới nay, trước lấy Vô niệm làm Tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm Gốc. Vô Tướng nghiã là, ở nơi tướng mà lìa khỏi tướng …

 Nầy thiện tri thức ! Ngoài thì lìa tất cả mọi tướng, gọi là Vô Tướng. Nếu mình có thể lìa khỏi tướng, thì Pháp trở nên trong sạch. Ấy đó cho nên lấy Vô Tướng làm thể.

 Tiếp theo, chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm về chữ Vô Ngã.

VÔ NGÃ: Không có cái bản ngã, cái bổn thể. Không thấy, không nhận rằng có một cái thể nhứt định, một cái tướng, một cái chủ tể. Như: Vô nhơn ngã, Vô tự ngã, Vô tha ngã, Vô pháp ngã.

 Tức là đối với người, đối với mình, đối với mọi người mọi vật, không chấp có một cái thân thể trường tồn, nhứt định. Mà cho rằng chỉ một cái thân do Ngũ Uẩn tạm thời hòa hiệp mà thôi.

 Còn đối với Pháp thì cũng không chấp là có một cái thể thường tồn, nhứt định. Mà cho rằng chỉ là những nhân duyên kết hợp cho nên sanh ra Pháp mà thôi. Vì vậy, Đức Thầy có chỉ bảo:

 Chúng sanh mê nên đem Pháp thuyết,

 Giải thoát rồi Pháp bất khả dùng. (Diệu Pháp Quang Minh)

 Vô Ngã cũng gọi Phi Ngã, tức là cái chơn lý rốt ráo của mọi vật, mọi pháp.

 Về bốn thứ Vô Ngã trên, ta có thể gom lại còn hai thứ gọi là “Nhị vô ngã”: Nhơn vô ngã và Pháp vô ngã.

 

Nhơn Vô Ngã: Tức là hiểu rằng không thật có người, không thật có mình, không thật có chúng sanh. Chỉ là Ngũ Uẩn tạm hiệp thôi. Hiểu như vậy thì dứt phiền não chướng, không còn mê tối vì các sự buồn, rầu, hờn giận.

 

Pháp Vô Ngã: Tức là hiểu rằng Pháp do nhơn duyên mà sanh ra, chớ chẳng thật có. Hiểu như vậy thì dứt Sở tri chướng, trí thức mình sẽ sáng ra, không còn mê tối.

Bực tu hành nhận thức ra mình với chúng sanh và mọi sự, mọi vật đều Vô Ngã, không thật có, thì dứt mê, dứt tríu, dứt Tham, Sân, Si, trở nên minh mẫn an lạc.

 Trong Kinh Kim Cang, đoạn 28 có viết: Như có một vị Bồ Tát đem ra mà bố thí bảy món báu choán đầy các cõi Thế giới nhiều như số cát sông Hằng hà. Lại như có một người biết rằng tất cả các Pháp đều Vô Ngã, nhơn đó người nầy thành tựu được đức nhẫn nhục, thì công đức của người nầy còn nhiều hơn công đức của vị Bồ Tát kia.

 Nếu các Nhà khoa học (Scientist) hiểu được lý Vô Ngã, Vô Tướng trên, có lẽ họ cũng không tự hào rằng loài người sẽ chiến thắng được Vũ trụ bao la !.

Bởi quá tự hào làm chủ Vũ trụ loài người, nên họ chế tạo súng đạn, bom nguyên tử (Atom bomb) tiêu diệt nhơn loại…Nhưng nào ngờ đâu, cuộc sống Vô thường, tam bợ, tan biến có không, không có của loài người không bao giờ vượt khỏi định Luật Vô thường: Thành, Trụ, Hoại, Không của nhà Phật hay Luật tuần huờn là Sanh, Lão, Bịnh, Tử mà Đức Thầy đã minh xác và chỉ rõ:

Nhiều phương thuốc ngừa sau ngăn trước,

 Mà cũng không thoát luật tuần huờn.

 Dầu ẩn nơi cùng cốc thâm sơn,

 Chẳng trốn lánh tử thần cho khỏi.

 (Khuyến Thiện, Quyển Năm)

 Nhằm làm sáng tỏ câu giảng nầy của Đức Thầy, xin mời đọc lại một Truyện cổ Phật giáo sau đây:

 Xưa, có bốn anh em Phạm Chí, đã tu luyện đắc được ngũ thông, mỗi người đều biết rõ bảy ngày nữa sẽ chết một lượt, nên họ hợp nhau để tìm kế hoạch lánh tử thần.

 -Anh thứ nhứt nói: Tôi sẽ tàng hình vào giữa hư không, thì tử thần chẳng biết đâu mà bắt.

 -Anh thứ nhì cho biết: Tôi sẽ xuống biển lặn trong nước, trên chẳng ló đầu, dưới không đụng đất thì tử thần chẳng biết tôi đâu mà tìm.

 -Anh thứ ba trình bày: Tôi sẽ chẻ núi Tu Di, vô ngồi ở trong rồi khép lại, tử thần làm gì kiếm được tôi.

 -Anh thứ tư cười bảo: Riêng tôi sẽ giả hình khác rồi lẫn lộn vào chợ đông, tử thần vô phương tìm gặp.

Bàn tính xong, đợi gần tới ngày giờ bốn người đồng thi hành theo diệu kế của mình, nhưng đúng giờ phút ấy bốn anh em đồng chết một lượt.

 Bấy giờ Đức Phật đang ngồi nơi Tịnh xá, dùng Đạo nhãn thấy rõ mọi việc của bốn Phạm Chí, bèn kể rõ cho các đệ tử nghe, đoạn Ngài ngâm bài Kệ:

“Phi không phi hải trung,

 Phi nhập sơn thạch gian,

 Vô hữu địa phương sở

 Khả thoát bất thọ tử”.

(Chẳng không chẳng biển cả, chẳng vào trong núi đá. Không có miếng đất nào, thoát được cái chết cả).

 

 Tóm lại, sau khi tìm hiểu phân tách khái niệm về Tướng và Vô Tướng qua Kinh Kim Cang, Pháp Bảo Đàn Kinh và Giáo Lý nhiệm mầu của Đức Thầy (tức Giáo lý Phật Giáo Hoà Hảo). Vậy nếu ai còn chấp Ngã, chấp Tướng, chấp Ta và còn nổi SÂN HẬN, đó là chưa thấy được Giáo Lý nhiệm mầu của nhà PHẬT./.

 

Nam Mô A Di Đà Phật

TRƯƠNG VĂN THẠO ngày 28/01/2013

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 2017(Xem: 10841)
02 Tháng Chín 2014(Xem: 16264)
17 Tháng Giêng 2012(Xem: 24724)
08 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 25035)
100,000